) Cần nâng tầm, vị thế cây quế Việt Nam - VnEconomy Emagazine
Cần nâng tầm, vị thế cây quế Việt Nam - Ảnh 1
Cần nâng tầm, vị thế cây quế Việt Nam - Ảnh 2

Hiện có một số doanh nghiệp đang đồng hành với người nông dân vùng cao phát triển nhiều diện tích quế hữu cơ và đã đạt được những kết quả nhất định. Vậy, trong quá trình xây dựng mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân, đâu là những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải, thưa bà?

Trong những năm đầu tiên khi mới khởi nghiệp, chúng tôi chủ yếu đi thu mua quế và xuất khẩu tới những thị trường khá dễ tính như Ấn Độ, Banglades. Họ không yêu cầu về chất lượng mà chỉ mong muốn mua sản phẩm với giá thấp.

Tới năm 2012 - 2013 là thời kỳ doanh nghiệp thay đổi hoàn toàn triết lý kinh doanh. Thay vì làm theo cách thức cũ, công việc khá đơn giản, lợi nhuận “đều tay”, chúng tôi bắt đầu một hành trình mới. Đó là xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững, bắt tay với nông dân thiết lập các vùng trồng quế hữu cơ; đầu tư nhà máy với công nghệ cao để chế biến sâu các sản phẩm từ quế. Toàn bộ quy trình này được thực hiện theo tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế.

Chuyển sang mô hình sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn, tiêu chí bền vững, sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng chúng tôi cho rằng, đó là con đường đúng đắn, doanh nghiệp và người dân muốn phát triển bền vững thì nhất định phải đi theo. Khi làm ra được những sản phẩm tuân thủ đúng quy trình, quy định của quốc tế, chúng tôi đã chinh phục thành công những thị trường khó tính nhưng rất nhiều tiềm năng, rộng lớn hơn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Giai đoạn đầu, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để có được niềm tin của bà con nông dân; đào tạo, giúp họ thay đổi các tập quán canh tác cũ đã hình thành hàng trăm năm nay. Sau khi thay đổi, doanh nghiệp tiếp tục mất nhiều năm nữa để tiếp tục đồng hành cùng nông dân để quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn đã đặt ra.

Cần nâng tầm, vị thế cây quế Việt Nam - Ảnh 3

Trong hơn 10 năm phát triển, doanh nghiệp có nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương, các bộ, ban ngành?

Khoảng 10 năm trước, khi bắt tay làm quế hữu cơ, chúng tôi đã gặp rất nhiều lãnh đạo các địa phương của vùng trồng quế, hồi. Nhiều vị đã lắc đầu khi chúng tôi đặt vấn đề thiết lập vùng trồng hai loại cây này theo hướng organic. Khi đó, họ không hiểu organic là gì, tại sao phải organic khi quế, hồi đã rất xanh tốt rồi. Tại sao một doanh nghiệp ở Hà Nội lại về vùng xa xôi để đào tạo nông dân trồng cây? Liệu năng lực của doanh nghiệp có đủ hay không, kinh nghiệm như thế nào? Họ sẽ nhận được gì khi giúp doanh nghiệp kết nối với nông dân? Tóm lại, ban đầu doanh nghiệp nhận được rất ít sự quan tâm, đồng hành của chính quyền.

Khoảng 3 - 4 năm gần đây, mọi người bắt đầu chú ý tới nông nghiệp bền vững. Từ trung ương tới địa phương đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ nông nghiệp xanh nói chung cũng như nông dân trồng quế, hồi nói riêng. Đặc biệt, truyền thông cũng đã có nhiều chương trình giới thiệu các mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất xanh, hữu cơ. Nhờ có truyền thông, sự hiểu biết của người dân về nông nghiệp hữu cơ, bền vững cũng đã thay đổi. Người dân biết làm gì để giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của họ đạt chất lượng, thậm chí đáp ứng được các tiêu chí ngặt nghèo của quốc tế.

Bản thân Vinasamex cũng nhận được dự án của tỉnh Yên Bái về việc phát triển mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra và chế biến sâu các sản phẩm quế hữu cơ chất lượng cao. Chúng tôi thực hiện hơn 1.000 ha tại Trấn Yên, Yên Bái. Sau đó chúng tôi giúp người dân có được chứng nhận hữu cơ cho thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đang ký hợp đồng trực tiếp với hơn 3.000 hộ nông dân và đã có 4.200 ha đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ quốc tế và nhiều chứng nhận quốc tế khác.

Cần nâng tầm, vị thế cây quế Việt Nam - Ảnh 4

Thị trường dược liệu rất rộng lớn, nhiều tiềm năng nhưng các doanh nghiệp thường “đơn thương độc mã” hoạt động, không tạo thành một cộng đồng, một hệ sinh thái tuần hoàn. Theo bà, trong lĩnh vực quế hồi có tồn tại tình trạng này hay không?

Trước đây các doanh nghiệp xuất khẩu thô các sản phẩm từ quế rất yên tâm về thị trường truyền thống. Nhưng 3 năm gần đây khi dịch bệnh Covid-19 và biến động chính trị, chiến tranh xảy ra, thị trường không còn ổn định nữa. Khi đại dịch xảy ra, kinh tế suy thoái, thị trường không còn sức tiêu thụ nên các doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước ép nhau về giá để cạnh tranh, hạ giá thành. Các doanh nghiệp xuất thô gần như đạt được mức lợi nhuận thấp, thậm chí không còn lợi nhuận.

Thực ra chúng tôi không chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh, chiến tranh nhưng đã dự liệu con đường xuất thô sản phẩm sẽ dần dần không còn phù hợp nên đã thay đổi từ nhiều năm trước. Sự thay đổi đúng thời điểm đã phản ánh tầm nhìn của doanh nghiệp. Hiện nay chúng tôi đang mở rộng quy mô, thay vì trước đây chỉ làm với 1.000 hộ nông dân với khoảng 1.000 ha hữu cơ, đến nay chúng tôi đã làm việc với 3.000 hộ nông dân với 4.200 ha. Các nhà máy chế biến của doanh nghiệp cũng đang hoạt động với công suất rất cao.

Chúng tôi rất mong muốn có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân để cùng làm ra quế chất lượng cao và cùng chinh phục thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài khi tiến vào thị trường quốc tế luôn có các hiệp hội, các cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp quế của Việt Nam chưa thực sự liên kết chặt với nhau và hiện số doanh nghiệp làm quế hữu cơ cũng rất ít. Nếu chỉ có sức và lực của 1- 2 doanh nghiệp thì sẽ khó có thể tạo ra thương hiệu cho quế Việt Nam. Nhiều bạn hàng vẫn ngơ ngác khi biết Việt Nam cũng có quế, mặc dù hiện nay sản lượng quế của nước ta đang nằm trong top 3 thế giới.

Cần nâng tầm, vị thế cây quế Việt Nam - Ảnh 5

Vốn và công nghệ là hai yếu tố đặc biệt quan trọng. Theo bà, nếu các doanh nghiệp đi sau cũng muốn phát triển sản phẩm từ quế thì cần giải bài toán nào đầu tiên?

Theo tôi, sản phẩm quế của Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh rất lớn. Nhưng làm thế nào để cạnh tranh được, thì đó là bài toán không hề đơn giản. Tổng diện tích quế của nước ta khoảng 200.000 ha, nhưng hầu hết chúng ta đang canh tác theo kiểu truyền thống, tức là khoảng cách trồng rất gần nhau, cây giống không được lựa chọn, trong quá trình trồng, canh tác không kiểm soát được thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Người nông dân vẫn giữ thói quen sử dụng hóa chất cho cây trồng. Chưa kể quy trình chế biến không đủ sạch và vẫn sử dụng hóa chất ở một số công đoạn, vô hình chung, nhưng không có nhiều sản lượng đáp ứng được thị trường khó tính.

Thực ra vốn và công nghệ đã có cũng vẫn chưa đủ cho cây quế. Bài toán đặt ra là kiểm soát được chất lượng ngay từ khi trồng cây, chăm sóc rồi chế biến. Nhìn các thanh quế thì cơ bản chúng ta thấy giống nhau, nhưng khi nhập vào thị trường quốc tế, khi đem vào phòng thí nghiệm, họ đọc ra được hết có bao nhiêu hàm lượng thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất…

Mặc dù khắt khe như vậy nhưng không phải họ gây khó khăn, mà ngược lại, nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm sạch rất lớn. Quế, hồi được sử dụng rất nhiều trong các nhóm, ngành hàng khác nhau. Ví dụ nhóm thứ nhất là để làm gia vị, nhóm thứ hai là thực phẩm, đồ uống (như rượu thảo dược); nhóm thứ ba làm hóa mỹ phẩm, dùng chăm sóc da, tóc và sắc đẹp… Nhóm thứ tư là dùng sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng.

Ví dụ trong quế có hàm lượng cumarin, axit xinamic, đây là hai nhóm thành phần để chế ra thuốc kháng viêm, thuốc HIV, chống đột quỵ… Trong hồi có thành phần axit xicimic, đây là thành phần chính để chế ra thuốc tamiflu, chống bệnh cúm. Nói chung, tiềm năng của thị trường là vô cùng lớn, vấn đề là chúng ta có sức để cung cấp các nguyên liệu đủ sạch hay không.

Cách đây 10 năm, giá quế chỉ có 7.000 đồng/kg, hiện nay giá quế khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg. Trước đây, thu nhập của một hộ nông dân là 7.000.000 đồng/ha, đến thời điểm hiện tại, thu nhập của 1 hộ nông dân sẽ vào khoảng 120 triệu - 150 triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển mô hình nông nghiệp bền vững. Thực ra chính sách có rồi nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận được bởi còn nhiều khó khăn và rào cản.

Cần nâng tầm, vị thế cây quế Việt Nam - Ảnh 6

VnEconomy 13/09/2023 08:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2023 phát hành ngày 11-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cần nâng tầm, vị thế cây quế Việt Nam - Ảnh 7