Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích kép cho nền kinh tế và môi trường. Điều này có ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là khi Việt Nam đã cam kết tại COP26 phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thưa bà?
Cam kết của Việt Nam đối với nền kinh tế tuần hoàn không chỉ để ứng phó với các thách thức bảo vệ môi trường, mà còn là một giải pháp giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững. Việc cam kết này sẽ dựa trên ba nguyên tắc chính như định nghĩa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2022: sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu tác động lên môi trường.
Bằng cách thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam sẽ chủ động tối ưu hóa nguồn tài nguyên sử dụng. Ví dụ, các mô hình tái chế, tái sử dụng và tân trang sẽ giúp cắt giảm lượng tài nguyên mới được khai thác, cắt giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động này và trực tiếp đóng góp đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Một chiến lược không kém phần quan trọng chính là cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy năng lượng tái tạo. Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đặt mục tiêu điện gió ngoài khơi sẽ đạt công suất 6GW vào năm 2030. Các chính sách và hoạch định thúc đẩy các nguồn năng lượng xanh như vậy sẽ giúp giảm sự lệ thuộc của quốc gia đối với nguồn nhiên liệu hóa thạch; đồng thời, giảm phát thải và đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu khí hậu.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã thực hiện những sáng kiến hỗ trợ Việt Nam hướng đến mục tiêu net-zero, một trong số đó là thông qua việc xác định các biện pháp can thiệp có thể cắt giảm đáng kể phát thải khí nhà kính dựa trên nguyên lý kinh tế tuần hoàn. Tại Huế, nghiên cứu của UNDP đã đưa ra 14 can thiệp chính. Nếu được thực hiện, những can thiệp này sẽ giúp giảm 17% lượng khí thải vào năm 2030 và 38% vào năm 2050 so với kịch bản cơ sở. Đây là một nỗ lực đo lường những tác động về mặt khí hậu khi triển khai chính sách kinh tế tuần hoàn.
Vậy, xin bà cho biết cần có những chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?
Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện khung chính sách để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Trước hết, việc dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn đang được thực hiện rất đúng thời điểm, nhằm đưa ra một khung chiến lược và lộ trình ở cấp quốc gia. UNDP hân hạnh hỗ trợ và đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị dự thảo văn bản quan trọng này.
Tiếp theo, Kế hoạch hành động quốc gia, các hướng dẫn và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động vận hành khi doanh nghiệp chuyển đổi tuần hoàn cần được ban hành, chẳng hạn như mô hình tái sử dụng nước thải công nghiệp. Tương tự, quy định đối với hàng hóa có chứa hàm lượng tái chế cũng cần được thể hiện chi tiết trong văn bản.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần đưa ra các chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi. Những công cụ tài chính như thuế, hỗ trợ tài chính và các khoản vay lãi suất thấp sẽ định hướng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các cơ sở tái chế giữ nguyên giá trị vật liệu, nghiên cứu và phát triển vật liệu bền vững cũng như các dịch vụ kinh tế tuần hoàn.
Các chiến lược trên sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế bền vững và tuần hoàn trong khối tư nhân, giúp hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong kế hoạch hành động quốc gia với trọng tâm chính là khối tư nhân.
Các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ có những lợi thế gì khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ có những lợi thế đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bằng cách ưu tiên sử dụng hiệu quả nguyên liệu đầu vào và đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nguyên sinh truyền thống, thường biến động về giá do ảnh hưởng của thị trường và địa chính trị. Các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa nguyên liệu đầu vào với tỷ lệ hàm lượng tái chế cao, phù hợp với xu hướng yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm có trách nhiệm với môi trường.
Hơn nữa, mô hình kinh tế tuần hoàn đặt doanh nghiệp ở vị thế dẫn đầu trong cuộc đua bền vững, một tiêu chí ngày càng quan trọng để gia nhập và mở rộng trong thị trường toàn cầu.
Mô hình kinh tế tuần hoàn giúp các doanh nghiệp xây dựng một hình ảnh thương hiệu vững chắc, sáng tạo và có trách nhiệm, thu hút người tiêu dùng và đối tác toàn cầu. Điều này nâng cao ưu thế cạnh tranh của họ và tăng cường tiềm năng phát triển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
UNDP Việt Nam hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tham gia với các doanh nghiệp địa phương, cộng đồng và các đối tác quốc tế để thúc đẩy thực hành kinh tế tuần hoàn như thế nào, thưa bà?
UNDP cung cấp sự hỗ trợ đối với Kế hoạch hành động quốc gia ở nhiều khía cạnh khác nhau, kết hợp chuyên môn hoạch định chính sách, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và điều phối sự tham gia của các bên liên quan. UNDP đã giúp xác định rõ ràng các nhiệm vụ quan trọng, từ xây dựng năng lực, củng cố cơ sở hạ tầng, thực hiện các biện pháp can thiệp tuần hoàn, quản lý chất thải, đến hợp tác nhiều bên, nhiệm vụ của các các cơ quan bộ, ban, ngành liên quan, kèm theo khung thời gian dự kiến và nguồn ngân sách.
Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam, sáng kiến hợp tác đối tác công-tư do UNDP và Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi xướng từ năm 2022, đóng vai trò là nền tảng tương tác giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng, đối tác phát triển và viện nghiên cứu, kết nối các nguồn lực kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam không chỉ phù hợp với những khát vọng phát triển mà còn thúc đẩy các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. Đổi mới là ưu tiên hàng đầu trong sứ mệnh của chúng tôi. Chúng tôi đang hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ủng hộ sự đổi mới trong phát triển mô hình kinh doanh và đề xuất sự phát triển của các kế hoạch và quy định để tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn ở các cấp độ khác nhau, từ tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, đến doanh nghiệp.
Cam kết của chúng tôi không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp mà còn mở rộng đến cộng đồng, truyền đạt sức mạnh cho họ thông qua giáo dục và sự tham gia tích cực vào các sáng kiến tuần hoàn. Các đối tác quốc tế cũng gia tăng tác động của chúng tôi, đưa vào sự chuyên sâu toàn cầu và nguồn tài trợ giúp tăng tốc quá trình này.
UNDP muốn truyền tải thông điệp gì tới các đại biểu tham dự diễn đàn và công chúng về tầm quan trọng và tác động của nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?
Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không phải là đích đến, mà là phương thức để huy động sức mạnh của các bên liên quan trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 cho mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, nền kinh tế tuần hoàn không chỉ là mang tính cấp thiết về mặt môi trường mà còn mang lại những cơ hội kinh tế thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp và khuyến khích phát triển bền vững. UNDP kêu gọi sự hợp tác giữa các bên liên quan, đặc biệt là khối tư nhân, để bắt đầu hành trình chuyển đổi này vì lợi ích của cả thế hệ hiện tại và tương lai.
Chỉ còn 6 năm nữa là đến năm 2030, tôi muốn nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn có thể mang lại các lợi ích hướng đến Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Để đạt được điều đó, chúng ta cần đảm bảo các chính sách khí hậu và môi trường được thực thi hiệu quả, lồng ghép với các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. UNDP luôn sẵn sàng đồng hành và tiếp tục cung cấp các hỗ trợ cho Chính phủ trong quá trình này.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2023 phát hành ngày 13-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam