) 10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022 - VnEconomy Emagazine
10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 1
10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 2

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Cuộc chiến này đã gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm 2022 và đến hiện tại các bên liên quan vẫn chưa thể tìm ra giải pháp để kết thúc chiến tranh. Do cả Nga và Ukraine đều là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực của thế giới, cuộc chiến đã gây ra một loạt hệ lụy.

Trong một báo cáo hồi tháng 11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nói rằng chiến tranh Nga-Ukraine đã gây ra “một cú sốc năng lượng to lớn và ở tầm lịch sử”, thổi bùng lạm phát, bào mòn niềm tin, làm suy yếu sức mua và gia tăng rủi ro trên khắp thế giới. Vì vậy, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra đã đi trệch hướng trong năm 2022.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 3

Sau khi chiến tranh nổ ra, một “cơn bão” lệnh trừng phạt của phương Tây đã trút xuống Nga. Trong khi đó, một điểm yếu của châu Âu lại chính là sự phụ thuộc của khu vực này vào nguồn cung năng lượng Nga. Dòng chảy khí đốt Nga cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) đã liên tục bị cắt giảm - điều mà phương Tây cáo buộc là Nga “vũ khí hoá năng lượng”, còn Nga giải thích là do vấn đề kỹ thuật - trong đó đường ống lớn nhất là Nord Stream 1 đã đóng cửa hoàn toàn từ đầu tháng 9. Giá khí đốt ở châu Âu đã lập kỷ lục mọi thời đại ở mức gần 350 Euro/megawatt giờ hồi tháng 8, tăng gấp gần 5 lần so với đầu năm. Giá dầu cũng tăng phi mã vì Nga là nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Trong tháng 3, giá dầu thế giới tiến gần tới kỷ lục mọi thời đại 147 USD/thùng thiết lập hồi năm 2008. Cùng với đó, giá các mặt hàng ngũ cốc cũng tăng mạnh vì Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu chủ chốt những sản phẩm này.

Kết hợp với những nút thắt chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 còn chưa được giải tỏa, cơn sốt giá năng lượng và lương thực khiến lạm phát “bốc đầu” ở hầu khắp các nền kinh tế. Ở Mỹ, lạm phát vượt 9% trong mùa hè, cao nhất hơn 40 năm. Ở khu vực Eurozone, lạm phát lập kỷ lục ở mức 10,6% vào tháng 10. Theo một số ước tính, lạm phát toàn cầu đã vượt ngưỡng 12% trong tháng 10.

Để hỗ trợ người dân vượt “bão giá”, các chính phủ ở Anh và châu Âu đã chi hàng trăm tỷ USD để trợ cấp, đồng thời sử dụng tới những biện pháp hiếm gặp như áp trần giá khí đốt. Dù giá khí đốt ở châu Âu gần đây đã “hạ nhiệt” nhờ mức dự trữ dồi dào, cuộc khủng hoảng năng lượng được dự báo sẽ còn căng thẳng trong năm 2023, khi Nga có thể cắt hẳn cung cấp khí đốt cho châu Âu để đáp trả những biện pháp trừng phạt mới được đưa vào thực thi gần đây, gồm việc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) áp trần giá 60 USD/thùng lên dầu thô Nga và EU cấm nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 4

Để “hãm phanh” lạm phát, các ngân hàng trung ương không còn cách nào khác phải tăng lãi suất. Một điều đáng nói là các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của nhiều nước đã đánh giá thấp về nguy cơ lạm phát trong năm 2021, trong đó có cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nên khi lạm phát tăng tốc trong năm 2022, họ đã phải dấn thân vào một cuộc đua lãi suất để hãm đà leo thang của giá cả, cho dù hệ lụy của tăng lãi suất là gây giảm tốc nền kinh tế.

Fed chính là ngân hàng trung ương lớn dẫn đầu cuộc đua này, với tất cả 7 đợt nâng, bao gồm 4 đợt nâng liên tiếp với bước nhảy siêu lớn 0,75 điểm phần trăm - đánh dấu chu kỳ thắt chặt mạnh tay nhất của Fed kể từ thập niên 1980. Các ngân hàng trung ương khác lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đảo ngược chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã duy trì nhiều năm. Các nền kinh tế mới nổi từ Thái Lan, Việt Nam tới Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt tăng lãi suất theo.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là hai ngoại lệ, đứng ngoài cuộc đua lãi suất toàn cầu, bởi Trung Quốc và Nhật Bản đều ưu tiên phục hồi kinh tế và lạm phát ở hai nền kinh tế này về cơ bản giữ ở mức thấp.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 5

Việc các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng loạt nâng mạnh lãi suất - một hiện tượng ở cấp độ chưa từng có tiền lệ - đã dẫn tới sự biến động mạnh mẽ của tỷ giá các đồng tiền. Nổi bật hơn cả là đà tăng “bất bại” của đồng USD - khi bạc xanh hưởng lợi kép từ việc Fed dẫn đầu việc tăng lãi suất và vai trò “hầm trú ẩn” trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế toàn cầu gia tăng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng lên vùng 115 điểm vào tháng 9, cao hơn gần 19% so với thời điểm đầu năm. Cùng với đó, tỷ giá các đồng tiền như Bảng Anh, Yên Nhật, Euro, Nhân dân tệ Trung Quốc… đồng loạt rớt xuống mức thấp kỷ lục hoặc thấp nhất trong nhiều thập kỷ so với USD.

Lãi suất tăng mạnh ở các nền kinh tế phát triển cũng hút dòng vốn nóng chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi và phát triển, khiến đồng tiền của các nước này sụt giá mạnh, làm gia tăng gánh nặng nợ ngoại tệ vốn dĩ đã lớn của nhiều nước. Đây là một trong những lý do khiến Sri Lanka rơi vào cảnh vỡ nợ.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 6

Sự cộng hưởng của biến động tỷ giá, căng thẳng địa chính trị và triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi đã dẫn tới biến động mạnh mẽ của giá các loại hàng hóa cơ bản trong năm 2022. Sau khi tăng bùng nổ vào đầu năm vì mối lo gián đoạn nguồn cung do chiến tranh, giá nhiều loại hàng hóa cơ bản đã giảm mạnh sau đó khi đương đầu với sức ép từ đồng USD tăng giá, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái.

Điển hình là giá dầu thô và giá vàng. Sau khi đạt mức cao nhất 14 năm gần 130 USD/thùng vào tháng 3, giá dầu thế giới đã giằng co nghiêng về giảm, còn hơn 80 USD/thùng vào thời điểm ngày 21/12, tương đương mức giảm hơn 38%. Giá vàng sau khi vượt 2.000 USD/oz vào tháng 3 đã trượt về 1.600 USD/oz vào tháng 9, rồi hồi về vùng 1.800 USD/oz vào cuối năm.

Tương tự, giá kim loại đồng - loại hàng hóa cơ bản mà nhu cầu được xem là thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu - cũng biến động mạnh. Giá đồng giao sau trên sàn LME ở London lên gần 11.000 USD/tấn vào tháng 3, sau đó giảm dưới 7.000 USD/tấn vào tháng 7, và dao động quanh ngưỡng 8.500 USD/tấn vào cuối tháng 12 - giảm hơn 11% so với đầu năm.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 7

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sau khi đạt tốc độ tăng trưởng 6% trong năm 2021 - một sự phục hồi mạnh mẽ từ mức tăng trưởng âm 3% trong năm 2020 - nền kinh tế thế giới được dự báo chỉ tăng 3,2% trong năm 2022 và 2,7% trong năm 2023. Thậm chí, nhiều tổ chức dự báo cho rằng thế giới đang trượt vào một cuộc suy thoái dưới sức ép của lãi suất tăng cao. Các mức tăng trưởng dự báo của năm 2022 và 2023 là thấp nhất kể từ năm 2001 ngoại trừ thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Một vấn đề ám ảnh giới hoạch định chính sách trong năm 2022 là lạm phát của thế giới vẫn leo thang ngay cả khi kinh tế sụt tốc - sự kết hợp có tên gọi “stagflation”. Lạm phát toàn cầu được IMF dự báo tăng từ 4,7% trong năm 2021 lên 8,8% trong năm 2022. Tuy nhiên, có một tin tốt là IMF kỳ vọng tốc độ lạm phát của thế giới sẽ giảm về mức  6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 8

Sau 2 năm theo đuổi chính sách chống dịch hà khắc mang tên Zero Covid, Trung Quốc đã quyết định nới lỏng vào tháng 12 - một động thái được cho là “mở đường” để quốc gia đông dân nhất thế giới tiến tới “sống chung với Covid” như các nước khác trên thế giới. Sự nới lỏng này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản nước này vẫn chưa có hồi kết.

Việc Trung Quốc tiến tới mở cửa trở lại được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2023. Nếu phục hồi mạnh, Trung Quốc có thể giữ vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới thoát khỏi nguy cơ suy thoái, trong lúc cả kinh tế Mỹ và châu Âu đều được dự báo có thể suy thoái trong 2023. Nhưng cùng với đó, sự khởi sắc của nhu cầu ở Trung Quốc cũng có thể khiến lạm phát trên toàn cầu tăng tốc trở lại, khiến các ngân hàng trung ương khó sớm xoay trục chính sách tiền tệ. Đó là nhìn trong dài hạn, còn trước mắt, Trung Quốc đang phải ứng phó với sự gia tăng của số ca nhiễm mới sau khi các biện pháp chống dịch được nới, và điều này được cho là sẽ gây trở ngại cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong ít nhất nửa đầu 2023.

Theo dự báo của giới chuyên gia kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 3,2% trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ thập niên 1970 nếu không tính cú sụt do đại dịch gây ra vào năm 2020, đồng thời cách xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 5,5% mà Bắc Kinh đề ra.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 9

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên cầm quyền, cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh không còn những diễn biến gay cấn như dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, mức độ mâu thuẫn giữa hai cường quốc không vì thế mà giảm xuống. Tâm điểm của cuộc đối đầu này hiện đang xoay quanh lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là con chip - linh kiện nhỏ bé nhưng giữ vai trò trung tâm trong các thiết bị từ điện thoại thông minh cho tới xe tự lái và vũ khí quân sự.

Lo ngại trước sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ, khi Bắc Kinh hạ quyết tâm đạt tự chủ công nghệ để không còn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây, Mỹ đã liên tiếp áp các biện pháp nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc tiếp cận với các công nghệ tiên tiến của mình, trong đó có các công nghệ liên quan đến chip.

Hồi tháng 10, Mỹ đưa ra một loạt hạn chế đối với việc xuất khẩu sang Trung Quốc những con chip được sản xuất bằng trang thiết bị máy móc của Mỹ, cũng như bất kỳ linh kiện bán dẫn nào được thiết kế dành cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Động thái này của chính quyền Biden về cơ bản “trói chân” ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Tiếp đó, vào tháng 12, Bộ Thương mại Mỹ đưa 36 công ty Trung Quốc, gồm các nhà sản xuất hàng đầu chip máy tính tiên tiến của nước này, vào "Danh sách thực thể” bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc tiếp cận bất kỳ công nghệ nào của Mỹ.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 10

Đồng tiền ảo lớn nhất thế giới là Bitcoin từng được giới ủng hộ tiền ảo kỳ vọng sẽ là “vàng kỹ thuật số”, có khả năng trở thành một kênh đầu tư an toàn khi thị trường tài chính toàn cầu biến động, căng thẳng địa chính trị gia tăng, hay kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong năm 2022 lại cho thấy rằng tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng vẫn là một tài sản có độ rủi ro lớn. Khi các tài sản rủi ro như cổ phiếu và hàng hóa cơ bản bị bán tháo dưới áp lực của lãi suất tăng, tiền ảo cũng bị bán tháo mạnh không kém. Từ mức gần 48.000 USD vào đầu năm, giá Bitcoin những ngày cuối năm còn dưới 17.000 USD. Từ mức kỷ lục hơn 69.000 USD thiết lập vào tháng 11/2021, giá Bitcoin hiện đã giảm hơn 75%. Giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu cũng giảm từ kỷ lục hơn 3.000 tỷ USD còn hơn 800 tỷ USD.

Cú trượt dài của thị trường tiền ảo trong năm 2022 dẫn tới một loạt vụ sụp đổ trong ngành công nghiệp còn non trẻ này, trong đó phải kể tới vụ phá sản của sàn giao dịch tiền ảo hàng đầu thế giới FTX và công ty cho vay tiền ảo BlockFi. Trong vụ phá sản của FTX, ước tính có tới 1 triệu chủ nợ, trong đó số tiền nợ của 50 chủ nợ lớn nhất đã là hơn 3 tỷ USD. Sau một thời gian trốn tránh nhà chức trách, nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried đã bị bắt ở Bahamas và sau đó bị dẫn độ về Mỹ để chờ ngày hầu tòa.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 11

Công nghệ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất khi lãi suất tăng cao, bởi cổ phiếu của các công ty công nghệ - nhất là những công ty có tốc độ tăng trưởng lớn - được định giá dựa trên dòng tiền tương lai của doanh nghiệp.

Tính đến cuối tháng 11, tổng giá trị vốn hóa thị trường các công ty trong chỉ số công nghệ Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 7,4 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn hóa của Microsoft giảm 700 tỷ USD và vốn hóa của Meta giảm 600 tỷ USD. Cổ phiếu hãng xe điện Rivian giảm hơn 80% sau khi đạt đỉnh hơn 150 tỷ USD. Đối mặt thực tế khắc nghiệt, các công ty công nghệ đua nhau cắt giảm chi phí, đóng băng kế hoạch tuyển dụng, và ồ ạt sa thải nhân sự. Theo một ước tính của Crunchbase, hơn 91.000 nhân viên công nghệ ở Mỹ đã mất việc làm trong năm 2022.

Khó khăn của lĩnh vực công nghệ cũng được phản ánh qua biến động tài sản của các tỷ phú công nghệ trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Dữ liệu từ xếp hạng Bloomberg Billionaires Index cho thấy sự “bốc hơi” nhiều tỷ USD khỏi khối tài sản ròng của các tỷ phú công nghệ, như Elon Musk mất 123 tỷ USD từ đầu năm đến ngày 20/12 và để tuột mất vị trí người giàu nhất thế giới; Bill Gates mất gần 29 tỷ USD; Jeff Bezos mất 84 tỷ USD; Larry Page và Sergei Brin mất khoảng 44 tỷ USD mỗi người…

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 12

VnEconomy 01/01/2023 08:08

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 1 phát hành ngày 2-1-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

10 vấn đề nổi bật của kinh tế toàn cầu 2022    - Ảnh 13