Kết thúc năm 2021, Hải Dương là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng với tinh thần “vượt khó - tăng tốc”, Hải Dương vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu trong kế hoạch đề ra. Xin ông cho biết những thành quả về kinh tế, chuyển đổi số của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương năm qua?
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, 2021 là năm Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn thách thức do tác động của các đợt dịch Covid-19, đặc biệt đợt dịch thứ 3. Với tinh thần “vượt khó - tăng tốc”, Hải Dương đã đoàn kết, cố gắng vượt bậc để vượt qua khó khăn, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng ghi nhận.
Kết quả về kinh tế: Hải Dương đã đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu của năm 2021, trong đó, tổng giá trị sản phẩm ước đạt 8,6% cả năm; thu ngân sách ước đạt 19.290 tỷ đồng, tăng khoảng gần 50% so với kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ lập “Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Về chuyển đổi số của Hải Dương năm qua cũng rất ấn tượng, có thể nêu lên một vài ví dụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhờ chuyển đổi số mà vụ vải thiều năm qua đã được tiêu thụ nhanh gọn dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương vừa qua là một kỳ họp ứng dụng chuyển đổi số, không sử dụng giấy tờ và biểu quyết bấm nút điện tử; dành nhiều thời gian cho thảo luận tại các tổ; thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.
Vậy còn những mặt Hải Dương chưa làm được, điều này được đánh giá như thế nào, thưa ông?
Cũng còn nhiều vấn đề mà Hải Dương chưa làm được, làm chưa tốt trong năm qua. Đó là chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp mới chưa đạt yêu cầu. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất, phá sản còn nhiều. Giá trị xây dựng giảm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 giảm 3,3% so với năm 2020. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có chuyển biến nhưng chưa mạnh mẽ, vẫn còn một số điểm nghẽn. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án còn vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm, làm chậm tiến độ thực hiện đầu tư dự án. Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn chậm. Quá trình triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua còn bộc lộ nhiều điểm yếu, điểm hạn chế về cơ sở vật chất, năng lực của đội ngũ cán bộ y tế, y, bác sĩ, nhất là cơ sở… Đặc biệt, việc thu hút nguồn đầu tư FDI chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hải Dương.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của Hải Dương đã xác định, nguồn ngoại lực là quan trọng trong đó có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sắp tới Hải Dương sẽ phải làm gì để giải bài toán FDI tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh?
Tinh thần của Hải Dương là phát huy tối đa nội lực, ngoại lực là nguồn lực quan trọng. Ngoại lực góp phần khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, thu hút đầu tư FDI được coi là đòn bẩy để Hải Dương đạt được mục tiêu đề ra. Với tiềm năng sẵn có cùng chủ trương đúng đắn, sáng tạo, những năm gần đây, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện; nguồn vốn từ khu vực FDI vào tỉnh liên tục tăng. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 491 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn gần 9.000 triệu USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 7.000 triệu USD. Thu hút trên 200.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác. Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 33% đóng góp ngân sách nhà nước.
Với tiềm năng thế mạnh của mình, Hải Dương hiện còn nhiều dư địa về hạ tầng để sẵn sàng thu hút vốn FDI. Tính đến hết năm 2020, tỉnh Hải Dương có 10 khu công nghiệp, 40 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 82%. Trong năm 2021, Hải Dương hoàn thiện hạ tầng 6 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.176 ha, cùng với 2 cụm công nghiệp được thành lập; tổng diện tích đất công nghiệp của tỉnh hiện có và sẵn sàng thu hút đầu tư đạt trên 2.000 ha. Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đang phát triển tiếp 15 khu công nghiệp, 50 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 10.000 ha. Đặc biệt, tỉnh đang quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại vị trí chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với tổng diện tích 10.000 ha, trong đó có 5.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics…
Ngoài ra, Hải Dương cần phải xây dựng được một hệ sinh thái đồng bộ bao gồm các hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế, logistics để phục vụ cho quá trình đầu tư của các nhà đầu tư… Đó chính là những định hướng giải pháp rất cụ thể để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Hải Dương xác định cách tiếp cận mới trong thu hút FDI theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, yếu tố bảo vệ môi trường quan trọng. Chúng tôi cần tiếp nhận một cách có điều kiện, tiếp nhận với điều kiện hạ tầng tốt. Cần xây dựng hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tạo ra chuỗi giá trị để doanh nghiệp FDI tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn.
Bước vào năm 2022, Hải Dương sẽ đề ra mục tiêu phát triển như thế nào để tạo đà và bứt phá cho chặng đường tiếp theo?
Năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục có những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình phát triển và thực hiện nhiệm vụ. Việc xuất hiện biến chủng mới Omicron chính là lời cảnh báo trên toàn cầu trong phòng chống Covid - 19. Vì vậy, Hải Dương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để phấn đấu hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Với những kết quả đáng phấn khởi đã đạt được trong năm 2021, Hải Dương tự tin bước vào năm 2022 với chủ đề “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”; mở rộng xúc tiến đầu tư, tỉnh sẽ không chỉ tập trung thu hút FDI trong công nghiệp, nông nghiệp, mà mọi lĩnh vực đều được đẩy mạnh, từ y tế, giáo dục, đến thương mại, du lịch….
Với vị trí địa lý thuận lợi, Hải Dương có thế mạnh về hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng. Hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ cả ở đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt. Đây là nguồn nội lực quan trọng nhất, thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh còn có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, tập trung vào lúa chất lượng cao, rau màu, cây ăn quả đặc sản... hướng tới sản xuất hàng hóa phục vụ Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị trong vùng, đáp ứng một phần cho xuất khẩu.Với hệ thống di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật dày đặc và nhiều thắng cảnh riêng (khu Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu Ngũ Đài Sơn, Thanh Mai, rừng dẻ, rừng phong, bãi rễ, khu sông Hương...), tỉnh đang triển khai thực hiện đề án phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, văn hóa, thể thao.
Hải Dương cũng sẽ tập trung nội lực, giải quyết những vướng mắc chưa làm được, tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Trong đó, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số cho việc xúc tiến thương mại điện tử kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư FDI. Phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh tăng từ 10% trở lên.
VnEconomy 03/02/2022 08:00