“Trước sự bất ổn của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều giải pháp, trong đó có đấu thầu vàng miếng, song đấu thầu 9 phiên thì 3 phiên hủy. Để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán vàng trực tiếp qua bốn ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty vàng bạc đá quý (SJC), kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, chỉ còn chênh lệch 6 triệu đồng/lượng từ mức gần 20 triệu đồng/lượng. Đây là một phương sách mới, rất sáng tạo. Ngân hàng Nhà nước đủ sức và tiềm lực để có thể kéo giá vàng trong nước gần giá vàng thế giới. Tuy nhiên, kéo mức chênh lệch đến bao giờ, nếu tiếp tục kéo sẽ dẫn đến hệ lụy gì cho nền kinh tế?
Nếu tiếp tục tăng cung vàng có thể dẫn đến hiện tượng “vàng hóa” do người dân mua vàng để cất trữ, “chôn” vàng mà không chuyển thành tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, vàng không phải mặt hàng thiết yếu, để đáp ứng nhu cầu vàng của Việt Nam một năm khoảng 30-40 tấn, số ngoại tệ bỏ ra lên tới 3 tỷ USD, song nguồn lực vàng “nằm im” trong dân. Do đó, cần phải chấm dứt hiện tượng này, không thể kéo dài được. Vàng nằm yên trong dân là vàng chết, trong khi nhu cầu về vốn sản xuất kinh doanh hiện nay là rất lớn.
Theo dự báo, giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng, lên đến 2.500 USD/ounce, thậm chí đến 3.000 USD/ounce do địa chính trị bất ổn. Sự sụt giảm vừa qua là do Trung Quốc ngừng mua thêm vàng dự trữ sau 18 tháng. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác lại bấp bênh như lãi suất thấp, chứng khoán, bất động sản trầm lắng. Do đó, người dân có tiền muốn tìm nơi có lợi nhuận cao, thanh khoản tốt và rủi ro thấp như vàng.
Ngoài ra, người dân đầu tư theo đám đông, theo phong trào, đổ xô đi mua vàng, bất chấp nắng mưa, xếp hàng xuyên đêm, nay bán vàng online cũng tắc nghẽn, từ đó dẫn đến nhiều bất ổn.
Vì vậy, bên cạnh tăng cung, một biện pháp mới được nhiều chuyên gia nghĩ đến, đó là giảm cầu thông qua đánh thuế, làm sao người dân không ham nữa mà chán vàng. Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy khi nền kinh tế bất ổn, hoặc có thể khủng hoảng, Nhà nước thường sử dụng một công cụ hiệu nghiệm, đó là công cụ thuế. Thuế là công cụ vạn năng. Chẳng hạn, Nhà nước có thể giảm thuế để kích cầu. Bây giờ để giảm cầu, phải dùng biện pháp tăng thuế hoặc đánh thuế.
Tại nhiều nước, người dân mua vàng vật chất phải chịu thuế, hay mua qua sàn vàng, vàng tài khoản cũng đánh thuế như mua bán chứng khoán, bất động sản phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Nhiều quan điểm cũng cho rằng mua bán chứng khoán, bất động sản bị đánh thuế, còn mua bán vàng không đánh thuế là rất bất hợp lý và gây thất thu ngân sách. Chẳng hạn, tại Pháp, để chống đầu cơ, chống vàng hóa, người dân mua vàng trong một giai đoạn ngắn thì đánh thuế theo doanh thu, hoặc theo chênh lệch giá để chống đầu cơ.
Nhà nước cố gắng khai thác nguồn vàng trong dân để chuyển nguồn vàng đó thành nguồn tài chính và đi vào sản xuất, khi đánh thuế thì người dân không bán nữa nên càng khó huy động vàng trong dân. Đây là vấn đề cần phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng.
Cần phải nhấn mạnh rằng mục tiêu cần ưu tiên nhất là chống vàng hóa và phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó, thu hút tiền người dân vào hoạt động sản xuất kinh doanh, khi đó mới tăng GDP, kinh tế phát triển, dân giàu và nước mạnh. Bởi vậy, không nên để người dân đầu tư vào vàng quá lớn, tiền trong dân “chôn” vào vàng quá nhiều.
Bên cạnh đó, để người dân chán vàng, cần phát triển các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như: thị trường chứng khoán, bất động sản, lãi suất tiết kiệm nhích lên. Bởi khi kinh tế đi xuống, bất ổn, các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, dù ban hành giải pháp nào cũng khó có hiệu quả”.
“Kinh doanh vàng cũng như nhiều ngành nghề khác đều chịu sự quản lý cơ quan nhà nước và thực hiện nghĩa vụ thuế bình thường. Về quy định bắt buộc xuất hóa đơn điện tử, ngành thuế đã triển khai thành công 2 năm qua. Cơ quan thuế đã tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử trên thực tế, do đó, hiện nay tất cả doanh nghiệp đều áp dụng xuất hóa đơn điện tử, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát việc xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, thời gian vừa qua, ngành thuế tiếp tục tăng cường triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.
Đối với hộ kinh doanh, việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền hiện đang được triển khai vì pháp luật chưa bắt buộc các hộ phải kết nối hóa đơn điện tử từ máy tính tiền với cơ quan thuế. Do đó, trước mắt, cơ quan thuế vẫn đang tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan liên quan và chỉ đạo cơ quan thuế địa phương triển khai, song hành với đó là thực hiện sửa luật. Tuy nhiên, để phát hiện các hành vi buôn lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, bên cạnh công tác quản lý của cơ quan thuế, cần sự chung tay của cơ quan hải quan và quản lý thị trường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng. Hiện nay, thông thường người dân mang nhiều tiền mặt đến cửa hàng để mua vàng. Tới đây, chúng tôi kiến nghị hoạt động mua bán vàng không dùng tiền mặt, cần thanh toán qua tài khoản, trừ trường hợp giá trị nhỏ sẽ quy định ngưỡng nhất định. Để chống hoạt động rửa tiền, ngành thuế sẽ phối hợp ngân hàng quản lý dòng tiền mua bán vàng.
Về thanh tra, kiểm tra việc giao dịch, kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế yêu cầu các chi cục thuế trên địa bàn cả nước giám sát chặt các cửa hàng kinh doanh vàng để ngăn ngừa các vi phạm. Thống kê cho thấy hiện nay, cả nước có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng miếng, gồm 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp.
Tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 12.516 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế tác vàng và có 5.506 hộ kinh doanh mua bán, chế tác, gia công vàng bạc đá quý (trong đó, số lượng hộ khoán là 5.424 hộ, hộ kê khai là 82). Cơ quan thuế đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức thanh tra, kiểm tra thị trường vàng”.
“Ngân hàng Nhà nước đã thành công bước đầu khi kéo chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước xuống thấp. Tuy nhiên, để thị trường vàng ổn định, về lâu dài, cùng với việc sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Nhà nước cũng cần nghiên cứu, bổ sung công cụ thuế đối với hoạt động mua bán vàng.
Chính sách thuế rõ ràng có tác dụng rất lớn, một khi muốn thu hẹp hoạt động này dùng chính sách thuế có thể cao lên hoặc muốn mở rộng kênh đầu tư hoặc mở rộng hoạt động nào đó thì chính sách thuế sẽ ưu đãi hơn. Do đó phải khẳng định rằng thuế là một công cụ rất hữu hiệu để tạo điều kiện cho ngành đó phát triển hoặc là tạo mọi điều kiện để cho ngành đó mở rộng ra hoặc là thu hẹp lại.
Hiện nay, khi xã hội càng phát triển, người dân có tiền nhàn rỗi sẽ tìm đến các kênh đầu tư khác nhau như chứng khoán, bất động sản và đầu tư vào các lĩnh vực có thể kiếm lời, trong đó không thể không kể đến một kênh đầu tư thời gian vừa qua người dân quan tâm đó là đầu tư vào vàng. Vì vậy, để bình đẳng giữa các kênh đầu tư thì việc đánh thuế vào việc mua bán vàng rất cần thiết. Việc đánh thuế vào đầu tư vàng không chỉ đảm bảo sự bình đẳng giữa các kênh đầu tư, mà còn là một trong những giải pháp để giá vàng, thị trường vàng từng bước ổn định.
Chính sách thuế đối với vàng nên hướng tới ba mục tiêu: (i) đảm bảo bình đẳng giữa các kênh đầu tư; (ii) tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, không bị các yếu tố đầu cơ chi phối; (iii) trong bối cảnh hiện nay, nhập khẩu vàng để sản xuất ra vàng trang sức hoặc là in dập ra vàng lá, vàng khối để bán kiếm lời, trong trường hợp này cần có chính sách thuế hợp lý để điều tiết cung cầu, trên cơ sở đó thị trường vàng Việt Nam sẽ phát triển ổn định”.
“Đối với câu chuyện vàng, có hai vấn đề lớn là chống “vàng hóa” và chống chênh lệch giá cao bất hợp lý giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấm sử dụng vàng như một phương tiện huy động tiền gửi và cho vay ở các ngân hàng thương mại, có nghĩa là vàng hóa không còn nữa.
Vấn đề hiện nay cần giải quyết là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, có lúc lên tới 30% là con số rất lớn, do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, dòng thương mại bị cắt đứt, lâu nay Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu trong nước càng ngày càng cao. Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 600 kg vàng, trong khi nhu cầu có thể lên tới 50 tấn. Như vậy, tình trạng khan hiếm có thể khiến đẩy giá vàng trong nước lên, dẫn đến nhập lậu.
Do đó, để xóa bỏ chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, đơn giản là dùng các biện pháp thương mại; nghĩa là, cho phép một số đơn vị kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện xuất nhập khẩu vàng để kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Nhà nước dùng công cụ mạnh nhất là thuế để điều tiết việc xuất nhập khẩu này. Hải quan của Việt Nam hiện nay đã chuyển đổi số rất mạnh, họ có thể kiểm soát rất tốt việc xuất nhập khẩu vàng. Ở trong nước, đẩy mạnh kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử để thị trường vàng được minh bạch. Tôi nghĩ rằng căn cơ nhất, dài hạn nhất và thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng và đánh thuế.
Thứ hai, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng nhẫn thông thường trên thị trường vàng thời gian qua. Thực tế, không có chênh lệch về chất lượng mà chênh lệch giá do thương hiệu. Vì SJC là thương hiệu vàng quốc gia được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn, nên người dân cho rằng mức độ tin cậy cao hơn, từ đó tạo ra chênh lệch giá phi lý. Do đó, nên trả lại SJC thương hiệu của họ, để họ kinh doanh bình thường như các hãng khác.
Thứ ba, vấn đề mà rất nhiều người lo ngại là nhập khẩu vàng thì lấy đâu ra ngoại tệ. Tuy nhiên, buôn lậu vàng thì họ cũng lấy ngoại tệ ở trong nước. Ngoài ra, theo tính toán, để nhập khẩu vàng mỗi năm chỉ mất khoảng 3 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta rất lớn.
Yếu tố tác động lớn nhất đến giá vàng thế giới hiện nay là do các ngân hàng trung ương tăng cường mua vàng để dự trữ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nên cân nhắc xu hướng này”.
“Thị trường vàng có mối liên hệ mật thiết và tác động trực tiếp tới các cân đối vĩ mô quan trọng như tỷ giá, lạm phát,… nên không thể để tự do như các lĩnh vực khác, mà phải được kiểm soát chặt chẽ. Trên thế giới, ít có quốc gia nào mà cho đến nay nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi vàng như Việt Nam. Những lĩnh vực khác có thể để thị trường tự do điều tiết như hàng không, điện, thậm chí hoạt động ngân hàng, nhưng vàng thì rất khó; phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước can thiệp, nếu không vàng sẽ làm méo mó thị trường tiền tệ, gây bất ổn đối với kinh tế vĩ mô.
Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt để ổn định thị trường vàng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng về lâu dài cần có nhiều biện pháp để thay đổi nhận thức của người dân về việc tích trữ vàng vật chất. Bởi vì, nếu như nhận thức của người dân không thay đổi thì Ngân hàng Nhà nước có cung ra thị trường bao nhiêu vàng cũng không đủ.
Phải khẳng định rằng Nhà nước không khuyến khích người dân mua và sở hữu vàng nhưng không thể cấm được. Khi mua vàng vật chất tích trữ thì nguồn lực không được đưa vào sản xuất, kinh doanh, tiền không luân chuyển để tạo ra tiền, kích thích tăng trưởng. Cho nên, những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước triển khai trong thời gian qua đã giúp làm dịu tình hình nhưng tốt nhất là Nhà nước phải tìm cách để người dân chán vàng mà tìm đến các kênh đầu tư, tích luỹ khác.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh phòng chống rửa tiền trong các giao dịch vàng miếng cũng là giải pháp rất tốt để thị trường minh bạch hơn, từ đó hạn chế đầu cơ, đẩy giá. Đây là những quy định pháp luật đã có từ lâu, chứ không phải do hiện nay giá vàng tăng nóng thì cơ quan quản lý mới đẩy thêm điều kiện, bổ sung quy định. Vấn đề là các cơ quan chức năng thực hiện quy định này như thế nào.
Quy định pháp luật của Việt Nam, trong đó có quy định về giao dịch vàng thuộc loại chặt nhất thế giới. Song, quy định chặt chẽ mà thực thi lỏng lẻo, không quyết liệt sẽ dẫn đến mất hiệu quả của luật. Do đó, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để thực thi hiệu quả tất cả các quy định đã có (phòng chống rửa tiền, xuất hóa đơn điện tử) thì thị trường vàng sẽ minh bạch, ổn định”.
VnEconomy 24/06/2024 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 26-2024 phát hành ngày 24/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam