) “Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - VnEconomy Emagazine
“Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - Ảnh 1
“Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - Ảnh 2

“Cách đây 4 năm, chúng tôi từng trăn trở với câu hỏi: mình có thể làm được những sản phẩm có hàng triệu user dùng, cả trăm nghìn doanh nghiệp sử dụng tốt, về công nghệ không hề thua kém gì hàng ngoại,  vậy tại sao MISA không đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài được?

Bởi vậy chúng tôi bắt đầu xây dựng bộ phận để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đơn giản chỉ cần đưa sản phẩm lên mạng, tìm cách marketing và bán. MISA cũng bán được cho khách hàng ở nhiều nước nhưng số lượng không đáng kể.

Muốn mang sản phẩm ra thế giới thì phải đi nhiều. Tôi cùng team của MISA đã tham dự nhiều hội thảo tại nhiều nước khác nhau. Khi bước chân vào thị trường các nước Âu, Mỹ, chúng tôi nhận thấy với các sản phẩm mang ra thế giới (như phần mềm CukCuk quản lý các nhà hàng chạy trên cloud của MISA) thì ở mỗi quốc gia lại có đơn vị phát triển và phân phối riêng. Đặc thù nhà hàng của họ là muốn hỗ trợ tại chỗ, vì vậy nếu chỉ đơn thuần ngồi ở Việt Nam và bán trên website thì rất khó triển khai được. Do vậy, chúng tôi tìm cách phát triển hệ thống các kênh phân phối. Hiện MISA đã có mặt tại 20 quốc gia và doanh số cũng bắt đầu đạt mức 1 triệu USD.

Rào cản lớn nhất khi đi ra nước ngoài, theo tôi, là làm thế nào tìm được đúng nhà phân phối. Chúng tôi phát hiện thị trường thanh toán qua máy POS cho các nhà hàng trên thế giới có quy mô cỡ hơn 10 tỷ USD và phần lớn các BigTech lại không tham gia vào thị trường này, bởi những đặc thù của nhà hàng là cần hỗ trợ dịch vụ tại chỗ và dịch vụ phải 24/24. Bởi vậy mỗi một vùng lại có một công ty nhỏ phân phối sản phẩm này.

Đặc biệt, ở châu Âu, do các công ty bên đó thiếu nguồn nhân lực, sản phẩm thì ít đổi mới sáng tạo, nên những sản phẩm của MISA sang đó, phải nói thật là vượt trội sản phẩm của địa phương. Chỉ có điều mình có thuyết phục được đối tác ngưng phát triển sản phẩm của họ để tập trung phân phối sản phẩm của mình hay không. MISA đã vào được Đức, và một số nước châu Âu cũng đã hợp tác để vào khu vực Đông Nam Á như thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Malaysia, và thậm chí bán cả sang Mỹ, Canada.

Năm nay MISA khởi động chương trình mới để nhắm tới thị trường Mỹ, vì đây là thị trường riêng thanh toán qua POS (tích hợp phần mềm quản lý bán hàng) cho nhà hàng đã đạt cỡ hơn 1 tỷ USD. Trong 5 năm tới dự đoán sẽ tăng lên khoảng 2,8 tỷ USD.

Thách thức của MISA là phải đối mặt với rất nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là với các startup những năm gần đây. Họ gây quỹ để phát triển thị trường này rất mạnh mẽ.

Tiếp theo là kinh nghiệm để tìm đến các đối tác của khu vực, vì mỗi thành phố, mỗi vùng họ có đối tác. Nếu mình không nhanh chóng kết nối được để phân phối sản phẩm thì sẽ khó có thể phát triển rộng được. Do vậy MISA kiến nghị với cơ quan quản lý là làm sao giúp MISA tìm được đến đúng các nhà phân phối các quốc gia, có được thông tin để làm việc nhanh nhất, đỡ phải mò mẫm trên Internet.

Chúng tôi đặt mục tiêu 3-5 năm nữa phấn đấu bán sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế với doanh số đạt 50 triệu USD. Hiện MISA cũng đang tập trung nhiều nhân lực để nghiên cứu và phát triển thêm nhiều sản phẩm khác để mang ra thị trường quốc tế”.

“Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - Ảnh 3

“Thực tế, thị trường trên thế giới đã hình thành nên các khu vực các nước giàu và tiệm cận giàu. Ví dụ như khu vực Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, với  tổng GDP gần 30 nghìn tỷ USD, hay nhóm nhỏ hơn gần với chúng ta là GBA gồm Hồng Kông, Ma Cao và 9 thành phố lớn của Trung Quốc, GDP cũng gần 2 nghìn tỷ USD. Hay khu vực châu Âu gần 20 nghìn tỷ USD; châu Mỹ gồm những nước chính như Mỹ, Canada, Brazil cũng tầm khoảng 30 nghìn tỷ USD;  khu vực Đông Nam Á cũng gần 4.000 tỷ USD…

Có thể thấy quy mô thị trường nước ngoài rất lớn. Theo số liệu của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thì thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin toàn thế giới hiện có quy mô hơn 1.800 tỷ USD, nhưng tôi nghĩ đến năm 2025-2030 con số này có thể gấp 3 lần.

Khi ra nước ngoài, chúng ta thường nhìn thấy nhiều khó khăn mà không thấy những điểm thuận lợi của Việt Nam, đó là từ năm 2000 đến nay viễn thông, công nghệ phần mềm hay ngành dịch vụ của Việt Nam phát triển rất mạnh, trong khi nhiều quốc gia khác không có nền tảng thuận lợi như vậy. Ví dụ như tại thị trường trong nước, chúng ta có độ phủ sóng về hạ tầng băng thông rộng di động rất cao (99,73%); có đội ngũ gần 1 triệu nhân sự ngành công nghệ thông tin; số lượng hùng hậu 500.000 lập trình viên/kỹ sư công nghệ thông tin ngành phần mềm; chi phí dịch vụ công nghệ thông tin chỉ bằng 1/3 - 1/4 so với các nước khác…

Tuy vậy, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam muốn thành công cũng cần phải có những chiến lược và tầm nhìn đúng đắn, như lựa chọn chiến lược đi ra nước ngoài, xác định nơi đầu tư, hợp tác phải có nhu cầu lớn về các sản phẩm số hoặc khan hiếm nguồn nhân lực công nghệ thông tin, việc lựa chọn đối tác kinh doanh - công nghệ - tư vấn - liên minh…

Chiến lược của NTQ khi ra thị trường nước ngoài dựa vào 2 trục chính trong chuỗi cung ứng dịch vụ, đó là trục dọc về dịch vụ (IT services) và trục về bán sản phẩm – những sản phẩm đã phát triển được ở thị trường Việt Nam.

Với mô hình này, nếu lựa chọn trục đầu tiên thì phải chọn những nơi có cầu lớn, nơi có nhiều nhà cung ứng (vendor) đang cung cấp dịch vụ, để bám vào đó và cố gắng giành một thị phần nào đó. Hoặc có thể lựa chọn những nơi khan hiếm nguồn lực, khan hiếm dịch vụ cung ứng để vào.  Đi theo hướng dịch vụ này thì nên lựa chọn những dịch vụ IT dễ triển khai, phù hợp với đặc tính của doanh nghiệp và người Việt Nam, tránh chọn những dịch vụ cồng kềnh, to, khó triển khai.

Còn nếu đi theo hướng sản phẩm – những sản phẩm đã thành công ở thị trường Việt – thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Bởi, thứ nhất là chuyên môn sâu, và thứ hai tính toàn cầu của sản phẩm với nước sở tại rất cao. NTQ đã từng thử nghiệm và thất bại nhiều lần khi bán sản phẩm của mình tại thị trường nước ngoài.

Do vậy, nếu không hình thành được các kênh bán hàng thì rất khó có thể bán được sản phẩm tại thị trường nước ngoài, nhất là niềm tin vào sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn thấp. Theo kinh nghiệm của NTQ, nếu lựa chọn hình thức bán sản phẩm tại thị trường nước ngoài thì nên đi từ những thứ dễ hơn như làm B2C (doanh nghiệp - người tiêu dùng), khi người dân thấy công nghệ phù hợp, giá cả phù hợp thì họ có thể “khớp lệnh” được. Còn lựa chọn B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp) thì đòi hỏi phải có quá trình đầu tư lâu dài”.

“Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - Ảnh 4

“Năm 2022, Hàn Quốc đã ban hành chiến lược số trong đó tập trung ưu tiên vào các công nghệ AI, dữ liệu, dịch vụ phần mềm, chất bán dẫn, máy tính lượng tử, chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử.

Tháng 12/2022, Hàn Quốc cũng công bố chiến lược tăng trưởng mới phiên bản 4.0, hướng mục tiêu thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trong tương lai dựa trên các công nghệ di động, lượng tử, y học, năng lượng, logistics, chất bán dẫn…

Cùng với các chiến lược này, Hàn Quốc đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như thuộc nhóm hàng đầu về nền tảng số hóa, nền tảng công nghệ, R&D, khoa học dữ liệu, phát triển công nghệ tương lai.

Dựa trên nhu cầu, quy mô thị trường và các chiến lược Hàn Quốc đã đặt ra, tôi cho rằng có nhiều tiềm năng cơ hội cho các doanh nghiệp số của Việt Nam. Đó là phát triển phần mềm, duy tu và vận hành các hệ thống công nghệ thông tin, thúc đẩy khởi nghiệp ICT, các dịch vụ công nghệ thông tin…

Việc hợp tác có thể thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp hoặc hợp tác kinh doanh với các đối tác tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực. Qua đó, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để tham gia vào các bước khác nhau trong chuỗi giá trị ICT của Hàn Quốc.

Cho dù các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch tham gia, thâm nhập vào Hàn Quốc hay bất kỳ thị trường nào cũng đều phải cân nhắc một hình thức phối hợp, xây dựng liên doanh hoặc liên minh. Thông qua các cơ chế hợp tác đó có thể giảm thiểu những rủi ro trong kinh doanh.

Hiện nay đang có hơn 100.000 doanh nghiệp ICT làm việc tại Hàn Quốc. Các doanh nghiệp số Việt Nam có thể dễ dàng tìm thấy một đối tác tiềm năng và phù hợp nhất trong các ngành nghề lĩnh vực khác nhau, từ AI đến dịch vụ phần mềm… Trung tâm KICC sẵn sàng kết nối các cơ hội hợp tác đó.

Hàn Quốc cũng có các khu công viên phần mềm, khu kinh tế tự do. Đây cũng là một tiềm năng mà các doanh nghiệp số Việt Nam có thể cân nhắc khi thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc”.

“Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - Ảnh 5

“Việt Nam hiện đang trở thành một trong những trung tâm công nghệ mới nổi của châu Á, với nhiều startup và doanh nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh mẽ.

Theo tôi, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang có nhiều cơ hội tiềm năng và lợi thế cạnh tranh khi đi ra thị trường thế giới.

Thứ nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia có chi phí lao động và sản xuất thấp trong khu vực. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá thành thấp hơn so với các đối thủ ở các thị trường phát triển.

Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng lao động trẻ, năng động, nhiều người có trình độ đào tạo cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh doanh và tiếp thị. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tài năng, trí tuệ của các nhân viên này để phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới.

Thứ ba, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để phát triển hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường.

Tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong “cuộc chiến” chuyển đổi số. Song, để tận dụng các lợi thế cạnh tranh này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt cần có chiến lược kinh doanh phù hợp, đồng thời phải chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường quốc tế.

Muốn thành công khi tiếp cận thị trường quốc tế, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cần hiểu rõ về thị trường và khách hàng mục tiêu. Các doanh nghiệp cũng có thể tìm đối tác tại các nước sở tại để đẩy nhanh quá trình thâm nhập thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần đáp ứng đầy đủ các quy định và yêu cầu pháp lý của các thị trường mà họ muốn tiếp cận. Đơn cử như để khai phá được thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường lớn và có nhiều tiềm năng phát triển các giải pháp chuyển đổi số, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số điểm quan trọng như văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, vấn đề pháp lý và quy định”.

“Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - Ảnh 6

“Công ty KardiaChain có điểm khác biệt là xuất phát từ nước ngoài, thành lập ở Singapore năm 2018. Trở về Việt Nam năm 2020 giữa đại dịch Covid-19, chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn của thị trường, công nghệ và lực lượng kỹ sư trong nước. Từ đó chúng tôi tìm thấy “điểm chạm”, đưa những công nghệ mới từ thung lũng Silicon và những kỹ sư người Việt làm việc ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, KardiaChain lập phòng Lab năm 2020 với đội ngũ kỹ sư người Việt nhằm nghiên cứu phát triển các công nghệ blockchain. Chúng tôi lựa chọn blockchain bởi đây là ngành rất mới với cả các quốc gia phát triển.  Chúng tôi mong muốn định hình hình sự phát triển của ngành công nghiệp blockchain tại Việt Nam bằng cách đổi mới liên tục để tiếp cận với các trào lưu công nghệ mới, hướng tới mục tiêu đưa ngành công nghệ số Việt Nam ra thế giới. Kardia Labs cùng đội ngũ kỹ sư công nghệ người Việt tin tưởng vào tiềm năng to lớn của blockchain trong tương lai. Trước đây, KardiaChain cho rằng yếu tố quan trọng nhất để một sản phẩm công nghệ có thể thành công là Global (mang tính toàn cầu), nhưng gần đây chúng tôi hướng thêm yếu tố Local (tính địa phương) đưa bản sắc Việt vào các sản phẩm. Tôi tin rằng khi các doanh nghiệp mang hồn Việt vào trong các sản phẩm của mình sẽ tạo ra “điểm chạm”.

Từ trải nghiệm của KardiaChain, theo tôi, chúng ta phải dựa vào những công nghệ mới. Việc chọn đúng công nghệ mới và tạo ra các sản phẩm/dịch vụ từ công nghệ mới tức là doanh nghiệp chọn vạch xuất phát ngang bằng với các công ty toàn cầu. Bản thân các khách hàng nước ngoài cũng cởi mở và cập nhật hơn đối với các công nghệ mới.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp số đưa sản phẩm Việt tiến ra thế giới. Tôi cho rằng đã rất gần ngày mà các doanh nghiệp công nghệ Việt có thể tự tin mang sản phẩm bản sắc Việt ra thị trường nước ngoài. Tôi cũng hy vọng ngày càng có thêm nhiều startup Việt Nam mang được tinh thần này cũng như nguồn nhân lực kỹ sư của Việt Nam đi xa hơn”.

“Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - Ảnh 7

VnEconomy 06/03/2023 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2023 phát hành ngày 06-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

“Góc tham chiếu”cho doanh nghiệp số Việt đi ra nước ngoài - Ảnh 8