) Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - VnEconomy Emagazine
Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 1

"Trong quá trình khiển khai gói hỗ trợ tài chính 12 tỷ USD mà HSBC đã cam kết đối với thị trường Việt Nam đến năm 2030 để hỗ trợ, tài trợ cho các doanh nghiệp có chiến lược và kế hoạch kinh doanh phát triển bền vững, đến nay sau hơn 1 năm chúng tôi đã giải ngân được 14% số tiền cam kết.

Trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu xếp vốn, từ phía nhà đầu tư hay giải ngân khoản vay, chúng tôi nhận thấy đối với rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã có những nhận thức rất rõ ràng về việc vì sao phải chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát triển bền vững, kinh tế xanh.

Quá trình ngân hàng làm việc với các đối tác lớn có nhiều lợi thế, ví dụ với tập đoàn Vingroup, ngay cả trước khi Thủ tướng Chính phủ có cam kết tại COP26 về việc Việt Nam sẽ chuyển sang phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, HSBC đã cùng với tập đoàn làm việc để đưa ra khung tín dụng xanh, tín dụng phát triển bền vững, từ đó đã thu xếp các khoản vay để tài trợ cho nhà máy Vinfast, các khoản trái phiếu phát triển bền vững cho Vinpearl của Vingroup.

Với các đơn vị khác, hiện chúng tôi cũng đã cùng với các bên tư vấn để có những lộ trình, xây dựng các chỉ số cho bản thân doanh nghiêp, việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn trên thị trường quốc tế dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp nhỏ hơn, khi HSBC làm việc cũng nhận thấy nhiều chủ doanh nghiệp chưa đặt ưu tiên cho phát triển bền vững, phát triển xanh. Có nhiều lý do, đơn cử như với các doanh nghiệp năng lượng thì để đầu tư những công nghệ phát triển năng lượng sạch sẽ cần vốn rất lớn so với một mô hình thông thường.

Với mục tiêu hỗ trợ khách hàng trong việc phát triển bền vững nên HSBC luôn tiên phong trong kết nối, hỗ trợ, cung cấp tài liệu, thậm chí mời các chuyên gia quốc tế về để hỗ trợ khách hàng Việt Nam. Ngoài khách hàng, HSBC cũng rất mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam. Hiện chúng tôi đã ký biên bản hợp tác chiến lược với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước đó, trong chuyến thăm của Chủ tịch tập đoàn hồi tháng 4 đến Việt Nam và gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ, HSBC cũng đưa ra cam kết hỗ trợ, sát cánh cùng Chính phủ trong những công việc mà Chính phủ cần ngân hàng.

Bên cạnh đó, với thị trường tài chính trong nước, HSBC cũng làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng quốc doanh lớn để làm sao đưa chuẩn mực tín dụng xanh, tín dụng phát triển bền vững của thị trường Việt Nam tiệm cận với thị trường thế giới.

Về kiến nghị, được biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra rất nhiều sáng kiến cho Chính phủ nhưng chúng tôi cho rằng, lộ trình triển khai cần ưu tiên từng yếu tố một, như tín chỉ carbon, hay tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp cảm thấy rõ ràng hơn trong việc làm thế nào để tiệm cận, vươn tới các chuẩn mực quốc tế, cũng như tiếp cận được nguồn vốn xanh, vốn phát triển bền vững".

Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 2

"Qua gần 9 năm hoạt động tại Việt Nam, xuất phát từ ứng dụng gọi xe cơ bản, hiện Grab đã phát triển trở thành một trong những siêu ứng dụng cung cấp đầy đủ các dịch vụ tại Việt Nam.

Thứ nhất đóng góp quan trọng của Grab đối với kinh tế chia sẻ Việt Nam là đã góp thêm động lực khiến cho các thành phần trong xã hội (người dùng ứng dụng, các đối tác tài xế, các đối tác thương nhân, các cơ quan quản lý) tăng tốc trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động hàng ngày.

Hiện nay có hơn 76% người dùng Việt Nam đang sử dụng smartphone và tỷ lệ hòa mạng internet của nước ta đang ở mức tăng trưởng cao. Đây là một trong những kết quả tất yếu của việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, ứng dụng kinh tế chia sẻ trong thời gian vừa qua.

Đóng góp thứ hai mà Grab mang lại đó việc góp phần tối ưu hóa với các nguồn lực xã hội, qua đó, thúc đẩy và nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm tài nguyên. Đơn cử như việc thay vì mỗi nhà sở hữu nhiều phương tiện để thuận lợi cho di chuyển thì hiện nay việc kết nối với các nền tảng xe công nghệ như Grab, Be hay Gojek đã tiếp kiệm được một phần chi phí cho phương tiện đi lại, giảm phát thải ra môi trường và đóng góp gián tiếp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Đóng góp thứ ba là việc tạo ra được tính minh bạch và rõ ràng hơn trong các sản phẩm và dịch vụ hiện nay.

Theo Grab, một trong những điều cơ bản nhất mà Việt Nam cần được hỗ trợ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kinh tế chia sẻ trong tương lai đó là việc tạo điều kiện tối đa cho đổi mới sáng tạo, để những mô hình mới nhanh chóng được triển khai.

Trong giai đoạn đầu khi Grab mới triển khai thí điểm tại Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có những cân nhắc về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cũng như những điều kiện kinh doanh của ngành giao thông cho phù hợp với các mô hình mới.

Tuy nhiên, quá trình trao đổi để định hình được mô hình này hoạt động ra sao và những tác động tích cực cũng như tiêu cực của mô hình này đối với xã hội mất khá nhiều thời gian. Gần đây nhất, những trao đổi vẫn chưa dừng lại cũng đã gián tiếp làm hạn chế mức độ phát triển nhanh và bứt phá của các mô hình mới.

Một số quy định hiện nay vẫn chưa được cởi mở để cho phép các mô hình triển khai thí điểm. Do đó, những mô hình kinh doanh mới với những ý tưởng đột phá đôi lúc sẽ không thể trùng khớp với các quy định hiện hành".

Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 3

"Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực tốt để phát triển kinh tế, nếu chúng ta không làm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì mất đi rất nhiều tiền. Ước tính đến năm 2070 nếu không làm được thì sẽ mất đi 96.000 tỷ USD, nếu làm thì thu lại được 45.000 tỷ USD, đó là cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với Đông Nam Á, nếu không làm gì cả thì sẽ mất khoảng 28.000 tỷ USD và nếu làm được thì tạo ra nền kinh tế mới, thu lợi khoảng 12.500 tỷ USD.

Ở những nước phát triển, câu chuyện về xe chung đã được đưa ra cách đây 30 năm, khái niệm về kinh tế số cũng được đưa ra từ lâu. Kinh tế chia sẻ này làm gia tăng lợi ích cho chính người tham gia và giảm lượng phát thải ra môi trường.

Thống kê của chúng tôi trong một vài năm gần đây cho thấy khoản đầu tư của các nhà đầu tư hướng tới người tiêu dùng và người tiêu dùng muốn xanh, sạch, tốt cho sức khỏe. Đầu tư nhiều nhất trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn chính là khu vực tài chính, đây là khu vực dễ thực hiện được; sau đó là E-commerce; tiếp theo là ngành liên quan tới công nghệ. Nghiên cứu của chúng tôi tới năm 2025, xu thế tăng trưởng kinh tế thì vận tải chiếm cao nhất 40%; thứ hai là du lịch 37% và tài chính giảm thấp xuống nhưng có dư địa lớn cho đơn vị chưa thực hiện được 13-34%; E-commerce trong 1-2 năm gần đây tăng trưởng mạnh, đi đầu trong khu vực này là Ấn Độ: media 15%; thực phẩm đồ ăn nhanh 13%.

Với con số tăng trưởng như vậy, 2 năm tới nếu chúng ta không tham gia vào kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh thì sẽ mất rất nhiều tiền, vì các nước xung quanh đã làm và họ sẽ chiếm lĩnh luôn, chúng ta sẽ không giữ được thị trường".

Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 4

"Đối với Momo, chúng tôi có quan điểm giống như những kỹ sư, “cái gì giảm được ma sát, giảm được tiêu hao năng lượng thì nó sẽ xanh hơn và câu trả lời đó chính là kinh tế số”. Hiện nay Momo không chỉ là ứng dụng thanh toán mà đã trở thành một siêu ứng dụng. Momo cho phép các doanh nghiệp lớn nhúng thẳng ứng dụng, app của họ lên trên Momo để khách hàng có thể dễ dàng mua bán tại đây.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi cung cấp giải pháp đó là thanh toán qua QR code và các giải pháp trên ứng dụng để họ có thể quản lý dòng tiền mua bán tất cả mọi thứ trên ứng dụng Momo. Bên cạnh đó, để việc mua bán hiệu quả hơn, các doanh nghiệp muốn tìm tới khách hàng không còn cần phải in ra các voucher, đi dán quảng cáo. Momo đã cung cấp đầy đủ tất cả các giải pháp điện tử cho việc đó.

Đối với dịch vụ công, Momo cũng đã đẩy mạnh phát triển thanh toán trực tuyến, thậm chí người dùng có thể nộp thuế, nộp phạt giao thông,…ngay trên ứng dụng, điều này đã giúp rút gọn thời gian, tạo sự đơn giản cho khách hàng.

Thống kê Momo cho thấy, Việt Nam có khoảng 5 triệu cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh mua bán, ăn uống, nhóm này chiếm đến khoảng 50% GDP của Việt Nam. Trước đây việc thuyết phục số hóa đối với nhóm này rất khó khăn, tuy nhiên sau khi trải qua Covid - 19, họ nhìn thấy được vấn đề cần thay đổi và lập tức chấp nhận và chuyển đổi theo hướng số hóa. Momo đã phối hợp với các đối tác là ngân hàng, các tổ chức tài chính để các doanh nghiệp này có thể thực hiện vay tiền tại Momo.

Về định hướng, Momo vẫn sẽ chọn thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm. Theo thống kê chỉ khoảng 40% người Việt có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thống vẫn còn thấp. Mục tiêu của Momo là có thể ứng dụng công nghệ để giúp người dân tiếp cận dịch vụ tài chính lớn hơn trong tương lai. Đồng thời, Momo mong muốn sẽ tiếp cận và giúp cho tất cả mọi người tại Việt Nam có thể tiếp cận một cách bình đẳng các dịch vụ tài chính".

Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 5

"FPT nghĩ rằng chuyển đổi số sẽ là bước đi vô cùng quan trọng đối với tập đoàn. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng một phương pháp luận về chuyển đổi số, trong đó tập trung vào 3 điểm chính là chuyển đổi số về kinh doanh, hạ tầng công nghệ thông tin và yếu tố cốt lõi nhất là chuyển đổi số về con người. Với phương pháp này, trước hết trong nội bộ chúng tôi đã đào tạo lãnh đạo, nhân viên trong cả quá trình hoạt động của FTP, hiện nhân viên của tập đoàn đều được sử dụng phần mềm để làm đa phần các nhiệm vụ, còn các lãnh đạo cũng phê duyệt, khen thưởng trên các ứng dụng này.

Về kinh doanh, chúng tôi luôn tin tưởng kinh tế số sẽ là tương lai, do đó bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của FPT đều nghĩ kinh doanh trên nền tảng số đầu tiên. Ví dụ, gần đây, chúng tôi có thực hiện mô hình kinh doanh mới, đó là chuỗi nhà thuốc về công nghệ, tức là đưa mọi hoạt động trên nền tảng số. Vừa qua, đã có hơn 80% đơn hàng được giao đến bệnh nhân trong vòng 1 giờ đồng hồ, nhưng chúng tôi vẫn đặt mục tiêu giảm thời gian xuống hơn nữa.

Bên cạnh đó, hiện chúng tôi cũng cùng với các khách hàng của mình như Momo, Vinfast… hợp tác để cùng chuyển đổi số. Chúng tôi nghĩ rằng những việc mà FPT xây dựng cho mình cũng như khách hàng đang góp phần trong việc xây dựng nền kinh tế số mới tương đối hiệu quả.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nói chung và FPT nói riêng thì luôn có sức ép về tăng trưởng vô cùng lớn, vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn các chính sách cần được thực hiện nhanh hơn. Thực tế chúng ta đang có những bước đột phá quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia, một ví dụ tôi thấy có đóng góp đáng kể là Đề án 06 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu dân cư, quốc gia đang đem lại kết quả vô cùng ấn tượng, giúp người dân sử dụng dịch vụ công thuận tiện, dễ dàng hơn. Như vậy, chúng ta đang có những bước đi vững chắc, đột phá, tất nhiên với góc độ của FPT chúng tôi luôn mong muốn nhiều hơn nữa, để làm sao thực hiện quá trình phát triển kinh tế số nhanh hơn".

Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 6

"Phát triển giao thông xanh chính là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu bởi giao thông là tác nhân chính gây nên 33% các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, Vinfast trở thành nhà sản xuất xe điện tiên phong không chỉ của Việt Nam mà còn là một OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) đi tiên phong trong khu vực Đông Nam Á, để góp phần thực hiện mục tiêu trên. Chúng tôi rất hạnh phúc khi nhiều đối tác quốc tế và Đại sứ các nước ASEAN đều đánh giá sản phẩm của VinFast là niềm tự hào của Đông Nam Á, bởi trong khu vực hiện chưa có thương hiệu riêng về xe điện.

Cùng với đó, Vinfast cũng là nhà sản xuất ô tô đầu tiên trên thế giới tuyên bố dừng hoàn toàn sản xuất xe xăng để chuyển sang một công ty thuần điện, chúng tôi không để “tay trái” vẫn bán sản phẩm xe xăng mà “tay phải” lại luôn nói về sự cam kết, đồng hành cùng mọi người, cùng Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo toàn cầu tại Hội nghị COP26 trong tiến trình giảm phát thải ròng về không đến năm 2050. Quyết định này được cộng đồng kinh doanh toàn cầu đánh giá rất dũng cảm.

Vinfast cũng là nhà sản xuất OEM duy nhất hiện nay trên toàn cầu có khả năng cung cấp ra thị trường một dải sản phẩm ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện hiện nhận được nhiều sự yêu mến của khách hàng Việt Nam. VinFast cũng thành lập Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi VinFast. Thực sự, trên toàn cầu rất khó có một công ty nào nỗ lực đưa ra thị trường cùng lúc nhiều sản phẩm, dịch vụ để ủng hộ cam kết đầy tham vọng này.

Bên cạnh đó, với mục tiêu chuyển đổi nhanh nhất từ xe máy xăng sang xe máy điện, VinFast hợp tác với Be Group và Cake by VPBank. Tính từ đầu năm đến nay, Vinfast và Công ty GSM hợp tác với hơn 20 đối tác toàn Việt Nam để chuyển đổi sang các sản phẩm xe thuần điện, góp phần vào giao thông xanh. Gần đây nhất, đầu tháng 9, trong dịp khai giảng năm học mới, VinFast đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Chương trình “Tự hào cùng bạn kiến tạo thế hệ xanh”. Trước đây, nhiều chương trình giáo dục ý nghĩa về an toàn giao thông cho thế hệ trẻ được đưa vào trường học của Việt Nam, nhưng điều khác biệt mà Vinfast hướng đến không chỉ là an toàn giao thông mà còn phải giao thông xanh, sạch và an toàn để thế hệ trẻ chuyển đổi lối sống cũng như hành vi".

Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 7

"Với Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, khi có Nghị định 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, chúng tôi xây được 3 hệ kinh tế tuần hoàn, đó là hệ kinh tế tuần hoàn thép, hệ kinh tế tuần hoàn nhựa và hệ kinh tế tuần hoàn điện tử, nhưng để thực hiện được là vô cùng khó.

Kinh tế tuần hoàn liên quan nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Thuế, Luật Quy hoạch,... nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm và hiện nay chúng tôi làm thành công vì xác định: tất cả các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn đều có lợi nhuận cao. Luật Môi trường có định nghĩa rác thải là tài nguyên, trong quá trình giải quyết bài toán tuần hoàn này các nước trên thế giới đều làm rồi nhưng Việt Nam giờ mới làm.

Để ý thức được làm kinh tế tuần hoàn có lợi, chúng tôi thành lập câu lạc bộ gồm các chủ đầu tư, đưa ra nhận thức quá trình của doanh nghiệp và chứng minh cho họ thấy họ có lợi, họ rất có lãi trong xử lý tái chế các nguyên liệu. Đó là một trong những thành công của chúng tôi. Còn khu công nghiệp sinh thái đi theo nhiều tiêu chí của Nghị định 82, chúng tôi tích cực tham gia xây dựng nội hàm tiêu chí theo quy định nhà nước, chúng tôi cũng thành công.

Các tổ chức đánh giá đều thấy điều kiện quản trị, môi trường, xã hội đều rất tốt, thời gian tới chúng tôi cố gắng duy trì và tiến tới xây dựng hệ thống tuần hoàn theo vùng. Ví dụ Hải Phòng có nhiều khu công nghiệp, chúng tôi liên kết để tạo ra tuần hoàn trong khu vực, từ đó nhân rộng ra. Chúng tôi cũng đã làm đề tài khoa học và được đánh giá cao. Vấn đề quan trọng của kinh tế tuần hoàn là có nỗ lực lớn, truyền tải được thông điệp là các doanh nghiệp đều có lợi trong tuần hoàn này".

Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 8

VnEconomy 13/10/2023 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2023 phát hành ngày 09-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kiến tạo động lực phát triển mô hình kinh tế mới - Ảnh 9