“Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đã ký các văn bản chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới. Đơn giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn carbon, tương đương 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).
Đây là lần đầu tiên Việt Nam bán được tín chỉ carbon từ rừng. Nguồn tiền này đã và đang chi trả cho các chủ rừng, Ủy ban Nhân dân cấp xã và tổ chức,... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên; chi cho các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Đã có ý kiến cho rằng mức giá bán 5 USD/tín chỉ carbon rừng là thấp khi đem so sánh với việc một số quốc gia châu Âu cũng bán tín chỉ carbon nhưng giá lên tới 70-100 USD/tín chỉ. Tôi khẳng định tại Việt Nam, vẫn còn một bộ phận hiểu chưa đúng về giá bán 5 USD/tín chỉ carbon.
5 USD/tín chỉ carbon từ rừng là giá bán theo hình thức tự nguyện, nên thấp hơn giá theo hình thức bắt buộc. Một số quốc gia trên thế giới đã bán tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện, mức trung bình khoảng 3,8 USD/tín chỉ. Một số nơi bán thấp hơn, khoảng 2,5 USD/tín chỉ, cũng có nơi bán với giá 7 USD/tín chỉ.
Mức giá 5 USD của Việt Nam được xây dựng từ những năm 2018, theo khảo sát tại thời điểm đó. Tuy nhiên, khi đem so sánh với giá thị trường hiện nay, con số ấy vẫn hoàn toàn chấp nhận được. Nếu muốn bán được tín chỉ carbon với giá cao hơn, thì cần phải nâng chất lượng tín chỉ carbon từ rừng. Không chỉ đơn thuần là làm tăng khả năng hấp thụ, mà còn cần cải thiện điều kiện làm việc của những người thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ; liên quan đến các tiêu chí về kinh tế - xã hội và môi trường bền vững.
Với diện tích rừng 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ ở mức hơn 42%, Việt Nam nằm trong số 60 quốc gia trên thế giới có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, giai đoạn 2021-2030, nước ta sở hữu khoảng 40-70 triệu tín chỉ carbon rừng mỗi năm, có thể bán cho thị trường tín chỉ carbon thế giới. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, nếu mỗi năm bán được 40 triệu tín chỉ carbon rừng, ngành lâm nghiệp có thể thu về 200 triệu USD/năm, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.
Nếu làm tốt, trong tương lai Việt Nam có thể thu về hàng chục nghìn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Quan trọng hơn, môi trường sinh thái của Việt Nam sẽ ngày càng tốt hơn nhờ vào việc giữ rừng, phát triển rừng, để Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.
Đến nay, nhiều tổ chức quốc tế, công ty nước ngoài đã tiếp cận, đề xuất với Việt Nam để đàm phán mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon từ rừng. Trong đó, Việt Nam dự kiến chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022-2026 với đơn giá là 10 USD/tấn CO2. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chuẩn bị các tài liệu, điều kiện để tiến hành đàm phán và đi đến ký kết thỏa thuận của chương trình này. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã chủ động xây dựng đề án, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng”.
“Quy trình để tạo ra tín chỉ carbon gồm có ba bước chính. Bước 1, đánh giá phát thải cơ sở ba năm trước khi thực hiện dự án. Bước 2, đánh giá giảm thải và ước tính tín chỉ từ năm thứ hai. Bước 3, đánh giá tính khả thi, hoàn thành đăng ký, đánh giá độc lập,... Trong đó, điểm khởi đầu bắt buộc là giá trị phát thải cơ sở ba năm trước khi thực hiện dự án.
Do đó, khi triển khai thực hiện lập dự án giảm phát thải, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tích lũy dữ liệu trong ba năm làm cơ sở tính toán khả năng giảm phát thải. Việc tính phát thải để làm cơ sở không nhất thiết phải tiến hành cho toàn bộ quy trình, mà có thể tính trên một công đoạn cụ thể. Ví dụ, công đoạn dán/ép gỗ hay công đoạn xử lý rác thải từ quá trình sản xuất, dù là thống kê công đoạn nào, nhất thiết có ba việc tuân theo: (i) quy trình ISO 14064-1:2018; (ii) phạm vi phát thải theo GHG protocol; (iii) chỉ số phát thải cơ bản theo IPCC.
Với vai trò đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành gỗ trong triển khai báo cáo phát thải, FPT IS cũng đang sở hữu tiềm lực về con người - công nghệ và sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp ngành gỗ trong mục tiêu báo cáo phát thải nói riêng, chuyển đổi xanh nói chung. Hiện tại, FPT IS có đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong chuyển đổi xanh, nắm rõ yêu cầu và tiêu chuẩn thực hành môi trường, xã hội và quản trị (ESG) quốc tế: ISO 14064-1:2018, GHG Protocol, IPCC.
FPT IS hiện đang tích cực đầu tư nghiên cứu và hợp tác cùng các chuyên gia, cố vấn đầu ngành về lộ trình và giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp toàn cầu. FPT IS đang tập trung triển khai hai giải pháp chiến lược, gồm: giải pháp kiểm kê khí nhà kính (VertZéro) và báo cáo ESG (môi trường - xã hội - quản trị). Trong đó, có giải pháp hướng tới số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, đảm bảo các quy chuẩn quốc tế như: ISO 14064-1:2018, GHG Protocol, IPCC. Đây cũng là giải pháp Kiểm kê khí nhà kính Made in Vietnam - Made by FPT đầu tiên”.
“Để tham gia vào thị trường carbon, trước hết doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính, đánh giá được các rủi ro từ khí nhà kính. Doanh nghiệp phải biết được mình có thuộc danh sách trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg có nghĩa vụ báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính hay không. Danh sách này sẽ được cập nhật hai năm một lần. Doanh nghiệp cần theo dõi để biết mình có phải là thành phần bắt buộc không, sau đó hoàn thành nghĩa vụ báo cáo.
Báo cáo kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính khác với báo cáo môi trường, bên cạnh dựa vào những thông số sẵn có, doanh nghiệp đồng thời phải xác định được kế hoạch, nguồn lực cho thực hiện giảm phát thải. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực Nhà nước bắt buộc phải giảm phát thải sẽ phải chịu hạn mức giảm phát thải, nếu doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu sẽ bị xử phạt.
Trong trường hợp doanh nghiệp không trực tiếp giảm được phát thải khí nhà kính thì có thể tham gia thị trường carbon để trao đổi hạn ngạch hoặc tín chỉ carbon nhằm đạt được yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ nhưng với chi phí thấp hơn là bị phạt.
Doanh nghiệp cần lưu ý, báo cáo cao hơn hay thấp hơn đều có những tác động tiêu cực đối với nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính về sau, vì vậy doanh nghiệp cố gắng báo cáo ở độ chính xác cao nhất.
Liên quan đến tín chỉ carbon, tôi muốn nhấn mạnh việc tạo ra tín chỉ carbon từ một dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi hoặc hấp thụ carbon là không dễ. Trước hết, dự án đó phải đáp ứng các tiêu chí hợp lệ rất khắt khe của các tiêu chuẩn carbon, một trong những tiêu chí đó là “tính bổ sung”. Một dự án được xem là “bổ sung” nghĩa là dự án đó sẽ không thể thực hiện được nếu không có nguồn thu bổ sung từ bán tín chỉ carbon.
Chỉ những tín chỉ được tạo ra từ các dự án nhất định và được đăng ký theo cơ chế do Chính phủ quy định mới được phép sử dụng để bù trừ. Như ở Việt Nam, Chính phủ cho phép bù trừ 10% hạn mức được giao của một doanh nghiệp bằng tín chỉ carbon, nghĩa là nếu quyền phát thải của doanh nghiệp là 100% thì doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ 90% bằng hạn ngạch, còn 10% doanh nghiệp được phép mua tín chỉ để bù trừ”.
“Vinasamex là mô hình kinh doanh theo chuỗi giá trị. Cách đây gần chục năm chúng tôi đã thay đổi triết lý kinh doanh và chuyển đổi mô hình của mình sang mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội, nhưng đến năm 2023, tôi mới hiểu về khái niệm ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Nhìn lại hành trình mô hình kinh doanh của mình tạo ra nhiều tác động xã hội nhưng chưa biết đo lường, chưa biết định lượng, chưa xác định được rõ ràng những gì mình đang làm. Khi tham gia chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam 2023” thuộc dự án USAID IPSC, doanh nghiệp đã nhìn rõ hơn mô hình hoạt động của mình.
Sau khi tham gia chương trình, bên cạnh việc thu mua vỏ cây quế, doanh nghiệp đã thu mua cả những lá quế và gỗ quế của bà con dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi với giá cao hơn từ 5-10% để chưng cất tinh dầu, chính điều này đã hỗ trợ sinh kế cho bà con nông dân.
Vinasamex cũng đã đo lường được những giá trị mang lại về môi trường- xã hội, như tạo ra những tác động tốt tới môi trường, tạo thu nhập cho bà con nông dân, thúc đẩy bình đẳng giới; đặc biệt, số lượng hộ nông dân trong chuỗi hàng năm tăng nhanh.
Trước đây, doanh nghiệp thường mải mê tập trung vào bán hàng mà quên đi câu chuyện tăng nội lực của doanh nghiệp, tức là vấn đề quản trị, nên khi tham gia dự án, doanh nghiệp đã hiểu được tầm quan trọng của quản trị. Từ đó, doanh nghiệp tập trung xây dựng hệ thống quản trị, áp dụng chuyển đổi số trong quản trị bằng việc xây dựng ERP (phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp).
Đặc biệt, khi thực hiện ESG, Vinasamex nhận được rất nhiều lợi ích. Bên cạnh việc có hệ thống quản trị chuyên nghiệp hơn, tạo ra nhiều giá trị xã hội thông qua mô hình kinh doanh, doanh nghiệp đã bước chân được vào những thị trường khó tính. Đến nay, Vinasamex chỉ bán ở những thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.
Lợi ích lớn nữa, ESG đã làm giá trị của Vinasamex tăng lên, điều này đã giúp doanh nghiệp tiếp cận được với các quỹ đầu tư, nguồn vốn xanh. Cũng từ đây, giá trị vô hình của doanh nghiệp đã được khẳng định, giá trị hữu hình có thể 500 tỷ đồng, nhưng giá trị vô hình của doanh nghiệp có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng”.
“Phát triển bền vững, đầu tư chuyển đổi xanh mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nhiều hơn thách thức. Nó mang lại hiệu quả trong một chu trình dài hạn, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo ra lợi nhuận tốt hơn, tạo tác động bền vững cho xã hội ở những thế hệ sau này. Song, theo đuổi kinh doanh bền vững không chỉ đến từ một phía mà cần có hệ sinh thái từ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính…
Tính riêng năm 2023, tổng số tiền các quỹ trên thế giới đang đầu tư vào tài chính khí hậu là 653 tỷ USD. Đây là lĩnh vực tăng gần như nhanh nhất trong tất cả các đơn vị quản lý tài sản trên toàn thế giới. Nguồn lực để chung tay hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững rất lớn. Việc cung cấp nguồn vốn này bằng nhiều cách, như trực tiếp hay gián tiếp thông qua các quỹ tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia tư vấn quốc tế để doanh nghiệp bước đi một cách bài bản ngay từ đầu.
Để được nhận hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, chúng tôi quan tâm tới việc tạo ra tác động khi đi đầu tư song hành với việc doanh nghiệp quản lý tốt rủi ro ESG (môi trường - xã hội - quản trị). Đây cũng là điểm nhấn đầu tiên và quan trọng nhất, vì theo quan điểm của các quỹ đầu tư, nếu các doanh nghiệp quản lý rủi ro ESG tốt thì mới chỉ là bước khởi đầu.
Khi việc hợp tác giữa quỹ đầu tư với doanh nghiệp diễn ra, điều mà các quỹ đầu tư nhìn thấy là tác động của việc hợp tác mang lại là gì? Chẳng hạn như hỗ trợ tài chính cho biến đổi khí hậu, cần nhìn thấy nguồn vốn được đầu tư một cách hiệu quả nhất.
Chuyện hợp tác giữa doanh nghiệp và quỹ sẽ là một chặng đường dài, chúng ta cần vượt qua rào cản ban đầu của quá trình thẩm định ESG. Song hành với quá trình hợp tác, quỹ sẽ có những hỗ trợ kỹ thuật để giúp doanh nghiệp tiến tới quản lý rủi ro ESG của mình theo tiêu chuẩn quốc tế và giúp doanh nghiệp sẵn sàng “bơi ra biển lớn”.
Các quỹ đầu tư muốn nhìn thấy sự cam kết nghiêm túc và tâm huyết của lãnh đạo doanh nghiệp, vì chuyển đổi xanh là một khoản đầu tư lớn, tốn kém. Lãnh đạo doanh nghiệp cần xem đây là khoản đầu tư dài hạn, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong cả chu trình nhiều năm, mang lại lợi nhuận lâu dài”.
“Gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam đã và đang được xuất khẩu đến 150 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, với xu thế tiêu dùng vừa đáp ứng nhu cầu dân sinh, vừa góp phần bảo vệ môi trường hiện nay, các sản phẩm gỗ đều phải đáp ứng tiêu chí an toàn cho môi trường và cuộc sống của con người.
Hiện nay, nhiều đối tác nhập khẩu lớn trên thế giới đều đã đưa ra các tiêu chuẩn xanh, nếu đáp ứng được họ mới ký kết hợp đồng giao thương, nhập khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam. Điển hình như tại Nhật Bản, yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức yêu cầu Việt Nam cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải,… Thời gian tới, các thị trường nhập khẩu khó tính (Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ dần có động thái kiểm soát, đánh giá hàm lượng carbon trong các sản phẩm gỗ nhập khẩu.
Như vậy, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ, thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe như: tuân thủ quy định của châu Âu về chống phá rừng, giải trình của ngành gỗ để thực hiện tốt hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nhằm tạo khung pháp lý cho mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu (VPA/FLEGT).
Về vấn đề giảm phát thải và thị trường tín chỉ carbon, riêng trong lĩnh vực chế biến gỗ, về cơ bản đây vẫn là ngành phát thải âm. Nếu doanh nghiệp xây dựng được hệ thống kiểm đếm phát thải khí nhà kính, giúp truy vết dấu chân carbon (carbon footprint), thì khả năng sẽ có thừa tín chỉ carbon để thương mại, có nguồn thu ngoài sản phẩm chính là đồ gỗ.
Hiện, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đã và đang lấy sản xuất xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp chưa nhận ra tầm quan trọng của các tiêu chí xanh trong chế biến, xuất khẩu gỗ nên chậm chuyển đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Việt Nam đã có Luật Lâm nghiệp, các quy định VNTLAS (Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp), các Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp,… Chính phủ cũng đang xây dựng các quy định để tạo hành lang pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon.
Gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định cụ thể lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Dự kiến, đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon,… từ năm 2028 sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức.
Khi có được sự hỗ trợ của thị trường carbon, Nhà nước, các định chế ngân hàng và bảo hiểm cần vào cuộc để tạo ra cơ chế thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, vừa tạo đầu ra có giá trị gia tăng cao, vừa thêm thu nhập từ tín chỉ carbon, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ cũng được hưởng lợi từ đó,
Để tạo thuận lợi cho ngành gỗ đón đầu xu hướng của thế giới, nhanh chóng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm ban hành hướng dẫn doanh nghiệp và sử dụng đa dạng hóa chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn đã được pháp luật công nhận, bao gồm chứng chỉ quốc tế và chứng chỉ của Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đề nghị các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam công nhận chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
Chúng tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất hoặc ban hành khung pháp lý quy định cụ thể về triển khai cam kết phát thải bằng 0; hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động sản xuất xanh trong nhà máy chế biến gỗ để giảm phát thải carbon”.
VnEconomy 10/04/2024 09:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2024 phát hành ngày 08/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam