Tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng ở các quốc gia trên thế giới. Xu hướng này ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
Vài năm trở lại đây, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Theo đó, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1658 phê duyệt Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
Tiếp đến, tháng 8/2021, Thủ tướng tham dự Hội nghị COP 26 với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Điều này thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu và tận dụng cơ hội nhằm đưa nước ta phát triển theo hướng “xanh”.
Đặc biệt, chúng ta đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường với việc lần đầu tiên đưa định nghĩa về kinh tế tuần hoàn vào văn bản luật.
Trong bối cảnh này, triển khai nhiệm vụ được giao, CIEM đã xây dựng dự thảo và trình Chính phủ phê duyệt Quyết định 687 về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Mới đây, CIEM phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch xây dựng báo cáo nghiên cứu khảo sát 500 doanh nghiệp về mức độ sẵn sàng và nhận thức của doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Điều này nhằm từng bước nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tăng trưởng xanh, về kinh tế tuần hoàn và hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Mặc dù đã có sự quan tâm từ các cấp, các ngành nhưng trên thực tế, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn vẫn chưa thực sự trở thành xu hướng ở Việt Nam. Theo ông, đâu là lý do dẫn tới thực trạng này?
Mặc dù tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế ở các quốc gia phát triển từ nhiều năm nay nhưng mới xuất hiện ở Việt Nam cách đây vài năm. Vì vậy, việc triển khai các mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn còn rất nhiều hạn chế, tồn tại.
Thứ nhất, là nhận thức của các bộ ngành các cấp liên quan. Kinh tế xanh hay kinh tế tuần hoàn mới được đưa ra ở cấp chiến lược mà chưa cụ thể hóa thành chính sách, kế hoạch và hành động cụ thể.
Thứ hai, việc ứng dụng mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đòi hỏi công nghệ hiện đại, dẫn tới chi phí đầu tư lớn. Đây chính là rào cản lớn đối với các tổ chức, doanh nghiệp khi nguồn lực tài chính vốn là điểm yếu lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen tiêu dùng “xanh” và bảo vệ môi trường.
Vậy ông có kiến nghị hay đề xuất nào để tháo gỡ những hạn chế, tồn tại này?
Mỗi hạn chế, tồn tại nêu trên đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để khắc phục. Chẳng hạn, dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng quan trọng hơn là phải cụ thể hóa thành các chương trình hành động cụ thể từ Trung ương tới địa phương để có thể triển khai mô hình này phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
Về công nghệ, khi tiềm lực tài chính của doanh nghiệp hạn chế, tỷ lệ doanh thu dành cho công nghệ của doanh nghiệp còn ở mức độ thấp thì việc phải chi trả thêm những khoản đầu tư cho tăng trưởng xanh, công nghệ thân thiện với môi trường càng trở nên thách thức với doanh nghiệp. Cùng với đó là hàng loạt những chi phí phát sinh đi kèm như đào tạo nâng cao nhận thức cho người lao động, nghiên cứu cách thức ứng dụng, áp dụng công nghệ hợp lý… Do vậy, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động và thấy được sự cần thiết của việc đổi mới công nghệ xanh bởi đây là “chìa khóa” để nâng cao năng lực cạnh tranh, chinh phục thị trường cao cấp.
Về nhận thức của xã hội và người tiêu dùng, khi nhận thức tăng lên sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi theo yêu cầu của người tiêu dùng nếu muốn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, đây là quá trình không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai, song các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho sự chuyển đổi.
Hiện Việt Nam mới chỉ có vài doanh nghiệp nổi lên là những doanh nghiệp theo đuổi tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn được biết đến như Vinamilk, TH… Con số này là quá ít ỏi so với thế giới cũng như trong việc thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo ông, cần có những chính sách gì để làm gia tăng những doanh nghiệp như thế này?
Trong quá khứ, Việt Nam cũng có mô hình kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như vườn – ao – chuồng. Tuy nhiên, thời điểm đó, thế giới họ chưa đưa ra khái niệm về kinh tế tuần hoàn. Hơn nữa, bây giờ khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là không chỉ tái sử dụng nguồn tài nguyên mà phải gắn với việc áp dụng công nghệ hiện đại, tận dụng ưu điểm của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự trở thành mô hình kinh tế mới cần được áp dụng.
Dù con số doanh nghiệp theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam còn ít ỏi, song tôi tin rằng sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình này trong tương lai. Điều chúng ta cần làm ở đây là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và phát triển cung (các doanh nghiệp cung cấp giải pháp kinh doanh tuần hoàn cho doanh nghiệp để có giải pháp hợp lý, có thể áp dụng cho việc tìm kiếm thị trường tốt hơn, đặc biệt là ở các quốc gia châu Âu như Mỹ, EU...).
Đặc biệt, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận đầy đủ về con số 1% tổng doanh thu mà các doanh nghiệp Việt đang bỏ ra cho các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu không có lực đẩy đủ mạnh thì các doanh nghiệp sẽ rất khó bứt phá.
Vậy ông có lời khuyên gì cho những doanh nghiệp vừa duy trì được mức lợi nhuận cao trong khi vẫn theo đuổi được mục tiêu tăng trưởng xanh?
Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, trước khi quyết định áp dụng mô hình tăng trưởng xanh hay kinh doanh tuần hoàn, họ sẽ cân nhắc bài toán lợi ích và chi phí. Trên cơ sở tiềm lực tài chính cũng như chiến lược phát triển xanh, doanh nghiệp sẽ quyết định lựa chọn hướng đi riêng cho doanh nghiệp mình. Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn vẫn ở giai đoạn đầu vì vậy việc triển khai mô hình kinh doanh mới này sẽ có lộ trình thích hợp.
Trước mắt, trong ngắn hạn, với nguồn lực tài chính hạn chế, doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở các ý tưởng hay cách thức vận hành mô hình đơn giản. Nhưng trong dài hạn, doanh nghiệp sẽ tiến tới áp dụng những mô hình lớn hơn, phức tạp hơn.
Tiếp theo, khi xã hội đã quan tâm tới kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp nên tập trung vào công tác truyền thông để từ đó có thêm các đối tác từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức hỗ trợ, đại diện cộng đồng, nhà đầu tư nước ngoài… để tìm kiếm, kết nối nguồn lực.
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng là thị trường cho các sản phẩm tăng trưởng xanh phải được đảm bảo. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có được các thị trường phát triển như EU, Mỹ… Vì vậy, để đặt chân vào thị trường cao này thì sản phẩm và doanh nghiệp phải có danh tiếng và có lợi thế trong cạnh tranh.
Với việc nghiên cứu các mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn ở nhiều doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp để phát triển thành công mô hình này?
Các tập đoàn lớn thế giới có những cách khác nhau để ứng dụng với mô hình mới này một cách phù hợp. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp công nghệ có cách khác nhau để ứng dụng công nghệ tuần hoàn trong sản xuất máy tính, điện thoại... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp sử dụng robot để phân tách kim loại đảm bảo sản phẩm nếu sau khi không sử dụng sẽ được tái chế như thế nào. Hay về nông nghiệp, chăn nuôi… nhiều doanh nghiệp đã áp dụng mô hình 3R, 5R, 7R hay 9R…
Dù công nghệ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, song Việt Nam có lợi thế của “người đi sau” nên sẽ dễ dàng phân tích, lựa chọn công nghệ, sản phẩm và hướng đi thích hợp cho mình. Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp với các đối tác phát triển để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn. Hiện các quốc gia EU đang quan tâm tới hợp tác với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam nhằm hướng tới thay đổi năng lực công nghệ, năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp Việt.
VnEconomy 12/10/2022 12:30