Sau khi hai đại án lừa đảo trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát bị phanh phui, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Thị trường trái phiếu hiện tại vẫn chưa trở lại giai đoạn sôi động như những năm trước khi xảy ra những đại án lớn tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 27/9/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu được ghi nhận là 277.450 tỷ đồng, với 268 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 250.396 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng giá trị phát hành. Con số này tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn suy giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi xảy ra biến động trên thị trường.
Giai đoạn trước đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất rủi ro cho nhà đầu tư, song mọi người chưa nhìn nhận thấu đáo vấn đề. Giai đoạn 2018 - 2020, tôi là một trong số ít chuyên gia cảnh báo về rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đánh bóng, sử dụng tên tuổi của mình và dùng lãi suất cao để dẫn dụ nhà đầu tư. Điều này đã được đề cập trong rất nhiều diễn đàn, toạ đàm, nhưng lúc đó thị trường chưa xảy ra biến cố nên mọi người còn chủ quan. Sau khi xảy ra những vụ đại án, đến nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa trở lại bình thường và sẽ rất khó trở lại giai đoạn trước đây (trước đại dịch).
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể và minh bạch về vấn đề các doanh nghiệp phát hành đã sử dụng vốn đúng mục đích hay chưa, trái phiếu phát hành sau này còn nhiều rủi ro hay không, liệu rằng thị trường trái phiếu đã được lành mạnh hóa? Bởi thực tế cho thấy dường như hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp tuy tình hình tài chính yếu kém nhưng vẫn có thể phát hành trái phiếu.
Hai vụ đại án này đều có sự tiếp tay của kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán độc lập, giúp các doanh nghiệp phát hành “đổi trắng thay đen” khả năng tài chính, thổi phồng kết quả kinh doanh của mình trên bảng báo cáo tài chính gian dối. Tại sao xảy ra tình trạng này, thưa ông?
Thực tế cho thấy có nhiều không gian, lỗ hổng để các doanh nghiệp hạch toán sai về doanh thu hay chi phí, biến lỗ thành lãi bằng cách này hay cách khác. Những thủ thuật này đều làm thay đổi các chỉ tiêu trọng yếu trên báo cáo tài chính, nhưng kiểm toán độc lập bỏ qua sai sót đối với đối tượng được kiểm toán, gây ảnh hưởng đáng kể tới quyết định của người sử dụng thông tin.
Doanh nghiệp có thể sử dụng một số cách để giảm chi phí và ghi lợi nhuận ảo.
Thứ nhất, doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Doanh nghiệp có những khách hàng trả tiền rất chậm trễ, nhiều khoản đến hạn có thể không thu hồi được, đáng lẽ doanh nghiệp phải trích dự phòng nhưng doanh nghiệp không thực hiện, bởi việc gia tăng trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ xấu đi rõ rệt.
Thứ hai, về hàng tồn kho, với hàng tồn kho quá cũ kỹ, lỗi thời không bán được thì doanh nghiệp phải khấu trừ giá trị hàng tồn kho, tuy nhiên, doanh nghiệp không làm như vậy để tránh tăng chi phí, qua đó làm cho vốn chủ sở hữu cũng như giá trị tài sản của công ty luôn ở trạng thái lạc quan.
Thứ ba, về máy móc, trang thiết bị, tùy theo cách tính khấu hao, doanh nghiệp có những cách làm giảm chi phí khấu hao, từ đó, giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp trong năm và tăng lợi nhuận.
Thực tế cho thấy có rất nhiều cách doanh nghiệp hạch toán nhằm tạo ra lợi nhuận hoặc giấu giếm chi phí, tránh thua lỗ và đưa ra một báo cáo tài chính thuận lợi cho doanh nghiệp, thường được gọi là “cooking the book” (xào nấu sổ sách).
Thưa ông, kiểm toán viên kiểm toán độc lập và doanh nghiệp cùng nhau “xào nấu” báo cáo tài chính trong những tình huống như thế nào?
Trong nhiều trường hợp, kiểm toán viên có thể nhận ra ngay thủ thuật, chiêu trò của doanh nghiệp. Chẳng hạn, khách hàng trả chậm một khoản 10 tỷ đồng, với thời gian trả chậm lên đến 6 tháng chưa được thanh toán, trong khi về nguyên tắc, khách hàng phải trả trong vòng 30 ngày. Những dữ liệu rõ ràng như thế, các kiểm toán viên có thể dễ dàng phát hiện. Nếu kiểm toán độc lập, công ty kiểm toán đồng tình với cách hạch toán của doanh nghiệp cũng có nghĩa đồng lõa với việc che giấu chi phí để đạt mục đích tăng lợi nhuận.
Hơn nữa, có nhiều khoản phải thu từ những công ty liên quan nhưng trên thực tế không có giao dịch bán hàng thật sự mà chỉ có trên các hóa đơn giả mạo. Những giao dịch gian lận này có thể được phát hiện nếu kiểm toán viên yêu cầu bên thứ ba xác nhận giao dịch.
Tuy nhiên, cũng có những cách doanh nghiệp “xào nấu” sổ sách để giấu giếm chi phí hoặc tài sản xấu nhưng kiểm toán viên khó phát hiện. Chẳng hạn, doanh nghiệp có những khoản đầu tư ngắn hạn như mua trái phiếu, mua cổ phiếu, trong đó nhiều trái phiếu đến hạn nhưng vẫn chưa được thanh toán cho doanh nghiệp, đáng lẽ, các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng nhưng họ không làm thì kiểm toán viên không dễ phát hiện, trừ trường hợp doanh nghiệp báo cáo. Bởi vậy, có những khoản doanh nghiệp có thể lũng đoạn sổ sách, thao túng sổ sách, được gọi là “accounting manipulation”.
Nguyên nhân xảy ra sai phạm một phần do khả năng thu thập bằng chứng kiểm toán của kiểm toán viên hạn chế, song cũng phải nhấn mạnh rằng nhiều kiểm toán viên còn chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục và quy trình kiểm toán theo quy định của chuẩn mực kiểm toán, hay hạn chế về nghiệp vụ, thậm chí bị mua chuộc. Một số trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và ý thức tuân thủ pháp luật của kiểm toán viên chưa cao. Hơn nữa, một số công ty kiểm toán chiều theo ý muốn của khách hàng để duy trì hợp đồng kiểm toán.
Từ sai phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, theo ông, làm thế nào để ngăn chặn việc tiếp tay giữa công ty kiểm toán độc lập và đơn vị được kiểm toán?
Khi tham gia thị trường tài chính, nhà đầu tư cần nhiều lớp bảo vệ.
Lớp bảo vệ đầu tiên chính là họ, nhà đầu tư phải đọc hiểu báo cáo tài chính, tự mình thẩm định tình hình tài chính của các doanh nghiệp.
Lớp bảo vệ thứ hai là các cơ quan quản lý và công ty kiểm toán độc lập. Các cơ quan quản lý khi phát hiện ra những báo cáo tài chính không trung thực hoặc không báo cáo đúng hạn thì cần đưa ra thông báo để báo động cho thị trường. Lớp bảo vệ này rất quan trọng nhưng trong thời gian vừa qua đã không hoạt động một cách thiết thực. Công ty kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong lớp bảo vệ thứ hai nhưng nhiều trường hợp không làm tròn nhiệm vụ. Ngay cả các kiểm toán viên, công ty kiểm toán quốc tế cũng thông đồng với doanh nghiệp để thông qua những báo cáo tài chính không chính xác và nghiêng về phía có lợi cho doanh nghiệp.
Lớp bảo vệ thứ ba là hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Hội đồng quản trị phải có nhiệm vụ rà soát tất cả những báo cáo tài chính cũng như tất cả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hội đồng quản trị làm ngơ, tất cả những phòng tuyến, lớp bảo vệ đều sẽ bị vô hiệu.
Để ngăn chặn việc tiếp tay giữa công ty kiểm toán độc lập và đơn vị được kiểm toán không phải chuyện dễ dàng. Bộ Tài chính cần đưa ra những quy định chặt chẽ về nhiệm vụ, quy trình và giám sát các công ty kiểm toán, để ít nhất các công ty kiểm toán phải thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi công ty kiểm toán phải xác minh từng con số của doanh nghiệp, không ai có thể làm được chuyện đó, trừ chính doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cố tình giấu giếm hoặc làm sai lệch những con số, thì không có một hệ thống nào có thể bảo vệ và ngăn ngừa gian lận ở mức tuyệt đối.
Quan trọng hơn, chính những người nhận được báo cáo tài chính đó, tức các cổ đông, Ủy ban Chứng khoán, cơ quan thuế, các cơ quan thanh tra của Chính phủ, tất cả những đối tác này được xem là “bên thứ ba” cũng phải có thẩm định riêng về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Để ngăn những lỗ hổng có thể dẫn đến sai lệch trong các báo cáo tài chính, có ý kiến cho rằng trách nhiệm đầu tiên và xuyên suốt vẫn là hội đồng quản trị cũng như cổ đông lớn, ông nói gì về vấn đề này, thưa ông?
Trong mỗi doanh nghiệp, hội đồng quản trị có trách nhiệm giám sát, bảo đảm tính trung thực và hợp lý của các thông tin trong báo cáo tài chính. Tôi cho rằng cần thiết phải đề cao vai trò của thành viên độc lập trong hội đồng quản trị, họ độc lập trong quan hệ cổ đông và công ty, họ không có quyền lợi với doanh nghiệp để đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Thành viên độc lập đại diện cho tất cả các cổ đông thiểu số, vì thế, cần phải đề cao vai trò, tiếng nói và trách nhiệm của họ. Cũng cần lưu ý rằng khi các thành viên hội đồng quản trị có sự biến động về nhân sự, thay đổi thành viên nhanh chóng chứng tỏ sự vận hành trong doanh nghiệp có vấn đề.
Tôi là thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của hai ngân hàng. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vai trò của thành viên độc lập trong doanh nghiệp tại Việt Nam rất mờ nhạt, vì những thành viên độc lập có quyền biểu quyết nhưng không có tiếng nói, không được coi trọng. Họ không đại diện cho các cổ đông lớn, nên dù họ có ý kiến nhưng đến cuối cùng không ai lắng nghe, bị “phớt lờ”.
Ở Việt Nam, hệ thống quản trị trong các doanh nghiệp rất thiếu dân chủ. Cụ thể, ý kiến và quyết định của chủ tịch hội đồng quản trị là tiên quyết vì chủ tịch thường là đại diện cho cổ đông chính, cổ đông có cổ phần lớn nhất. Do đó, Bộ Tài chính và Quốc hội cần quan tâm vấn đề này, làm sao để đẩy mạnh vai trò của thành viên độc lập trong hội đồng quản trị.
Một điểm nữa, trong hội đồng quản trị, tất cả quyết định, từ chọn kiểm toán viên, chọn công ty kiểm toán độc lập cho doanh nghiệp cần thể hiện rất rõ trong biên bản của hội đồng quản trị. Theo đó, trong biên bản cần nêu rõ bao nhiêu thành viên ủng hộ, bao nhiêu thành viên phản đối và bao nhiêu thành viên bỏ phiếu trắng; đồng thời, ghi rõ những ý kiến của thành viên phản đối. Biên bản này là cơ sở để tòa án và các cơ quan quản lý sau này sẽ có thể dựa vào để xem rằng ai đưa ra quyết định đó.
Tại Việt Nam, trong biên bản không nêu rõ ý kiến của các thành viên mà chỉ đưa ra thông tin chung chung, bao nhiêu thành viên ủng hộ và phần lớn những đề xuất đều nhận được sự thống nhất 100%. Điều này khiến các quyết định trong doanh nghiệp thiếu tính chính xác, thiếu tính dân chủ và chưa chỉ rõ ai là người chịu trách nhiệm khi thông qua quyết định đó.
Một trong những điều quan trọng cho tất cả các bên sử dụng và tham khảo một báo cáo tài chính có kiểm toán độc lập là phải xem xét trong thư quản lý do kiểm toán viên phát hành có nêu lên những miễn trừ, những quan sát nào có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của báo cáo tài chính hay ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán hay không. Một thư quản lý của kiểm toán viên mà không nêu lên những miễn trừ (ý kiến chấp nhận toàn phần - tiếng Anh là unqualified opinion), được xem là ý kiến tích cực của kiểm toán viên về độ chính xác và trung thực của báo cáo tài chính.
Để siết lại quản lý hoạt động kiểm toán độc lập, hiện tại Bộ Tài chính đang thực hiện Dự án Luật sửa đổi 7 Luật, trong đó có Luật Kiểm toán độc lập, gắn với nhiều đề xuất nhằm quản lý chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về những đề xuất này, thưa ông?
Tôi cho rằng cần thiết phải có những chế tài xử phạt các công ty kiểm toán không làm đúng trách nhiệm, bởi chất lượng của báo cáo tài chính chịu tác động lớn từ chất lượng dịch vụ kiểm toán. Tuy nhiên, hiện nay, chế tài xử lý vi phạm về lập và trình bày báo cáo tài chính vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Dù tăng mức xử phạt vi phạm hành chính gấp 30 lần hiện hành vẫn là chưa đủ, bởi có những công ty sẵn sàng chịu phạt khi nhận được lợi nhuận lớn hơn, họ sẵn sàng chấp nhận che giấu để có thể hưởng thù lao lớn từ khách hàng của mình.
Về đối tượng các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán độc lập, theo quy định hiện hành, hiện nay các đơn vị có lợi ích công chúng như doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm. Các doanh nghiệp phát hành chứng khoán, phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu nếu báo cáo tài chính không chính xác sẽ dẫn đến sự thiệt hại của cổ đông hoặc các trái chủ, do đó, cũng cần phải kiểm toán độc lập.
Từ sau những vụ đại án liên quan đến trái phiếu, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 bắt buộc doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải có báo cáo tài chính đã kiểm toán, để tăng tính minh bạch thông tin tài chính các doanh nghiệp phát hành cung cấp cho nhà đầu tư. Riêng về cổ phiếu, theo quan điểm của tôi, nếu doanh nghiệp phát hành trong phạm vi hẹp, nhỏ hơn 500 cổ đông chẳng hạn, thì chỉ cần báo cáo tài chính soát xét là đủ.
Để thị trường trái phiếu phát triển bền vững hơn, cùng với việc củng cố vai trò hoạt động kiểm toán độc lập và quản trị công ty, theo ông, cần thêm điều kiện gì?
Để báo cáo tài chính chính xác và khách quan, phải siết chặt quy định cả hai phía. Một mặt, với các kiểm toán viên, doanh nghiệp kiểm toán độc lập, cần có những quy định đảm bảo công ty kiểm toán làm đúng theo quy trình, hạch toán, kiểm tra, khảo sát doanh nghiệp. Mặt khác, cần yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp hồ sơ, cung cấp thông tin chính xác, khách quan cho các công ty kiểm toán, bởi đây là gốc rễ vấn đề. Nếu dữ liệu đưa ra không chính xác thì dù các công ty kiểm toán có làm hết sức, kết quả kiểm toán cũng sẽ không hoàn hảo. Do đó, phải siết quy định cả hai phía, đầu vào và đầu ra dữ liệu, để kết quả báo cáo tài chính sẽ được kiểm toán chính xác nhất.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, để phát triển bền vững và minh bạch hơn trong thời gian tới, cần phải tăng cường ba điểm.
Một là, sự hiểu biết của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cần phải trang bị những phương pháp luận, hiểu biết về thị trường chứng khoán và các chỉ số tài chính của doanh nghiệp.
Hai là, chúng ta hiện có 4 công ty xếp hạng tín nhiệm, những công ty này cần phải tăng cường hoạt động hơn nữa. Tôi cho rằng việc bắt buộc tất cả các nhà phát hành đều phải được xếp hạng tín nhiệm, mở rộng hơn quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 là cần thiết, thay vì chỉ yêu cầu bắt buộc một số doanh nghiệp phát hành lớn mới phải xếp hạng tín nhiệm.
Ba là, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán và các cơ quan thanh tra thuộc Chính phủ phải vào cuộc mạnh mẽ hơn để duy trì trật tự và giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.
VnEconomy 17/10/2024 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2024 phát hành ngày 14/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam