) Dòng chảy hồi hương của tranh Việt - VnEconomy Emagazine

Từ năm 2018 trở lại đây, dòng chảy hồi hương của những “báu vật mỹ thuật” trở nên mạnh mẽ. Tín hiệu vui của dòng chảy này không chỉ ở việc gia đình danh họa tự nguyện hiến tặng tác phẩm, mà còn cả ở phong trào mua bán, đấu giá của giới sưu tập tư nhân Việt Nam ngày càng rầm rộ.

Theo thống kê của Sotheby’s, 19 tác phẩm của các danh họa Việt Nam đã đạt mức giá triệu USD trên thị trường đấu giá quốc tế. Trong số đó, không ít các tác phẩm được mua bởi nhà sưu tầm Việt, đánh dấu sự trở về của các tác phẩm di sản.

TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG

Vào những ngày cuối tháng 3/2025, tại không gian cổ kính trầm tích của điện Kiến Trung (Đại nội Huế), một cuộc hội ngộ chưa từng có đã diễn ra khi các tác phẩm của Vua Hàm Nghi được hồi hương. Triển lãm “Trời, Non, Nước” là nỗ lực của những người yêu nghệ thuật muốn đưa di sản của một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho nền mỹ thuật hiện đại Việt trở về quê hương.

Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm phong cảnh sơn dầu nguyên bản do Vua Hàm Nghi sáng tác trong những năm tháng bị lưu đày, quy tụ từ 10 bộ sưu tập tư nhân. Các tác phẩm đã được hồi hương, thẩm định, bảo quản và phục chế bởi các chuyên gia đầu ngành và được đồng giám tuyển bởi nhà nghiên cứu mỹ thuật Ace Lê và Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của Vua Hàm Nghi.

Không gian triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”. Nguồn: Bảo Nguyễn/Annam Production.
Không gian triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”. Nguồn: Bảo Nguyễn/Annam Production.

Liên tiếp sau đó, thông tin về việc nhiều tác phẩm hội họa Đông Dương đã lần lượt “về với Việt Nam” khiến giới nghệ thật nức lòng. Chẳng hạn, nhà giám tuyển Tống Phước Quang thông tin đã “hồi hương” thành công một tác phẩm khổ ngang hiếm hoi của họa sỹ Mai Trung Thứ, bức Le danse de la licorne (Múa lân), sáng tác năm 1964, chất liệu mực và bột màu trên lụa, bồi trên giấy. Các nhà sưu tầm đã mua lại bức tranh từ bộ sưu tập của Fine Art investment Corporation Chicago.

Một tuyệt phẩm khác của danh hoạ Mai Trung Thứ là Les Fillettes en Plein Air (Trẻ em ngoài trời) có chữ ký, đề năm 1964 và triện con dấu nghệ sĩ trên phải mặt trước. Bức tranh có nguồn gốc từ một bộ sưu tập tư nhân tại California. Tương tự, một tác phẩm của hoạ sư Lê Phổ có tên Người Thợ May (1942), với chất liệu màu mực và màu trên lụa dán lên bìa cứng, cũng đã về với các nhà sưu tầm Việt…

Có thể nói, thị trường mỹ thuật Việt Nam có những bước chuyển tích cực, ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ sức mua từ các nhà sưu tầm trong nước. Sự quan tâm đặc biệt đến các tác phẩm Đông Dương, dòng tranh vốn được đánh giá cao cả về giá trị nghệ thuật và lịch sử được coi là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất để đánh giá mức độ “sôi động” của thị trường tranh Việt.

Mới đây nhất, bức Em bé ôm gà thuộc dòng mỹ thuật Đông Dương của họa sỹ Lê Phổ cũng đã được một nhà sưu tầm Việt Nam mua lại từ Mỹ.

NHU CẦU VỀ THỤ HƯỞNG NGHỆ THUẬT

Nhận định thị trường nghệ thuật Việt Nam đang ngày càng tốt hơn, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View cho biết, đã từ lâu, tác phẩm mỹ thuật Việt luôn được nước ngoài chú ý và sưu tập với các mục đích khác nhau.

Bảo tàng Quốc gia Singapore, Bảo tàng Fasifika Indonesia, các bộ sưu tập tư nhân, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc... đều lưu giữ một số lượng tương đối tác phẩm của các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ khóa Kháng chiến và một số ít họa sĩ thời kỳ Đổi mới…

Tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu đã được gõ búa thành công tại Sotheby's với giá 2.921.000 HKD (khoảng 10 tỷ đồng). Nguồn: Le Auction House
Tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu đã được gõ búa thành công tại Sotheby's với giá 2.921.000 HKD (khoảng 10 tỷ đồng). Nguồn: Le Auction House

Cũng theo chuyên gia Bùi Hoàng Anh, trong xu hướng phát triển toàn cầu, tác phẩm nghệ thuật luôn tăng giá trị theo thời gian. Tại Việt Nam hiện nay, các doanh nhân thành đạt ngày càng nhiều, nhu cầu về thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày càng được nâng tầm. Những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu đắt giá của mỹ thuật Việt Nam đều được họ mua và mang về quê hương.

Điều này vô hình trung góp phần bồi đắp dần thành tựu văn hóa dân tộc. Trong số hơn 20 tác phẩm của các danh họa hàng đầu Việt Nam, đấu giá với mức từ 1 - 3 triệu USD, hầu hết được nhà sưu tập trong nước mua. Như bức Chân dung cô Phượng, 1931, sơn dầu của danh họa Mai Trung Thứ được mua với giá 3,1 triệu USD năm 2021; Gia đình trong vườn, 1938, lụa của Lê Phổ với giá 2,37 triệu USD năm 2023; Dáng hình trong vườn, 1973, sơn dầu, cũng của Lê Phổ có giá 2,29 triệu USD năm 2022...

Đặc biệt, tại buổi đấu giá “A Quest for Eternity: The Philippe Damas Collection,” do nhà đấu giá Christie’s Hồng Công (Trung Quốc) tổ chức, bức Le Trois Femmes (1934), tạm dịch là “Ba người phụ nữ” của Nguyễn Gia Trí được gõ búa thành công với mức 16.105.000 HKD (đô la Hồng Công), vượt xa dự kiến 4 - 6 triệu HKD (tương đương 2,1 triệu USD). Mức giá này đặt Nguyễn Gia Trí vào hạng 4 trên 10 tranh Việt đắt giá nhất.

Sự gia tăng và áp đảo của lượng khách Việt chứng tỏ mỹ thuật Việt Nam không còn là sân chơi riêng của những nhà sưu tập quốc tế mà đang dần trở thành một thị trường nghiêm túc, hướng tới độ chính quy, chuyên nghiệp và bền vững. Ngoài dòng tranh Đông Dương hay tranh của các danh họa, mảng tranh đương đại cũng thu hút người mua.

Nhà nghiên cứu Bùi Hoàng Anh nhận định, mức giá cao của tác phẩm nghệ thuật cùng với việc tăng dần giá trị theo thời gian khiến cho nghệ thuật dần trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Người mua vừa có được niềm vui sở hữu, niềm vui thẩm mỹ, và giá trị kinh tế ngày càng tăng.

Việc này, vô hình trung tạo sức lan tỏa trong xã hội với nhu cầu về thụ hưởng nghệ thuật. Khi có thị trường ổn định, nghệ sĩ sẽ có động lực sáng tạo, và nền mỹ thuật Việt Nam sẽ không chỉ dừng lại ở những tên tuổi đã định danh mà còn có thêm nhiều tài năng mới được công nhận.

Ba trong số 6 tác phẩm sẽ có mặt tại sự kiện đấu giá của nhà Agutte's (Pháp) vào ngày 13/5/2025 tới đây. Nguồn: Tống Phước Quang.
Ba trong số 6 tác phẩm sẽ có mặt tại sự kiện đấu giá của nhà Agutte's (Pháp) vào ngày 13/5/2025 tới đây. Nguồn: Tống Phước Quang.
Dòng chảy hồi hương của tranh Việt - Ảnh 1
Dòng chảy hồi hương của tranh Việt - Ảnh 2
 

VÌ MỘT THỊ TRƯỜNG LÀNH MẠNH, SÔI ĐỘNG

Dẫu vậy, thị trường mỹ thuật Việt Nam vẫn được nhận định chỉ đang là thị trường sơ cấp, non trẻ và còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu bài bản. Đầu năm nay, tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Trò chuyện về sức khỏe nghệ thuật”, các chuyên gia cũng nêu rõ, một nhà sưu tập quốc tế nếu muốn sưu tập tranh của danh họa Việt Nam cần có những nhà đầu tư trong nước sẵn sàng trả giá cao, nhưng hiện nay chưa có đủ người như vậy.

Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn nhận định, về bản chất, thị trường nghệ thuật không có được tính minh bạch, thanh khoản cao như thị trường hàng hóa tiêu dùng. Trong khi phí gia nhập của những mặt hàng tiêu dùng thông thường rất rõ ràng thì phí gia nhập của nghệ thuật rất lớn, trở thành một rào cản. Thêm vào đó, tranh lại là mặt hàng mang tính độc bản chứ không thể sản xuất hàng loạt, định giá của tác giả về tác phẩm của mình có thể rất chủ quan.

Tình trạng tranh giả tràn lan cũng làm giảm uy tín của thị trường. Tờ New York Times từng nhận định, thị trường tranh Việt Nam đầy rẫy sự gian lận, với nhiều tác phẩm giả mạo được bán ra, làm giảm niềm tin của người mua và ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của tranh Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc thiếu các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, như các sàn đấu giá chuyên nghiệp, các nhà môi giới và giám tuyển có kinh nghiệm, cũng là rào cản lớn.

Triển lãm hồi cố “Nguồn cội” của nghệ sỹ Tô Bích Hải điểm lại những giai đoạn sáng tác nổi bật của bà trong những năm tháng xa xứ tại Pháp. Nguồn: Art Republik Vietnam.
Triển lãm hồi cố “Nguồn cội” của nghệ sỹ Tô Bích Hải điểm lại những giai đoạn sáng tác nổi bật của bà trong những năm tháng xa xứ tại Pháp. Nguồn: Art Republik Vietnam.

Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc thị trường Việt Nam của sàn đấu giá Sotheby’s (Anh), cho rằng, để tạo dựng một thị trường tranh khỏe mạnh, mục tiêu tăng cường tiếp cận của công chúng Việt với nghệ thuật là quan trọng nhất. Ngoài ra, các hạ tầng cơ sở như khung chính sách, luật pháp để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia cũng rất cần thiết để làm nền tảng vững chắc cho một thị trường tranh lành mạnh, sôi động.

Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn cho rằng, các nhà đấu giá quốc tế khi gia nhập thị trường Việt đã tạo ra một mặt bằng giá toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn cần một hệ thống nhà đấu giá nội địa để định hướng thị trường trong nước. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như ưu đãi thuế cho nhà sưu tập, đầu tư vào bảo tàng và phát triển quỹ nghệ thuật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển lâu dài. 

Giới chuyên gia cũng lưu ý, bước vào thị trường thì người mua tranh hay bán tranh cũng cần rất thận trọng, xác định rõ mục tiêu của mình cũng như chấp nhận đi đường dài. Giám đốc Hanoi Studio Gallery Dương Thu Hằng nhấn mạnh: “Tôi tin rằng chúng ta đã bắt đầu có một thị trường. Tuy nhiên, các tác giả trẻ không thể mong sinh lời ngay trong 5 - 7 năm đầu, mà phải tính bằng nhiều thập kỷ. Hãy cứ là người mua và sưu tầm, tận hưởng năng lượng của sáng tạo trước khi coi đó là một món đầu tư”.