Năm 2021 là một năm rất khó khăn đối với chúng tôi trên mọi phương diện: tác động tiêu cực đến nhu cầu của người tiêu dùng đối với một số nhóm hàng của chúng tôi, hạn chế sản xuất nghiêm trọng trong quá trình thực hiện biện pháp 3T và tình trạng thiếu lao động cũng như các vấn đề phân phối do các đợt phong tỏa từ tháng 6.
Trong giai đoạn khó khăn này, các công ty phải thích ứng. Chúng tôi đã sớm quyết định ưu tiên 3 vấn đề: 1) Chăm sóc người lao động và sự an toàn của họ; 2) Đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh; 3) Chung tay giúp đỡ chính phủ và các cộng đồng mà chúng tôi phục vụ.
Nhưng có một điều chúng tôi không thay đổi là tập trung vào phát triển bền vững dù có Covid hay không. Đây là điều mà chúng tôi không thể trì hoãn. Mới đây, Nestle Việt Nam đã chính thức công bố cam kết trung hòa nhựa đến năm 2025, 100% bao bì có thể tái chế.
Chúng tôi tin rằng trong hoàn cảnh khá khó khăn, Chính phủ Việt Nam đã làm tốt việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát đại dịch, đặc biệt là trong vài tháng qua với việc công bố chính sách mới “Sống chung với vi rút”.
Trong tương lai, để thực hiện nhanh các nỗ lực theo đuổi tăng trưởng xanh và bền vững, Chính phủ cần tuyên truyền các chính sách thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI bằng cách tạo ra các nền tảng trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau dựa trên nguyên tắc “tạo ra giá trị chung” để tất cả đều có thể hưởng lợi trong dài hạn.
Tại Nestlé và La Vie, chúng tôi hiểu rằng phát triển bền vững là chưa đủ, vì thế chúng tôi đang bắt đầu một hành trình hướng đến sự tái tạo của môi trường. Chúng tôi đặt mục tiêu góp phần tác động tích cực đến môi trường và xã hội, nhằm giúp bảo tồn hệ sinh thái, tái tạo và phục hồi môi trường cho thế hệ hôm nay và mai sau.
La Vie cam kết thực hiện hành trình, hướng đến một tương lai không rác thải, bằng việc ủng hộ nhựa tái sinh và giảm sử dụng nhựa nguyên sinh trong bao bì sản phẩm, như một giải pháp giúp giảm phát thải nhựa ra môi trường.
Chính vì thế, từ đầu năm 2021, mặc dù vừa trải qua gần một năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chúng tôi đã ra mắt sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đầu tiên sử dụng chai được làm từ nhựa tái sinh đạt chất lượng tiếp xúc thực phẩm. Đồng thời, đang tiếp tục mở rộng sáng kiến này để ủng hộ nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, nhằm biến bao bì sau sử dụng trở thành một nguồn tài nguyên.
Năm 2019, hãng giới thiệu sản phẩm La Vie chai thủy tinh, hợp tác với nhà phân phối và hệ thống nhà hàng, khách sạn để thu gom vỏ chai. Năm 2018, La Vie là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành nước uống tại Việt Nam bắt đầu ngưng sử dụng màng co nắp chai vì đây là phần nhựa không cần thiết và không có khả năng được thu gom và tái chế. Hiện gần như toàn bộ sản phẩm của La Vie có thể tái chế hoàn toàn.
Chúng ta cần bắt tay vào hành động ngay từ bây giờ để bảo vệ thiên nhiên, môi trường và cân bằng lợi ích giữa hiện tại và tương lai. Chúng ta phát triển kinh tế nhưng cần để lại di sản của thiên nhiên cho thế hệ tiếp sau. Để làm được điều này thì việc chuyển sang dùng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là điều rất cần thiết.
Là một trong những quốc gia bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, tôi cho rằng, Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng làm hết sức mình để phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu một cách bền vững và ổn định lâu dài. Nhưng trong quá trình chuyển đổi này, Việt Nam vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm bằng các quốc gia khác.
Hiện nay chúng tôi đang triển khai hơn 720 dự án điện mặt trời áp mái tại Việt Nam. Tới nay kết quả đạt được là 30 dự án đã đi vào hoạt động. Nhưng có rất nhiều khó khăn khi thực hiện các dự án này, tôi có thể liệt kê khái quát như sau, đó là các doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về điện mặt trời. Đôi khi họ không lý giải được, vì sao một nhà đầu tư nước ngoài lại mang đến thiết bị, máy móc và lắp đặt cho họ, chỉ cần họ đồng ý để chúng tôi thi công và sau đó mua lại điện với chi phí rất thấp, từ chính mái nhà của họ.
Cái khó thứ hai nữa là việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tiến hành ký kết hợp đồng cũng mất nhiều thời gian. Vì thời gian của dự án điện mặt trời áp mái kéo dài tới 20 năm nên doanh nghiệp và chúng tôi có một số ràng buộc cần ký kết. Nhưng việc này cũng mất nhiều thời gian hơn thường lệ, bởi giấy tờ chứng minh pháp lý của nhà xưởng đôi khi không còn nằm trong tay doanh nghiệp…
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ đó là hiện nay, một số người dân vẫn chưa hiểu rõ về điện mặt trời, họ lo các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ gây ô nhiễm. Nhưng tôi có thể khẳng định, các bạn không cần lo lắng về điều này, bởi tấm pin cũng có thể tái chế và có những doanh nghiệp thực hiện điều này một cách chuyên nghiệp. Tuổi thọ của sản phẩm này cũng rất dài nên hãy mạnh dạn tiếp cận điện mặt trời để bảo vệ thiên nhiên của chúng ta.
Covid-19 đã gây nên tác động chưa từng có, song nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi để lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2022. Chính phủ cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững như hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Việt Nam là đất nước có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối. Việt Nam cũng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI. Song song với những đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp FDI còn tiên phong trong việc thực hiện chương trình nghị sự phát triển bền vững và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng tôi rất vui mừng khi Chính phủ Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI thực hiện các sáng kiến của mình. Là một doanh nghiệp FDI, Heineken Việt Nam luôn ủng hộ chiến lược này thông qua việc chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn cũng như hỗ trợ kỹ thuật.
Chúng tôi cũng hy vọng Chính phủ sẽ xây dựng khuôn khổ pháp lý liên quan theo hướng bền vững và phù hợp với thực tiễn kinh doanh. Có thể kể đến các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo (cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), điện mặt trời áp mái và các nguồn năng lượng tái tạo khác). Chúng tôi cũng kỳ vọng ngành công nghiệp tái chế và thu gom rác thải sẽ được đầu tư phát triển hơn nữa, tạo cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế tuần hoàn.
Để đầu tư dài hạn vào phát triển bền vững, doanh nghiệp cần có cam kết lâu dài và có đủ nguồn lực để theo đuổi chiến lược phát triển bền vững đồng thời hỗ trợ chương trình nghị sự của Việt Nam. Chúng tôi cũng đặt kỳ vọng vào hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và các nguồn lực sẵn có trên thị trường như các giải pháp năng lượng tái tạo, giải pháp quản lý/tái chế rác thải, xử lý nước thải… Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững, ví dụ: cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, quy định tái sử dụng nước đã qua xử lý.
Đây là lần đầu tiên OPPO lọt vào Top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ngay đúng dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập OPPO tại thị trường Việt Nam (27/3/2013 - 27/3/2022). Giải thưởng là minh chứng rõ nhất cho phương hướng phát triển đúng đắn mà OPPO đã xây đắp trong suốt 9 năm vừa qua, thể hiện rõ tinh thần và triết lý “Công nghệ vì con người, Tử tế vì thế giới” mà hãng luôn theo đuổi và nỗ lực mang đến cho người dùng trên toàn cầu.
Vào tháng 2/2022 vừa qua, OPPO đã công bố “Báo cáo hoạt động phát triển bền vững” năm 2021 (OPPO Sustainability Report 2021) xuyên suốt các hành động của Công ty trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và thân thiện với môi trường trong toàn bộ vòng đời sản phẩm của Hãng. Cụ thể: OPPO cam kết thực hiện nguyên tắc đóng gói bền vững “3R + 1D” được quốc tế công nhận và tuân theo việc giảm thiểu trọng lượng bao bì (Reduce), tái sử dụng vật liệu tái chế (Reuse), sử dụng vật liệu có thể tái chế (Recycle) và phân hủy sinh học trong bao bì của mình (Degradable).
Ngoài ra đối với vật liệu nhựa hiện không thể thay thế được, OPPO chọn sử dụng vật liệu axit polylactic có thể phân hủy sinh học. Hiện có khoảng 45% bao bì smartphone của hãng được làm bằng sợi tái chế, giảm việc sử dụng nguyên liệu thô.
Để tăng độ bền cho sản phẩm, OPPO đã giới thiệu Giải pháp bảo vệ tuổi thọ pin (Battery Health Engine) do Hãng tự phát triển giúp tăng gấp đôi tuổi thọ của pin. Công nghệ này giúp pin hoạt động ở 80% dung lượng ban đầu sau 1.600 chu kỳ sạc, tăng gấp đôi so với tiêu chuẩn ngành hiện tại là 800 chu kỳ.
Kumho có mặt tại Việt Nam. 15 năm qua, Kumho đã lớn mạnh nhờ có sự đồng hành của rất nhiều khách hàng người Việt.
Vì đã gắn bó và phát triển rất tốt ở Việt Nam, chúng tôi luôn muốn gửi đi thông điệp tới người Việt, lốp xe Kumho là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, do bàn tay, khối óc, công sức người Việt đã tạo ra.
Với nguồn cao su tự nhiên dồi dào cộng với nhu cầu sử dụng các phương tiện vận chuyển gia tăng, chi phí nhân công còn thấp, môi trường đầu tư ổn định… Việt Nam đã và đang thu hút nhiều nhà sản xuất lốp xe lớn trên thế giới đến xây dựng nhà máy và mở rộng đầu tư.
Tập đoàn của chúng tôi vừa quyết định rót thêm hơn 300 triệu USD để mở rộng đầu tư, nâng công suất của nhà máy tại Việt Nam, việc cấp vốn để thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ quý 3 năm 2021 đến quý 1 năm 2023, trong đó một phần của tòa nhà sẽ được thêm vào khu đất trống trên khuôn viên nhà máy hiện hữu.
Với số vốn rót thêm nói trên, dự kiến nhà máy vỏ xe đặt tại Bình Dương này sẽ được tăng gấp đôi công suất sản xuất vào năm 2023. Sau khi hoàn thành việc mở rộng tại Việt Nam, Kumho Tire dự báo sẽ sản xuất ít nhất 9,3 triệu vỏ xe mỗi năm tại nhà máy này.
Chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc rằng, sản xuất nhưng phải giữ gìn môi trường bền vững, vì vậy Kumho đang cố gắng để chuyển sang sử dụng các loại năng lượng sạch cho nhà máy, đồng thời luôn nâng cao hiểu biết của công nhân về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước, thiên nhiên.
Ngoài ra, Kumho cũng đang trong quá trình đẩy mạnh nghiên cứu để tìm ra các nguyên liệu sản xuất xanh, thân thiện với môi trường hơn nữa.
Năm 2020, 2021 dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song Intel vẫn ghi nhận kim ngạch xuất khẩu trên 13,1 tỷ USD mỗi năm, chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM. Năm vừa qua, Tập đoàn Intel đã công bố đầu tư thêm 475 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 1,5 tỷ USD. Việc tăng vốn của Intel cũng nói lên sự tin tưởng của Intel vào đội ngũ nhân lực trong nước cũng như môi trường đầu tư ổn định của Việt Nam.
Cùng với đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, trong những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng tới việc sản xuất xanh, bền vững tại Việt Nam. Từ năm 2012, khi mới vào Việt Nam, Tập đoàn Intel đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái. Ở thời điểm kể trên, đó là hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại châu Á và là hệ thống lớn thứ 6 trong 15 hệ thống điện năng lượng mặt trời của Intel trên toàn cầu.
Đầu tư vào năng lượng xanh là bước đi quan trọng của Tập đoàn Intel trong chiến lược phát triển toàn cầu, nhằm giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết: Vận hành nhà máy với sự tác động tối thiểu nhất đến môi trường.
Với hệ thống điện mặt trời kể trên, mỗi năm nhà máy của Intel không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn giảm phát thải khí cacbon ra môi trường.
Thực ra khi đầu tư hệ thống điện áp mái, lãnh đạo của Tập đoàn Intel hiểu, điện mặt trời ở thời điểm đó sẽ có chi phí đắt hơn tiền điện mà mình đang dùng. Nhưng Intel muốn thông qua dự án này để nâng cao ý thức của người lao động, của cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Sử dụng năng lượng sạch là hướng đi thiết thực và hiệu quả nhất mà chúng ta có thể thực hiện ngay được.
Nhận được đề nghị phỏng vấn của VnEconomy từ hôm qua, tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về một câu hỏi thú vị của các bạn, rằng tương lai điện rác tại Việt Nam sẽ như thế nào trong 10 năm tới?
Từ thực tế làm việc tại Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, nhà máy có quy mô lớn thứ 2 thế giới do chúng tôi đang xây dựng, hoàn thiện, tôi nghĩ, tương lai của điện rác sẽ phát triển khá phổ biến, các dự án này sẽ dần trở nên quen thuộc và là lựa chọn tối ưu của những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí các vùng nông thôn cũng có thể dùng công nghệ này với quy mô nhỏ hơn.
Như các bạn biết, từ nhiều năm nay, Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn khi các bãi chôn lấp, xử lý rác thải đã hết, không còn chứa nổi rác nữa. Việc chôn lấp rác này cũng gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường. Chúng ta không thể có đủ đất để mở rộng bãi rác mãi. Vì thế, đốt rác và sản sinh ra điện là rất cần thiết.
Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn của chúng tôi có công suất 4.000 tấn rác khô (tương đương gần 5.500 tấn rác ướt) mỗi ngày, nhưng ngay cả khi chúng tôi vận hành hết công suất thì vẫn chưa đốt hết lượng rác thải của thành phố mỗi ngày, còn khoảng 30% lượng rác nữa vẫn phải xứ lý theo cách cũ. Vậy thì cần có những nhà máy điện rác khác cần được xây dựng.
Tôi hy vọng rằng, giai đoạn tới đây, việc cấp phép cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo sẽ nhanh hơn nữa, các bộ, ban, ngành thực hiện công việc này đồng thời. Ở các tỉnh, thành phía Nam hiện nay cũng đang phát triển kinh tế rất nhanh, mạnh, tôi tin rằng, lãnh đạo các địa phương sẽ lựa chọn điện rác để giải quyết vấn đề ô nhiễm cho địa phương của họ.
VnEconomy 13/04/2022 11:13