) Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - VnEconomy Emagazine
Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 1
Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 2

“Ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, tình hình chính trị thế giới biến động khó lường cùng giá nhiên liệu tăng cao đẩy chi phí các loại hình vận tải khác như đường bộ, đường biển tăng cao. Đặc biệt, hiện các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Những nhân tố này “đánh thức” vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt liên vận, với những chuyến tàu giữa Việt Nam – Trung Quốc và quá cảnh đi Nga, châu Âu và các nước thuộc khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).

Kết quả cho thấy sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt liên vận quốc tế chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2017 – 2021. Trong đó, tính riêng năm 2017 tăng 26%, năm 2021 tăng 31% so với năm 2020, đạt 1,13 triệu tấn và chiếm gần 20% tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt cả nước.

Bằng cách khai thác các thế mạnh trên hệ thống đường sắt liên vận quốc tế, đường sắt Việt Nam hoàn toàn có thể tiết giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, dựa vào loạt yếu tố.

Thứ nhất, lịch chạy tàu linh hoạt, tần suất chạy tàu cao, thời gian vận chuyển ngắn. Hiện tại, thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đến châu Âu thông thường chỉ bằng 2/3 thời gian vận chuyển đường biển.

Thứ hai, thông qua kết nối khai thác hệ thống mạng lưới đường sắt Á – Âu, hàng hóa sau khi đến các trung tâm trung chuyển hàng hóa chính tại châu Âu sẽ được chuyển tiếp đến các điểm nằm sâu cách xa cảng biển bằng hệ thống vận tải đường sắt. Điều này giúp khách hàng tiết kiệm thêm thời gian cũng như các chi phí và thủ tục trung chuyển hàng hóa.

Thứ ba, vận tải hàng hóa bằng đường sắt là loại hình vận tải hàng hóa khối lượng lớn, an toàn trong toàn bộ quá trình vận tải. Đặc biệt, vận tải đường sắt là loại hình phương tiện vận tải có mức xả khí thải gây ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất.

Nếu không giảm được chi phí logistics, chúng ta sẽ rất khó tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Là một mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics, nhưng hệ thống đường sắt Việt Nam hiện đang rất lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, cản trở vận tải đường sắt phát triển. Cùng với đó, năng lực vận tải thông qua thấp do hạn chế nhà ga, bãi hàng, tải trọng cầu đường, không kết nối được với các loại hình phương tiện vận tải khác, đặc biệt là kết nối với các cảng biển.

Vì vậy, để đường sắt phát huy thế mạnh trong hoạt động vận tải nói chung và vận tải hàng hóa liên vận quốc tế nói riêng, Ratraco mong mỏi sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước trong việc nâng cấp, hiện đại cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, Nhà nước cần ban hành thêm các chính sách đầu tư, đẩy mạnh việc kết nối đồng bộ hệ thống kỹ thuật đường sắt quốc tế. Bản thân ngành đường sắt Việt Nam cũng cần tiếp tục tìm kiếm và hợp tác với các đối tác. Có như vậy, năng lực vận tải hàng hóa bằng đường sắt mới thực sự cải thiện rõ rệt”.

Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 3

“Xung đột Nga – Ukraine chưa có hồi kết, lạm phát thế giới leo thang, kinh tế toàn cầu suy giảm đã đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân xuống thấp. Nhiều dự báo cho thấy, những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm đáng kể. Điều này ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành logistics, vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu tăng cao và tình hình khan hiếm nhiên liệu những ngày qua.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp logistics đã chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp, cải tiến quy trình vận tải, áp dụng chuyển đổi số, tăng cường đào tạo nội bộ… nhằm tối ưu quá trình vận chuyển, cắt giảm chi phí không hợp lý để từng bước vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động kết nối để có hàng vận chuyển hai chiều, hạn chế container rỗng; xây dựng tuyến vận tải hợp lý nhằm tiết giảm chi phí xăng dầu…

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp của bản thân doanh nghiệp. Để kéo giảm chi phí logistics, Chính phủ cần có nhiều giải pháp tổng thể như rà soát thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông hiện đại tại các trung tâm lớn bao gồm kho bãi, cảng biển, hệ thống đường kết nối…

Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng các điểm kết nối trung chuyển để tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức gồm đường sắt, đường biển và đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành logistics.

Điển hình như tại Hải Phòng, thành phố đang áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển để chính quyền có nguồn thu đầu tư, xây dựng hạ tầng hiện đại và đồng bộ phục vụ cho việc chuyên chở, vận tải hàng hóa. Nhờ đó, hệ thống giao thông đường bộ kết nối vào cảng liên tục được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho các xe hàng trọng tải lớn của doanh nghiệp”.

Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 4

“Chi phí logistics Việt Nam ở mức cao có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nền kinh tế nước ta vẫn đang chuyển đổi từ giá trị thấp lên mức trung bình dẫn đến chi phí logistics chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị hàng hóa.

Bên cạnh đó, các phí sử dụng cơ sở hạ tầng của nước ta cũng khá cao, năng suất lao động, tính kết nối liên ngành, liên doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thấp, đầu tư thiếu hiệu quả… Các chính sách khơi thông dòng chảy logistics có nhiều thay đổi tích cực nhưng việc ban hành, triển khai còn chậm, hoạt động một cách lãng phí và hình thức, điều này có thể thấy ở hầu hết từ cá nhân cho đến doanh nghiệp và các tổ chức khác.

Ngoài ra việc lập kế hoạch và tính cam kết rất yếu nên làm mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa. Ví dụ, các doanh nghiệp nước ngoài thường quan tâm tỷ lệ % chi phí logistics trên mỗi sản phẩm, quan tâm đến quản lý chi phí ổn định bền vững, vì vậy họ luôn lập kế hoạch cả năm, sẵn sàng cam kết từ đó các doanh nghiệp trong chuỗi có thể lập kế hoạch cung cấp và xây dựng phương án tối ưu. Nhưng điều này ít thấy ở doanh nghiệp Việt Nam nên cả chuỗi luôn bị động và hoạt động dưới năng suất. Tính chuyên nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng tới chi phí logistics.

Để kéo giảm chi phí logistics xuống mức phù hợp, giải pháp cần được đưa ra một cách đồng bộ, đặc biệt về tư duy tinh gọn, tích hợp, liên kết của tất cả các bên liên quan từ công tác quy hoạch tổng thể vĩ mô cho đến chi tiết hoạt động vi mô của doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu lớn, đào tạo nguồn nhân lực. Rà soát, loại bỏ những điểm nghẽn trong cả chính sách và thực thi, thúc đẩy các chính sách khơi thông dòng chảy, ứng dụng công nghệ trong quản trị vận hành và triển khai các dự án, có các chính sách khuyến khích liên kết như tài trợ cho vay vốn ưu đãi có điều kiện… giảm các chi phí hạ tầng một cách phù hợp thông qua hoạt động đầu tư công hiệu quả.

Một khác, cần tăng cường tuyên truyền có mục tiêu nâng cao nhận thức về tăng năng suất lao động, liên kết liên ngành, hiệp hội, doanh nghiệp có quỹ hỗ trợ chuyển đổi số có điều kiện…”.

Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 5

“Giá vận chuyển hàng hóa gần hai năm qua liên tục tăng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Phí vận chuyển đi châu Âu, Mỹ tăng gấp nhiều lần so với thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Thời gian vận chuyển hàng hóa cũng kéo dài thêm 1,5 - 2 lần so với thời điểm đầu năm 2020.

Đáng chú ý, trong cơ cấu chi phí logistics, chi phí cho vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn; trong đó chi phí xăng dầu chiếm 60 - 65% chi phí vận tải. Do vậy, khi xăng dầu leo thang, chi phí logistics tại Việt Nam tăng mạnh. Ngoài ra, chi phí thuê container rỗng cũng tăng mạnh trong thời gian qua khiến không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Trước biến động của thị trường logistics, nhiều doanh nghiệp logistics đã chủ động thay đổi cách thức quản trị, tổ chức hoạt động nhằm đạt hiệu quả tối ưu. Như tại VIMC, để kéo giảm chi phí logistics, chúng tôi đã tăng thêm tần suất các chuyến tàu đưa vào các cảng, gần nơi có nguồn hàng cũng như hợp lý hóa quy trình về giao nhận trên nền tảng công nghệ.

Bên cạnh tổ chức hợp lý hóa trong chuỗi cung ứng trong tổ chức sản xuất; vấn đề kết nối hạ tầng; phát triển các phương thức vận tải mới cũng như đẩy mạnh vận tải đường sắt, đặc biệt tổ chức các tuyến vận tải thủy nội địa để kết nối tuyến quốc tế cũng cần được coi trọng. Bởi đây chính là giải pháp căn cốt trong tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Việt Nam, với vai trò trung tâm gia công cho các ngành công nghiệp của khu vực và thế giới như nông lâm sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… cần được đầu tư trở thành trung tâm logistics hiện đại của khu vực. Trung tâm logistics này sẽ kết nối với các khu công nghệ, các trung tâm kinh tế nhờ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hiện đại và đồng bộ.

Trong đó, hệ thống vận tải đường sắt cần được đặc biệt quan tâm bởi đây là phương thức vận tải tối ưu. Giai đoạn đầu, vốn đầu tư dành cho đường sắt có thể tăng cao nhưng về dài hạn, đây là giải pháp kéo giảm chi phí logistics hiệu quả”.

Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 6

“Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chi phí logistics của Việt Nam luôn đứng ở mức cao hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực và thế giới, làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao như số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa chủ động chuyển đổi số và chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi” so với các doanh nghiệp của nước ngoài.

Về chính sách, các cơ quan hữu quan còn chưa tạo điều kiện thuận lợi như việc kiểm soát hàng quá cảnh qua các cửa khẩu, gây khó khăn cho các hãng tàu, khách hàng…

Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp logistics cần tiên phong ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong logistics nhất là liên quan tới thương mại điện tử để tối ưu hóa lợi ích cho người tiêu dùng và nhà bán hàng thông qua việc kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững.

Các Hiệp hội Logistics cần nâng cao hơn nữa vai trò trong việc phản biện chính sách với địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ những điểm bất hợp lý trong quá trình thực thi chính sách, từng bước mở đường cho ngành logistics phát triển và hội nhập với khu vực và thế giới.

Các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể cho ngành logistics với những định hướng và lộ trình một cách rõ ràng và cụ thể, trong đó phải quy hoạch Hà Nội trở thành trung tâm logistics kết nối các phương thức vận tải nhằm tạo ra sự kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, các cửa khẩu phía Bắc cũng như các tỉnh phía Nam”.

Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 7

“Chi phí logistics của Việt Nam hiện bằng 20-25% GDP, cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Chi phí này trở nên trầm trọng hơn do sự gián đoạn của đại dịch Covid-19 gây ra kể từ năm 2020. Để cạnh tranh về chi phí, Việt Nam đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 16-20% GDP.

Là một nhà cung cấp chuỗi cung ứng và logistics, chúng tôi hiểu rằng kéo giảm chi phí logistics không thể được giải quyết bằng một vấn đề hoặc giải pháp đơn lẻ. Ngành logistics của Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức như thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, chưa hiệu quả trong các quy trình và hệ thống (cả trong các cơ quan chính phủ cũng như doanh nghiệp), thiếu các chuyên gia hậu cần lành nghề, hạn chế về năng lực kho bãi… Đây là những dấu hiệu của một hệ sinh thái không kết nối đầy đủ các yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị logistics.

Để đảm bảo hiệu quả của chuỗi cung ứng, cần xây dựng hệ sinh thái với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực kết nối đa phương thức với hệ thống sân bay, cảng biển, đường sắt và đường bộ để cung cấp quá trình chuyển đổi liền mạch cho tất cả các cửa khẩu ở Việt Nam và xa hơn nữa là cho các nhà cung cấp, nhà sản xuất và khách hàng của họ.

Với các tiếp cận tích hợp nhằm nâng cao kỹ năng, công nghệ, hệ thống và tự động hóa cho hệ sinh thái, các giải pháp chuỗi cung ứng cho các bên trong hệ sinh thái sẽ trở nên phù hợp và hiệu quả, từ đó từng bước kéo giảm chi phí logistics.

Nhưng nút thắt cổ chai của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là tình trạng thiếu vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh nhất là trong bối cảnh các kênh tài chính như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu đang gặp khó khăn.

Dẫu vậy, tôi có sự lạc quan lớn đối với ngành logistics của Việt Nam. Sự dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam hiện nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho hoạt động vận tải xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam; chẳng hạn như nguyên vật liệu thô và linh kiện lắp ráp. Khi Việt Nam đang chiếm lĩnh thế giới như một trung tâm sản xuất, nhu cầu xuất khẩu cả bằng đường hàng không và đường biển sẽ tăng lên đáng kể, cơ hội giao nhận hàng hóa sẽ rất nhiều.

Vì vậy, Tập đoàn YCH- YCH Holdings (Singapore) và Tập đoàn T&T cùng hợp tác đầu tư Trung tâm logistics ICD tại Vĩnh Phúc với số vốn gần 200 triệu USD. Đến tháng 9/2022, tòa nhà đầu tiên của dự án đã được hoàn thành. Đây là nhà ga hàng hóa hàng không phục vụ cho các khu công nghiệp xung quanh với mục tiêu giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay vào mùa cao điểm. Chúng tôi dự đoán nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ tăng lên khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử thành lập nhà máy tại Việt Nam”.

Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 8

VnEconomy 23/11/2022 10:00

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47 phát hành ngày 21-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giảm chi phí logistics: Tăng cường tính kết nối và tái cơ cấu thị trường vận tải - Ảnh 9