Chị Lê Phương kể, con đường sưu tập áo dài và trang sức xưa của chị bắt nguồn từ chữ duyên của mấy chục năm về trước. Với bộ sưu tập đã lên tới gần trăm bộ trong đó có những phiên bản áo dài có giá trị từ thập niên 20 đến thập niên 90 của thế kỷ XX.
Chị Phương cũng được đánh giá là một người “có số má” trong làng sưu tầm áo dài và phục sức xưa. Những đồ được chị Phương sưu tầm khá độc đáo như một số phục sức, hiện vật xưa của triều Nguyễn và đặc biệt là hai cặp kiềng và xuyến long phụng xưa bằng vàng ròng được chạm lọng như một biểu trưng của trang sức dành cho nữ giới trong triều đình và giới quý tộc ở Việt Nam.
Áo dài cũng giống như bất kỳ một món đồ cổ nào khác đều là minh chứng cho cả một thời kỳ trầm luân của lịch sử dân tộc. Bắt nguồn từ thời triều đại Nguyễn, những dạng thức áo Nhật Bình, áo tấc và ngũ thân tay chẽn (tiền thân của áo dài hiện đại ngày nay) được quy định rất chặt chẽ và có hệ thống. Lối phục sức thời xưa cũng phản ánh sắc nét về sự khác biệt giữa vùng miền và giai cấp.
Lịch sử biến thiên, phong trào Âu hóa dần du nhập vào Việt Nam và trở thành một cuộc cách mạng về trang phục. Từ áo ngũ thân tay chẽn dần được biến đổi và cách tân thành áo dài hai tà và qua từng thập kỷ, sự thay đổi về kiểu dáng của áo dài cũng qua đó được cải cách. Nhưng điều đáng nói sau thập niên 50 là áo dài và những trang sức đi kèm đã có sự khác biệt rõ rệt giữa hai miền Nam - Bắc. Chỉ sau khi thống nhất đất nước, vóc dáng áo dài của ba miền Bắc- Trung- Nam mới được hòa nhập làm một và có kiểu dáng giống nhau.
“Con đường trở về của áo dài và phục sức xưa chưa bao giờ là dễ dàng”, chị Phương trở nên trầm ngâm khi tôi hỏi vì sao chị có thể mua được những món đồ xưa này. Bởi phần lớn áo dài và trang sức xưa đều được chị mua về từ nước ngoài. Một điều thú vị là tại sao phục sức và phục trang của thời phong kiến nhà Nguyễn và trước thập niên 50 đa phần được bán tại Pháp, trong khi đó áo dài kiểu dáng miền Nam từ thập niên 60 tới thập niên 80, hầu hết lại được bán tại Mỹ và Canada? Điều này được chị lý giải là trong giai đoạn thực dân Pháp đô hộ, người Pháp đã mang về mẫu quốc vô vàn cổ vật của Việt Nam. Hơn thế, sau khi Pháp thất bại tại cuộc chiến ở Việt Nam, một số người Việt khi lưu vong sang Pháp đã mang theo trang phục, trang sức quý giá của gia đình sang Pháp. Tương tự như vậy, số phận của những tà áo dài đặc trưng của thập niên 60 – 70 nơi Sài Gòn được coi là hòn ngọc Viễn Đông cũng theo dấu chân của nhiều Việt kiều sang đất Mỹ, Canada. “Đấy chính là cái hay trên con đường sưu tầm đồ xưa, cổ vật mà phải tìm hiểu rồi mới thấy được giá trị của mỗi một món đồ hay một tà áo đều gắn liền với sự thăng trầm của lịch sử”, chị Phương chia sẻ.
Phục sức, trang sức xưa của triều Nguyễn cũng có chung một số phận như vậy. Những chiếc Kim khánh (Hoàng đế ân thưởng cho quan lại Việt Nam và cả người nước Ngoài có công trạng đối với Hoàng triều), Kim bội (phần ân thưởng và trang sức cao quý của các bà hoàng, công chúa và các mệnh phụ phu nhân có công đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia) qua các thời kỳ đã phản ánh đúng tình trạng của triều đình Nguyễn lúc đó. Ở thời kỳ trị vì của Vua Minh Mạng, Vua Thiệu Trị, ngân sách quốc gia vẫn còn ổn định nên thời kỳ đó các phiên bản của Kim khánh, Kim bội, kiềng, xuyến, trâm cài đa phần đều được làm bằng vàng. Tuy nhiên, sau đó tới thời Vua Khải Định, Vua Bảo Đại, ngân khố quốc gia cạn kiệt, các phiên bản phần lớn được chuyển qua làm bằng bạc, chỉ một số ít mới được chế tác bằng vàng. Bởi vậy, nếu như không có sự am hiểu nhất định, nhiều nhà sưu tầm đồ cổ cũng mua nhầm phải hàng giả, hàng nhái cổ mà không biết.
Hành trình mua lại một chiếc Nhất hạng Kim khánh mà chị Phương sở hữu cũng có nhiều điểm rất thú vị. Chiếc Kim khánh của chị không biết bằng cách nào đã từ Việt Nam lưu lạc sang xứ người và lần đầu xuất hiện trở lại trên một trang đấu giá của Anh. Một người Trung Quốc đã mua được và nó lại tiếp tục hành trình lưu lạc sang Trung Quốc hơn chục năm để rồi chị Phương có duyên mua lại được tại Trung Quốc sau rất nhiều ngày thương lượng rồi đưa trở về Việt Nam. Cũng có những tấm áo dài xưa được chị mua lại từ một số trang điện tử bán đồ cũ từ nước ngoài với giá rất cao và cũng có những món đồ chị tình cờ mua được ngay trên đất Mỹ trong một cửa tiệm bán đồ cũ tầm thường. Đôi khi mua được một món đồ hay hiện vật xưa cũng giống như chơi sổ xố, đôi lúc có thể gặp may nhưng cũng có khi không.
Việc gặp được hiện vật cổ đã khó, việc hồi hương còn khó hơn. Đây chính là tâm sự chung của các nhà sưu tầm đồ cổ Việt Nam bởi vẫn còn rất nhiều rào cản trong thủ tục nhập khẩu và đánh thuế từ nước sở tại cũng như thuế nhập khẩu của Việt Nam.
Những chiếc áo dài xưa mà chị Phương mua ở nước ngoài về cũng có khi không thể thực hiện thủ tục nhập khẩu bởi theo Nghị định 187/ CP ngày 20/01/2013 của Chính phủ, mặt hàng quần áo cũ không được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Chính vì thế, khi mở thủ tục hải quan, hầu hết mọi người đều phải khai đây là trang phục “chưa qua sử dụng” nếu không muốn phải làm thêm các thủ tục về giám định đồ cổ. Mức thuế nhập khẩu đối với trang phục lên tới 20%, nếu kể các loại thuế nội địa từ nước sở tại và các loại phí vận chuyển thì mức giá để hồi hương một tấm áo dài của Việt Nam thường sẽ bị đội giá gấp đôi so với giá mua lúc ban đầu.
Trước đây cũng từng có vụ việc một nhà sưu tập đồ gốm kiện một đơn vị cơ quan nhà nước liên quan đến một cặp đôn gốm mua đấu giá từ Pháp về do có kết luận giám định về đồ cổ trái ngược nhau giữa vật phẩm văn hóa được phép lưu hành và hàng hóa đã qua sử dụng, cấm nhập khẩu.
Như vậy, rõ ràng đang có những khó khăn và cả kẽ hở trong việc hồi hương các cổ vật trở về Việt Nam. Hoặc là những cổ vật bị “hô biến” thành đồ mới, đồ lưu niệm… để được nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam hoặc đi đường xách tay, tiểu ngạch, do đó Nhà nước sẽ mất đi nhiều khoản thuế.
Việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được Chính phủ quy định rất rõ tại Luật Di sản Văn hóa. Thế nhưng, những hàng rào về thủ tục nhập cảnh và thuế quan thực tế vẫn còn tồn tại và gây khá nhiều khó khăn để đưa cổ vật hồi hương. Thiết nghĩ, việc Nhà nước ủng hộ và tạo điều kiện cải cách thủ tục thuế quan để cho tập thể hoặc cá nhân được tự do đưa cổ vật về nước là điều cần thiết và nên khuyến khích.
Khi có đam mê, bạn sẽ có cách. Câu này rất đúng đối với giới sưu tập, bởi chính vì đam mê họ sẽ luôn tìm cách đưa những món đồ cổ của Việt Nam trở về cố hương nơi mà những nghệ nhân của Việt Nam đã tâm huyết tạo nên những sản phẩm tinh xảo tiêu biểu cho nền văn hóa và thời đại của nước nhà. Chỉ có trân trọng quá khứ mới có thể hướng tới tương lai.
VnEconomy 28/01/2023 08:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam