) Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - VnEconomy Emagazine
Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 1
Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 2

“Theo tôi, một Digital Hub sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hạ tầng khi các trung tâm dữ liệu được đặt nội địa. Tính bảo mật dữ liệu được cải thiện, việc kết nối đường truyền, cáp quang ổn định, giúp thu hút đầu tư nước ngoài và tiếp cận khách hàng quốc tế tốt hơn. Từ chính sách và chiến lược hình thành, phát triển Digital Hub của Nhật Bản, dưới góc độ là doanh nghiệp Việt có kinh nghiệm lâu năm hoạt động và phát triển trên thị trường Nhật Bản, Rikkeisoft nhận thấy Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một Digital Hub tiếp theo trong khu vực bởi hạ tầng có tuyến cáp biển, đầu tư các trung tâm dữ liệu với sự phát triển nhanh của điện toán đám mây.

Khi trở thành Digital Hub, Việt Nam sẽ là điểm trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu trong khu vực. Là quốc gia được đánh giá là thị trường mới nổi về dữ liệu toàn cầu, đứng đầu trong mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, Việt Nam có cơ hội dần xuất hiện với vai trò là Digital Hub.

Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 27 trung tâm dữ liệu, 80% doanh nghiệp lưu trữ hyperscale (lưu trữ thông thường, giới hạn terabyte dữ liệu). Hiện Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển các trung tâm dữ liệu, đặt dữ liệu của Việt Nam tại Việt Nam. Chiến lược tiên phong xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây “Make in Vietnam”.

Dự tính đến năm 2025, Việt Nam xây dựng 2 trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ chính phủ số, một trung tâm dữ liệu quốc gia, một trung tâm giám sát dữ liệu quốc gia, ba cụm trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ kinh tế số và xã hội số. 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng và phát triển các dịch vụ điện toán đám mây. 100% chính quyền địa phương sử dụng dịch vụ đám mây từ nhà cung cấp nội địa.

Việt Nam đang trên hành trình thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia nên các nhu cầu về bản địa hóa dữ liệu, tốc độ xử lý để tăng trải nghiệm, tăng hiệu quả vận hành là động lực để Việt Nam đi đến một trung tâm số của khu vực. Tuy nhiên, ngoài việc xây dựng các cấu phần của một Digital Hub (số lượng trung tâm dữ liệu, hạ tầng kết nối băng thông rộng, các công nghệ cao), khi lợi ích của một Digital Hub được phủ rộng từ vùng đến quốc gia, Việt Nam cũng cần đáp ứng các tiêu chí hạ tầng pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và luật trao đổi dữ liệu cá nhân, cách thức hợp tác quốc tế.

Không chỉ riêng Rikkeisoft, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đều mong muốn góp phần phát triển Việt Nam trở thành một Digital Hub như kế hoạch dự kiến. Bởi khi Việt Nam trở thành một nơi trung chuyển, kết nối và xử lý dữ liệu cả khu vực, các doanh nghiệp Việt tận dụng các thế mạnh để mở rộng tiềm năng thu hút đầu tư, kết nối hợp tác, tăng hiệu suất, tối ưu chi phí vận hành.

Tôi cho rằng Digital Hub là tiền đề để thúc đẩy chính phủ số, xã hội số, kinh tế số mà cả doanh nghiệp lẫn người dân đều được hưởng lợi. Một trong những cấu phần quan trọng của Digital Hub là hệ sinh thái công nghệ, vì vậy Rikkeisoft đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ sinh thái này để góp phần nhỏ đưa Việt Nam đạt mục tiêu này vào năm 2030.

Hệ sinh thái bao gồm Rikkei Digital (tư vấn và cung cấp giải pháp chuyển đổi số - trọng tâm góp phần đẩy mạnh nền kinh tế số Việt Nam), Rikkei AI (nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ cao ứng dụng AI, IoT, Cloud), Rikkei Capital (đầu tư và ươm mầm dự án công nghệ cao).

Ngoài ra, sức mạnh của hệ sinh thái công nghệ còn đến từ yếu tố con người được đầu tư bài bản. Rikkeisoft đã xây dựng Rikkei Academy mong muốn đào tạo và nâng cao chất lượng kỹ sư công nghệ thông tin”.

Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 3

“Việc phát triển các trung tâm dữ liệu và ứng dụng điện toán đám mây là một trong những trọng tâm của chuyển đổi số. Để làm được điều này đòi hỏi các kết nối liên tỉnh và quốc tế, cùng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn.

Các nước trên thế giới đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu, thậm chí hình thành các công viên Data Center. Các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Philippines cũng đang trở thành “hub” của các tập đoàn lớn.

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và cần có những trung tâm dữ liệu lớn để đặt máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu… Bên cạnh đó, đây là nhu cầu tất yếu khi các doanh nghiệp phải dịch chuyển lên điện toán đám mây.

Cùng với các trung tâm dữ liệu, Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái các dịch vụ và công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain… để thực hiện mục tiêu Digital Hub. Muốn vậy, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh chính sách và quy hoạch các khu vực dành cho trung tâm dữ liệu.

Ngoài ra, chúng ta phải đầu tư thêm các tuyến cáp biển trong nước và quốc tế. Bởi hiện nay, số lượng tuyến cáp ở Việt Nam đang ít hơn nhiều so với các nước Malaysia, Philippines…

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT… đã chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển trung tâm dữ liệu hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới. Nhiều năm qua, FPT đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn ở Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi có 4 trung tâm dữ liệu trên cả nước, trong đó, đã đưa vào hoạt động 3 trung tâm rộng hàng nghìn m2, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt.

Trong tương lai, FPT tiếp tục đầu tư 2.300 tỷ đồng cho các trung tâm dữ liệu mới. Cụ thể, tại Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM, FPT đang xây dựng trung tâm dữ liệu có tổng diện tích 20.000 m2, cung cấp 3.600 Rack (tủ chứa các thiết bị mạng). Đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam thiết kế theo chuẩn LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh), dự kiến hoạt động chính thức vào quý 3/2024”.

Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 4

“Cùng với các đổi mới công nghệ như Internet, Big Data, E-commerce, thương mại điện tử xuyên biên giới đã làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu. Thay vì phải qua nhiều bước trung gian để hàng hóa từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu, đến nhà nhập khẩu ở thị trường mục tiêu, sau đó đến các nhà bán sỉ rồi chuyển đến các nhà bán lẻ và từ đó mới đến tay người tiêu dùng. Với thương mại điện tử xuyên biên giới, nhà sản xuất có thể là nhà bán hàng hay chủ thương hiệu và họ có thể trực tiếp tiếp cận và bán hàng cho người tiêu dùng, tạo thành một chuỗi thương mại trực tuyến khép kín: thông tin, hàng hóa và dòng tiền đều nằm trong một luồng. Giao dịch từ đầu đến cuối, một bước tới người tiêu dùng.

Tháng 6/2022, Amazon Global Selling Việt Nam đã ký một Biên bản ghi nhớ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế kỹ thuật số Việt Nam, thuộc Bộ Công Thương và khởi động sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” nhằm hỗ trợ phát triển 10.000 nhân lực ngành thương mại điện tử xuyên biên giới cho Việt Nam trong 5 năm tới.

Amazon Global Selling là chương trình bán hàng giúp các doanh nghiệp phát triển kinh doanh toàn cầu, tiếp cận khách hàng Amazon trên khắp thế giới và xây dựng thương hiệu quốc tế. Đối với Việt Nam, chương trình này hỗ trợ doanh nghiệp Việt để xuất khẩu và bán hàng trực tuyến, đưa hàng hóa, sản phẩm và đến tay người mua hàng trên toàn cầu của Amazon.

Đây là mô hình kinh doanh thương mại điện tử xu hướng mới, mang tính chuyển đổi số mạnh mẽ và đột phá. Tại châu Á, mô hình này đã phát triển vượt bậc ở Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Đông Nam Á, Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng hàng đầu với tốc độ phát triển về số lượng doanh nghiệp tham gia những năm gần đây.

Amazon Global Selling Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để tăng cường nhận thức về thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam có sự sẵn sàng cao hơn để nhập cuộc và nắm bắt cơ hội này. Ở thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên Amazon tăng 80% (tính trong vòng 12 tháng so với cùng kỳ năm ngoái)”.

Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 5

“Khi Việt Nam trở thành Digital Hub sẽ mở ra những cơ hội lớn với thị trường nội địa. Bởi thực tế hiện nay, có tới 80% tổ chức doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ công nghệ đám mây của các “ông lớn” nước ngoài.

Dư địa của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn và sẽ tăng trưởng rất nhanh trong những năm tới. Chính vì vậy các doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng, đặt các trung tâm dữ liệu, tăng cường một số dịch vụ tại thị trường Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của Luật An ninh mạng và các quy định liên quan.

Việt Nam cũng là thị trường đang phát triển mạnh của các thiết bị di động như iPhone, Samsung và nhiều dịch vụ công nghệ khác như Grab, GoJeck… Người dân đã quen với sử dụng các dịch vụ số trong cuộc sống. Đặc biệt, lực lượng dân số trẻ của Việt Nam rất nhanh nhạy trong đón nhận và cập nhật các công nghệ mới.

Tôi cho rằng với những tiềm năng lớn của thị trường, nếu được hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước thì các công ty điện toán đám mây, doanh nghiệp dịch vụ số trong nước sẽ tạo được lợi thế để có thể giành chiến thắng trên thị trường, từ đó tạo tiền đề quan trọng để bước ra thị trường khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ đối mặt với những khó khăn thách thức khi chúng ta định hình là một Digital Hub của khu vực.

Trước hết, Digital Hub sẽ là nơi mọi thứ ở đó tập trung cho một hành lang pháp lý rất rõ ràng và phải đi trước.

Yếu tố quan trọng nhất khi các doanh nghiệp quyết định lựa chọn đặt “tổng hành dinh” về một Digital Hub không phải là giá đất rẻ, chi phí xây dựng Data Center hay nhân công nơi đó thấp… mà nằm ở vấn đề hành lang pháp lý rõ ràng và phải đi trước công nghệ.

Theo tôi, đây sẽ là yếu tố cần phải giải quyết để một quốc gia trở thành một Digital Hub. Dubai là một ví dụ điển hình khi hành lang pháp lý cho các công nghệ mới như tiền kỹ thuật số đã khá rõ ràng và hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được bảo vệ.

Thứ hai, chúng ta phải có phản ứng nhanh với các xu thế công nghệ mới và có cơ chế để tham khảo ý kiến các chuyên gia trong thị trường khu vực cũng như thế giới.

Thứ ba, phải chú trọng hài hòa bảo đảm an ninh mạng và khuyến khích những doanh nghiệp đến hoạt động, đặt máy chủ lưu trữ ở những trung tâm này. Digital Hub sẽ phải đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư. Từ trước tới nay, Việt Nam chưa trở thành Hub ở lĩnh vực nào nên việc vươn lên trở thành Digital Hub sẽ có những khó khăn, thách thức nhất định.

Khi trở thành một Digital Hub, Việt Nam sẽ thu hút được nhân tài, nhân lực và dữ liệu hội tụ về; đồng thời tất cả sáng tạo sẽ bắt đầu từ đây.  Digital Hub là hình ảnh của một đất nước sáng tạo, có nhiều ý tưởng sáng tạo thành công đi thẳng vào cuộc sống và được ứng dụng trên toàn cầu”.

Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 6

“Việc định hướng phát triển các trung tâm dữ liệu (Data Center) cỡ lớn thành Digital Hub phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế số, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Việt Nam, khi doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ sử dụng rất nhiều các ứng dụng ở dạng dịch vụ. Ngoài ra, hạ tầng 5G phát triển mạnh và các thiết bị IoT được sử dụng nhiều hơn thì lượng dữ liệu phát sinh càng ngày càng lớn và việc giải quyết bằng bài toán tập trung data center không đủ, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư băng thông, hạ tầng và giải quyết vấn đề an ninh mạng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, điện toán biên (Edge Computing) đã trở thành một trong những xu hướng. Bên cạnh việc phát triển các Data Center thành các Digital Hub, cần nghiên cứu phát triển các công nghệ điện toán biên xử lý ngay ở phần rìa. Điều này giúp tối ưu hóa hệ thống bằng cách xử lý dữ liệu đơn giản tại vùng biên của mạng, đưa việc xử lý dữ liệu về sát người dùng và giải quyết bài toán nghẽn băng thông, giám sát hệ thống cục bộ được an toàn hơn.

Một ví dụ dễ thấy nhất, nếu dân số toàn cầu sở hữu ít nhất một chiếc điện thoại di động, việc dành thêm tài nguyên băng thông cho dữ liệu từ xe tự hành, nhà thông minh, camera thông minh, robot trong nhà máy thông minh… sẽ gặp nhiều trở ngại khi đổ dữ liệu về máy chủ thường xuyên. Đến một lúc nào đó sẽ không đảm bảo xử lý kịp thời, cung cấp dịch vụ sẵn sàng được. Mô hình cloud hiện tại vận hành theo hướng tập trung hóa, tất cả dữ liệu dồn về trung tâm dữ liệu (Data Center). Người dùng cần kết nối với điểm trung tâm để lấy dữ liệu. Nếu 5G được phủ rộng trong tương lai, máy chủ Cloud sẽ chịu áp lực rất lớn.

Một ví dụ khác, tại các thành phố lớn có đến hàng trăm nút giao thông, mỗi nút giao thông lắp từ 3- 5 camera quan sát. Vì vậy, số lượng camera được lắp đặt rất lớn. Nếu truyền toàn bộ video lên máy chủ Cloud để xử lý thì có thể gây ra hiện tượng nghẽn mạng và chi phí thuê băng thông sẽ rất tốn kém.

Do đó, ứng dụng công nghệ điện toán biên, có thể lắp đặt thiết bị Edge, kết nối trực tiếp tại camera hoặc xây dựng trung tâm dữ liệu riêng thuộc quyền điều hành và giám sát của cảnh sát giao thông, người giám sát chắc chắn sẽ xử lý nhanh chóng, kịp thời và lưu trữ dữ liệu ngay tại chỗ.

Nhờ những tính năng nâng cao, độ trễ thấp, độ gần, băng thông rộng và thông tin thời gian thực của mạng vô tuyến và vị trí, đặc biệt điện toán biên trong viễn thông hay điện toán biên di động (MEC) được xem là yếu tố chính thúc đẩy IoT. MEC cho phép một số lượng lớn các ứng dụng và dịch vụ mới cho nhiều lĩnh vực như người tiêu dùng, doanh nghiệp, sức khỏe, thành phố thông minh… Ngoài ra, Edge Computing làm giảm lượng dữ liệu trao đổi với máy chủ cloud trong các thiết bị VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường), MX (thực tế hỗn hợp).

Như vậy, những người cung cấp dịch vụ cần liên kết với nhau tạo thành hệ sinh thái. Trong đó, có những doanh nghiệp cung cấp công nghệ đường truyền, có những doanh nghiệp tập trung phát triển những ứng dụng. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa những ứng dụng của mình ra toàn cầu. Thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam là phát triển ứng dụng.

Tuy nhiên, nếu để các doanh nghiệp Việt bán ứng dụng ra nước ngoài thì tương đối khó, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng phát triển các ứng dụng tích hợp trên các công nghệ phần cứng (có thể do nước ngoài cung cấp) tạo thành một hệ sinh thái cả trong nước lẫn quốc tế, hình thành một chuỗi cung ứng sẽ là một lợi thế rất lớn”.

Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 7

“Tôi đánh giá cao về tầm nhìn và khát vọng mục tiêu Việt Nam trở thành một trung tâm số Digital Hub vào năm 2030. Trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang có 3 Digital Hub là Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản. Với vị trí thuận lợi, là trung tâm giao thoa giữa các khu vực Đông Nam Á- châu Á, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu này.

Tuy nhiên, để vươn lên thành một Digital Hub của khu vực, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn về vị trí địa lý, đòi hỏi Việt Nam cần có hai yếu tố là cơ sở hạ tầng (hạ tầng số) và nguồn nhân lực. Bên cạnh những yếu tố đột phá, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào các yếu tố mang tính nền móng như con người.

Cả hai yếu tố này Việt Nam đang dần được cải thiện. Với sự đầu tư từ Chính phủ cũng như sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tôi tin Việt Nam sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Digital Hub tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt, để một đất nước trở thành trung tâm số thì trước hết mỗi doanh nghiệp phải là một Digital Hub thu nhỏ. Muốn làm được điều này, Việt Nam phải liên tục cập nhật, ứng dụng những công nghệ mới để bắt kịp xu thế của thế giới, như điện toán đám mây...

Điện toán đám mây được xác định là hạ tầng chính của hạ tầng số, là yếu tố tiên quyết để Việt Nam có thể trở thành một Digital Hub. Điện toán đám mây mang lại giá trị lớn cho bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào về sự tiện ích, sự linh hoạt, tiết kiệm chi phí... Vì vậy, tôi tin rằng khi Việt Nam trở thành một Digital Hub của khu vực, bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào cũng đều được hưởng những lợi ích to lớn.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thức được rõ về sự chuyển mình mang lại những giá trị gì ở hiện tại và trong tương lai. Hành trình “lên mây” của các doanh nghiệp Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết, trải rộng trên mọi lĩnh vực... Thậm chí, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đa số các cơ quan chính phủ đều sử dụng điện toán đám mây.

Thị trường Việt Nam đang được đánh giá là có tiềm năng lớn nhưng vẫn chưa được khai thác hết. Trong quá trình triển khai giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs)  khá dễ dàng dịch chuyển toàn bộ hệ thống lên đám mây, nhưng với các doanh nghiệp lớn hay các cơ quan khối nhà nước còn nhiều khó khăn hơn do hệ thống hạ tầng đã được đầu tư lâu dài với chi phí lớn, và đặc biệt quy trình chưa kịp thích ứng khi dịch chuyển lên đám mây.

Hiện nay, chúng tôi đã và đang cung cấp và hỗ trợ triển khai những hạ tầng điện toán đám mây tân tiến nhất, đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số bằng nhiều cách khác nhau như tư vấn kiến trúc hạ tầng tối ưu, chuyển đổi hệ thống hiện hữu lên đám mây AWS, dịch vụ quản trị hạ tầng, tối đa năng lực hạ tầng, tối ưu chi phí trên hạ tầng cloud...”.

Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 8

VnEconomy 17/11/2022 08:00

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46 phát hành ngày 14-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Cơ hội trở thành trung tâm dữ liệu lớn tiếp theo trong khu vực - Ảnh 9