) Hoàng thành Thăng Long xưa: Nhận Diện điện Kính Thiên - VnEconomy Emagazine
Hoàng thành Thăng Long xưa: Nhận Diện điện Kính Thiên  - Ảnh 1
Hoàng thành Thăng Long xưa: Nhận Diện điện Kính Thiên  - Ảnh 2

Dự kiến thành phố Hà Nội sẽ chi 798 tỷ đồng thực hiện dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học số 18 phố Hoàng Diệu; 136 tỷ đồng thực hiện dự án nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long thuộc Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; 1.800 tỷ đồng để phục dựng Điện  Kính Thiên.

Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Đây là Hoàng cung của nhiều triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi đánh bại quân Minh và buộc chúng phải rút về nước vào năm 1427, đến ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, ban bố đại xá thiên hạ.

Ngày 15 tháng Tám năm Đinh Hợi, niên hiệu Quang Thuận thứ 8 (1467) vua Lê Thánh Tông cho dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên. PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhận định: “Điện Kính Thiên thời Lê là công trình quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long cả về quy hoạch kinh đô lẫn kiến trúc, nghệ thuật và  tâm linh”.

Năm 1816, trước tình hình điện Kính Thiên bị xuống cấp, vua Gia Long đã cho hạ giải tòa điện Kính Thiên xuống, sau đó cho dựng cung Long Thiên trên nền điện Kính Thiên do nhà Lê xây dựng trước đó. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. 

Hoàng thành Thăng Long xưa: Nhận Diện điện Kính Thiên  - Ảnh 3

Ngày nay, trong di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn còn bộ thành bậc điện Kính Thiên thời Lê Sơ với 4 con rồng bằng đá.Đây là di sản hiếm hoi  còn sót lại trong kiến trúc Hoàng thành. Bộ thành bậc Điện Kính Thiên với hình tượng rồng mang đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII-XVIII đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Cặp thành bậc có cấu trúc và hoa văn trang trí hoàn toàn giống nhau gồm tượng rồng ở phần trên và các họa tiết trang trí ở mặt ngoài của thành bậc. Rồng uốn 7 khúc, các khúc đuôi doãng hơn, đao lửa đã hình thành dạng đao mác gờ giữa nổi cao vát sang hai bên. Rồng được chạm trong tư thế bò từ trên xuống dưới theo chiều dọc của thành bậc, đầu rồng ngẩng cao, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn, miệng ngậm ngọc. Sừng dài có nhánh, bờm có 4 dải lượn hất ngược về phía sau, thân tròn mập có vảy, uốn bẩy khúc hình sin, bụng có vây. Mỗi con rồng đều có 4 chân to khỏe, năm ngón chân nhiều đốt, năm móng sắc nhọn. Chân trước của rồng vươn lên nắm râu, chân sau ở tư thế gấp khuỷu đạp mạnh kéo thân trườn về phía trước. Khuỷu chân rồng có lông hình đao lửa chạy dài về phía sau. Bám sát thân là các cụm mây kéo dài hình đao, các đao mây chạm nổi uốn khúc, giữa có sóng nổi, đầu ngọn lửa thuôn dài chuyển hóa thành hình đao mác.

“Thành bậc Điện Kính Thiên, thời Lê Trung Hưng là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích Điện Kính Thiên, di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”, PGS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam khẳng định.

Hoàng thành Thăng Long xưa: Nhận Diện điện Kính Thiên  - Ảnh 4

PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, cho biết cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long vào những năm 2002-2004 đã tìm thấy nhiều dấu tích nền móng của các công trình kiến trúc cung điện, lầu gác, minh chứng thuyết phục về sự tồn tại của Kinh đô thăng Long qua 13 thế kỷ (gồm cả thời kỳ thành Đại La từ thế kỷ VIII - X).

“Tuy nhiên, các công trình kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Thăng Long xưa đều không còn tồn tại trên mặt đất, tất cả chỉ còn là những vết tích và những mảnh vỡ bị chôn vùi dưới lòng đất. Lịch sử, diện mạo, quy mô, hình dáng kiến trúc cung điện trong Hoàng thành Thăng Long xưa vẫn là điều bí ẩn của lịch sử”, ông Trí chia sẻ.

Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra xung quanh Điện Kính Thiên, đã cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính Điện  Kính Thiên. Dựa trên các nguồn tư liệu tin cậy của khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã từng bước nghiên cứu giải mã hệ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, mặt bằng nền móng và đã phục dựng 3D hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long.

Trước đây, khi nghiên cứu về kiến trúc cổ ở miền Bắc nói  chung, kiến trúc cung đình Đại Việt nói riêng, nhiều nhà khoa học từng cho rằng kiến trúc trong Hoàng thành Thăng Long không có đấu củng. Đấu củng là một loại kết cấu đỡ mái xuất hiện rất phổ biến trong kiến trúc cổ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các đấu này, thường nằm ở vị trí dưới mái nhà, vừa có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, vừa tăng khả năng chịu lực, vừa đóng vai trò trang trí tạo vẻ đẹp cho công trình.

Tại Việt Nam, các kiến trúc cung điện từ Đinh – Lê – Lý – Trần – Lê (từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII) đều không còn tồn tại. Trong khi đó, các kiến trúc gỗ truyền thống ở miền Bắc nước ta hiện còn phổ biến là các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng (đền, đình, chùa) đều có kiến trúc kiểu kẻ chuyền, chồng rường hoặc chồng rường giá chiêng, rất hiếm gặp đấu củng.

Hoàng thành Thăng Long xưa: Nhận Diện điện Kính Thiên  - Ảnh 5

Các cuộc khai quật  xung quanh Điện Kính Thiên năm 2017-2018 đã tìm được 70 cấu kiện gỗ của kiến trúc, bao gồm cột, xà góc, rui hiên, ván sàn, rường nóc trên bộ vì… nằm dưới đáy của một dòng chảy thời Lê. Đặc biệt, trong số đó có nhiều loại “Bình áng” nằm trong kết cấu của “bộ đấu củng”. Đó là Bình áng đầu vân mây có 3 rãnh ngàm hoặc 5 rãnh ngàm; Bình áng đầu châu chấu có 3 rãnh ngàm và Bình áng đầu chim có một rãnh ngàm.

Tại hố đào phía Đông điện Kính Thiên năm 2017-2018, đã tìm thấy xà góc, rui hiên và thượng lương. Đây là những cấu kiện gỗ liên quan đến kết cấu bộ khung đỡ mái và hình thái bộ mái của công trình kiến trúc đấu củng. Phát hiện này gợi ý rằng, kiến trúc đấu củng thời Lê Sơ có thể có sự kết hợp khéo léo giữa các cụm đấu củng ở hàng hiên và hệ vì nóc kiểu “chồng rường” ở trên các bộ vì. Trên các cấu kiện gỗ đào được tại di tích đều còn lưu dấu vết sơn thếp màu đỏ và màu vàng tô trên các họa tiết hoa văn. 

Khai quật khảo cổ học tại phía Tây và phía Đông của Điện Kính Thiên, phát hiện nhiều loại ngói lưu ly (ngói men) màu vàng và xanh lục bên cạnh ngói đất nung (màu đỏ) mang phong cách đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với ngói thời Lý – Trần trước đó. Ngói thời Lê Sơ phổ biến là ngói ống và ngói cong, trong đó ngói diềm mái là ngói câu đầu và ngói trích thủy giống như loại ngói lợp trên mái hiên ở cung điện cổ của Trung Quốc.

Đặc biệt, cung điện thời Lê Sơ còn có một loại ngói rất đặc biệt, được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng: đầu, thân, đuôi (loại ngói này không xuất hiện trên kiến trúc cung đình cổ tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), đem lại một sắc thái riêng biệt, mang đầy tính sáng tạo của kiến trúc cung điện nước Việt  thời Lê Sơ.

Điện Kính Thiên được giải mã và phục dựng hình ảnh 3D bởi Viện Nghiên cứu Kinh thành là một tòa điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng gồm 11 bậc, phân làm ba lối đi, lối chính giữa dành cho nhà vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có các thềm bậc đơn bằng đá chạm rồng. Trên thềm điện có lan can bằng đá bao quanh kiến trúc gỗ.

Toàn bộ Điện Kính Thiên là kiến trúc gỗ được sơn son màu đỏ sặc sỡ, quy mô to lớn gồm 9 gian chiều dài (dài 44m); chiều sâu của lòng Điện có 6 gian (rộng 27 m). Tổng diện tích của Điện Kính Thiên 1.188 m2, chiều ngang có 10 hàng cột, chiều dọc 6 cột, như vậy tổng cộng công trình có 60 cột gỗ. Bộ khung mái thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bởi các tượng đầu rồng vươn cao lên trời, tạo nên vẻ đẹp cao sang và đầy quyền lực của vương triều.

Hoàng thành Thăng Long xưa: Nhận Diện điện Kính Thiên  - Ảnh 6

VnEconomy 10/02/2024 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hoàng thành Thăng Long xưa: Nhận Diện điện Kính Thiên  - Ảnh 7