Theo đánh giá của tỉnh, hiện Bắc Ninh cơ bản đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn. Đạt được thành quả đó, liệu có phải do các chính sách hỗ trợ đúng, trúng của tỉnh nhà thời gian qua không, thưa bà?
Đúng như vậy, hiện công nghiệp điện tử đang là ngành mũi nhọn của Bắc Ninh với tỷ trọng chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, điều đó khẳng định vai trò “đầu tàu” cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bắc Ninh. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch vừa rồi nhưng đánh giá tổng quan, ước cả năm 2021 Bắc Ninh cũng đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 8,5% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò động lực; nhiều sản phẩm tăng mạnh so với cùng kỳ như linh kiện điện tử tăng 40,2%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước 87,7 tỷ USD, vượt 27,5% kế hoạch, tăng 21,1%; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước 46,4 tỷ USD, vượt 27,1%, tăng 18,7%.
Những kết quả trên đã thể hiện Bắc Ninh thực hiện được mục tiêu kép, chống dịch nhanh, hiệu quả, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng đạt tăng 6,08% so với năm trước (vượt kế hoạch đề ra từ 4-5%).
Ngoài những chính sách ưu đãi đầu tư chung của Nhà nước đối với nhà đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đã và đang thực hiện một số chính sách hỗ trợ riêng theo từng lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (như theo Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh...); hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 26/8/2020...). Các chính sách đã và đang phát huy hiệu quả góp phần đưa ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, theo chiều sâu.
Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng và định hướng bố trí không gian, nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp, tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với trọng tâm là hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào nhóm ngành điện tử, phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Thưa bà, các nguồn vốn đầu tư vào Bắc Ninh đang có vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Vậy bà có thể cho biết rõ hơn về kết quả thu hút vốn đầu tư từ đầu năm 2021 đến nay vào Bắc Ninh?
Mặc dù chịu không ít tác động từ dịch bệnh Covid-19, Bắc Ninh vẫn đạt được những kết quả rất khả quan về thu hút đầu tư trong 11 tháng năm 2021.
Cụ thể, đầu tư trong nước: Cấp mới đăng ký đầu tư 53 dự án với tổng vốn 19.116,8 tỷ đồng; điều chỉnh 77 dự án, trong đó điều chỉnh vốn 24 dự án, tổng vốn tăng 4.054,5 tỷ đồng; thu hồi 5 dự án với tổng vốn 413,7 tỷ đồng. Lũy kế đến hết ngày 18/11/2021, đã cấp đăng ký đầu tư 1.485 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh 221.985,7 tỷ đồng.
Đầu tư nước ngoài: Tổng vốn đầu tư thu hút 11 tháng 2021 đạt: 938,8 triệu USD (đứng thứ 8 cả nước về quy mô vốn thu hút đầu tư), trong đó: Cấp mới 115 dự án, tổng vốn đăng ký 572,4 triệu USD; điều chỉnh vốn 93 dự án, tổng vốn tăng 211 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 73 lượt với giá trị 155,4 triệu USD. Lũy kế đến hết ngày 18/11/2021, đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.705 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 20,57 tỷ USD.
Đó là những tín hiệu tốt để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Vậy chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại thời gian tới của tỉnh sẽ thay đổi như thế nào cho phù hợp với chiến lược chống dịch mới, thưa bà?
Trước khi Bắc Ninh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (tháng 5/2021 là đợt dịch bùng phát), tỉnh quán triệt thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất hàm lượng công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” (sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao, hàm lượng công nghệ cao; sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách, sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư).
Tuy nhiên, trong điều kiện tình hình mới, Bắc Ninh đã nâng tiêu chí “4 sẵn sàng” lên “5 sẵn sàng”, thêm sẵn sàng ứng phó, kiểm soát tốt tình hình khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là trong khu, cụm công nghiệp. Chiến lược mới ở đây chính là “an toàn để đầu tư, an tâm để sản xuất”. Đây là quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc bảo vệ thành trì vững chắc cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, Bắc Ninh luôn xác định yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn trên cả nước như hiện nay.
Tinh thần này sẽ tiếp tục phát huy để thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Việc tiêm vaccine đang được tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện vì đây là một trong những “lá chắn” tạo nên môi trường đầu tư an toàn, ổn định cho các nhà đầu tư.
Về đầu tư nước ngoài: trong thời gian tới, Bắc Ninh tập trung thu hút các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Củng cố các đối tác đầu tư chiến lược (Nhật Bản, Hàn Quốc...), mở rộng các đối tác đầu tư thuộc khu vực Đông Âu, Mỹ La tinh…; đẩy mạnh thu hút đầu tư của các đối tác là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thông qua các tập đoàn đa quốc gia.
Về đầu tư trong nước: Thu hút các tập đoàn, công ty lớn đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thế mạnh của tỉnh, các dự án hạ tầng đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ, giải trí, xã hội; thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa bàn. Phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất.
Về xúc tiến thương mại, tiếp tục tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế Hiệp định thương mại tự do đem lại, phát triển thương mại điện tử; Đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đăng cai tổ chức thường niên các hoạt động, sự kiện kinh tế, thương mại quy mô quốc gia và quốc tế thích ứng với tình hình mới; Nâng cao quy mô, chất lượng và gắn kết các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đảm bảo có hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người dân. Tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp, nhất là giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp FDI; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt các cơ hội kinh doanh trong thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…).
VnEconomy 29/11/2021 10:30