) Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - VnEconomy Emagazine
Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - Ảnh 1
Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - Ảnh 2

Xin ông chia sẻ về chiến lược và chính sách phát triển năng lượng hạt nhân ở tỉnh Saskatchewan của Canada, tập trung vào lò phản ứng kiểu môđun nhỏ (SMR)?

Chiến lược và chính sách phát triển năng lượng hạt nhân tập trung vào lò phản ứng kiểu môđun nhỏ (SMR) của Canada thực sự bắt đầu năm 2018, được gọi là lộ trình SMR. Về cơ bản, đây là một cuộc thảo luận xuyên quốc gia kéo dài 10 tháng để thiết lập nên tầm nhìn về sự phát triển SMR ở Canada. Lộ trình này đã dẫn đến kế hoạch hành động SMR hai năm sau đó, năm 2020.

Kế hoạch hành động SMR thực sự là nỗ lực hợp tác giữa nhiều bên liên quan trên cả nước, bao gồm Chính phủ Liên bang, các tỉnh và vùng lãnh thổ khác nhau, người dân và cộng đồng địa phương, các công ty điện lực, ngành công nghiệp, phòng thí nghiệm nghiên cứu, các tổ chức sau trung học. Các bên xác định hành động cụ thể mà họ sẽ làm để góp phần vào thực hiện kế hoạch hành động SMR rộng lớn này.

Điều này dẫn đến có tổng cộng tới 520 hành động được theo đuổi và đang được thực hiện cho đến ngày nay. Hiện chúng tôi vẫn có các báo cáo thường xuyên về các hành động này và đây là một kế hoạch hành động rất quan trọng trong quá trình phát triển điện hạt nhân ở Canada.

Kế hoạch hành động SMR cũng đã thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan ở Canada. Ví dụ tiêu biểu là sự hợp tác của bốn tỉnh Canada, gồm Saskatchewan, Ontario, New Brunswick và Alberta. Bốn tỉnh này đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác với tư cách là chính quyền cấp tỉnh để phát triển SMR, bao gồm sự sẵn sàng về công nghệ, xem xét quy mô lưới điện, SMR, micro SMR và lò phản ứng tiên tiến, khung pháp lý về kinh tế và tài chính.

Biên bản ghi nhớ còn xem xét việc quản lý chất thải hạt nhân và cũng xem xét sự tham gia của người dân địa phương và cộng đồng. Biên bản ghi nhớ này của các tỉnh được ký kết từ năm 2022, sự hợp tác giữa các tỉnh vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Tại Saskatchewan, nơi tôi đang sinh sống, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ các đối tác cấp tỉnh và tất cả điều này là nhờ có kế hoạch hành động SMR ban đầu được thiết lập hồi năm 2020.

Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - Ảnh 3

Vậy những lợi ích, tiềm năng khi phát triển SMR nói riêng và năng lượng hạt nhân nói chung là gì, thưa ông?

SMR có mức đầu tư vốn thấp hơn nhiều so với các lò phản ứng lớn, do đó điều này khiến chúng ít rủi ro hơn. Trên thực tế, mô hình này cũng có thể mở rộng được. Vì vậy, có thể triển khai nhiều SMR tùy theo nhu cầu ở từng nơi.  Ở Canada, một tỉnh khi đăng ký làm SMR thì thường đó là một tỉnh lớn có nhu cầu cao về điện. Nhưng tỉnh Saskatchewan, nơi tôi sinh sống, vẫn đăng ký làm SMR mặc dù chúng tôi chỉ là một tỉnh nhỏ với nhu cầu điện không lớn.

Ngoài ra, còn có tiêu chí liên quan tới việc chọn địa điểm cho SMR. Các lò phản ứng lớn cần nhiều nước làm mát, còn với SMR, vẫn cần nước để làm mát với hầu hết các công nghệ nhưng lượng nước đó ít hơn rất nhiều. Vì vậy, điều này cho phép có sự linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm để phát triển SMR. Hiện có nhiều thiết kế tiên tiến thậm chí còn không cần nước để làm mát.

Tôi nghĩ rằng có nhiều ứng dụng cho năng lượng hạt nhân. Hiện tại ở Canada, chúng tôi còn có lò phản ứng CANDU (Canada Deuterium Uranium), là những lò phản ứng lớn cung cấp điện. Chúng ta có thể xem xét việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho quá trình khử cacbon trong công nghiệp. Vì vậy, chúng có thể được sử dụng tại các địa điểm khai thác lớn cần điện và nhiệt. Bởi vì trong khi các lò phản ứng tiên tiến và SMR có thể cung cấp điện, chúng cũng có thể cung cấp nhiệt cho các mục đích sử dụng công nghiệp. Nó thậm chí còn có thể được sử dụng cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa ở phía Bắc Canada để cung cấp điện và nhiệt cho các ngôi nhà.

Khí hậu ở Canada rất lạnh, vì vậy, chúng tôi phải dựa vào khí đốt tự nhiên hoặc dầu diesel để sưởi ấm ngôi nhà của mình. Năng lượng hạt nhân mang lại cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và sử dụng các lò phản ứng vi mô để cung cấp điện và nhiệt cho các cộng đồng khác.

Đã có nhiều dự đoán rằng ngành công nghiệp hạt nhân sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 150 tỷ USD vào năm 2040. Đã có rất nhiều cam kết được các nước trên thế giới đưa ra nhằm thực hiện những bước phát triển quan trọng gắn liền với điện hạt nhân.  Mặc dù cho đến nay chưa có một SMR nào được xây dựng ở Canada, nhưng tỉnh Ontario có kế hoạch xây dựng bốn SMR, mỗi lò có công suất 300 megawatt. Cơ sở đầu tiên có thể sẽ hoạt động vào năm 2029. Tại Saskatchewan, chúng tôi đang theo đuổi kế hoạch đưa SMR đầu tiên vào hoạt động năm 2034.

Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - Ảnh 4

Đâu là những yêu cầu, yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển SMR?

Có ba điểm chính cần cân nhắc. Một là, cơ hội kinh tế. Phát triển năng lượng hạt nhân tạo ra việc làm, đòi hỏi lao động có tay nghề cao; đồng thời, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và nhà cung cấp ở địa phương. Đó là cơ hội để họ tham gia vào chuỗi cung ứng hạt nhân và các ngành công nghiệp.

Hai là, an ninh năng lượng. Ở Canada, chúng tôi là nhà sản xuất uranium lớn thứ hai trên thế giới, vì vậy, chúng tôi đã có đủ nguồn lực cho năng lượng hạt nhân. Đó là sự cân nhắc lớn, nhưng không chỉ dừng lại ở việc sản xuất uranium. Việc có nguồn cung cấp điện đa dạng sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần tạo nên hệ thống điện đáng tin cậy và giá cả phải chăng.

Ba là, rõ ràng nhất là sự chuyển đổi năng lượng. Canada cũng như các quốc gia khác đang chuyển sang nguồn điện không phát thải, nhưng có rất ít nguồn điện không phát thải.

Ở Canada, có rất nhiều nguồn thủy điện. Nhưng ở tỉnh Saskatchewan không có nhiều tài nguyên thủy điện. Vì vậy, hiện tại chúng tôi đang phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch là than đá và khí đốt tự nhiên.

Chúng tôi đang chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay thế năng lượng đó bằng một nguồn không phát thải khác, đó là lý do tại sao chúng tôi theo đuổi năng lượng hạt nhân.

Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - Ảnh 5

Những thách thức khi phát triển năng lượng hạt nhân tập trung vào SMR là gì, thưa ông?

Thách thức đầu tiên chắc chắn là chi phí. Vì vậy, năng lượng hạt nhân yêu cầu về việc thực hiện đúng thời hạn hoặc đúng ngân sách. Đó là sự cân nhắc quan trọng đòi hỏi nhiều vốn đầu tư trả trước cao. Điều tuyệt vời với điện hạt nhân là các nhà máy thường tồn tại lâu hơn rất nhiều so với các nguồn phát điện khác, vì vậy, khi  chi phí điện khá cạnh tranh với các nguồn phát điện khác.

Một thách thức nữa với Canada là thị trường lao động. Liệu chúng tôi có đủ công nhân, công nhân lành nghề để phát triển tất cả các cơ sở mới này trong khi phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác? Đó là một vấn đề cần cân nhắc.

Bên cạnh đó, Canada cũng có những quy định pháp lý rất nghiêm ngặt về môi trường và những yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt đó có thể làm chậm sự phát triển của điện hạt nhân.

Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - Ảnh 6

Với điều kiện của Việt Nam hiện nay, để phát triển SMR nói riêng và điện hạt nhân nói chung, ông có những khuyến nghị gì?

Nếu Việt Nam đang xem xét việc phát triển SMR hay điện hạt nhân một cách nghiêm túc thì cần phải bắt đầu ngay bây giờ. Như tôi đã đề cập, ở Canada, chúng tôi đã bắt đầu xem xét phát triển SMR vào năm 2018, cách đây 5 hoặc 6 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một SMR nào được xây dựng. Phải mất nhiều thời gian để lập kế hoạch, mất nhiều thời gian để có được các quy định, để có được chuỗi cung ứng và lao động có trình độ. Ngoài ra, còn rất nhiều thứ khác liên quan đến việc sản xuất năng lượng hạt nhân. Đây là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao về độ an toàn.

Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - Ảnh 7

VnEconomy 23/07/2024 20:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2024 phát hành ngày 22/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuyển đổi năng lượng gắn với phát triển điện hạt nhân - Ảnh 8