Nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển, TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, khẳng định ngay từ khi ra đời, Thời báo Kinh tế Việt Nam do GS. Đào Nguyên Cát sáng lập, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam là cơ quan chủ quản, đã gắn bó chặt chẽ với Ban Tuyên huấn (Ban Tuyên giáo Trung ương hiện nay). Tư tưởng báo chí cách mạng không những là người tuyên truyền, cổ động mà còn tổ chức thực hiện đường lối của Đảng đã thấm sâu vào hoạt động của Thời báo Kinh tế Việt Nam trước đây và Tạp chí Kinh tế Việt Nam hiện nay. Do đó, Tổng biên tập Chử Văn Lâm mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chỉ đạo, ủng hộ, hỗ trợ để Tạp chí làm tốt hơn nhiệm vụ này, tiếp tục duy trì sự gắn bó và phát triển lên tầm cao mới.
Trải qua gần hai năm chuyển đổi từ một tờ báo thành tạp chí và phát triển theo mô hình tòa soạn hợp nhất, hiện nay Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã và đang có bước chuyển đổi số mạnh mẽ. Tạp chí không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức và ứng dụng công nghệ số đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của độc giả. Các hoạt động báo chí, truyền thông của Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã góp phần phản ánh trung thực dòng chảy kinh tế của đất nước.
Chuyển đổi từ nhật báo sang tạp chí, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã không ngừng cải tiến phương thức tác nghiệp và nội dung cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan tạp chí, đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu tìm hiểu thông tin kinh tế của bạn đọc, nhất là những vấn đề liên quan đến đường lối, chủ trương và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, với nhiều bài phân tích, phản biện chuyên sâu.
Tạp chí điện tử VnEconomy trên tinh thần chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động báo chí, thông tin, truyền thông đã được Tòa soạn đầu tư mạnh mẽ hạ tầng kỹ thuật, phương tiện tác nghiệp và dần xây dựng thành một tạp chí điện tử đa phương tiện, tập trung chủ yếu vào các nội dung kinh tế.
Với mục tiêu trở thành cơ quan báo chí về kinh tế hàng đầu Việt Nam, VnEconomy đang trên hành trình trở thành một tổ hợp báo chí đa phương tiện, chuyên sâu, là bạn đồng hành của doanh nghiệp.
Nằm trong chiến lược phát triển của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và định hướng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Trung tâm kết nối công nghệ tương lai Techconnect ra đời với sứ mệnh trở thành cầu nối, giúp các startup, doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo tìm được các quỹ đầu tư tiềm năng, đối tác đồng hành và mở rộng sự hiện diện, quy mô thị trường.
Bên cạnh đó, chuyên mục AutoNews của Tạp chí sẽ là kênh thông tin hàng đầu Việt Nam với các tin tức thời sự cập nhật nhanh nhất, nóng nhất cùng những phân tích đánh giá về thị trường ô tô, xe máy trong nước và quốc tế.
Thông tin về hoạt động chuyển đổi số của tòa soạn hợp nhất, nhà báo Đào Quang Bính, Tổng giám đốc, Tổng thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, cho biết hướng đến phục vụ độc giả quốc tế, VnEconomy đã áp dụng công nghệ kỹ thuật xuất bản phiên bản online bằng tiếng Anh giới thiệu tóm tắt các tin bài quan trọng. Độc giả quan tâm các bài viết có thể đọc bằng 108 thứ tiếng phổ biến trên thế giới thông qua công cụ dịch. Đây là nguồn cung cấp thông tin phục vụ tuyên truyền đối ngoại, đặc biệt đối ngoại kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, giao thương, mở cửa kinh tế của đất nước.
Trong hai năm qua, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức các diễn đàn thu hút đầu tư nước ngoài với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán và các doanh nghiệp nước ngoài. Tạp chí cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao biên tập cuốn kỷ yếu về kinh tế Việt Nam được in bằng 3 thứ tiếng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Một dự án chuyển đổi số trong phát hành báo in cũng đang được tòa soạn “thai nghén”, hợp tác với Công ty Phát hành báo chí Trung ương nghiên cứu phát triển một hạ tầng kỹ thuật để phát hành tạp chí dưới dạng PDF.
Kinh nghiệm từ các tờ báo lớn trên thế giới khi triển khai ứng dụng công nghệ phát hành trên vẫn duy trì và giữ chân độc giả đọc báo in. “Điều này sẽ mở ra hướng phát triển rất tốt cho các tạp chí in ở trong nước, giảm bớt chi phí in, phát hành nhanh chóng tới tất cả các độc giả ở mọi nơi qua một thao tác bấm nút. Chúng tôi coi đây là một công cụ chuyển đổi số hữu hiệu cho phát triển báo chí Việt Nam”, ông Đào Quang Bính nhận định.
Nhìn lại cả chặng đường phát triển của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Trần Thanh Lâm cho rằng từ một bản tin kinh tế năm 1991 và ra đời tờ báo năm 1993 đến năm 2019 chuyển đổi thành tạp chí là cả quá trình xây dựng, cống hiến, trưởng thành, khẳng định thương hiệu, tầm ảnh hưởng cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ của Thời báo Kinh tế Việt Nam - một cơ quan báo chí kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Đi cùng với lịch sử gần 30 năm phát triển đã hình thành đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, chuyên gia, cộng tác viên… “Đây là một tài sản lớn, vốn quý và cũng là một giai đoạn quá khứ hào hùng của tờ báo”, ông Lâm nói.
Bước vào giai đoạn thực hiện quy hoạch báo chí, Thời báo Kinh tế Việt Nam là một trong số 24 tờ báo chuyển đổi. Theo ông Lâm, mặc dù trong quá trình chuyển mình của Thời báo sang Tạp chí có chút “vật vã”, có những nốt trầm lặng, những xáo động nhưng báo đã vượt qua khó khăn, vươn lên với một động lực phát triển mới, sân chơi mới, một vai mới để khẳng định, thể hiện mình. Đây là điều không phải báo nào cũng làm được trong quá trình chuyển đổi.
“Trên thực tế có những tờ báo khi đã chuyển đổi xong vẫn đang phải lo lắng tìm mô hình hoạt động, cách thức chuyển đổi thực sự từ báo sang tạp chí. Bản thân các tòa soạn phải xác định chuyển đổi và tìm hướng đi cho đúng”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Sau hai năm chuyển đổi, đến nay Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã khoác lên mình chiếc “áo mới”, với hình thức mới, với một niềm tin, sức sống mãnh liệt, nguồn năng lượng tích cực đến từ lãnh đạo và tất cả nhân viên tòa soạn.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận sự đổi mới sáng tạo của Tạp chí với cách làm chuyên sâu, chuyên ngành hơn, thể hiện qua nỗ lực chuyển đổi số tòa soạn và các hoạt động tọa đàm, bàn tròn, chuyên đề sâu về kinh tế; tư vấn phản biện chính sách; chuyển đổi phát hành bản tin nước ngoài. Tạp chí Kinh tế Việt Nam cũng chuẩn bị cho hướng mới theo xu thế khi phát hành báo in bằng bản PDF, đọc báo số…
Biểu dương những thành quả bước đầu đạt được trong quá trình chuyển đổi, cách làm sáng tạo mới với vai trò của một tạp chí kinh tế hàng đầu Việt Nam, ông Lâm đề nghị và mong muốn Tạp chí đi đầu, gương mẫu và là điểm sáng trong thực hiện quy hoạch báo chí. Đến năm 2025, khi tổng kết thực hiện quy hoạch, Tạp chí sẽ là một trong những ví dụ điển hình về chuyển đổi.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý Tạp chí Kinh tế Việt Nam phải tiếp tục duy trì là tờ tạp chí hàng đầu về kinh tế với sự sang trọng, phát huy cách làm kinh tế đàng hoàng, hợp tác cùng có lợi, xác định mục tiêu lộ trình, định hướng lớn, không sa đà vào cách làm tầm thường, không dẫm vào chân của một số tạp chí đang để lại tiếng xấu cho làng báo chí...
Đặc biệt, Tạp chí cần tiếp tục đi đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; duy trì, giữ vững, phát huy phong độ, sức ảnh hưởng và uy tín thương hiệu của tờ báo. Ông Lâm cũng đề nghị Tạp chí phát huy những nguồn vốn quý đang có như thương hiệu, uy tín, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là thế hệ những nhà báo lão thành, những người có vốn kiến thức kinh nghiệm, tâm huyết với nghề cũng như thế hệ cán bộ nhân viên trẻ.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì sự gắn bó, quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ để Tạp chí phát triển mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời đồng hành cùng cơ quan chủ quản là Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam làm tốt công tác chỉ đạo quản lý để Tạp chí Kinh tế Việt Nam đạt được những thành quả cao hơn.
VnEconomy 06/06/2022 14:00