) Chuyển đổi tuần hoàn, xanh, nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số - VnEconomy Emagazine
Chuyển đổi tuần hoàn, xanh, nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số  - Ảnh 1
Chuyển đổi tuần hoàn, xanh, nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số  - Ảnh 2

Thưa ông, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia là nền tảng cho chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái đang là những thách thức nghiêm trọng toàn cầu, đòi hỏi sự chuyển đổi nhanh chóng sang các mô hình kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, cung cấp công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy phát triển bền vững.

Việc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ) với cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư là nền tảng thiết yếu trong tiến trình này, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế dựa trên dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, công nghệ đám mây và chuỗi khối. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là giải pháp mang tính chiến lược để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Kết nối CSDLĐĐ với CSDLQG về dân cư mang lại khả năng tích hợp dữ liệu liên ngành, tạo điều kiện để hạch toán vốn tự nhiên và áp dụng Hệ thống hạch toán kinh tế - môi trường (SEEA).

Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thông qua việc kết nối các hệ thống dữ liệu, các nhà quản lý có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác, dựa trên phân tích từ dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, dữ liệu liên ngành sẽ giúp quản lý các chuỗi giá trị bền vững, từ khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng, đến tái chế chất thải. Thông tin đất đai kết hợp với dữ liệu dân cư có thể hỗ trợ xác định các khu vực ưu tiên cho phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng xanh, hoặc triển khai các dự án tín chỉ carbon.

Dữ liệu tích hợp còn giúp theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên, từ đó điều chỉnh các chính sách để tối ưu hóa quy trình sản xuất và tiêu dùng. Quản lý hiệu quả đất đai và tài nguyên thiên nhiên thông qua hệ thống dữ liệu tích hợp sẽ góp phần quan trọng vào giảm thiểu phát thải và tăng cường khả năng hấp thụ carbon của hệ sinh thái.

Chuyển đổi tuần hoàn, xanh, nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số  - Ảnh 3

Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường có tác động như thế nào đối với quá trình ra quyết định và quản lý nhà nước?

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trắc môi trường là một yếu tố quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong quá trình ra quyết định và quản lý nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững. Hệ thống này không chỉ cung cấp những dữ liệu chính xác, kịp thời về chất lượng môi trường mà còn hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, điều chỉnh và triển khai các chính sách bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, và phát triển bền vững.

Thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ sở dữ liệu quan trắc ở mọi cấp độ, từ quốc gia, bộ ngành đến địa phương, sẽ được đồng bộ hóa một cách hiệu quả và toàn diện. Các cơ sở dữ liệu này bao gồm những lĩnh vực trọng yếu như quan trắc đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, môi trường biển, cùng các lĩnh vực khác liên quan đến tài nguyên và môi trường.

Dữ liệu môi trường, đa dạng sinh học, chất thải, nước thải, khí thải được kết nối và tích hợp đóng vai trò nền tảng cho việc triển khai các giải pháp đo lường, báo cáo, và thẩm định (MRV) hiệu quả, đặc biệt trong việc theo dõi dòng thải, theo dấu chân nhựa, dấu chân đa dạng sinh học, dấu chân carbon và kiểm kê, báo cáo, xác nhận phát thải khí nhà kính. Đây là yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu kinh tế carbon thấp và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, như trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

CSDL quan trắc môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, giúp các cơ quan nhà nước đưa ra các quyết định chính xác hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Chuyển đổi tuần hoàn, xanh, nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số  - Ảnh 4

Kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường có vai trò gì trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thưa ông?

Kết nối CSDLĐĐ với CSDLQG về dân cư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cũng như kết quả của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Dữ liệu đất đai bao gồm thông tin về quyền sở hữu, mục đích sử dụng, giá trị và hiện trạng sử dụng đất, trong khi dữ liệu dân cư cung cấp thông tin về nhân khẩu học, giúp gắn kết chặt chẽ với quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế - xã hội. Việc kết hợp dữ liệu này tạo điều kiện để xây dựng các hệ thống quy hoạch và quản lý đô thị hiện đại, giảm thiểu xung đột và hỗ trợ phát triển bền vững.

Hệ thống quan trắc thời gian thực đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát chất lượng không khí, nguồn nước và chất thải, từ đó cung cấp dữ liệu chính xác và kịp thời để đưa ra các cảnh báo sớm. Việc giám sát không khí có thể tập trung vào các chỉ số như nồng độ PM2.5, NO2, và SO2 ở các khu vực đô thị và nông thôn, trong khi giám sát nguồn nước cần theo dõi chất lượng nước sông, hồ và nước ngầm. Đặc biệt, việc giám sát chất thải, bao gồm chất thải rắn, lỏng và khí sinh hoạt và công nghiệp sẽ giúp kiểm soát ô nhiễm môi trường, đồng thời cung cấp dữ liệu để tối ưu hóa quy trình xử lý và tái chế.

Để hỗ trợ hiệu quả cho các chiến lược này, cần áp dụng Hệ thống Kế toán tài nguyên và môi trường (SEEA), một khung chuẩn quốc tế giúp tích hợp dữ liệu môi trường vào hệ thống tài khoản kinh tế quốc gia. SEEA cung cấp cách tiếp cận có hệ thống để hạch toán dòng tài nguyên, đánh giá vốn tự nhiên và đo lường giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái như điều hòa khí hậu, cung cấp nước sạch và duy trì đa dạng sinh học.

Việc tích hợp chuyển đổi số với kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và carbon thấp đòi hỏi phân tích chuỗi cung ứng và tối ưu hóa chu kỳ tái chế. Sử dụng công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI), các chính phủ và doanh nghiệp có thể xác định các điểm yếu trong chuỗi giá trị, từ đó đề xuất các giải pháp để giảm thiểu rác thải và tăng cường sử dụng bền vững tài nguyên.

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng thúc đẩy sự phát triển của đô thị thông minh, nơi các công nghệ IoT (Internet vạn vật) được sử dụng để giám sát năng lượng, chất thải và chất lượng môi trường trong thời gian thực, từ đó tối ưu hóa các dịch vụ công và cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Chuyển đổi tuần hoàn, xanh, nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số  - Ảnh 5

Vậy, làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, thưa ông?

Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần giải quyết các thách thức liên quan đến hạ tầng công nghệ, nhân lực và kinh phí. Cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương, đảm bảo khả năng kết nối và bảo mật dữ liệu, tổ chức đào tạo và nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về lợi ích và cách thức sử dụng dữ liệu số trong quản lý và phát triển bền vững. Việc huy động nguồn lực tài chính, bao gồm cả nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng và vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia hiện đại.

Kết nối CSDLĐĐ với CSDLQG về dân cư là bước tiến quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số, giúp Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi xanh, tuần hoàn và nền kinh tế carbon thấp, mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân và khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu.

Việc kết nối CSDLĐĐ với CSDLQG về dân cư và các cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường là một chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý tài nguyên và môi trường tại Việt Nam. Đây không chỉ là một giải pháp công nghệ mà còn là nền tảng chiến lược giúp Việt Nam chuyển đổi thành công sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, và nền kinh tế carbon thấp, góp phần bảo vệ hành tinh, đảm bảo một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau, tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam vươn lên trong công cuộc phát triển bền vững toàn cầu.

Chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia không chỉ là nền tảng kỹ thuật, mà còn là công cụ chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững. Việc tích hợp các công cụ như SEEA, tiếp cận dựa vào hệ sinh thái và cảnh quan, cùng với việc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai, dân cư và quan trắc thời gian thực giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải carbon và đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đây là giải pháp cần thiết và là yêu cầu cấp bách để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Chuyển đổi tuần hoàn, xanh, nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số  - Ảnh 6

VnEconomy 10/12/2024 09:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2024 phát hành ngày 9/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Chuyển đổi tuần hoàn, xanh, nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số  - Ảnh 7