) Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - VnEconomy Emagazine
Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - Ảnh 1
Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - Ảnh 2

Phi công Lê Hải (sau này được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) bức xúc gặp Trung đoàn phó Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy: “Thủ trưởng ơi, em hết cách rồi! Các bài anh dạy em dùng hết cả! Có khi đến lượt mình cũng “bị” với chúng nó nên em tính, đằng nào cũng hy sinh nên thà đeo bom đâm xuống tàu sân bay, mình chết  thì nó cũng chết, như phi công thần phong của Nhật hồi thế chiến II!”. Trung đoàn phó nhẹ nhàng: “Mày tính vậy không được, tao biết giờ khó hơn hồi năm 1966 tụi tao, nhưng phải tính khác. Cụ Hồ cấm tao bay rồi (*) nên không thể dẫn tụi bay đi không chiến được, chứ đánh vậy thì còn mấy thằng đánh dài lâu?”.

Lê Hải không chịu, anh nhớ tới hình ảnh mấy anh tự vệ Hà Nội năm 1946 cầm bom ba càng lao vào xe tăng Pháp. Máu anh như sôi lên: “Bom ba càng là của Nhật chế ra để chống lại thằng mạnh hơn, mình bây giờ ở  vào thế này thì cũng phải áp dụng cách đó để đâm vào tàu sân bay nó thôi!”.

Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - Ảnh 3

Lê Hải lên gặp Trung đoàn trưởng Trung tá Lê Oánh đề xuất ý tưởng này. Nghe xong, Trung đoàn trưởng chậm rãi: “Tôi khen ý tưởng này nhưng cậu phải nhớ mấy thằng lái máy bay ném bom IL-28 đã đề xuất mang bom ra biển ném như cậu nhưng Bộ không cho, phải tính cách khác. Mà tôi còn phải giữ cậu cho bố Lê Hồ chứ! Cậu cố hạ cho tôi cho đủ 5 chiếc đi, hôm nay mới có 3. Thế nhé, về đi!”. Phi công Lê Hải ấm ức ra về...

Tháng sau, Trung đoàn trưởng Lê Oánh quyết định thành lập Biên đội Cảm tử, huấn luyện cách đánh của Lê Hải cho biên đội  4 phi công gồm: Đại úy Phan Văn Na, Thượng úy Lưu Huy Chao, Thượng úy Lê Hải, Trung úy Nguyễn Đình Phúc. Trung đoàn phó Đào Công Xưởng phụ trách, bí mật huấn luyện theo chương trình riêng. Nhưng rồi tàu sân bay Mỹ không “lên cao”, luôn ngoài tầm với của Biên đội Cảm tử này, nên kế hoạch vẫn chưa thực hiện được.

Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - Ảnh 4

Năm 1968, Trung đoàn phó Nguyễn Văn Bảy được cử đi theo đoàn Quốc hội sang thăm Cuba. Chủ tịch Fidel Castro tiếp đoàn, mọi người đều cảm động không nói nên lời, anh Bảy đứng lên: “Thưa đồng chí Fidel, tôi là Thiếu tá Bảy”. Chưa kịp giới thiệu xong thì Chủ tịch đã ôm lấy anh: “Tôi chờ đồng chí sang đây​ từ lâu, thật vui khi được gặp. Đồng chí đã bắn được 7 máy bay Mỹ, thực phi thường, khó có ai sánh nổi! Đồng chí là “ace” của Việt Nam và cả của Cuba! Đồng chí có yêu cầu gì không?

“Anh Bảy nói luôn: “Thưa Chủ tịch Fidel, đơn vị MiG-17 của tôi bây giờ khó khăn nhiều vì máy bay của Hải quân Mỹ vừa cải tiến vừa được bổ sung kỹ thuật chống MiG. Chúng tôi đang muốn đánh tàu chiến Mỹ nhưng không bằng cách đâm vào như Samurai Nhật Bản. Tiêu diệt địch nhưng phi công phải sống vì đơn vị tôi còn ít người lắm. Tôi biết phi công Cuba có kỹ thuật ném bom “thia lia” ở tầm thấp, Chủ tịch có thể cử sang dạy chúng tôi không? Ông Fidel viết mấy dòng đưa cho thư ký ngồi sau. Đến cuối cuộc gặp, ông đến bên anh Bảy, ôm vai: “Năm tới, tôi sẽ cử người sang Việt Nam giúp Thiếu tá!”.

Năm 1969, lời nói của Fidel trở thành hiện thực. Đại úy phi công Ernesto đã tới Hà Nội làm nhiệm vụ huấn luyện cho phi công Việt Nam cách ném bom thia lia. Cách này rất khó: phải bay ở độ cao 50m, tốc độ 800km/h, chĩa bom đón đầu tàu chiến một khoảng cách 1/4 thân tàu, khi đến cự li thích hợp thì cắt bom, bom sẽ rẽ nước đâm vào thân tàu và nổ. Kỹ thuật này phải chọn phi công giỏi, dũng cảm. Một thời gian ngắn, đội ngũ phi công MiG đã thực hành tại đảo Hạ Mai, kết quả rất tốt.

Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - Ảnh 5

Sau đó, từ năm 1970, các phi công MiG của Trung đoàn 923 đã sẵn sàng chờ tàu Mỹ, nhưng phải đến năm 1972, khi Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, dưới sự chỉ huy của Thượng tá Trần Mạnh (một chỉ huy Không quân xuất sắc trực  tiếp đối đầu với 4 Tư lệnh Không quân Mỹ suốt từ 1965 đến 1973), ta đã bày binh bố trận cho MiG-17 đeo bom bí mật phục sẵn ở sân bay dã chiến Gát (Quảng Bình).

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, những chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng Hải quân Mỹ đã tấn công Hải Phòng, mở màn cho Chiến tranh phá hoại lần 2. Hải quân Mỹ vốn là lực lượng luôn đi đầu trong các cuộc xâm lược và chưa bao giờ bị ăn đòn. Đánh Hải Phòng xong, đoàn tàu chiến Mỹ rút vào Nam chi viện cho mặt trận Quảng Trị - Khe Sanh, dọc đường tiếp tục bắn phá bờ biển Nghệ An - Quảng Bình và đường 559.

Đến chiều ngày 19/4/1972, khi cả đoàn gồm 5 chiếc do soái hạm của Hạm đội 7 - tuần dương Oklahomacity dẫn đầu, nghênh ngang vừa đi vừa bắn phá bờ biển Quảng Bình thì bất ngờ bị 2 chiếc MiG-17 chui từ núi ra lao vào tấn công. Kết quả loại khỏi vòng chiến đấu tuần dương hạm Oklahomacity (CIG-5) và khu trục hộ tống USS Higbee (DD806). Lần đầu tiên, Hạm đội 7 lừng danh bị tấn công kể từ sau Thế chiến 2. Trận đánh vẻn vẹn có 17 phút, hai phi công Việt Nam là Lê Xuân Dỵ và Nguyễn Văn Bảy “B” đã trở về an toàn (sau này họ đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).

Về đến đơn vị, biên đội MiG-17 đến chào Trung đoàn phó Nguyễn Văn Bảy thì anh cười: “Phải cám ơn ông Fidel và thầy Ernesto (**), chớ khi được bầu vào Quốc hội là tao đâu có ngồi chơi, gặp Chủ tịch là báo cáo như một sĩ quan gặp “đồng cấp”, xin giúp đỡ liền!

Lúc đó, Chủ tịch Cuba cũng mang cấp “thiếu tá danh dự” và anh Bảy cũng mang hàm thiếu tá.

Cái tình đồng chí của hai thiếu tá thật thiêng liêng và ý nghĩa!

Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - Ảnh 6

(*)    Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (Bảy “A”) sau khi bắn hạ 7 máy bay Mỹ, lẽ ra anh đi đánh tiếp nhưng Bác Hồ lệnh điều về hậu cứ làm nhiệm vụ đào tạo huấn luyện phi công, vì sợ đánh tiếp anh sẽ hy sinh, Bác sẽ “có lỗi” với đồng bào miền Nam.

(**) Sau này, phi công Nguyễn Văn Bảy có gặp lại phi công Enesto tại Học viện Không quân Liên Xô mang tên Gagarin. Họ đã chào nhau chỉ bằng một từ duy nhất: “Viva!”

Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - Ảnh 7

VnEconomy 28/04/2025 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1374

Hai thiếu tá: Tình đồng chí thiêng liêng và ý nghĩa - Ảnh 8