Tại Hội nghị COP 26 về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là mục tiêu rất thách thức. Vậy theo ông, Việt Nam làm thế nào để có thể thực hiện mục tiêu này nhanh nhất?
Việt Nam có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh tự nhiên để “đi tắt đón đầu” và đạt được thành công trong một số nội dung chủ đạo nhằm giảm phát thải cũng như tạo ra lợi ích về mặt kinh tế và xã hội cho người dân.
Với tiềm năng khổng lồ về nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể khai thác lợi thế đó để phát triển ngành công nghiệp này. Việt Nam có hơn 1.000 GW tiềm năng điện gió và điện mặt trời trong khi nhu cầu hiện tại còn thấp hơn mức đó 15-20 lần; và sẽ tiến tới mức 40% tiềm năng vào năm 2050 (theo Quy hoạch điện 8). Hơn nữa, năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên rẻ hơn. Điện mặt trời, điện gió nội địa và điện gió ngoài khơi có thể cạnh tranh về giá với các nguồn nhiệt điện như khí và than.
Do vậy, để bảo đảm an ninh năng lượng cũng như cạnh tranh về giá, Việt Nam có thể chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp hỗ trợ phát triển, từng bước tránh sự phụ thuộc vào nhập khẩu than và khí đốt.
Ngoài ra, việc chuyển hướng sang các nguồn tái tạo còn giúp tạo ra các ngành công nghiệp trong nước có giá trị cao. Đó là ngành sản xuất tấm năng lượng mặt trời đang ngày càng phát triển mạnh tại Việt Nam, hay thiết lập và xây dựng chuỗi cung ứng tua bin gió. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo và tạo ra việc làm giá trị cao cho người dân Việt Nam.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên thế giới có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo cho cơ sở sản xuất của mình theo cam kết RE100 toàn cầu (Sáng kiến tập hợp các công ty trong danh sách Global Fortune 500 cùng thực hiện cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong khung thời gian ngắn nhất có thể). Trong đó, đã có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới tại Việt Nam thuộc các ngành như ô tô, hàng bán lẻ tiêu dùng và nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất. Do vậy, bằng việc cung cấp năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể thúc đẩy nhu cầu của các doanh nghiệp đã có nhà máy tại đây.
Hơn nữa, theo ước tính của McKinsey, đến năm 2030, rủi ro về thuế carbon của các ngành xuất khẩu tại Việt Nam có thể lên đến 10-30 tỷ USD, nên việc chuyển hướng sang sản xuất năng lượng xanh có thể giúp Việt Nam bảo đảm khả năng cạnh tranh cho hoạt động xuất khẩu của mình, đồng thời giảm phát thải sâu hơn nữa.
Về lâu dài, Việt Nam có thể tạo ra ngành năng lượng bền vững từ năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu phát thải từ nhiên liệu hóa thạch. Khi có dư thừa nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch và tăng cường hoạt động kinh tế bằng việc phát triển công nghiệp nhiên liệu xanh.
Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu hydro của các thị trường Đông Bắc Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc) dự kiến sẽ rất lớn. Nhờ lợi thế tự nhiên và lợi thế về năng lượng tái tạo của mình, Việt Nam có vị thế đặc biệt để có thể sản xuất hydro xanh lục với mức giá cạnh tranh hàng đầu thế giới. Công nghiệp hydro xanh lục này sẽ giúp Việt Nam tạo ra thêm lợi ích về mặt kinh tế, đồng thời giảm phát thải.
Để đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0, tất cả các quốc gia cần phải huy dộng nguồn vốn lớn và Việt Nam không nằm ngoài số đó. Ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng cho đầu tư xanh trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng?
Đầu tư xanh đã gia tăng trên toàn thế giới. Trong giai đoạn 2017-2021, việc phát hành các công cụ tài chính bền vững đã tăng trung bình trên 50% mỗi năm trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư cũng ngày càng chú trọng hơn vào các chỉ số đo lường ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) và tìm cách loại bỏ rủi ro vốn bằng cách giảm thiểu tài sản có carbon. Do đó, nguồn vốn đang dần được dịch chuyển sang đầu tư xanh.
Trong tiến trình này, Việt Nam có cơ hội đầu tư xanh cao nhưng triển khai vốn chậm hơn. Năm 2021, Việt Nam phát hành khoảng 200 triệu USD trái phiếu ESG; trong khi Thái Lan, Malaysia và Indonesia phát hành tổng cộng hơn 3 tỷ USD trái phiếu ESG.
Như ông vừa chia sẻ, tài chính xanh (tín dụng xanh, trái phiếu xanh...) được các nước sử dụng như một công cụ để thu hút vốn cho tăng trưởng xanh nhằm đưa mức phát thải ròng về 0. Xu thế này đang diễn ra như thế nào tại Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam, thưa ông?
Việt Nam đã đưa ra cam kết lớn về khí hậu, là cơ sở để thu hút vốn cho tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, quy định vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, khiến các dự án chưa khả thi về mặt kinh tế và nhà đầu tư vẫn còn ngần ngại triển khai vốn.
Việt Nam đã sẵn sàng thu hút lượng vốn lớn cho tăng trưởng xanh, nhưng cần có quy định rõ ràng hơn nữa nhằm loại bỏ rủi ro cho vốn đầu tư lớn. Lấy ví dụ của Indonesia, sau khi OJK (Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính của Indonesia) làm rõ cơ chế trái phiếu xanh vào năm 2018, các ngân hàng trong nước và quốc tế đã nhanh chóng có nhiều động thái cho đầu tư xanh.
McKinsey là một đơn vị có bề dày kinh nghiệm tư vấn cho nhiều quốc gia trong khu vực. Vậy theo ông, trong quá trình phát triển các công cụ tài chính xanh, Việt Nam có thể sẽ gặp những khó khăn gì và làm thế nào để vượt qua?
Theo tôi, Việt Nam có thể chứng minh tính khả thi của các lĩnh vực lớn có thể đầu tư, qua đó nhanh chóng thu hút thêm vốn.
Sau khi đã đưa ra quy định rõ ràng hơn và đầu tư thành công vào một, hai dự án năng lượng tái tạo trọng điểm (như trang trại điện gió ngoài khơi với mức vốn đầu tư cao) thì sẽ chứng minh được rằng các dự án năng lượng tái tạo có quy mô đầu tư trên 1 tỷ USD là hoàn toàn khả thi. Điều đó sẽ giúp giảm thiểu phần bù rủi ro (risk premium) của các dự án này, qua đó thu hút thêm lượng vốn đầu tư lớn.
Tương tự, nếu các doanh nghiệp mở cơ sở sản xuất tại Việt Nam thành công trong việc chuyển hướng sang sản xuất các lĩnh vực ít phát thải thuộc RE100 và chứng minh điều đó là khả thi về mặt kinh tế, thì chắc chắn sẽ có thể thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn nữa. Do đó, cần bảo đảm sự thành công cho các dự án trọng điểm ngay từ đầu để chứng minh được rằng các dự án xanh tại Việt Nam hoàn toàn khả thi và có thể đầu tư.
VnEconomy 20/05/2023 09:00