Tốt nghiệp Đại học Osaka theo diện học bổng Chính phủ của Nhật Bản năm 2008, Vân Anh về Việt Nam làm việc trong môi trường sư phạm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Vân Anh đã thay đổi quan điểm: làm giáo dục không nhất thiết phải đứng trên bục giảng, mà quan trọng là quá trình lan tỏa kiến thức.
Nữ doanh nhân trẻ nhận ra bản thân mình có thể truyền tải tốt nhất những kiến thức cũng như kinh nghiệm cho các bạn trẻ để họ có đủ hành trang ra nước ngoài làm việc. “Mục tiêu cuối cùng của việc học hành và giáo dục, theo tôi, suy cho cùng vẫn là giúp tạo ra những con người có ích cho cộng đồng, giúp mỗi người thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời một cách tốt nhất”.
Năm 2015, trong bối cảnh ngành cung ứng nhân lực có nhiều cạnh tranh, số lượng công ty xuất khẩu lao động tăng cao, thì chị quyết định khởi nghiệp với Công ty HIHR. Đã có những khó khăn gì và chị tạo ra sự khác biệt như thế nào?
Trước tiên, chúng tôi xác định rõ ràng: khách hàng của chúng tôi là người lao động, còn các doanh nghiệp Nhật là đối tác. Chúng tôi luôn lấy giá trị cốt lõi là người lao động và mọi chiến lược, mọi hành động của công ty sẽ phải xoay quanh giá trị cốt lõi đó. Chúng tôi đã quyết định đi theo hướng “biến công ty thành mô hình đào tạo và giáo dục con người”, cung cấp những kiến thức, ngôn ngữ, tay nghề, văn hóa ứng xử… để mang đến một hành trang tốt nhất cho người lao động.
Không phải chỉ gửi người sang nước ngoài là hết nhiệm vụ, chúng tôi muốn họ có cuộc sống của một công dân thực sự trên đất nước bạn. Ngược lại, kết thúc khóa học hay làm việc tại Nhật thì làm sao để các kiến thức, kinh nghiệm mà các bạn có được khi ở Nhật Bản sẽ nhanh chóng được phát huy và áp dụng tại Việt Nam.
Thực tế là hơn là 40% trong số nhân sự của tôi chính là những bạn thực tập sinh về nước. Đó là minh chứng, là kết quả cho sự nỗ lực để làm tăng thêm giá trị nguồn nhân lực và biến họ trở thành những nhân tài đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp Việt nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.
Năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, chị và công ty của chị đã có một quãng thời gian như thế nào?
Hai năm Covid đã sắp qua và thực sự ảnh hưởng lớn đến thị trường cung ứng nguồn nhân lực nói riêng và các ngành nghề khác nói chung. Thị trường của chúng tôi đã đóng băng từ tháng 1/2021 cho đến nay, hiện số lượng lao động “tồn đọng” tại Việt Nam hiện lên đến hàng chục ngàn lao động. Vì thị trường đóng băng, chúng tôi đã phải cắt giảm 2/3 nhân sự chỉ để lại những nhân sự “khung” chủ chốt để duy trì hệ thống qua mùa Covid.
Tuy nhiên, với riêng tôi, đây cũng là quãng thời gian có nhiều trải nghiệm ý nghĩa nhất. Có thời gian dành cho các hoạt động xã hội nên tôi đã kết nối thành công với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Trường đại học Văn Lang để chung sức cho việc đưa 2.000 máy thở MV 20 của GS. Trần Ngọc Phúc về với người dân Việt Nam.
Dịch bệnh có thể khiến các công ty nhỏ, công ty khởi nghiệp lâm vào bế tắc. Kế hoạch của chị và cộng sự trong năm 2022 là gì để thích nghi với cuộc sống bình thường mới?
Sắp tới, chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng việc xúc tiến thương mại để hỗ trợ các đối tác Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, tâm huyết của tôi với sự nghiệp giáo dục có lẽ đã ngấm vào máu nên trong 2 đến 3 năm tới, mơ ước của tôi là thành lập một trường cao đẳng “thực chiến” – tức là tạo ra một môi trường dạy nghề sẽ định hướng cơ hội học tập và làm việc cho các bạn trẻ, trang bị không chỉ tay nghề mà cả những kiến thức xã hội thay đổi theo từng thời điểm để các bạn không bị lỗi thời, không bị chậm nhịp. Đặc biệt là đào tạo về văn hóa và tác phong làm việc cho người lao động để khi ra trường, dù làm việc trong nước hay ngoài nước, mỗi một lao động cũng trở thành tài sản quý giá của công ty – doanh nghiệp.
Trên trang mạng xã hội, tôi thấy chị hay nhắc đến câu “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, có vẻ như chị sẽ tiếp tục mở rộng các lĩnh vực kinh doanh của mình?
Tôi không nghĩ giữ tinh thần khởi nghiệp có nghĩa là lúc nào mình cũng phải làm một điều gì đó mới hay lấn sân sang các lĩnh vực mới. Mà giữ tinh thần khởi nghiệp chính là bản thân chúng ta luôn có hoài bão để vượt lên khó khăn, chấp nhận mạo hiểm dựa trên sự sáng tạo và đổi mới, để theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Chính vì thế, những dự án mới của chúng tôi trong hai năm vừa qua như hợp tác với Bệnh viện Đại học Y để vận hành phòng khám Hà Nội - Tokyo; hay xin viện trợ nước ngoài để xây dựng trường học phi lợi nhuận dành cho trẻ em tự kỷ; hay đưa vào vận hành khu Satoyama Village tại Lương Sơn (Hòa Bình)… thì đều xuất phát từ mong muốn được đóng góp sức mình vì cộng đồng và cũng là để cuộc sống của bản thân trở nên ý nghĩa hơn.
Nhưng tại sao chị lại chọn lúc này để bước chân vào lĩnh vực lưu trú nghỉ dưỡng, khi mà đại dịch đã khiến ngành du lịch “đóng băng” hai năm nay?
Khu làng Satoyama, với bản thân tôi, như là “mắt xích” cuối trong hệ sinh thái vì con người, vì mục tiêu lan tỏa kiến thức. Đây là một cơ sở lưu trú được xây dựng nên với mục đích tạo không gian giao lưu ấm cúng và có chiều sâu văn hóa cho các doanh nhân, doanh nghiệp. Ở đây, chúng tôi sẽ cung cấp những trải nghiệm văn hóa Việt – Nhật, những buổi chia sẻ kiến thức hay đào tạo miễn phí để từng nhóm nhỏ hay từng gia đình có thể giao lưu với nhau, tạo ra những mối quan hệ mới, ươm mầm nên những ý tưởng kinh doanh mới.
Tôi nghĩ chính trong dịch bệnh, xu hướng du lịch bền vững, du lịch gần gũi với thiên nhiên sẽ trở nên phổ biến. Vì thế đây cũng có thể là nơi kết nối con người với con người, nơi những người trẻ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, nơi trẻ con học hỏi được nhiều kỹ năng sống một cách tự nhiên… Đồng thời, tôi cũng tiến hành phân khu riêng biệt và đảm bảo các tiêu chuẩn để khi nhà nước cần, tôi sẽ biến nơi đây thành cơ sở thu dung F0 hay F1 để đồng hành cùng địa phương chống dịch.
Là một phụ nữ trẻ, là một người vợ, người mẹ mà lại liên tiếp khởi nghiệp ở những lĩnh vực kinh doanh khá “đau đầu”, từ đâu chị có được nguồn năng lượng dồi dào như vậy?
Cũng có nhiều người hỏi tôi câu hỏi này và tôi luôn trả lời: cuộc sống của tôi không màu hồng đâu mà cũng có khó khăn, thử thách và cả thất bại. Động lực của tôi chính là gia đình, là những người thân và cộng sự. Họ luôn ở bên tôi, động viên và đặt niềm tin tuyệt đối vào tôi, cả khi thuận lợi lẫn lúc khó khăn. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi phải cố gắng hơn nữa mỗi ngày.
Vậy với những người trẻ đang muốn bước chân vào con đường khởi nghiệp, chị sẽ chia sẻ gì với họ về quan điểm “dám dấn thân, dám thử nghiệm”?
Tôi đã từng khởi nghiệp, và tôi cũng đã từng mạnh dạn thành lập thêm các công ty trong lĩnh vực sở trường của mình cũng như thử bước chân vào các lĩnh vực mới. Với các kinh nghiệm đó, tôi chỉ muốn chia sẻ rằng: cho dù cả thế giới có hoài nghi về bạn thế nào đi nữa, thì bản thân bạn không được mất niềm tin vào chính mình.
Tôi tin rằng nếu chúng ta đi đến tận cùng của sự nỗ lực, quyết tâm với mục tiêu không từ bỏ, thì không có gì là không thể. Đi chậm cũng được, miễn là không dừng lại. Hãy dám để cho mình thất bại. Vì mỗi lần thất bại chúng ta sẽ học được rất nhiều, rất nhiều để tiến tới thành công. Chỉ có dấn thân chúng ta mới có thể làm được những điều ý nghĩa cho cuộc đời của mình.
VnEconomy 05/02/2022 08:00