) Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia - VnEconomy Emagazine
Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia   - Ảnh 1
Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia   - Ảnh 2

Cho dù Việt Nam mới đang hình dung về mặt khái niệm thế nào là Digital Hub, nhưng theo ông, các điều kiện để tạo nên một Digital Hub ở Việt Nam hiện tại là như thế nào?

Có ba điều kiện về mặt kỹ thuật.

Thứ nhất về mặt hạ tầng. Trước đây ít người nói đến chuyện Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển vì đường kết nối của Việt Nam ra các nước xung quanh rất ít, giống như không có đường bay thì bàn gì chuyện trung chuyển. Nhưng giờ số lượng cáp quang biển, cáp quang trên đất liền và kết nối Việt Nam với xung quanh tăng hơn trước rất nhiều.

Ví dụ như điểm kết nối cáp quang biển hiện đã có ba trạm cập bờ, gồm ở Đà Nẵng, Vũng Tàu và năm nay đang xây trạm cập bờ ở Quy Nhơn. Việt Nam hiện có 4-5 hệ thống cáp quang biển mà các doanh nghiệp viễn thông trong nước cùng các đơn vị trong liên minh viễn thông quốc tế đưa cáp quang biển cập bờ Việt Nam. Hết năm 2022 đầu 2023, theo kế hoạch, hai tập đoàn Viettel và VNPT sẽ chính khai thác thêm hai tuyến cáp quang biển mới, như vậy tăng số lượng cáp quang biển của Việt Nam lên.

Như vậy, đường kết nối của Việt Nam đã thay đổi, không còn một hai “độc đạo” như trước. Nhiều năm trước, cáp quang biển với Việt Nam chỉ có kết nối qua hướng Hồng Kông; ngoài ra hệ thống cáp quang đất liền đi qua Trung Quốc, tới Hồng Kông, rồi sau đó mới đi Mỹ, đi Nhật Bản… Bây giờ các doanh nghiệp viễn thông còn có thêm đường kết nối sang phía Tây, đi sang Campuchia, Thái Lan hay Myanmar, hoặc đi Campuchia sang Thái Lan rồi vòng ngược xuống Malaysia và Singapore. Hệ thống hạ tầng kết nối cáp quang đi quốc tế của Việt Nam đa dạng hơn, giảm thiểu các tình huống “độc đạo” – mà nếu có sự cố là lập tức Internet Việt Nam có thể “chìm trong bóng đêm”, chất lượng xấu ngay.

Độ ổn định của Internet Việt Nam hiện nay đã tốt hơn rất nhiều, tuy thi thoảng vẫn có sự cố cáp quang biển nhưng chất lượng dịch vụ cơ bản không bị ảnh hưởng lớn do các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư kết nối đa dạng hơn, cả trên đất liền và cáp quang biển.

Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia   - Ảnh 3

Thứ hai, khi có đường rồi thì phải có hàng hóa chạy trên đó. Hàng hóa của Digital thì đơn giản chỉ là dữ liệu. Ở Việt Nam, phần lớn dữ liệu là lấy từ nước ngoài. Theo thống kê, tổng lưu lượng hay tổng băng thông quốc tế lớn hơn băng thông trong nước, tăng nhanh hơn. Tức người Việt Nam dùng các nội dung ở nước ngoài là chính. Điều này dễ hiểu, ví như Youtube, Facebook, Instagram, Tiktok… , tất cả các ứng dụng Internet mà người Việt dùng thường xuyên đều là từ nước ngoài, chứ trong nước rất ít.

Muốn trở thành Hub thì phải đẩy được dữ liệu về Việt Nam và dữ liệu phải đi xuyên Việt Nam, chứ nếu chỉ là người thụ hưởng, chỉ là người sử dụng dịch vụ Internet, là người dùng cuối dòng, dịch vụ số và dữ liệu cứ từ nước ngoài về thôi thì không thành Hub được.

Thứ ba, khi dữ liệu để ở Việt Nam nhiều hơn thì phải có chỗ chứa, tức là các trung tâm dữ liệu. Việt Nam chưa có nhiều trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế, đầu tư đến đâu dùng hết đến đấy, cầu tăng lên rất nhanh. Các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục xây dựng để đón sự dịch chuyển của dữ liệu Internet đặt ở Việt Nam và đón đầu dịch chuyển của xu hướng chuyển đổi sang dịch vụ Cloud.

Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia   - Ảnh 4

Như vậy, Digital Hub – mục tiêu mà Việt Nam đang dự định hướng tới – là nơi trung chuyển dữ liệu số và có giá trị kết nối các nước của khu vực và xa hơn là thế giới?

Đúng vậy, đã là trung chuyển thì phải mang lại giá trị cho các nước xung quanh, nhưng đó là bài toán không dễ. Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng Internet, có dân số hơn 100 triệu người, ở vị trí địa lý khá thuận lợi cho việc trở thành điểm trung chuyển, trong chuyện trở thành Digital Hub khu vực thì câu hỏi là “Việt Nam có thể mang đến giá trị gì cho các nước xung quanh?”. Trả lời được câu hỏi này mới hình dung mình có thể thành Digital Hub hay không.

Có thể minh họa cụ thể như để phục vụ thị trường Campuchia, kết nối Internet quốc tế thì đi qua cửa ngõ Việt Nam là một phương án gần, tiện lợi và rẻ. Mạng viễn thông Metfone của Viettel đang là số 1 của Campuchia nên lưu lượng đi qua Việt Nam, rồi đi Mỹ... cũng rất thuận lợi. Nhưng tiếp theo Việt Nam có giúp hay mang lại giá trị gì cho Thái Lan, Myanmar, Singapore, thì đây lại là câu hỏi. Trở thành Hub hay không, phải là câu chuyện đó. Giống như Singapore là trung tâm kết nối tất cả các nước phía Đông hoặc phía Bắc trong khu vực Thái Bình Dương sang châu Âu, hay nói cách khác là nơi mà mọi người gặp nhau.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam kết nối sang Singapore, sau đó các doanh nghiệp viễn thông mới kết nối trực tiếp tới Facebook, Amazone, Microsoft, Apple…

Internet bây giờ khác ngày xưa. Trước đây Internet hiểu là network of network – tức là mạng của mạng đấu với nhau theo kiểu mạng nhện, chạy qua rất nhiều điểm trung chuyển. Nhưng giờ, Internet có khoảng 70% lưu lượng đến từ 5 “ông lớn”, gồm: Facebook, Google, Amazon, Apple, Microsoft, do vậy khi các nhà viễn thông muốn cung cấp dịch vụ tốt cho người dùng thực chất là tìm cách kết nối đến mấy “ông lớn” này. Bằng cách này họ đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của khách.

Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia   - Ảnh 5

Với những đặc điểm và điều kiện trên, theo ông, Việt Nam cần những lộ trình, bước đi hay sự chuẩn bị như thế nào để sớm hiện thực hóa được mục tiêu trở thành Digital Hub của khu vực nếu như dự thảo liên quan đến mục tiêu này chính thức được phê duyệt?

Khó có thể khẳng định ngay được viễn cảnh Việt Nam có một Digital Hub để bổ sung hay thay thế cho Singapore. Nhưng theo tôi, các chuyên gia kinh tế nên có những nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, tốc độ tăng trưởng, khả năng đáp ứng của Singapore để có thể đưa ra dự báo 5-10 hay 15 năm có tính chất chiến lược, để Việt Nam nghĩ đến và đầu tư từ bây giờ, bởi khi nhu cầu (kết nối dữ liệu) tăng lên thì những nơi hiện có sẽ chật chội, chậm, tắc, đắt... Ngoài ra chưa kể "giấc mơ" đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính của khu vực.

Còn câu chuyện về số, Internet, viễn thông thì không nhất thiết phải đi song hành, hay đi cùng với câu chuyện về kinh tế, tài chính. Viễn thông và Internet có thể đi trước một chút cũng được.

Nhìn từ các Digital Hub trong khu vực thì thấy thường các Hub đi kèm với các Hub về kinh tế, tài chính, giao thông, như Hồng Kông, Singapore... Tất nhiên, nếu Việt Nam muốn biến địa điểm nào đó thành trung tâm kinh tế khu vực, ví dụ như TP.HCM thành trung tâm tài chính, thì sẽ thuận lợi hơn cho mục tiêu đồng thời là Digital Hub. Tuy không nhất thiết Hub về kinh tế và Hub về số phải gắn liền với nhau, nhưng nếu có Hub về kinh tế như Hồng Kông và Singapore thì sẽ thuận lợi hơn.

Trên thực tế, Digital Hub có thể diễn giải theo nhiều góc độ khác nhau, như kinh tế số của Việt Nam cũng có thể thành nơi trung chuyển. Hay thứ rất mới là Blockchain cũng có thể thể nằm trong khái niệm chung về Digital Hub trên khía cạnh về những giao dịch số, chuyển đổi số… Bởi vậy, để Việt Nam thành Digital Hub của khu vực thì trước hết cần một chiến lược quốc gia cụ thể về Digital Hub.

Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia   - Ảnh 6

Theo ông, nếu Việt Nam đặt mục tiêu thành Digital Hub của khu vực thì cần những cơ chế đặc biệt, đặc thù gì nhìn từ những Hub trong khu vực như Hồng Kông hay Singapore?

Tôi nghĩ mấu chốt mình phải có quan điểm mang tính chiến lược của Chính phủ. Phải có chủ trương vì một số doanh nghiệp lớn nước ngoài vẫn ngại ngần về câu chuyện số, vì biên giới số thì không dễ hiểu, dễ minh định như biên giới quốc gia, nên họ vẫn cẩn trọng khi đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp dịch chuyển từ Hồng Kông xuống Singapore cũng trên cơ sở như vậy, bởi người ta mường tượng một cái gì đó xa xa, những nỗi lo lắng ở góc độ chiến lược, nhìn thấy những thứ đang vận động và lo ngại kinh doanh ở đó có thể bị bó hẹp, không được tự do, không được thoải mái, nên người ta mới dịch chuyển từ Hồng Kông về Singapore.

Ở Singapore, Chính phủ và hệ thống pháp luật của họ cam kết được độ cởi mở, độ minh bạch, rõ ràng, doanh nghiệp đầu tư vào đó yên tâm làm việc.

Do vậy, với chiến lược Digital Hub của Việt Nam, cứ tường minh ra là được: cái gì cấm, cái gì không được phép làm, cái gì phải tuân thủ. Tường minh để người ta đánh giá, cân đối giữa lợi ích kinh tế kinh doanh dài hạn với việc tuân thủ quy định của địa phương. Nếu có sự tường minh, cam kết nhất quán về một môi trường kinh doanh số để doanh nghiệp nước ngoài họ biết rõ, hiểu rõ và tự cân đối lựa chọn quyết định vào Việt Nam, đồng thời đi kèm là các hệ thống, quy định pháp luật từ các luật liên quan phải rõ ràng.

Doanh nghiệp nước ngoài đến đâu thì cũng phải tuân thủ quy định luật pháp địa phương ở đó. Ở EU cũng có những quy định rất chặt như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), họ phạt rất nặng, nhưng doanh nghiệp đến kinh doanh thì phải tuân theo.

Theo kinh nghiệm từ Hồng Kông hay Singapore, có thể thấy họ rất cởi mở và tường minh. Tất nhiên, Việt Nam cũng có thể nghĩ đến một cơ chế đặc biệt, cũng là một cách để nhanh hơn, ở đâu thì chắc cơ quan ban ngành phải tính. Hiện nay, theo tôi được biết có những quan điểm và thảo luận về việc tập trung hạ tầng kết nối về Đà Nẵng, cũng có các ý kiến khác là nên ở phía Nam, gần TP.HCM để thuận lợi cho các giao dịch kinh tế.

Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia   - Ảnh 7

VnEconomy 18/11/2022 06:00

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46 phát hành ngày 14-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đưa Việt Nam thành Digital Hub của khu vực: Cần một chiến lược quốc gia   - Ảnh 8