“Trước đây, để thu hút vốn đầu nước ngoài, Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao, tiền thuê đất, thuê mặt nước… cao hơn doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù hiện nay không còn chính sách ưu đãi thuế khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng ưu đãi thuế của Việt Nam còn ở mức hấp dẫn đối với đầu tư mới theo địa bàn hoặc lĩnh vực đầu tư, gồm ưu đãi về thuế suất và ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế.
Theo đó, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mức phổ thông là 20% nhưng thuế suất ưu đãi là 10%, ưu đãi miễn 4 năm, giảm 50% đến 9 năm; ngoài ra còn ưu đãi miễn giảm thuế đối với đầu tư mở rộng…
Riêng đối với dự án đầu tư đặc biệt còn được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 9% trong thời gian 30 năm; 7% trong thời gian 33 năm; 5% trong thời gian 37 năm. Ngoài ra, dự án đầu tư đặc biệt còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5 - 6 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ 10 - 13 năm.
Rõ ràng, ưu đãi thuế vẫn luôn là một trong những công cụ quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Tuy nhiên, khi Việt Nam áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ở cả tính hồi tố với các tập đoàn lớn thuộc điều chỉnh thuế suất tối thiểu và cả các tập đoàn chuẩn bị chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.
Tính đến nay, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam; trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu, tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan. Ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc thông qua Đạo luật Điều chỉnh thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.
Theo đó, nếu Việt Nam không ban hành mức thuế tối thiểu, vẫn để ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành thu thì các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng thuế này, vẫn phải nộp bổ sung phần chênh lệch thuế suất thấp tại Việt Nam và thuế suất 15% về Hàn Quốc.
Do đó, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang, sẽ kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam cũng có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác như một số nước trong khu vực đang áp dụng”.
“Với thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng điều chỉnh sẽ phải nộp phần thuế bổ sung về quốc gia của công ty mẹ tối cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này; đồng thời, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, từ đó tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến số thu thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đối với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) có công ty con đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành nhưng sẽ tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và gián tiếp ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế đối với các doanh nghiệp FDI trong tương lai.
Việt Nam hiện là quốc gia đang phát triển, có độ mở của nền kinh tế lớn và chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nên cho dù Việt Nam có tham gia hay không thì các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vẫn có tác động đến Việt Nam.
Vì vậy, điều chắc chắn là Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn song phải hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước”.
“Khi áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, những ưu đãi thuế có thể không còn mang nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia thuộc đối tượng điều chỉnh, qua đó dẫn đến một số thách thức cho Việt Nam.
Thứ nhất, nếu Chính phủ không thay đổi quy định trong nước thì có thể sẽ dẫn đến thất thu thuế bởi lợi ích thuế dành cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cuối cùng có thể sẽ quay trở về đất nước của họ. Nếu những ưu đãi thuế mà chúng ta cấp cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, mà thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu thì họ sẽ phải nộp thuế bổ sung ở nước sở tại của họ. Như vậy, nếu chúng ta không kịp thời ban hành các chính sách thuế để ứng phó thì sẽ mất nguồn thu.
Thứ hai, nếu chúng ta nâng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài lên bằng thuế tối thiểu toàn cầu thì nghĩa là giảm ưu đãi với nhà đầu tư. Như vậy, Việt Nam đã mất đi một lợi thế trong cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư bởi các ưu đãi thuế đã không còn hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể quay sang lựa chọn các quốc gia khác. Do đó, cần thay thế những ưu đãi về thuế bằng các ưu đãi nào để tạo được sự hấp dẫn với các nhà đầu tư?
Đó là hai bài toán mà Chính phủ cần tìm ra lời giải chính xác và nhanh nhất. Làm thế nào để ngân sách nhà nước không hụt thu mà thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tích cực?
Liên quan đến đề xuất hỗ trợ bằng tiền, tôi cho rằng chúng ta không nhất thiết đưa tiền trước cho nhà đầu tư mà yêu cầu doanh nghiệp cứ nộp thuế đi rồi sau đó chúng ta sẽ phân bổ lại dựa trên chi phí đầu tư mà họ đã bỏ ra và có thể hoàn lại cho họ vào năm sau.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng thu hút đầu tư theo hướng đưa ra cơ chế ưu đãi với những lĩnh vực mà quốc gia muốn tập trung đẩy mạnh. Ví dụ Trung Quốc cung cấp hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển để thu hút các ngành công nghiệp tiên tiến, Malaysia thúc đẩy công nghệ sinh học và Ấn Độ thu hút các khoản đầu tư lớn vào sản xuất điện thoại di động”.
“Khung pháp lý về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đang được xây dựng và hoàn thiện, song khả năng có thể luật hóa tại Việt Nam ngay trong năm 2023 là rất thách thức, nếu không khẩn trương thì khó mà kịp áp dụng từ đầu năm 2024. Thời gian còn rất ít đòi hỏi quá trình này rất khẩn trương, đồng bộ, đồng nhịp và vì cái chung, vì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Tôi cho rằng Việt Nam nên thực hiện quyền đánh thuế và chủ động hơn. Về hướng dẫn thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam cần phải tham khảo kinh nghiệm các nước. Cùng với đó, chúng ta cần có cơ chế chính sách, để bù đắp phần nào những thiệt thòi ngắn hạn của các doanh nghiệp FDI khi phải bổ sung phần thuế không nhiều đó.
Cơ chế này cần phải thực hiện theo 4 nguyên tắc cụ thể.
Một là, cần phải theo chuẩn của OECD.
Hai là, tránh hỗ trợ theo hình thức cào bằng mà phải gắn với từng lĩnh vực, quy mô và công nghệ. Vai trò của Bộ Kế hoạch & Đầu tư vô cùng quan trọng trong việc phân nhóm, phân ngành cần hỗ trợ.
Ba là, phải khả thi trong hỗ trợ. Rõ ràng theo Luật Ngân sách, việc phát tiền mặt là không khả thi nhưng có thể hỗ trợ ở dạng khác như: hỗ trợ đào tạo, giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất... Việc hỗ trợ chi tiết như thế nào, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần ngồi lại với Bộ Kế hoạch & Đầu tư để hỗ trợ công bằng, khả thi và hiệu quả.
Bốn là, phải phù hợp với chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài như tập trung vào công nghệ, xanh hóa…
Trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động sơ bộ, đề xuất của Tổ công tác đặc biệt, Chính phủ cần sớm có phương án đề xuất chính sách thuế và giải pháp phù hợp. Kết quả rà soát sơ bộ của Tổng cục Thuế dựa trên số liệu quyết toán thuế hết năm 2021 cho thấy tại Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng, còn nếu sau loại trừ theo tiêu chí của OECD, số doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng sẽ không nhiều, khoảng 70-100 doanh nghiệp FDI.
Do đó, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này với những bước đi chủ động. Quan trọng hơn, cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đây mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững.
Việt Nam cũng cần phải rà soát, sửa đổi một số luật như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế VAT và sửa tới 80 luật khác có liên quan. Như vậy, liệu có nên áp dụng một luật sửa nhiều luật Quốc hội cho phép làm năm ngoái?
Tôi cũng cho rằng cần lưu ý chất lượng và thực thi thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng suất lao động, cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh chi phí không chính thức. Đây là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư, thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế như hiện nay”.
“Các doanh nghiệp FDI đang nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như đóng góp vào xuất khẩu, dự trữ ngoại hối, phát triển công nghiệp nội địa, cũng như việc làm cho người lao động. Theo đó, dưới bất kỳ hình thức nào, nếu Việt Nam chỉ giữ lại quyền đánh thuế hoặc thu thêm phần thuế bổ sung mà không có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sẽ gây bất lợi cho vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư.
Đáng lưu ý, theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019, mục tiêu vốn đăng ký đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD, tương ứng phải đạt 40 - 50 tỷ USD/năm. Do vậy, nếu không có phương án xử lý tốt, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến việc đạt các mục tiêu trên.
Theo OECD, Chính phủ của các quốc gia đang phát triển cần đánh giá lại môi trường ưu đãi thuế, nhìn nhận Trụ cột 2 là một cơ hội để cải cách; đồng thời, tái cấu trúc hệ thống chính sách ưu đãi thuế, đặc biệt là những chính sách không hiệu quả gây lãng phí nguồn ngân sách quốc gia.
Trong đó, các chính sách ưu đãi dựa trên thu nhập sẽ không còn hiệu quả mà thay vào đó, nên tăng cường các chính sách dựa trên cơ sở chi phí. Chính sách được đề xuất hàng đầu là thông qua trợ cấp trực tiếp hoặc cho cấn trừ chi phí vào thuế phải nộp và được hoàn theo chuẩn của OECD (hình thức khấu trừ thuế hoàn lại đạt chuẩn Qualified Refundable Tax Credits - QRTC) đối với một số loại chi phí như chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí sản xuất, nghiên cứu phát triển, nhân lực… Việt Nam có thể tham khảo các chính sách của Ấn Độ, Ireland, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông.
Để thực hiện được biện pháp này, Chính phủ Việt Nam cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung thêm sẽ được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp; đối tượng doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này cũng như mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp.
Cần lưu ý các biện pháp bù đắp hoặc hỗ trợ dù theo hình thức nào nên được thiết kế hợp lý để không bị xem là lợi ích liên quan trực tiếp đến đối tượng của trụ cột 2, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu bổ sung nội địa theo chuẩn (QDMTT).
Về mặt hình thức, trước khi có những sửa đổi cụ thể trong các luật liên quan, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để Việt Nam có thể áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu phù hợp từ 2024, với hai mục tiêu chính về việc: (i) tuyên bố áp dụng cơ chế QDMTT để đảm bảo quyền thu thuế bổ sung của Việt Nam; (ii) giải pháp chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đảm bảo vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư. Sau đó, trong các năm 2024 và 2025, Việt Nam có thể tiếp tục cân nhắc giải pháp lâu dài về sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan”.
“Thuế tối thiểu toàn cầu không chỉ ảnh hưởng tới việc thu hút FDI của Việt Nam mà tới tất cả các nước tiếp nhận đầu tư. Đây là luật chơi toàn cầu và vấn đề quan trọng nằm ở việc Việt Nam ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu này như thế nào nhằm đảm bảo môi trường đầu tư hấp dẫn và vẫn giữ chân được nhà đầu tư.
Khi các nước thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu (dự kiến năm 2024), đặc biệt là khi nhiều nước đi đầu tư, đã nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu này, các nhà đầu tư thuộc đối tượng của Trụ cột 2 sẽ phải đóng phần thuế bổ sung ở nước chính quốc của họ. Nếu Việt Nam có đối sách phù hợp để giành quyền đánh thuế, ví dụ như việc áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung, thì nhà đầu tư thuộc đối tượng áp dụng của Trụ cột 2 đang được hưởng ưu đãi thuế ở Việt Nam, có thể sẽ phải nộp thêm khoản thuế bổ sung tại Việt Nam. Theo đó số thu cho ngân sách Việt Nam có thể tăng.
Trong 35 năm qua, kể từ dự án FDI đầu tiên được cấp phép (1988), Việt Nam đã vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp FDI hàng đầu thế giới với nhiều gói ưu đãi thuế rất hấp dẫn, như trong Quyết định 29/2021/QĐ-TTg quy định về chính sách ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, những ưu đãi thuế này sẽ không còn hữu dụng với những nhà đầu tư thuộc Trụ cột 2 khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi.
Vì vậy, để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể cân nhắc vẫn giữ nguyên những ưu đãi thuế hiện tại với nhà đầu tư không thuộc Trụ cột 2. Đối với những nhà đầu tư chịu sự điều chỉnh của Trụ cột 2, bài toán chính sách với Việt Nam tại thời điểm này là: (1) Chủ động giành quyền đánh thuế; và (2) Tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để đảm bảo cạnh tranh hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài.
Các quốc gia hoàn toàn có quyền tự chủ khi đưa ra các quy định và áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi thấy Thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax – QDMTT) theo khuyến nghị của OECD, có nhiều ưu điểm tốt hơn, với cả nhà đầu tư và Chính phủ, so với việc áp dụng thuế tối thiểu nội địa không đạt chuẩn.
Từ góc độ của nhà đầu tư, các công ty đa quốc gia và vùng lãnh thổ (MNE), thuộc đối tượng điều chỉnh của Trụ cột 2, có thể kỳ vọng Việt Nam áp dụng QDMTT do họ sẽ phải thực hiện và tuân thủ các quy tắc Trụ cột 2 tại tất cả các vùng lãnh thổ mà họ hoạt động kinh doanh. Sự thống nhất trong cách tính toán và thực hiện sẽ tiết kiệm được chi phí tuân thủ và mang lại lợi ích tối ưu cho các MNE.
Từ phía Chính phủ, việc áp dụng QDMTT có thể mang lại những ý nghĩa quan trọng như: (1) Tạo sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, một cách thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp; (2) Thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế; (3) QDMTT giúp tạo sự ổn định trong hệ thống chính sách bởi nếu áp dụng thuế tối thiểu nội địa không đạt chuẩn, Chính phủ có thể phải tiếp tục sửa đổi và cập nhật trong quá trình thực thi các chính sách này, gây bất lợi cho doanh nghiệp; (4) Vẫn duy trì được các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng của Trụ cột 2.
Ngoài ra, khi các công cụ ưu đãi về thuế không còn phát huy hiệu quả, để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần có biện pháp hỗ trợ các nhà đầu tư trong những ngành nghề, lĩnh vực mà Chính phủ mong muốn thu hút. Các biện pháp hỗ trợ cần đạt được hai mục tiêu quan trọng: vì quyền lợi và lợi ích thực sự cho nhà đầu tư; không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tuân thủ các quy tắc của Trụ cột 2”.
VnEconomy 24/04/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2023 phát hành ngày 24-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam