Thưa Giáo sư, Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên “mở cửa” với các nhà đầu tư Nhật Bản. Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước khi đó, ông có thể cho độc giả biết dự án đầu tiên vào Khu kinh tế Nghi Sơn đã diễn ra ra sao? Ông đánh giá như thế nào về quá trình 30 năm thu hút FDI của tỉnh Thanh Hóa?
Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, nhà đầu tư Nhật Bản có ngỏ ý muốn đầu tư một nhà máy sản xuất xi măng công nghệ cao, quy mô lớn ở Việt Nam. Họ muốn tìm một địa điểm thuận lợi, vừa có mỏ đá vôi có trữ lượng lớn để khai thác làm nguyên liệu lâu dài, vừa có cảng biển để thuận tiện trong hoạt động logistics. Thông qua Trung ương và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) giới thiệu, họ tìm đến vùng Nam Thanh, Bắc Nghệ. Khi đó, Khu kinh tế Nghi Sơn chưa ra đời, nhưng tiềm năng của vùng đất này đã được Trung ương nhìn thấy, đang quy hoạch thành một khu kinh tế, bao gồm cả khu công nghiệp, khu đô thị và cảng biển trong tương lai gần.
Ban đầu, nhà đầu tư Nhật Bản có ý định đặt nhà máy tại khu vực Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát thực tế, nhận thấy Nghi Sơn có lợi thế phát triển một cảng nước sâu chuyên dụng nên họ quyết định đặt nhà máy tại đây và xây dựng băng chuyền vận chuyển đá vôi từ Hoàng Mai về. Đó chính là dự án FDI quy mô lớn đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa cũng như cả khu vực Bắc Trung Bộ có tính chất đột phá, mở đường. Sau đó, các dự án lớn khác tiếp tục tìm đến Nghi Sơn, như: nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy nhiệt điện hay dự án nhà máy điện khí LNG sắp tới. Những thành công này đã biến Nghi Sơn trở thành 1 trong 5 khu kinh tế ven biển (bên cạnh các khu kinh tế Hải Phòng, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất) thành công nhất cả nước.
Thanh Hóa là địa phương tiên phong, thu hút FDI sớm và chọn lọc được những dự án quy mô lớn, đóng góp hơn 50% số thu ngân sách hàng năm của tỉnh, trên dưới 1 tỷ USD hàng năm, đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương có những bước phát triển mạnh mẽ.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/12/2023 Thanh Hóa đã thu hút được hơn 15 tỷ USD từ các doanh nghiệp FDI, dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, từ 5 năm nay, tốc độ thu hút FDI của Thanh Hóa đang có dấu hiệu chững lại. Giáo sư nhận định gì về hiện tượng này?
Trước hết, cần phải khẳng định việc lên xuống trong thu hút FDI của một quốc gia hay một địa phương mà cụ thể ở đây là tỉnh Thanh Hóa là điều hết sức bình thường, không nên xem nó là điểm trừ hay khuyết điểm gì đó của lãnh đạo địa phương. Bởi việc xúc tiến đầu tư, kế hoạch thu hút đầu tư của địa phương còn phụ thuộc vào diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Chiến lược đó có thể thay đổi hàng năm, hàng quý, thậm chí hàng tháng. Ví dụ như khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 5 năm, ngay lập tức đã tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, khiến hàng loạt quốc gia phải điều chỉnh theo, chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia cũng vì thế mà có sự thay đổi.
Nguyên nhân của việc này thì có nhiều, nhưng tựu trung lại vẫn là ở con người, nhất là người đứng đầu. Ví dụ như Bắc Ninh đang nổi lên như một trong những địa phương thành công nhất trong thu hút FDI của cả nước. Tuy nhiên, không phải bỗng nhiên mà Bắc Ninh có thể kéo được Samsung đến đầu tư. Tôi đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi với Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Bắc Ninh lúc bấy giờ và được biết ngay khi có thông tin Samsung có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam, họ đã bắt tay hành động.
Ban đầu, Samsung mong muốn đầu tư tại Hà Nội hoặc khu vực phụ cận Hà Nội, họ chưa có ý định tìm đến Bắc Ninh. Bắc Ninh không có tên trong danh sách lựa chọn ban đầu của Samsung. Bắc Ninh không có bất kỳ tiềm năng nào để so sánh với Hà Nội.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là mặt bằng và cơ chế, nên Hà Nội còn đang loay hoay. Khi đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã chủ động liên lạc với Đại sứ Hàn Quốc và Samsung Việt Nam, mời Đại sứ Hàn Quốc và Tổng giám đốc Samsung Việt Nam tại Hà Nội lên Bắc Ninh tham quan. Chỉ sau một ngày khảo sát, tìm hiểu, nghe hát quan họ, thưởng thức văn hóa, ẩm thực ở địa phương, cảm nhận được thiện chí của lãnh đạo tỉnh, câu chuyện đã có chuyển biến. Không lâu sau đó, ông Chủ tịch Samsung từ Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc và quyết định lựa chọn Bắc Ninh để xây dựng thủ phủ smartphone toàn cầu đã được thống nhất ngay trong cuộc làm việc đầu tiên.
Từ câu chuyện thu hút Samsung của Bắc Ninh, Thanh Hóa có thể nhìn thấy những cơ hội lớn và cần phải đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư. Công tác xúc tiến đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Hiện nay, công tác xúc tiến đầu tư phải có địa chỉ rõ ràng, phải xây dựng dựa trên công tác dự báo và cập nhật liên tục những thay đổi đang diễn ra. Thanh Hóa thay vì tổ chức những hội nghị, hội thảo, những sự kiện hàng trăm, hàng nghìn người, thì lãnh đạo địa phương cần chọn những dự án, tập đoàn cụ thể, đích danh và tiến hành công việc xúc tiến đầu tư có địa chỉ, theo chiều sâu.
Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là ba tỉnh láng giềng có điều kiện tự nhiên, có xuất phát điểm tương đồng nhau ở khu vực Bắc Trung Bộ. Cả ba tỉnh hiện nay đều có các khu kinh tế ven biển và chạy đua quyết liệt trong việc thu hút FDI. Theo giáo sư, các địa phương này cần làm gì để vừa cạnh tranh, vừa hỗ trợ, vừa liên kết cùng nhau trong phát triển kinh tế nói chung và thu hút FDI nói riêng?
Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều có thể ví là một Việt Nam thu nhỏ, vừa có ba vùng địa hình, miền núi, miền xuôi và đồng bằng ven biển. Cả ba địa phương đều thành lập khu kinh tế từ khá sớm, có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội tương đồng. Tuy nhiên câu chuyện hợp tác, liên kết vùng chưa thực sự rõ nét.
Kinh tế vùng đã được Đảng ta đặt ra từ Đại hội IV khi đất nước vừa thống nhất, tuy nhiên, chúng ta chưa thực hiện được những vùng kinh tế đúng nghĩa. Nền kinh tế Việt Nam là phép cộng của nền kinh tế 63 tỉnh, thành phố, không có dấu ấn vùng kinh tế. Vì thế không ngạc nhiên khi cả ba địa phương khu vực Bắc Trung Bộ bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ có chung nhau về điều kiện tự nhiên, xã hội, sự gần gũi về vị trí địa lý, chứ chưa có những liên kết thật sự để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng trong ứng phó phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Hiện nay, nếu mỗi tỉnh làm một phách, một dự án lớn muốn đầu tư mà cả ba địa phương đều trải thảm đỏ ưu đãi thì rất dễ dẫm chân lên nhau, không tối ưu hóa được nguồn lực.
Về việc phát triển kinh tế vùng, chúng tôi đã có ý kiến đóng góp với Ban kinh tế Trung ương, Chính phủ về việc cần thiết phải thay đổi hoạt động, tổ chức của Hội đồng kinh tế vùng. Hiện nay, các Hội đồng này một năm họp một đôi lần, làm nhiệm vụ tư vấn là chính, cán bộ, chuyên gia chủ yếu làm kiêm nhiệm nên hiệu lực không cao. Cần cải cách các Hội đồng này thành một cơ quan vừa tư vấn, vừa điều hành những vấn đề kinh tế mang tính liên kết, nội vùng, liên vùng và hợp tác quốc tế trên cơ sở không chồng chéo với chính quyền địa phương.
Chúng ta có thể học hỏi mô hình Vùng Paris, độc lập với chính quyền thành phố và Chính phủ Pháp. Muốn làm thế, Hội đồng phải có kinh phí thường xuyên và có cán bộ chuyên trách. Cán bộ ở Hội đồng vùng không cần nhiều mà phải thực sự là chuyên gia giỏi và được trả lương cao.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc thiếu các mặt bằng sạch. Giáo sư nhận định như thế nào về việc thiếu vắng các quỹ đất sạch khiến Thanh Hóa gặp khó trong thu hút đầu tư trong thời gian qua, nhất là việc đón dòng vốn ngoại dịch chuyển khỏi Trung Quốc?
Điều mà nhà đầu tư cần là thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, thời gian thực hiện nhanh, cấp phép nhanh. Bên cạnh đó, để thu hút dòng vốn lớn đang dịch chuyển, cần có một quỹ đất sạch đủ lớn. Nhà đầu tư nào cũng cần bắt tay vào thi công nhà xưởng ngay sau khi cấp phép. Họ không thể chờ đợi hàng năm trời chỉ để giải phóng mặt bằng. Họ cũng không thể chạy từ sở này sang sở khác chỉ để hoàn thiện một vài thủ tục hành chính đơn giản. Bởi vì họ cần dòng chảy sản xuất liên tục, họ cần đáp ứng ngay, đáp ứng đủ các đơn hàng với các đối tác lớn toàn cầu.
Vì sao chúng ta chưa đón được nhiều dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc? Đó là bởi họ dừng sản xuất ở Trung Quốc để chuyển đi thì phải nhanh, nhưng mất tới 1-2 năm để làm thủ tục thì họ sẽ mất đơn hàng, vậy ai lại chọn Việt Nam? Họ có thể sang Indonesia. Tổng thống Indonesia đã lệnh, dự án 70 triệu USD, tạo được 300 việc làm sẽ được cấp phép trong một ngày. Philippines, Ấn Độ cũng có nhiều chính sách ưu đãi cao…
Nếu quan sát sâu hơn vào các địa phương sẽ thấy sự thay đổi tích cực đã diễn ra ngay từ những năm gần đây. Trước đây, những tỉnh, thành phố trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI thường là vì lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng, nhưng gần đây, điều quan trọng nhất là cải cách hành chính và đổi mới sáng tạo trong vận động đầu tư, xúc tiến đầu tư và cấp giấy phép kinh doanh.
Ví dụ như Bắc Giang, khi có nhà đầu tư Foxconn của Đài Loan đầu tư vào với 1,5 tỷ USD, tỉnh đã xin Thủ tướng Chính phủ cho mở ngay một khu công nghiệp mới. Sau đó, chỉ trong vòng 3-4 tháng đã giải phóng xong mặt bằng và bắt đầu triển khai.
Một địa phương khác cũng thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới trong thu hút vốn FDI là Nghệ An. Cụ thể, tỉnh này đã thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Điển hình như việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một dự án sản xuất hợp kim nhôm phục vụ cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử quy mô 165 triệu USD chỉ trong 5 ngày, giảm gần 1/3 so với quy định.
Tôi cho rằng Thanh Hóa cần thay đổi chiến lược thu hút FDI. Trước đây chúng ta thu hút doanh nghiệp FDI vào rồi cam kết đồng hành cùng họ, giải phóng mặt bằng cùng họ, hỗ trợ họ trong các khâu chuẩn bị mặt bằng, kỹ thuật,… nhưng hiện nay, những cam kết này là không đủ. Thanh Hóa cần phát triển những khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn, đa dạng, luôn sẵn sàng để các doanh nghiệp FDI có thể đầu tư sản xuất ngay sau khi cấp phép, khởi công. Thậm chí Thanh Hóa cần dịch vụ “nhà xưởng may sẵn”, trong các khu công nghiệp đa dạng đã sẵn sàng khai thác để ngay lập tức nhà đầu tư ngoại có thể bắt tay vào sản xuất.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đồng thời là quốc gia tiên phong trong giảm phát thải carbon, tiên phong trong áp thuế tối thiểu toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Thanh Hóa cần chuẩn bị những gì để tiếp tục duy trì vị thế của mình trong bản đồ FDI Việt Nam?
Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta có vận hội lớn như hôm nay để thu hút FDI. Chỉ trong một năm chúng ta đã đón 28 đoàn khách quốc tế cấp cao, nguyên thủ quốc gia thăm chính thức Việt Nam; đồng thời, chúng ta cũng có 22 chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đến các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đặc biệt trong đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Gần đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lần hội kiến Tổng thống Mỹ trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79. Điều đó chứng tỏ vai trò và vị thế của chúng ta trên trường quốc tế đã được nâng lên tầm cao mới. Dòng vốn FDI theo đó sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Việc chúng ta tham gia 17 FTA thế hệ mới, cam kết giảm phát thải carbon, tham gia hiệp ước về thuế tối thiểu toàn cầu sớm chính là những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới về cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến những giá trị cốt lõi toàn cầu. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn của Việt Nam.
Từ cam kết của Trung ương, Thanh Hóa cũng có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, mở ra cơ hội đón đầu làn sóng FDI thế hệ thứ 4 đang dịch chuyển mạnh mẽ. Muốn đạt được kết quả tốt, Thanh Hóa cần chuẩn bị một đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có đạo đức công vụ ngang tầm nhiệm vụ để chuẩn bị sẵn sàng khi thời cơ, cơ hội đến. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cần dứt khoát, quyết liệt phát triển các khu đô thị xanh, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp tuần hoàn, những thành phố, đô thị, khu kinh tế thông minh; xây dựng và hoàn thiện chính quyền số; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư có địa chỉ, quảng bá hình ảnh và văn hóa địa phương trong dòng chảy toàn cầu hóa.
Thanh Hóa phải xác định, cạnh tranh thu hút FDI là cạnh tranh toàn cầu. Thanh Hóa không chỉ cạnh tranh với các địa phương, trong nước, trong khu vực, mà cạnh tranh với cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, với các thành phố, đô thị trên thế giới. Khi chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện đó, chắc chắn dòng chảy FDI chất lượng cao sẽ đổ về Thanh Hóa.
Hiện nay, Thanh Hóa đang thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Thanh Hóa cần nỗ lực ra sao trong việc thu hút FDI cũng như phát triển kinh tế để sớm trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh, thưa giáo sư?
Có thể nói Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị là vô cùng quan trọng, chưa từng có, đây là một bước ngoặt có tính lịch sử đối với Thanh Hóa. Đây là tiền đề đặc biệt để Thanh Hóa phát huy hết tiềm năng, huy động tất cả các nguồn lực, nhất là nguồn lực nội tại để đưa Thanh Hóa bước trên con đường hướng tới khát vọng thịnh vượng.
Thanh Hóa là địa phương đất rộng, người đông, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng nhưng chưa được phát huy đầy đủ. Bên cạnh đó, Trung ương cũng nhìn thấy cơ sở vững chắc cho việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của tỉnh Thanh. Việc phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn trong những năm qua chính là một minh chứng rõ ràng cho nhận định này. Nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức, Thanh Hóa còn có nhiều Nghi Sơn trong tương lai.
Con người luôn là nhân tố quyết định. Có đường lối đúng, trúng thì phải có con người phù hợp. Phải chọn được con người phù hợp, đặt đúng vị trí mới phát huy được năng lực, mới mang lại kết quả mong muốn. Phải quyết đoán, mạnh mẽ thay thế những con người chưa phù hợp. Tình hình mới, đòi hỏi mới phải có con người thực thi nhiệm vụ mới, có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách.
Cán bộ tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng nhưng không có kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp cũng không thể phát triển. Không phải cứ có quyết tâm, cứ hô khẩu hiệu, có lòng dũng cảm là sẽ mang lại thành công. Đối với những cán bộ không đủ chuyên môn, kinh nghiệm phải thay thế ngay. Ở đây, trách nhiệm người đứng đầu vô cùng nặng nề, người đó phải có khát vọng, có phương pháp, chuyên môn, năng lực và phẩm chất đạo đức hội tụ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa không thể giàu lên, không thể là “đát vương mộc” của các đại bàng toàn cầu nếu chúng ta chỉ triển khai Nghị quyết trong các hội nghị, trong các bài diễn văn, phát biểu. Thanh Hóa muốn phát triển, muốn duy trì vị thế dẫn đầu về thu hút FDI ở khu vực miền Trung trong tương lai thì phải từ bỏ tư duy nhiệm kỳ trong phát triển kinh tế, trong thu hút FDI, phải hành động ngay để đón đầu được làn sóng FDI mới.
Với việc Việt Nam đã ký cam kết hợp tác trong ba lĩnh vực cốt lõi với Hoa Kỳ, bao gồm: phát triển công nghiệp bán dẫn; đào tạo nhân lực ngành công nghệ chất lượng cao; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thì thời cơ thu hút các đại bàng công nghệ đang ở trong tầm tay.
Một vận hội khác đang mở ra đó là chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định khác nhau với Trung Quốc, quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt đã được củng cố. Chúng ta nên tranh thủ các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc bởi họ có nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
VnEconomy 29/10/2024 15:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 44-2024 phát hành ngày 28/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam