Ông nhận định thế nào về đầu tư Nhà nước cho nghiên cứu khoa học ngành nông nghiệp ở nước ta?
Đầu tư của Nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở nước ta còn thấp, chưa tới ngưỡng nên khó tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá. Theo đánh giá của Viện Chính sách lương thực thế giới (IFPRI), Việt Nam mới chỉ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp. Trong khi đó ở Brazil là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. Nếu đầu tư đúng mức thì Việt Nam cần đạt mức 0,86% của GDP nông nghiệp, tức là hơn 4 lần so với mức đầu tư hiện nay.
Mức đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu cơ bản thấp, nhưng lại dàn trải cho nhiều cơ quan và không có đầu tư kinh phí duy trì vận hành, vì vậy hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm còn lãng phí. Một số đơn vị đã có sáng kiến sử dụng chung các phòng thí nghiệm nhưng lại gặp phải rào cản về chi phí tài chính. Với mức đầu tư không tới tầm như vậy nên chất lượng của nhiều sản phẩm nghiên cứu của tiến bộ kỹ thuật chưa đạt yêu cầu của sản xuất, mức độ lan tỏa còn thấp. Hơn nữa yêu cầu của sản xuất ngày càng đa dạng về công nghệ và về phương thức quản trị mà năng lực của hệ thống nghiên cứu thiếu cơ chế để bắt kịp, do vậy còn khoảng trống khá lớn giữa nhu cầu và cung ứng khoa học ngành nông nghiệp.
Ông nghĩ sao về tình trạng nhiều cán bộ ở các viện nghiên cứu của ngành nông nghiệp đã bỏ “công chức nhà nước”, ra ngoài làm thuê cho các doanh nghiệp, nhất là làm thuê cho các công ty nước ngoài?
Vậy các viện nghiên cứu cần phải làm gì để có được nhiều đề tài đặt hàng để cho mọi cán bộ nghiên cứu khoa học đều có “việc” để làm, thưa ông?
Trong điều kiện đó một số đơn vị nghiên cứu, đơn cử như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã tiếp cận mở rộng (kinh tế, thị trường) và năng động trong việc tiếp cận nhu cầu của địa phương, các doanh nghiệp và hợp tác xã. Đơn vị xác định là để có nhiều đề tài có tính ứng dụng cao, tạo điều kiện tham gia nghiên cứu cho tất cả các cán bộ thì cần phải tìm hiểu, bám sát nhu cầu của sản xuất và thị trường, trên cơ sở đó đa dạng các nguồn kinh phí cho nghiên cứu phát triển bao gồm các đề tài ngân sách nhà nước cấp trung ương và đặc biệt là cấp địa phương (tỉnh, huyện), hợp tác quốc tế, dịch vụ chuyển giao khoa học cộng nghệ, tư vấn phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Hiện nay, vẫn có những viện nghiên cứu còn trông chờ đề tài được giao từ Nhà nước, từ Bộ giao xuống. Nếu chỉ trông chờ vào đề tài Nhà nước giao, dĩ nhiên sẽ không đủ đề tài cho mọi cán bộ thực hiện nghiên cứu. Cần phải thay đổi tư duy, nghiên cứu khoa học cần phải từ ba nguồn đề tài: đặt hàng từ Nhà nước, đặt hàng từ doanh nghiệp và đặt hàng từ các hợp tác xã, các tổ chức và nông dân.
Như vậy mới thể hiện được tư duy kinh tế nông nghiệp đối với cán bộ nghiên cứu là phải định hướng nghiên cứu theo yêu cầu của sản xuất, của thị trường thông qua đặt hàng của Nhà nước, của doanh nghiệp, hay của nông dân. Hơn nữa các vấn đề của sản xuất, của phát triển thường có yêu cầu liên ngành, vì vậy để tìm được giải pháp phù hợp thì cần thành lập các nhóm nghiên cứu liên ngành kết hợp khoa học và kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ đến sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Đơn vị có cơ chế “bảo hành” đối với các kết quả chuyển giao bằng cách duy trì hệ thống tư vấn từ xa với các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã nhận chuyển giao, coi họ như một đối tác phát triển nhờ vào các hệ thống mạng xã hội. Thông qua hệ thống này có thể đánh giá được tác động của công tác chuyển giao khoa học công nghệ cho sản xuất.
Không ít công trình sau khi báo cáo nghiên cứu thành công, bị đem “cất vào tủ” mà không đi vào sản xuất nông nghiệp. Theo ông, cần có giải pháp nào để những kết quả nghiên cứu khoa học nhanh chóng được chuyển giao vào sản xuất?
Để sản phẩm khoa học công nghệ tham gia được vào thị trường thì sản phẩm khoa học công nghệ đó cần đạt một số tiêu chí: Chất lượng và hàm lượng khoa học cao; Đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, có khả năng áp dụng vào sản xuất trên diện rộng; và mang lại lợi nhuận cho sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp thị trường khoa học công nghệ cần được hình thành với đầy đủ thể chế để vận hành đảm bảo công tác tự chủ. Trong 10 năm trở lại đây, mới có khoảng vài chục giống cây trồng mới do các viện, trường chọn tạo được chuyển giao cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung việc chuyển nhượng bản quyền công nghệ còn chậm phát triển, các lĩnh vực khác như quy trình công nghệ trong sản xuất, chế biến nông lâm sản và thủy sản, bản vẽ, thiết kế máy nông nghiệp… hầu như chưa được chuyển nhượng trên thị trường khoa học công nghệ.
Về chính sách vĩ mô thì Nghị định 60/2021 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đi vào thực hiện sẽ thúc đẩy các đơn vị nghiên cứu tự chủ hơn về tài chính theo hướng gần với doanh nghiệp khoa học công nghệ. Như vậy các đơn vị này sẽ có hai phần chính là thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu được nhà nước đặt hàng thông qua cơ chế giao nhiệm vụ và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu chuyển giao theo hợp đồng với địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tài trợ…
Để cải thiện hiệu quả và chất lượng chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp, các đơn vị nghiên cứu cần hình thành các bộ phận marketing về khoa học công nghệ, thực hiện trước hết là chức năng nắm bắt nhu cầu khoa học công nghệ của sản xuất và thị trường để định hướng nghiên cứu.
Các thủ tục của thị trường khoa học công nghệ cũng cần được cải cách, tạo điều kiện cho các bên tiếp cận thuận tiện, nhanh chóng. Một số vướng mắc hiện nay cần được tháo gỡ ngay, như các thủ tục đăng ký bản quyền được đơn giản hóa; có chính sách bảo vệ bản quyền đối với những sản phẩm khoa học công nghệ, các sáng chế, đảm bảo quyền lợi cho những nhà sáng chế, nghiên cứu. Luật Sở hữu trí tuệ cần được thực hiện nghiêm đối với các sản phẩm khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết để khuyến khích các nhà khoa học dựa trên cơ chế thị trường.
Cần thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành theo chuỗi giá trị để đáp ứng được sự mong đợi của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Các đề tài đặt hàng của Nhà nước cũng nên giao theo nhóm chuỗi giá trị. Đây chính là cơ sở để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh theo chuỗi, trong mỗi nhóm có các nhà khoa học đầu ngành hay các nhà khoa học trẻ có năng lực chủ trì; là cách để đào tạo được các nhà khoa học có trình độ cao.