) Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ” - VnEconomy Emagazine
Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ”  - Ảnh 1
Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ”  - Ảnh 2

Thật ra, xuất phát điểm của bản thân tôi là một người không quá thông thạo về công nghệ. Vậy nên, khi hiện diện của công nghệ ngày một gia tăng, một người không biết và luôn ở trong vùng mờ như mình luôn cảm thấy một sự bất an nhất định. Đồng thời, tôi cũng hiểu rằng, đây là một diễn tiến không thể nào ngừng lại được. Làm triển lãm “Dị Diện” cho tôi một cái cớ để mình tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.

Thêm nữa, khi máy móc đang ngày càng trở nên thông minh đến đáng sợ, nó chất vấn vị trí của tất cả mọi người ở trong lĩnh vực sáng tạo chứ không riêng gì nghệ thuật, đấy là liệu đến một lúc nào đó máy móc hay trí tuệ nhân tạo có thay thế mình hay không? Chúng có thể ‘kể’ những câu chuyện mà giờ đang được bộc lộ qua tư duy sáng tạo của con người hay không? Đó cũng là một câu hỏi tôi chưa có câu trả lời. Quá trình nghiên cứu thực hiện triển lãm “Dị Diện” là một cách để tôi đi tìm câu trả lời, hay tìm lối khám phá xung quanh chủ đề này.

Tôi thấy rằng chúng ta vẫn luôn có những cách để mình đối thoại với sự phát triển của máy móc thông minh và không gian số kia. Nhưng sự phát triển của công nghệ đồng thời cũng gây ra sức ép nhất định, bắt con người phải sáng tạo hơn.

Thêm vào đó, sau khi không gian The Outpost mở cửa vào cuối năm ngoái, tôi nhận ra những khách đến xem triển lãm phần nhiều ở độ tuổi còn rất trẻ. Tôi cũng có dịp quan sát ngôn ngữ cơ thể của khách tham quan triển lãm và cách các bạn ấy tương tác với nhau. Có một cái gì đấy khác với thói quen sinh hoạt quen thuộc với tôi. Cái đầu tiên mình nhận thấy dễ dàng nhất là tần suất sử dụng điện thoại thông minh. Cái thứ hai là tương tác cầu nối với nhau thông qua không gian mạng xã hội.

Ở Việt Nam, các hoạt động đi thăm bảo tàng, xem triển lãm, các khu trưng bày còn khá ít. Và việc lan truyền thông tin để khán giả biết đến The Outpost nhiều hơn không chỉ còn là truyền miệng, đặt tờ rơi hay dán poster như cách đây 10 năm khi tôi mới về Việt Nam. Hồi đó, mạng xã hội đã có rồi nhưng chưa phải công cụ ‘truyền tin’ trọng yếu. Còn bây giờ, các thông tin lại lan truyền trên các kênh như là Facebook, Instagram, TikTok rất mạnh mẽ.

Việc truyền miệng đang dần dịch chuyển sang không gian số, qua ngôn ngữ hình ảnh động đó là sự thay đổi khiến tôi đặt ra câu hỏi rằng khi đây là công cụ, ngôn ngữ, hạ tầng để các bạn trẻ tương tác với nhau thì mình sẽ phải đối thoại với khán giả của mình như thế nào?

“Dị Diện” không chỉ đề xuất một hướng đi cho câu chuyện sáng tạo ở thời đại tương lai này mà còn là tiền đề để mình hiểu nhóm khán giả đang rất háo hức, tò mò ở bên ngoài của chính The Outpost hay rất nhiều các không gian nghệ thuật khác.

Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ”  - Ảnh 3

Có lẽ rất khó để gọi tên sự khác biệt. Trước đây, ở Việt Nam cũng đã có những triển lãm nhìn về mối liên hệ giữa khoa học và nghệ thuật, hoặc công nghệ và nghệ thuật. Nhưng xét trong tương quan chung thì số lượng còn khá ít so với các dạng thức hay chủ đề triển lãm khác.

Có thể tôi chưa liệt kê được cặn kẽ và đầy đủ nhưng khi tổng hợp cho riêng mình thì tôi thấy rằng câu chuyện công nghệ thường hiện diện dưới dạng biểu hiện nhiều hơn. Tức là kỹ thuật trưng bày, ví dụ như là trình chiếu hay projection mapping (kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng hình ảnh đặc biệt cho bề mặt tiếp xúc, nhằm tạo các khối hình ảnh tương tác trong không gian hai chiều). Rồi cũng có những tác phẩm tương tác như khi mà người xem chạm vào hay tiến đến thì sẽ có một cơ chế cơ học gì đấy để tạo ra âm thanh, hình ảnh...

Nhưng ở “Dị Diện”, chúng tôi không nhìn vào quá nhiều biểu hiện của tác phẩm, tức là cái lớp da bên ngoài, mà đi vào tìm hiểu bản chất bên trong. Khi công nghệ thật sự hiện diện và con người phải sống cùng với nó thì nó có tạo ra những chuyển biến hay tác động gì tới xã hội không? Nó có những hệ quả gì tới cách mà mình giao thiệp với nhau, giữa bố mẹ-con cái, trong nội bộ công ty hay ở trường lớp; có thay đổi định chế, quy tắc văn hoá hay không?

Tôi muốn nhìn vào câu chuyện ấy nhiều hơn để hiểu rõ hơn sự hiện diện của công nghệ, thế giới số ấy đã kiến tạo ra những gu thẩm mỹ mới như thế nào? Hoặc khi đưa công nghệ vào trong sáng tác của mình, các nghệ sĩ sẽ phải đối đầu với những vấn đề gì? Nó không chỉ là vấn đề về xử lý kỹ thuật mà còn là về mặt ý tưởng nữa. Cái máy nó sẽ khác mình thì mình phải đối thoại, xoay chuyển với nó ra làm sao?

Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ”  - Ảnh 4

Tôi nghĩ rằng cơ hội bây giờ rất nhiều. Bởi vì khán giả cũng rất háo hức, và tò mò nhiều hơn ở cái thời điểm mà câu chuyện hay mô hình này chưa quá phổ biến ở Việt Nam. Còn với triển lãm cụ thể này thì tôi cho rằng giờ công nghệ là một phần không tách rời đời sống thường nhật của mọi người. Qua chủ đề này tôi cũng mong muốn sẽ thu hút được những cá nhân, tổ chức ở lĩnh vực khác với lĩnh vực mà mình thường tiếp xúc, ở đây cụ thể là những bên làm khoa học hoặc những người làm thiết kế phải dùng rất nhiều kỹ thuật mới.

Về thách thức, các nghệ sĩ nước ngoài khi mình tiếp xúc và làm việc cùng họ thì họ vẫn chưa hiểu nhiều lắm về quang cảnh xã hội Việt Nam. Hình ảnh Việt Nam khi đi ra ngoài vẫn quy về câu chuyện phát triển kinh tế hay là một nơi yên bình, phù hợp để du lịch. Nhưng Việt Nam vẫn còn có một mặt giao diện và hình ảnh khác rất năng động. Nghệ sĩ nước ngoài họ chưa hiểu nên vẫn còn thấy e dè. Họ tự thấy là mình đang đến một vùng đất mà không biết là những người xem ở đó có quan tâm, có đối thoại với tác phẩm của họ hay không.

Thách thức thứ hai là hạ tầng về mặt trưng bày kỹ thuật. Dẫu sao trong bản đồ nghệ thuật thế giới, Việt Nam vẫn đang xuất hiện rất nhỏ giọt, chủ yếu là cá nhân các nghệ sĩ Việt Nam nhưng không gian văn hoá uy tín, cơ sở hạ tầng trưng bày ở Việt Nam chưa được biết đến nhiều.

Khi các nghệ sĩ nước ngoài đã quen làm việc với các cơ quan văn hóa lớn rồi, họ sẽ có các tiêu chuẩn nhất định, sàn phải thế nào, trần phải ra sao, loa phải thế nào, thậm chí là loa rồi máy chiếu, máy tính để mà chạy được phần mềm sẽ do nghệ sĩ chỉ định. Và khi nghệ sĩ chỉ định thì họ luôn luôn e dè rằng, không biết mình có sẵn hay không, mình có tìm được không, mình có đảm bảo được không. Cái quan ngại về nhu cầu thẩm mỹ cũng như hạ tầng kỹ thuật là những thứ khiến cho họ cảm thấy hơi e dè ban đầu.

Vì triển lãm đang diễn ra nên có thể có những khó khăn khác tôi chưa lường trước được. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì thách thức lớn nhất với tôi là làm sao để có thể trở thành cầu nối giữa các nghệ sĩ mà phần đa là ở nước ngoài với khán giả tại Việt Nam - tạo ra có một môi trường trao đổi và đối thoại. Đôi khi, họ không nhận lời tham gia triển lãm dễ dàng vì vẫn có những cái mong muốn được hiểu bối cảnh nơi trưng bày, chứ không chỉ là vấn đề về tiêu chuẩn.

Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ”  - Ảnh 5

Triển lãm mới đi được ⅓ chặng đường, nhưng có lẽ là từ những phản hồi đo lường được từ các chia sẻ trên mạng xã hội, có vẻ là 2 tác phẩm “Phản hồi thích đáng” của nghệ sĩ người Đức Mario Klingemann và tác phẩm “Data.tron” (tạm dịch: trường.dữliệu) của nghệ sĩ người Nhật Ryoji Ikeda được quan tâm nhiều hơn cả.

Bởi vì 1 tác phẩm thì tạo ra trải nghiệm bao trùm, phủ lên trên người ta hoàn toàn, tức là bước vào một thế giới riêng. Tác phẩm còn lại thì trông rất cơ học nhưng lại tạo được sự tương tác có sự “đùa nghịch” nhất định trong đó.

Ai ở giai đoạn nào trong xã hội loài người thì tôi nghĩ cũng cần có một hệ thống niềm tin, có thể là về mặt tri thức, khai sáng văn minh, hay tâm linh, tôn giáo. Người xem khi tương tác và vẫn biết đấy là một cái máy, và cái máy đấy đang tạo ra những thông điệp kia.

Nhưng khi họ tương tác với tác phẩm, các bảng lật chữ cái không nhảy ngay khiến mang tới cảm giác ngóng trông, chờ đợi. Cảm giác chờ đợi đó lại rất quen thuộc bởi khi mình cầu nguyện một điều gì đó thì mình cũng phải mất thời gian chờ. Khi cảm giác chờ đợi ấy qua đi thì chúng ta có được một thông điệp. Mặc dù ta biết là thông điệp đó do máy tạo ra nhưng cái hành vi, biểu hiện của mình khi tương tác với mục nguyện, vốn đã có biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng nhất định vẫn mang lại những cảm giác vừa hư vừa thực. 

Chúng tôi cũng đang làm phiếu khảo sát về các tác phẩm yêu thích nhất và biết đâu đó khi triển lãm kết thúc lại có những bất ngờ bởi không phải ai cũng có thói quen post bài lên mạng.

Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ”  - Ảnh 6

Chúng tôi cũng có những những nhóm khán giả mục tiêu khác nữa nhưng cũng biết rằng, đôi khi xây dựng và thu hút khán giả phải mất thời gian. Tuy nhiên, đối tượng khán giả trẻ thì vẫn luôn luôn là nhóm đối tượng trọng yếu của mình. Về mặt nhóm tuổi thì chủ yếu là sẽ trải từ khoảng 17 tuổi, tức là giai đoạn cuối của cấp ba phổ thông và nhiều nhất cho đến khoảng 40 tuổi, tức là những bạn mà đi làm rồi và cũng bắt đầu có mong muốn tìm hiểu.

Người trẻ bây giờ rất khác. Họ tò mò về các chuyển động của thế giới xung quanh đồng thời có sự tự do nhất định trong việc bày tỏ chính kiến. Các bạn được động viên để bộc lộ bản thân nhiều hơn rất nhiều và một phần trong đó cũng đến từ những cái diễn đàn, hay các không gian khác nhau ngoài không gian vật lý như ở lớp, ở trường, ở nhà.

Đôi khi, họ còn là nhóm tác động ngược lại với gia đình. Bắt đầu có những người người trẻ quay lại đưa bố mẹ đến cùng hoặc là có thể không phải bố mẹ, nhưng mà là những người anh, người chị, họ hàng trong gia đình tham quan lại triển lãm. Đó chính là mong muốn lớn nhất của mình.

Dị Diện bắt đầu mở cửa triển lãm từ ngày 15/4, tức là tính đến nay đã hơn một tháng, triển lãm thu hút khoảng 2.000 lượt khách tham quan. Đấy là cả những khách mua vé lẻ lẫn những đối tác, ví dụ như các nhóm chuyên môn mà họ muốn tìm hiểu về các câu chuyện và chủ đề của triển lãm. 

Chúng tôi cũng đang cũng nỗ lực làm việc với khối trường học. Thời điểm hiện tại, nhiều bạn trẻ đã thi cử xong và sắp đến kỳ hè, hy vọng đây cũng cũng sẽ là một nơi để các bạn thả lỏng hoặc là một không gian để các bạn lấy lại tinh thần.

Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ”  - Ảnh 7

Có hai câu chuyện của khách tham quan triển lãm khiến tôi vô cùng xúc động và được truyền rất nhiều năng lượng.

Đó là một gia đình, ba thế hệ đi xem triển lãm, trong đó hai ông bà cũng đã ở độ tuổi khoảng 70, bố mẹ khoảng 40 tuổi và hai đứa con còn chưa đi học. Với một không gian còn khá khiêm tốn về mặt diện tích của Dị Diện, họ vẫn dành hơn một tiếng tham quan rất chăm chú và thảo luận với nhau rất kỹ. Hai ông bà có chia sẻ lại với mình rằng, họ không chắc hiểu được hết ý nghĩa của các tác phẩm. Nhưng họ hiểu rằng, lũ trẻ sẽ lớn lên với những thứ hiện diện như này và muốn kết nối với chúng thì họ cần hiểu những thứ thuộc về thế giới của những. Tôi thực sự rất cảm động với chia sẻ này và hiểu rằng đây cũng là một người ông rất là đau đáu với câu chuyện tạo ra kết nối trong gia đình. Và ít nhất là họ cởi mở trong việc tiếp nhận những cái có thể không thân thuộc với các thế hệ của ông bà.

Một khán giả khác khiến tôi ấn tượng là phản ứng của một em bé rất nhỏ khi đi xem tác phẩm soi chiếu. Em bé có nói với bố mẹ bên cạnh rằng đó là một cái bể cá. Trên thực tế, người lớn chúng ta khi nhìn các hình ảnh đó và đọc giới thiệu về tác phẩm sẽ không bao giờ tưởng tượng được ra hình ảnh như em bé tưởng tượng. Và tôi thấy rằng, trẻ con có sự sáng tạo và cái trí tưởng tượng phong phú vô cùng. Mặc dù bố mẹ em bé định giải thích lại, nhưng khi bố mẹ em đọc được tín hiệu của tôi là nên để em bé được tự do tưởng tượng thì mình nhận thấy rằng, đôi khi làm những chương trình cảm thụ với trẻ em, cái mà mình mong muốn mình làm thật ra đó là giữ cái năng lượng ngây thơ và sự sáng tạo đấy.

Khi làm việc với các nghệ sĩ trong triển lãm Dị Diện, tôi thấy rằng họ có một cái may mắn là họ luôn luôn được đào tạo hay được cổ vũ cho việc là làm thế nào để “bẻ lái”, để không đi vào trong một cái khuôn mẫu. Đó là cái bản chất của sáng tạo. Và ở tất cả các ngành nghề, tôi nghĩ rằng nuôi dưỡng năng lượng sáng tạo đó là vô cùng quan trọng.

Giám đốc nghệ thuật của The Outpost: “Dị Diện là cái cớ giúp tôi thoát khỏi vùng mờ về công nghệ”  - Ảnh 8

VnEconomy 07/06/2023 08:08