) Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - VnEconomy Emagazine
Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 1
Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 2

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định năm lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển, trong đó có một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số, đó là: phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Hiện, Đà Nẵng đang quyết tâm xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn. Vậy, nền tảng để phát triển ngành kinh tế mới này của Thành phố được bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Tại Kế hoạch 163/KH-UBND ngày 16/8/2023 về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn TP.Đà Nẵng đến năm 2030 đã xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Đà Nẵng đã xác định các mục tiêu đến năm 2030, theo đó kinh tế số phải chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu bảy khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm. Đến nay, Đà Nẵng đã có 2.450 doanh nghiệp công nghệ với 46.000 nhân lực công nghệ số, đạt tỷ lệ trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 toàn quốc và gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc.

Trong lĩnh vực này, thành phố xác định sẽ tập trung vào khâu thiết kế, kiểm thử trong chuỗi sản xuất vi mạch bán dẫn, trong đó cách tiếp cận dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, sẽ ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử.

Ngành vi mạch đã được Chính phủ xác định là một trong chín sản phẩm quốc gia. Phát triển sản phẩm ngành công nghiệp vi mạch là phương thức quan trọng để chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

TP.Đà Nẵng đã và đang tập trung phát triển nguồn nhân lực bán dẫn để đáp ứng được mục tiêu ươm tạo, hỗ trợ và hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng. Theo đó, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp bán dẫn, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo về bán dẫn, kết nối viện trường, các trung tâm ươm tạo và công ty khởi nghiệp. Đồng thời, hình thành các trung tâm ươm tạo các công ty khởi nghiệp trong ngành bán dẫn, trong đó có các ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp; hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm cho ngành bán dẫn; cung cấp các ưu đãi dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, như: hỗ trợ cung cấp phần mềm miễn phí, giảm tiền thuê đất, văn phòng, thuế doanh nghiệp...

Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 3

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cùng Đoàn công tác TP.Đà Nẵng mới đây đã thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ và làm việc với Tập đoàn Intel vào tháng 11/2023. Tại đây, Bí thư Thành ủy đã thông tin về các thế mạnh của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư lĩnh vực bán dẫn, nhất là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin kết nối đồng bộ và sự đồng hành của chính quyền thành phố... Ông cho biết cụ thể hơn về thế mạnh cũng như sự hấp dẫn của Đà Nẵng để thu hút các nhà đầu tư không chỉ của Hoa Kỳ mà cả của các nước công nghiệp phát triển khác đến Đà Nẵng đầu tư phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn?

Về quyết tâm chính trị của lãnh đạo, có thể kể đến là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển cho công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Về doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Hiện nay, Đà Nẵng có nhiều công ty đang hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPTsemi, Sannei Hytechs…

Ngoài các doanh nghiệp FDI, Đà Nẵng tập trung vào lĩnh vực thiết kế hay sản xuất PCB (Printed Circuit Board) và đa số các doanh nghiệp Việt triển khai ở mức ứng dụng FPGA (Field Programmable Gate Array) như: thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình mặt đất, giải mã video, DataLogger; trạm đo mưa tự động - Vrain (đã triển khai trên 2.000 trạm tại gần 50 tỉnh thành trên toàn quốc; sản phẩm đạt giải nhất VIFOTEC năm 2019); hệ thống quan trắc môi trường nước, không khí; hệ thống camera giao thông thông minh; tường lửa (đạt giải ba VIFOTEC 2018)…

Về công tác đào tạo, Đà Nẵng có sự cam kết từ các trường đại học như: Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng có chương trình đào tạo gắn liền với lĩnh vực vi mạch bán dẫn; Trường đại học Duy Tân hình thành Khoa điện - điện tử; Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn đào tạo sinh viên ngành vi mạch bán dẫn; Trường đại học FPT mở khoa đào tạo vi mạch bán dẫn năm 2023...

Nguồn nhân lực của Đà Nẵng bao gồm cả khu vực miền Trung có đặc điểm cần cù, tỉ mỉ, chịu khó và có nền tảng khoa học cơ bản tốt. Các yếu tố này rất thuận lợi để hoạt động trên lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, đặc biệt là khâu thiết kế, kiểm thử.

Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 4

Theo ông, với nền tảng và các thế mạnh như trên, cách thức tiếp cận ngành kinh tế vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng là như thế nào? Đà Nẵng sẽ tập trung vào từng khâu như thiết kế, sản xuất, hay đóng gói, kiểm thử, hay cả ba khâu trên?

Đà Nẵng định hướng tiếp cận tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn toàn cầu dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và ưu tiên phát triển nhân lực cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử, đó là vì:

Thứ nhất, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định; trong đó xác định đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới, trong đó tập trung cho ba nhóm nhân lực: một, đào tạo ngắn hạn đội ngũ giảng viên thông qua các hỗ trợ của các hãng để hình thành nhân lực lõi lâu dài phục vụ cho công tác đào tạo kỹ năng, hai, đào tạo các kỹ sư đã và vừa mới ra trường nắm vững và sử dụng các công cụ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng như Synopsys, Candence, Mentor Graphic… để đào tạo nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp địa phương, trong nước và quốc tế; ba, thu hút chuyên gia có kinh nghiệm, đã thành công, đặc biệt là Việt kiều về thành phố để làm việc, chuyển giao tri thức.

Cùng với đó, là hình thành liên minh các trường đại học trên địa bàn thành phố để đào tạo cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn; thống nhất xây dựng các chương trình liên kết quốc tế giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng với các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và các trường đại học trong khu vực và trên thế giới trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Thứ hai, lợi thế về hạ tầng. Đà Nẵng có hạ tầng truyền dẫn kết nối các trung tâm tính toán hiệu năng cao, Trung tâm dữ liệu quốc tế trong lĩnh vực này. Đà Nẵng có hạ tầng giao thông tốt bao gồm cả đường thủy và đường hàng không, trong đó việc vận chuyển bằng cargo rất thích hợp đối với các sản phẩm này. Đà Nẵng cũng có hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi như có nhiều khu du lịch đẳng cấp, có khả năng thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực này đến làm việc và nghỉ dưỡng; các bệnh viện, trường học quốc tế, công tác an ninh trật tự tốt.

Thứ ba, Đà Nẵng đã hình thành các khu công nghệ thông tin tập trung và khu công nghệ cao, cụ thể: có ba khu công nghệ thông tin tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận và một khu công nghệ cao gồm Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng; Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1; Khu công nghệ thông tin tập trung – Khu phức hợp Văn phòng FPT (quận Ngũ Hành Sơn); một khu đang thi công xây dựng (Khu công viên phần mềm số 2, phường Thuận Phước, Hải Châu) và một khu công nghệ cao sẵn sàng để thu hút các doanh nghiệp lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có ba khu công nghệ thông tin đang thực hiện ở bước chủ trương đầu tư, gồm: dự án Không gian sáng tạo phường Hòa Xuân; dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay (số 75 đường Nguyễn Sinh Sắc, quận Liên Chiểu); Tòa nhà Viettel Đà Nẵng (Lô A1.1, Khu công viên Bắc Tượng Đài, quận Hải Châu).

Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 5

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan thành phố khẩn trương xây dựng “Đề án phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố”. Cụ thể đề án này đang được triển khai như thế nào? Những nội dung chính của đề án là gì, thưa ông?

Thực hiện Công văn số 5898/UBND-KT ngày 27/10/2023 về việc triển khai kết luận của Thường trực Thành ủy; trên cơ sở các nội dung lãnh đạo Thành phố đã trao đổi, làm việc với các đối tác, các trường đại học và dựa trên các tài liệu nghiên cứu, góp ý của các chuyên gia, Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng đã ưu tiên một số công việc, nhiệm vụ chuẩn bị để triển khai đề án:

Thứ nhất, trình Ủy ban Nhân dân Thành phố (UBND) thành lập Tổ công tác tham mưu và tư vấn liên ngành với sự tham gia của các sở, ngành và một số chuyên gia. UBND Thành phố đã báo cáo Ban cán sự Đảng thống nhất chủ trương và UBND Thành phố đã ban hành quyết định 2855/QĐ-UBND ngày 25/12/2023 về việc ban hành 2 tổ để triển khai đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP.Đà Nẵng”.

Thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo UBND Thành phố xây dựng dự thảo khung đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP.Đà Nẵng” và đã báo cáo nội dung này tại cuộc họp thảo luận nội dung dưới sự chủ trì của đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố với sự tham gia của các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Ngoại vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng; Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng. UBND Thành phố đã báo cáo với Thường trực Thành ủy vào sáng ngày 26/12/2023.

Thứ ba, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục làm đầu mối để gửi Khung đề án đến Tổ công tác triển khai và Tổ tư vấn theo Quyết định 2855/QĐ-UBND ngày 25/12/2023 của UBND Thành phố góp ý thống nhất hoàn thiện Khung đề án để phân công triển khai viết đề án.

Nội dung chính của Khung đề án (dự thảo) đang được các Tổ công tác và Tổ tư vấn lấy ý kiến.

Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 6

Để thu hút các tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn, TP.Đà Nẵng có cơ chế nào để xây dựng, vận hành hạ tầng số nhằm hỗ trợ, phục vụ cho việc xây dựng các trung tâm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trung tâm đổi mới sáng tạo vi mạch, bán dẫn, thưa ông?

Để thu hút các tập đoàn quy mô quốc tế trong lĩnh vực điện tử, vi mạch, bán dẫn đến Đà Nẵng, thành phố đang nghiên cứu tham gia vào chuỗi sản xuất vi mạch, bán dẫn dựa trên nguồn nhân lực là yếu tố quyết định phục vụ cho khâu thiết kế và khâu kiểm thử, tập trung vào các nội dung liên quan đến chính sách dưới đây:

Một là, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đào tạo nhân lực cho nghiên cứu và phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo theo định hướng chiến lược của Chính phủ.

Hai là, nghiên cứu chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương về cho vay ưu đãi đối với đối tượng của người học; về các chế độ tiền lương, tiền công để có nguồn nhân lực tốt, chuyên sâu cho hoạt động của Trung tâm nghiên cứu, đào tạo vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); về chính sách để thu hút các chuyên gia, Việt kiều đến làm việc, chuyển giao tri thức, hình thành nhân lực lõi lâu dài phục vụ cho công tác đào tạo kỹ năng.

Ba là, đề xuất với Trung ương xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội như ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ tài chính,… nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp làm thiết kế, khuyến khích doanh nghiệp lớn liên doanh với đối tác nước ngoài để chế tạo, sản xuất, kiểm thử và đóng gói vi mạch bán dẫn.

Bốn là, đề xuất chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, AI; đề xuất xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm vi mạch bán dẫn, AI được thiết kế, sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam như ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, ưu đãi trong đấu thầu…

Năm là, xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước; thúc đẩy hợp tác và khuyến khích các tập đoàn bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo, xem xét mở rộng thị trường đầu tư thành lập doanh nghiệp, nhà máy, chi nhánh, văn phòng và đầu tư xây dựng hạ tầng số tại Đà Nẵng.

Sáu là, thực hiện công tác truyền thông về định hướng phát triển của thành phố trên lĩnh vực bán dẫn vi mạch, trí tuệ nhân tạo; tuyên truyền các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; quảng bá các chương trình đào tạo mới, sản phẩm mới, cơ hội việc làm, thu nhập sau đào tạo của ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 7

Ngoài quyết tâm chính trị của lãnh đạo Thành phố và một số cơ chế, chính sách đã nêu trên, theo ông, cần thực hiện những giải pháp cấp bách nào nữa nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam?

Tôi cho rằng Thành phố cần thực hiện tập trung những giải pháp cấp bách, đó là: sẵn sàng về hạ tầng tính toán và xử lý; chính sách để thúc đẩy, thu hút đầu tư; phát triển nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Thứ nhất, thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và AI Đà Nẵng, với các chức năng, nhiệm vụ chính, gồm: triển khai các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Hai là, triển khai đầu tư hạ tầng cho Trung tâm tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm dữ liệu Khu công viên phần mềm số 2 để vận hành hạ tầng phục vụ đào tạo và thiết kế chip bán dẫn và vi mạch.

Ba là, nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy triển khai đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào ba đối tượng: đội ngũ giảng viên, các kỹ sư đã tốt nghiệp (bao gồm cả chuyên ngành gần), sinh viên đang đào tạo,… thông qua cơ chế cho vay từ các quỹ nhằm tạo nguồn nhân lực có kỹ năng với đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế của các hãng.

Bốn là, tập trung trong ngắn hạn, triển khai ý tưởng tăng tốc “Quick win”, ban đầu dựa vào các thiết kế chip đơn giản cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước liên quan đến các sản phẩm, như: bộ nhớ Flash, thiết bị giám sát, linh kiện cho tủ lạnh, bếp từ, máy giặt, phun xăng điện tử cho xe máy…; các sản phẩm đi từ SoM (System on Module) đến SiP (System in Package) đến SoC (System on Chip), bám sát xu hướng về tích hợp trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử và các công nghệ tính toán mới.

Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 8

Bước sang năm 2024, ông hy vọng gì về sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, vi mạch để lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số, thực sự là trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.Đà Nẵng, thưa ông?

Trong năm 2023, tổng doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông TP.Đà Nẵng ước đạt 36.571 tỷ đồng, trong đó ngành công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng; tổng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin đạt 17.958 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 147,8 triệu USD, tăng 12%.

Năm 2024, ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng phấn đấu đạt tổng doanh thu toàn ngành tăng 7,2% so với năm 2023; doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt gần 161 triệu USD, tăng 8,5% so với năm 2023.

Định hướng trong năm 2024 và các năm tiếp theo đến năm 2030 của Đà Nẵng như sau: phát triển nền kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp công nghiệp thông tin – truyền thông chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố. Trong đó công nghiệp công nghệ thông tin chiếm tối thiểu 15% GRDP thành phố.

Hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp công nghệ; đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân; đến năm 2030, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số. Tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm. Hình thành trạm cáp quang ven biển thứ 2 của TP.Đà Nẵng để bảo đảm hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư kết nối tuyến cáp quang biển đi quốc tế.

Đà Nẵng cũng sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; đầu tư hạ tầng cho Trung tâm tính toán hiệu năng cao tại Trung tâm dữ liệu khu công viên phần mềm số 2 để vận hành hạ tầng phục vụ đào tạo và thiết kế chip bán dẫn và vi mạch; xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy triển khai đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, bảo đảm cung cấp hạ tầng tính toán, lưu trữ chuyên sâu để triển khai các ứng dụng lõi liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tối thiểu năm trung tâm dữ liệu với quy mô trên 500 tủ rack (tủ chuyên dụng dùng để chứa và bảo vệ các thiết bị mạng).

Đà Nẵng ưu tiên phát triển ngành bán dẫn - Ảnh 9

VnEconomy 07/02/2024 08:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam