Nhiều người cho rằng một trong những hình ảnh đặc trưng, độc đáo không thể không nhắc tới khi nói về Hà Nội là cầu Long Biên - cây cầu được ví như “tháp Eiffel nằm ngang” vắt qua dòng sông Hồng. Hiện nay, đây là chỗ check-in, dừng chân ngắm cảnh sông Hồng ưa thích của người dân Thủ đô và du khách khi đến với Hà Nội.
Được khởi công từ năm 1898 và đưa vào sử dụng năm 1902, cầu Long Biên có công nghệ xây dựng hiện đại nhất, là cây cầu dài thứ hai trên thế giới thời đó. Cầu Long Biên đã cùng dân tộc Việt Nam trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ với bao cột mốc hào hùng cùng những sự kiện đáng nhớ. Ngày 2/9/1945, cầu đã dẫn lối cho đồng bào đến Thủ đô chứng kiến thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.
Cầu Long Biên cũng đã chứng kiến hình ảnh những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội để bộ đội ta vào tiếp quản theo Hiệp định Genève vào tháng 10/1954. Đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cây cầu đóng vai trò quan trọng trên đường chi viện cho chiến trường miền Nam và đã hứng chịu nhiều lần ném bom của không quân Mỹ. Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, tử thủ để bảo vệ cầu. Hà Nội đã gian lao, vượt bao thử thách, ngày đêm tu sửa để cầu Long Biên vẫn hiên ngang dứng vững, đảm bảo giao thông. Chính vì vậy, cây cầu đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào và lòng quả cảm, là bảo tàng ký ức chiến tranh của người Hà Nội.
Đến thời bình, cầu Long Biên là tuyến giao thông quan trọng kết nối phố cổ và khu vực phát triển mới của Thủ đô, kết nối không gian giữa cổ cũ và hiện đại; đồng thời, là một trong ba tuyến đường sắt huyết mạch của miền Bắc (gồm tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai).
“Ngày nay, Hà Nội đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, nhưng duy nhất cầu Long Biên là cây cầu có tuyến đường sắt đi xuyên qua khu phố cổ, nằm ở gianh giới giữa trong và ngoài thành cổ, giữa trung tâm chính trị và kinh tế, giữa phần đô và phần thị. Đường sắt trên cầu Long Biên được hạ thấp độ cao để đi vào ga Hà Nội nhờ hệ thống cầu dẫn bằng đá dài 896m với 186 vòm cuốn trên thế giới cũng chỉ còn một số vòm còn tồn tại. Cầu Long Biên có cuộc đời gắn liền với đời sống không chỉ người Hà Nội mà còn có ý nghĩa với cả nước. Bởi vậy, cần nhìn nhận và đánh giá lại giá trị của cầu Long Biên trên cơ sở lý lịch đời sống của nó trong lịch sử và mối quan hệ mật thiết với cộng đồng không chỉ ở riêng Hà Nội”, GS. Nguyễn Minh Khôi, trường Đại học Xây dựng, nhận định.
Trên thực tế, cây cầu với hơn 120 năm tuổi này cũng đã trải qua ba lần cải tạo lớn và nhiều lần cải tạo trùng tu khác. Tuy nhiên, do tuổi thọ cao và bị chiến tranh tàn phá, nên cầu Long Biên không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông. Chiều cao tĩnh không của cầu đã trở nên lạc hậu, khó đáp ứng nhu cầu giao thông đường thủy. Khu vực cảnh quan hai bên bờ sông nơi có cầu bắc qua vẫn chưa được quy hoạch, hiện là vùng đất hoang chưa được tôn tạo cảnh quan để làm đẹp cho cửa ngõ vào phố cổ Hà Nội. Đặc biệt, khu vực bãi giữa sông Hồng đang là vùng canh tác nông nghiệp chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ người dân và khách du lịch.
“Thực trạng cây cầu hiện nay đang ở mức báo động nguy hiểm, trong khi những điều kiện để thực hiện dự án đang thực sự ở trong trạng thái “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cựu Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nhận định.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cũng đánh giá: “Cầu Long Biên không chỉ đơn giản nối liền hai bờ sông Hồng mà còn là cây cầu nối nước Pháp với Việt Nam, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Cây cầu là một chứng tích lịch sử qua bao thăng trầm trong hơn 120 năm nay. Hà Nội đã và sẽ có nhiều cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng nhưng không thể có một cây cầu nào thay thế được vai trò lịch sử của cầu Long Biên. Vì thế, nếu chậm khôi phục lại cầu Long Biên ngày nào là chúng ta đánh mất giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của cây cầu ngày đó. Trước tình hình như vậy, chúng ta cần phải có hành động càng sớm càng tốt để “cứu” cầu Long Biên”.
Đồng quan điểm, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng đã đến lúc cần có một phương án tổng thể về việc bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên trên cơ sở khoa học, chọn lọc những giá trị tiêu biểu trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn, phục dựng cầu cho hậu thế mai sau. Quá trình bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên phải đứng trên góc độ coi cầu Long Biên như một di sản đô thị của Hà Nội. Quá trình tôn tạo phải tuân thủ các tiêu chí về bảo tồn. Cần tính toán làm sao để có thể giảm bớt công năng giao thông, đồng thời, tăng dần công năng văn hóa của cây cầu để vừa bảo tồn, tôn tạo, vừa phát huy được giá trị lịch sử của cây cầu di sản này.
Đặc biệt, việc bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên cần khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng. Đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa du lịch, định hướng lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phân tích: với hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên là một phần ký ức không thể phai nhòa của Hà Nội. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên trong cấu trúc Thủ đô hôm nay không chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật. Điều quan trọng ở đây là hãy coi cầu Long Biên luôn có vị trí đặc biệt trong hệ thống cầu bắc qua sông Hồng (đoạn chảy qua thành phố Hà Nội) ví như nốt khóa Sol trong điệu Valse tuyệt mỹ trên dòng sông Cái, để kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, làm giàu thêm chất sử thi của Hà Nội ngàn năm văn hiến - văn minh - hiện đại…
Thời gian qua, đã có không ít dự án cải tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của cầu Long Biên, trong đó, được nhiều chuyên gia đánh giá cao là dự án bảo tồn, tôn tạo, phát triển cầu Long Biên và vùng phụ cận của KTS. Nguyễn Nga (Chủ tịch Công ty Cổ phần bảo tàng Cầu Long Biên). Bà là Việt kiều sống tại Paris (Pháp) đã 50 năm nhưng trái tim luôn đau đáu hướng về Hà Nội.
Từ năm 2007 đến nay, KTS. Nguyễn Nga đã có hơn 16 năm kiên trì với ý tưởng phát triển cầu Long Biên thành một hệ thống bảo tàng ký ức, bảo tàng nghệ thuật đương đại nằm trên dòng sông, có một không hai trên thế giới.
Theo dự án mà Công ty cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên đưa ra, dải cầu dẫn dài 816m với 131 nhịp vòm xuyên qua phố cổ và chợ Đồng Xuân khi được giải phóng khỏi chức năng giao thông đường sắt, sẽ thiết kế thành một công viên trên cao cho thành phố như kinh nghiệm của công trình Viaduc Des Arts ở Paris hay Công viên Hight Line ở New York; bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 310 ha đã được Chính phủ quyết định là khu sinh thái, lá phổi xanh của thành phố tương tự như công viên trung tâm Central Park ở New York, khi kết hợp với cầu Long Biên tạo thành một không gian mở đan xen với các không gian đô thị hiện hữu của phố cổ sẽ làm nên một cảnh quan tuyệt đẹp của Thủ đô.
Ngoài ra, dự án còn xây dựng tuyến xe điện bánh hơi với tiếng leng keng gợi nhớ hình ảnh các tuyến xe điện năm xưa, kết nối các tuyến du lịch phố cổ, hoàng thành Thăng Long, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyến ca nô du lịch trên sông Hồng sẽ khơi thông nhánh sông chết, cải tạo môi trường xanh, sạch, cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách bốn phương…
Nói về đề xuất trên, KTS. Nguyễn Nga bày tỏ: là Thủ đô của Việt Nam, Hà Nội mong muốn trở thành một thành phố tiên phong đi đầu cả nước, một Thủ đô có bề dày lịch sử và nghìn năm văn hiến, định hướng phát triển bền vững trong thiên niên kỷ mới.
Hà Nội cũng đã có kế hoạch tổng thể phát triển của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố của tương lai đã bắt đầu manh nha xuất hiện trong tâm trí mọi người; một thành phố xanh, phát triển bền vững, hành động vì bảo vệ môi trường; một thành phố mở cửa và hòa nhập với thế giới hiện đại, biểu trưng cho quan hệ hợp tác giữa châu Á và phương Tây; một thành phố văn hóa và nghệ thuật, tự hào về quá khứ lịch sử của mình và phát triển nhờ các công nghệ tiên tiến nhất với sự cân bằng hài hòa.
“Cầu Long Biên của Hà Nội, tháp Eiffel của Paris và tượng Nữ thần Tự do đều là tác phẩm của người Pháp những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong khi hai công trình tại Paris đang là những điểm nhấn nổi tiếng về du lịch văn hóa thì cầu Long Biên lại đang ngày một xuống cấp. Ngay khi cầu Long Biên tìm lại được ánh hào quang của nó, một đô thị Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại, sáng tạo sẽ “cất cánh” và khẳng định tầm quan trọng của mình đối với thế giới”, bà Nga liên tưởng.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận rằng việc chuyển đổi chức năng giao thông của cây cầu Long Biên sang chức năng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và du lịch chắc chắn sẽ mang lại những giá trị kinh tế - xã hội cao hơn trong quá trình phát triển Thủ đô.
“Biến cầu Long Biên thành cầu đi bộ, thành một trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp với khai thác bãi giữa sông Hồng, chắc chắn sẽ là điểm độc đáo của du lịch Hà Nội, Việt Nam và thế giới. Đây là một mỏ vàng của du lịch Hà Nội mà chúng ta chưa khai thác”, ông Nguyễn Dy Niên khẳng định.
VnEconomy 09/02/2024 08:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam