) 6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - VnEconomy Emagazine
6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 1
6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 2

Xin Bộ trưởng khái quát về những điểm sáng, thành tích nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023?

Năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có rất nhiều điểm sáng.

Một là, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, tăng trưởng GDP toàn ngành nông lâm ngư nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây (Năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,27%; năm 2022 tăng 3,36%).

Hai là, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể kết quả sản xuất năm 2023: sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9% so với năm trước.

Ba là, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước). Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%; gạo ST25 lần thứ hai đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.

Bốn là, năm vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông, lâm, thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Năm là, số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Sáu là, đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 3

Trong năm qua, ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại chưa giải quyết được. Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể?

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn còn những mục tiêu chưa đạt được trong năm 2023, đó là: có 3 Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảng cá) chưa được ban hành đúng kế hoạch; chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao; các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến; còn điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép; chưa gỡ được “Thẻ vàng” về IUU; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra.

6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 4

Bộ trưởng tự hào về số lượng 11.000 sản phẩm OCOP trên cả nước. Ông mong muốn gì ở Chương trình này?

Mục tiêu của Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Trong mỗi sản phẩm OCOP có tích hợp đa giá trị, có niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa - yếu tố phân biệt giá trị sản phẩm OCOP của từng vùng, miền. Ngày nay người ta không chỉ mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm. Mỗi sản phẩm OCOP hướng tới kích hoạt sự năng động, “hồi sinh sức sống” của cộng đồng nông thôn, thông qua đó để đào tạo một thế hệ doanh nhân mới là những người trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP. 

Nếu bán cái hữu hình thì có giá để so sánh, nhưng sẽ không có cái giá nào để so sánh khi bán niềm tự hào của người dân, những giá trị văn hóa bản địa được lồng ghép tinh tế trong các sản phẩm OCOP. Việc tạo ra một sản phẩm đã khó, nhưng đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị và duy trì nó lại càng khó hơn. Ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng. Vì vậy, phát triển sản phẩm OCOP đòi hỏi mỗi chủ thể phải sáng tạo không ngừng, sẽ không có điểm dừng cho việc phát triển các sản phẩm OCOP.

6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 5

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bộ trưởng kỳ vọng gì về đề án này?

Năm vừa qua, gạo Việt Nam được vinh danh gạo Việt gạo ngon nhất thế giới, đây là kết quả từ tận hiến của các nhà nông học, các viện trường, các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân, thuốc, doanh nghiệp thương mại. Tất cả đều thực hiện giấc mơ đưa hạt gạo Việt ra thế giới bằng tất cả sự tự hào dân tộc.

Thành công rực rỡ về xuất khẩu trong nhiều năm qua, đặc biệt năm 2023 và hành trình mới đã bắt đầu với rất nhiều kỳ vọng lớn lao. Không gian phát triển ngành hàng lúa gạo dù đang ở biên độ rộng nhất nhưng cũng đã gần tới hạn. 

Với diện tích sản xuất lớn, sản lượng lúa gạo xuất khẩu nhiều và hơn 10 triệu hộ nông dân trồng lúa, 300 doanh nghiệp, 20.000 người thu mua lúa,… không gian và các thành tố trong chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam rất lớn. Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai sẽ cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam, đó là: tăng sản lượng lúa gạo; tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu…

6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 6

“Phát triển bền vững” không phải là câu từ cho đẹp các đề án, mà đang đặt ra mục tiêu thực tế cho cả đất nước, các địa phương, trong từng ngành, từng lĩnh vực. Hai thành phần, hay nói cách khác là hai đội quân chủ lực, tham gia thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, chính là nông dân và doanh nghiệp. Một bên là đầu vào, một bên là đầu ra, chỉ cần thiếu một trong hai, chắc chắn sẽ không thành công. Khởi đầu với thách thức lớn nhất là tạo được sự đồng thuận về nhận thức trong tất cả các bên tham gia, một hạt gạo rất nhỏ bé, chỉ nặng 0,029 gam, nhưng chắc chắn mỗi người sẽ có cách nhìn khác nhau và đôi khi làm nặng lòng cho cả hệ thống. Hạt lúa tuy nhẹ nhưng đôi khi làm rối loạn cả chuỗi liên kết cung cầu.

Thương hiệu lúa gạo Việt phải được tạo dựng bằng triết lý: “Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa”. Đồng thuận trong nhận thức là “điều kiện cần”, nhưng đồng thuận trong hành động mới là “điều kiện đủ” đi đến thành công, để tất cả các bên cùng thắng. Đây là lúc mỗi người cần thẩm thấu triết lý nhân sinh: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Phải cùng liên kết với nhau tạo thành hệ sinh thái gồm tất cả tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng chính là cộng hưởng sức mạnh. 

6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 7

Ngành nông nghiệp đang thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ là mở rộng ngành hàng này hay thu hẹp ngành hàng kia mà phải tích hợp các giá trị, vừa mang giá trị địa phương, vừa mang giá trị toàn cầu; chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang phương pháp tích hợp đa ngành, đa giá trị. Vì vậy, kinh tế nông nghiệp bao hàm cả nền kinh tế tri thức và kinh tế tương lai.

Để làm được điều này, ngành nông nghiệp phải đi theo xu thế kinh tế tuần hoàn, từ đó tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn thông qua sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới. Kinh tế tuần hoàn sẽ giải phóng những giá trị còn tiềm ẩn của ngành nông nghiệp, giúp giải quyết những vấn đề về sinh kế, việc làm, giúp tiếp cận nông nghiệp sinh thái đa giá trị, thích ứng với tăng trưởng xanh trên toàn cầu, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 8

VnEconomy 11/02/2024 12:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

6 điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2023 - Ảnh 9