) Chuyển đổi số báo chí đã trở thành con đường tất yếu - VnEconomy Emagazine
Chuyển đổi số báo chí đã trở thành con đường tất yếu   - Ảnh 1
Chuyển đổi số báo chí đã trở thành con đường tất yếu   - Ảnh 2

“Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh từ năm 2022 đã xây dựng và sau đó hoàn thiện, ban hành Đề án Chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025 tầm nhìn 2030. Đề án dựa vào nhiều văn bản pháp lý, cũng như các đề án, kế hoạch lớn của Chính phủ như: Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 951/QĐ-BTTTT về Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí ngày 2/6/2023…

Đề án này được Tổ Chuyển đổi số triển khai, Tổng Biên tập là người trực tiếp chỉ đạo, bên cạnh đó là đại diện của nhóm nội dung, kỹ thuật, hành chính, tài vụ. Các đầu việc được đưa ra rõ ràng, có lộ trình, có đầu ra cụ thể, không nói khẩu hiệu, chung chung.

Thành công lớn nhất của Báo đến lúc này có thể kể đến sự thống nhất về tư duy từ lãnh đạo Ban biên tập đến các phóng viên, biên tập viên, người lao động. Đó là tư duy đổi mới trong phương thức, cách làm báo; tư duy hợp tác giữa bộ ba (nội dung, công nghệ, quảng bá). Ngoài ra, báo đã xây dựng, bước đầu hoàn thiện nhóm kỹ thuật online, vốn là điểm yếu của rất nhiều tờ báo.

Báo cũng tham gia vào nhiều diễn đàn chuyển đổi số để học hỏi từ các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy tư duy chuyển đổi số cho lãnh đạo, nhân viên, người lao động. Báo đã phát triển khá đồng bộ hệ thống đa nền tảng, gồm báo in, báo điện tử, các nền tảng YouTube, TikTok, Fanpage… Tất cả các nền tảng đều được chăm chút nội dung, hình thức và các giải pháp kinh tế báo chí.

Tuy nhiên, Báo vẫn còn đối diện nhiều thách thức. Chẳng hạn, sự chuyển dịch tư duy về sản phẩm số, tư duy về kinh tế báo chí vẫn còn chậm. Từ tháng 4/2024, Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm cải cách toàn diện mô hình tòa soạn phù hợp với nhu cầu thực tiễn, bước đầu mang về nhiều thành quả nhưng cũng đặt ra những thách thức mới đòi hỏi đội ngũ phải tiếp tục sáng tạo ra các giải pháp phù hợp hơn.

“Thử - sai – sửa sai – hoàn thiện” có lẽ là hướng đi mà Ban biên tập đang rất quyết tâm triển khai cho Báo. Đến nay, Báo cần thêm thời gian và cần học hỏi đồng nghiệp trong nước và các cơ quan báo chí nước ngoài nhiều hơn nữa để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Cần thêm các nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam để dự báo xu hướng chuyển đổi số cho chính xác. Đặc san “Đổi mới sáng tạo trong báo chí 2023 – Báo cáo toàn cầu” do báo Nhân dân phát hành (dịch từ “Innovation in Media 2023 World Report” do Innovation International Media Consutling Group thực hiện) có nhiều điều thú vị. Ví dụ, trong khi ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí có phiên bản báo in đều báo cáo lỗ, cũng như bế tắc trong giải pháp tăng phát hành thì ở nhiều nước phát triển, họ đã tìm ra cách để có lời từ báo in, đây là tín hiệu tốt.

Trong khi ở Việt Nam đang bùng bổ việc mở kênh YouTube, TikTok,… thì ở nhiều nước khác, mạng xã hội đã bắt đầu “thoái trào” và thậm chí thua lỗ. Các cơ quan báo chí đầu tư mạnh cho website (báo điện tử) của họ thay vì rót tiền vào mạng xã hội; hay như việc nghiên cứu về nhu cầu của bạn đọc, nhất là GenZ, ở các cơ quan báo chí Việt Nam đến lúc này vẫn chưa phổ biến, trong khi điều đó là rất cần thiết để các cơ quan báo chí tự hoàn thiện mình”.

Chuyển đổi số báo chí đã trở thành con đường tất yếu   - Ảnh 3

“Hiện nay, AI có mặt trong hầu hết các công tác thực hiện bản tin của HTV, đặc biệt trong phát triển tin tức thế hệ mới HTV NewZ. Đầu năm 2023, khi mọi người vẫn đang bàn tán về AI, ChatGPT, các phóng viên báo đài cũng đang tìm hiểu, phân tích về AI..., thì HTV đã thực hiện một bản tin do AI viết nội dung để ra mắt khán giả và được đón nhận.

Đến tháng 6/2023, HTV chính thức ra mắt Nền tảng Tin tức thế hệ mới (NewZ). Đây là trang tin tức truyền tải tất cả thông tin từ chương trình phát sóng sang dạng số; “đặc sản” của NewZ là các bài dạng đa phương (multiform), một bài đăng sẽ tích hợp nội dung gồm chữ, hình ảnh, 1 video dọc và 1 video ngang. Với đặc sản này, bạn đọc dễ dàng tiếp cận cách xem trên cùng một nội dung và cũng có thể lựa chọn xem lại chương trình đã phát sóng, xem multiform, YouTube hoặc TikTok...

Minh chứng rõ ràng nhất cho tiêu chí chuyển đổi số là phóng viên phải đáp ứng “đi 1 về 3”. Nghĩa là một người khi đi làm phải mang về 3 sản phẩm: một dành cho phát sóng, một video cho nền tảng xã hội (social) và tin tức, hình ảnh cho bài đăng dạng số. Khi 3 cấu phần: văn bản – hình ảnh và video đa phương được hòa trộn, người xem sẽ được tiếp cận những thông tin một cách toàn diện nhất. Mắt thấy – tai nghe luôn là điều mà người xem hướng đến khi tìm hiểu về một vấn đề.

Ngoài ra, tận dụng phong cách thể hiện sáng tạo, phạm vi tiếp cận lớn của các nền tảng số cộng hưởng cùng ưu thế sẵn có của truyền hình truyền thống, nền tảng NewZ ra đời được kỳ vọng giúp người xem trải nghiệm đọc và theo dõi tin tức chính thống mới, sinh động hơn qua nhiều kênh tiếp cận khác nhau từ các nền tảng số đến nội dung phát sóng truyền hình.

Để làm được những nội dung này, phóng viên đòi hỏi phải năng động, nâng cấp kiến thức để áp dụng công nghệ. Không chỉ những phóng viên trẻ mà những người làm việc lâu năm phải ứng dụng AI để triển khai đề tài theo xu hướng vừa truyền thống vừa hiện đại.

HTV thường xuyên tổ chức đào tạo về kỹ năng, áp dụng công nghệ. HTV ưu tiên đào tạo cho những nhân sự làm lâu năm trước. Điều này giúp những người làm việc lâu năm có thêm động lực, không bị cảm giác “bỏ lại phía sau” hoặc thua kém giới trẻ. Đặc biệt, khi họ đã làm được, những người này sẽ là đội ngũ truyền cảm hứng, động lực mạnh mẽ đối với người trẻ trong câu chuyện chuyển đổi số.

Trước đây, công nghệ chưa phát triển, việc ứng dụng AI còn khó khăn. Hiện AI đã phát triển và thông dụng, sau khi được training, AI trở thành “người bạn” đồng hành với phóng viên. AI cũng trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các bản tin trước khi gửi duyệt tại HTV. Các sản phẩm ứng dụng AI giúp tăng năng suất, hiệu quả, giúp tác phẩm báo chí trọn vẹn hơn. Dù được AI hỗ trợ nhưng phóng viên vẫn phải chỉnh sửa, điều chỉnh theo ý tưởng riêng. Đặc biệt, người chịu trách nhiệm cuối cùng cho sản phẩm báo chí vẫn là phóng viên.

Có thể nói, AI hỗ trợ phóng viên ở tất cả các công đoạn như ý tưởng tiền kịch bản, tiền kỳ quay và hậu kỳ sản phẩm; dựng video; rà soát lỗi chính tả; rã băng phỏng vấn; chống rung... AI được ứng dụng để giúp phóng viên làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo góc nhìn đa chiều, bổ sung những khía cạnh phóng viên có thể bỏ sót.

Tuy nhiên, AI vẫn chưa thể thay thế người làm báo, bởi vì người làm báo phải tiên phong thông tin. Khi có sự việc, nhà báo là người biết trước, kiểm chứng thông tin và đăng lên mạng. Lúc đó, AI mới biết thông tin này. Riêng về lĩnh vực truyền hình, AI chưa thể xách máy quay film, chưa thể cầm micro phỏng vấn nhân vật...”.

Chuyển đổi số báo chí đã trở thành con đường tất yếu   - Ảnh 4

“Trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều cơ quan báo chí ở nước ta xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu để phát triển nên đã sớm vào cuộc. Hiện nay, chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí tại Việt Nam có thể chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1 là những cơ quan báo chí Trung ương được sự hỗ trợ từ Nhà nước và sẵn có tiềm lực lớn nên đã xây dựng chiến lược rõ ràng để triển khai thực hiện.

Nhóm 2 là những báo điện tử thuần túy và các cơ quan có xuất phát điểm là báo in. Nhóm này cũng đã sớm lập đề án số hóa, song vì tự chủ tài chính toàn diện nên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho chuyển đổi số.

Nhóm 3 là các báo có tầm ảnh hưởng ít và những tạp chí chuyên ngành, việc chuyển đổi số mới dừng ở bước tìm hiểu, thăm dò.

Tại Báo Người Lao Động, công tác chuyển đổi số được Đảng ủy, Ban Biên tập đặc biệt quan tâm.

Chúng tôi không ngừng nâng cao nhận thức, tư duy và kiến thức về chuyển đổi số trong toàn cơ quan. Bên cạnh đó, định hướng lại các kênh mạng xã hội, số hóa hoạt động của tòa soạn, xây dựng hệ thống quản trị số, tiếp tục cải tiến báo in và báo điện tử hướng tới trải nghiệm của bạn đọc, nâng cao tính tương tác với độc giả.

Đặc biệt, Báo Người Lao Động đã ra mắt cổng thu phí báo điện tử “DÀNH CHO BẠN ĐỌC VIP”. Sau gần 2 năm triển khai cổng thu phí báo điện tử “DÀNH CHO BẠN ĐỌC VIP”, chúng tôi đã đạt được những thành quả bước đầu với lượng người đăng ký ngày càng tăng và cân đối được về tài chính.

Một thành quá rất đáng tự hào nữa đối với Báo Người Lao Động là trong tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Theo đó, Báo Người Lao Động nằm trong top 10 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc, bên cạnh những cơ quan truyền thông lớn khác như Đài Truyền hình Việt Nam, VnExpress, Đài Tiếng nói Việt Nam, Vietnamplus, VietNamNet… Ngoài ra, Báo Người Lao Động còn xếp thứ nhất trong top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối báo chí địa phương về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Theo tôi, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí thời gian tới sẽ tập trung vào một số xu hướng chính.

Thứ nhất, cá nhân hóa và đa dạng hóa nội dung. Điều đó có nghĩa là báo chí sử dụng dữ liệu và phân tích để cá nhân hóa nội dung cho từng độc giả, dựa trên sở thích, hành vi và nhu cầu của họ.

Thứ hai, tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa các tác vụ như thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, viết bài, kiểm tra sự thật... giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và tập trung vào những công việc sáng tạo hơn.

Thứ ba, phát triển các nền tảng số. Báo chí tiếp tục đầu tư vào việc phát triển các nền tảng số như website, mạng xã hội... để tiếp cận nhiều độc giả hơn”.

Chuyển đổi số báo chí đã trở thành con đường tất yếu   - Ảnh 5

“Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng các công nghệ số vào mọi khía cạnh của hoạt động báo chí nhằm cải thiện hiệu quả, tăng cường khả năng cạnh tranh và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả.

Khi đã xác định cần chuyển đổi thì các cơ quan báo chí cần có một chiến lược rõ ràng, mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện. Chiến lược này phải bao gồm các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, cùng với các bước cụ thể để đạt được chúng.

Ngoài ra, cần lên kế hoạch quản trị rủi ro để đối phó với những thách thức có thể phát sinh trong quá trình chuyển đổi số. Theo kinh nghiệm của tôi, có những việc quan trọng cần phải ưu tiên thực hiện nếu muốn chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, đó là:

Nâng cấp hệ thống quản trị nội dung (CMS), qua đó giúp quản lý và phân phối nội dung hiệu quả. Tiếp theo là đầu tư vào hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu, giúp công việc này linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Các ứng dụng mới được xây dựng trên nền tảng CMS thế hệ mới cũng giúp các cơ quan báo chí có nhiều hình thức thể hiện về nội dung hơn, như: tranh panorama, e-Magazine, VR, AR…

Ngày nay, ứng dụng AI và Big Data đã trở nên phổ biến, vì vậy các cơ quan báo chí cần quan tâm tới hạng mục này để đầu tư, ứng dụng cho tòa soạn của mình. AI và Big Data giúp phân tích dữ liệu độc giả và tối ưu hóa nội dung hiệu quả hơn.

AI giúp các nhà báo xây dựng một bài báo có chiều sâu và toàn diện hơn các vấn đề đặt ra. AI cũng giúp thể hiện các hình thức bài báo như audio, video đa dạng  hơn so với trước.

Chúng tôi cho rằng yếu tố con người trong chuyển đổi số rất quan trọng. Không ít nhân viên trong các cơ quan báo chí còn e ngại và không sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới. Họ thường lo lắng rằng việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi quy trình làm việc và có thể ảnh hưởng đến công việc hiện tại của họ.

Ngoài ra, một số cơ quan báo chí vẫn chưa nắm rõ về các công nghệ mới và cách chúng có thể được áp dụng vào quy trình làm việc của mình.

Nguồn tài chính hạn chế cũng là một rào cản. Vì chuyển đổi số đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, hạ tầng và đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, không phải cơ quan báo chí nào cũng có đủ nguồn lực để thực hiện điều này.

Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng các hệ thống công nghệ khác nhau trong một thời gian dài, việc tích hợp chúng với các giải pháp mới thường gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất chính là nhận thức của người đứng đầu cơ quan báo chí. Khi lãnh đạo có tầm nhìn và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, họ sẽ dẫn dắt đội ngũ, đầu tư nguồn lực cần thiết và xây dựng các chiến lược phù hợp để thực hiện chuyển đổi số thành công.

Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền hình 4.0 Việt Nam (Tek4TV) là một doanh nghiệp đang cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam, như: Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn (Vnews), VTVCab, Báo Dân Việt, Báo Thiếu niên, Nhi đồng, các Đài Phát thanh Truyền hình địa phương (như: Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Cần Thơ…).

Mới đây, Tek4TV đã có buổi giới thiệu Hệ thống quản lý xuất bản Nội dung đa nền tảng (Tek4TV MCM) và hệ thống truyền thanh thông minh. Riêng Tek4TV MCM là giải pháp đã được đánh giá an toàn thông tin và vào Top 10 Giải pháp số xuất sắc - Giải thưởng Make In Vietnam do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng”.

Chuyển đổi số báo chí đã trở thành con đường tất yếu   - Ảnh 6

VnEconomy 21/06/2024 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuyển đổi số báo chí đã trở thành con đường tất yếu   - Ảnh 7