Thời gian qua, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển bùng nổ, đi sâu vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có báo chí. Ông đánh giá thế nào về tác động của AI với hoạt động báo chí hiện nay?
Sự phát triển của công nghệ, trong đó có AI là một xu thế. AI khiến nhiều ngành nghề phải thay đổi. Những công việc máy móc làm tốt hơn thì con người có thể thoát ly hoặc máy móc sẽ hỗ trợ con người làm việc tốt hơn với năng suất lao động cao hơn.
Nghề báo có nhiều công đoạn, trong đó bên cạnh những khâu đòi hỏi sự sáng tạo cũng có những khâu rất khuôn mẫu. Những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, cần phân tích bình luận sâu, thể hiện quan điểm dấu ấn cá nhân, kinh nghiệm… vẫn tạo sức hấp dẫn riêng và cần người làm báo.
Công nghệ sẽ hỗ trợ người làm báo làm tốt hơn công việc của mình, mang lại giá trị gia tăng, doanh thu cho nghề, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp các nhà báo đỡ vất vả hơn trong tác nghiệp, hỗ trợ báo chí nghiên cứu công chúng, đánh giá, tiếp nhận thói quen, hành vi của người dùng, qua đó có cách tiếp cận công chúng tốt hơn.
Công nghệ cũng làm tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm, giúp tác phẩm đến với công chúng nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu công chúng thông qua các công cụ đánh giá, các phương tiện báo chí truyền thông mới, hiện đại.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn của nghề báo chính là dấu ấn cá nhân, chính kiến, tính phát hiện và xử lý thông tin của người làm báo theo đặc thù của báo chí cách mạng Việt Nam, của thể chế chính trị và công chúng báo chí Việt Nam. Dấu ấn sáng tạo của báo chí nằm ở nỗ lực, công sức và kinh nghiệm đúc kết của những người làm báo.
Như vậy, công nghệ không thể thay được những người làm báo, ở cả hiện tại cũng như trong tương lai. Cho dù công nghệ phát triển đến đâu, ứng dụng thế nào thì chủ thể sáng tạo trong báo chí vẫn nằm ở những người làm báo, là các nhà báo.
Tất nhiên người làm báo phải thay đổi, sử dụng tốt và làm chủ công nghệ. Nếu quá phụ thuộc và ỷ lại vào công nghệ sẽ dẫn đến triệt tiêu sự sáng tạo trong nghề.
Công nghệ luôn mới và có sức hấp dẫn nhưng cũng tạo ra rủi ro thách thức khi tin giả sẽ xuất hiện lan tràn trên mạng. Thông tin sau khi đăng tải trên mặt báo sẽ ngay lập tức được khai thác đăng tải lại trên các kênh thông tin, trang mạng xã hội. Điều này khiến cho công sức, sáng tạo của người làm báo bị triệt tiêu, bị lợi dụng để khai thác thương mại. Nguy hiểm hơn, các thông tin bài báo chuẩn chỉ sẽ bị cài cắm thông tin lệch lạc, đi ngược lợi ích quốc gia dân tộc, xâm hại lợi ích công chúng, gây phản tác dụng. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Để xử lý vấn đề này, tôi cho rằng những người làm báo phải tăng cường tính tin cậy, nhận diện thương hiệu của cá nhân cũng như cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải tăng cường đầu tư, làm chủ công nghệ, khẳng định vị trí của mình trên không gian mạng. Trong bối cảnh tin giả tràn lan trên mạng như hiện nay, khi công chúng cần kiểm chứng thông tin có thể tìm đến các kênh, trang báo chính thống.
Trên không gian số, nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, thông tin lan truyền rất nhanh nên không thể quản lý theo lãnh thổ. Do đó, công chúng cần nâng cao sức “đề kháng”, sự tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin, không để bị thông tin mạng xã hội dẫn dắt, lôi kéo.
Trong bối cảnh hiện nay, sức đề kháng của công chúng là rất quan trọng. Điều này dựa trên cơ sở nhận thức của công chúng về những thông tin tốt, chính xác, hợp lý, từ đó sẽ tìm được những tờ báo tin cậy để kiểm chứng thông tin.
Muốn vậy, báo chí phải “xung trận”, nói rõ, chỉ thẳng, chủ động hơn trong cung cấp thông tin tới công chúng, không để trống trận địa thông tin, đưa những thông tin nóng nhất, chính xác nhất tới công chúng. Cùng với đó, báo chí cần tiếp tục cảnh báo cho công chúng biết những nguy cơ rủi ro. Khi đó, chúng ta sẽ tạo ra một trận địa ngang bằng, đủ sức chống lại các luận điệu xấu từ bên ngoài, khắc phục được những tác hại của tin giả, tin xấu.
Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ và các phương thức thông tin mới hiện nay, báo chí cần có lộ trình thay đổi ứng xử với công nghệ thế nào để phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và tiếp cận tới đông đảo công chúng?
Công nghệ, AI sẽ đi song hành cùng sự phát triển của nhiều ngành nghề, trong đó có báo chí. AI sẽ góp phần giảm bớt công sức, nhân lực cho báo chí. Điều này cũng đồng nghĩa với sự phát triển của công nghệ sẽ chọn lọc người làm báo và không thể làm theo cách cũ. Những nhà báo trụ lại được với nghề là những người biết sử dụng công nghệ, có bản sắc, quan điểm chính kiến riêng, bám sát công chúng và tạo giá trị gia tăng mới trên nền tảng báo chí.
Công nghệ luôn thay đổi nên việc đầu tư công nghệ không chỉ một lần. Nếu đầu tư lớn nhưng không khai thác hết giá trị công nghệ sẽ gây lãng phí. Do đó, khi ứng dụng công nghệ, các cơ quan báo chí cần phải hiểu về công nghệ, đầu tư thông minh, “liệu cơm gắp mắm” theo tiềm lực, nhu cầu của mình, đặc biệt, không nên chạy theo công nghệ.
Theo tôi, từng cơ quan báo chí cần phải xây dựng chiến lược riêng trong chiến lược tổng thể về chuyển đổi số quốc gia. Để đầu tư ứng dụng công nghệ, các cơ quan báo chí cần xác định công chúng của mình là ai, đang ở đâu và phải đánh giá đầy đủ, hiểu được nhu cầu, hành vi công chúng của mình.
Cơ quan báo chí cần hiểu rõ vai trò, sức mạnh của mình trong các thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh, báo hình truyền thống. Nếu các cơ quan báo chí có sản phẩm đặc sắc, công chúng sẽ tự tìm đến. Gốc của vấn đề vẫn nằm ở tác phẩm báo chí có ý nghĩa và chất lượng thông tin chính xác, kịp thời, đáp ứng nhu cầu công chúng.
Tôi cho rằng đã đến lúc phải có cơ quan truyền thông chủ lực, đủ sức đầu tư để độc lập, làm chủ công nghệ so với một số nền tảng mạng xã hội khác. Các ứng dụng công nghệ, nền tảng mạng xã hội đang tiếp cận công chúng theo cách riêng. Đặc biệt, những thông tin từ báo chí sẽ bị các nền tảng này khai thác, biến thành dữ liệu của mình, từ đó thu hút công chúng và nguồn lực quảng cáo, đây chính là vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế báo chí.
Khi công chúng đang dần di cư lên không gian mạng, bên cạnh những loại hình báo chí truyền thống, các cơ quan báo chí nên tận dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng.
Tuy nhiên, cần lưu ý, các cơ quan báo chí phải có giải pháp ứng dụng thông minh, đừng để đánh mất chủ quyền và tài nguyên của mình trên không gian mạng chỉ vì chạy theo xu thế.
Đầu tư công nghệ luôn là một cuộc chiến hụt hơi khi công nghệ liên tục thay đổi, do đó, các cơ quan báo chí phải có cách làm thông minh, phù hợp, phải thấy công nghệ là cơ hội để phát triển.
Báo chí đứng trước nhu cầu phải ứng dụng công nghệ, có cách làm mới, đổi mới phương thức tiếp cận để thu hút công chúng, tạo nguồn thu mới, phát triển kinh tế báo chí, nhưng muốn đầu tư công nghệ phải có nguồn lực. Có vẻ như đây là một vòng luẩn quẩn “con gà, quả trứng” với các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay? Theo ông, những không gian mới, cơ hội mới nào đang mở cho báo chí phát triển, tạo ra nguồn doanh thu mới?
Kinh tế báo chí đang rất khó khăn. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ chỉ là một trong những lối ra chứ không tạo ra tất cả nguồn thu cho các cơ quan báo chí.
Khi lên không gian mạng, báo chí phải tư duy bằng tư duy mạng. Công chúng theo dõi tin tức trên mạng không theo thời gian phát sóng tuyến tính của kênh truyền hình hoặc bị bó hẹp trong trang báo in. Chính vì vậy, báo chí phải tiếp cận công chúng theo phương cách họ mong muốn, quan tâm công chúng. Báo chí cần tham gia “cuộc chơi” trên không gian mạng một cách mạnh mẽ, sòng phẳng để đạt đích cuối cùng là làm chủ trận địa thông tin.
Doanh thu của cơ quan báo chí có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau và còn rất nhiều dư địa cho báo chí có thể khai thác, đa dạng hóa nguồn thu.
Để giải quyết bài toán kinh tế báo chí, các cơ quan báo chí phải xác định phân khúc khách hàng, công chúng của mình là ai. Khi có công chúng, ngoài sự chi trả của công chúng, báo chí sẽ thu hút được quảng cáo, dịch vụ từ khách hàng, doanh nghiệp. Trên cơ sở thương hiệu của mình, ngoài kinh doanh trên mặt báo bằng sản phẩm, dịch vụ, các cơ quan báo chí còn triển khai các hoạt động kinh tế báo chí khác ngoài mặt báo, như: tổ chức sự kiện, tọa đàm, tổ chức các cuộc thi…
Báo chí cũng có thể phát triển báo chí dữ liệu, kinh doanh thông tin thị trường, cung cấp tới những tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu… như mô hình của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đang làm hiện nay.
Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đã triển khai mô hình thu phí độc giả với những bài viết có chất lượng cao, mang lại giá trị thật.
Bên cạnh đó, báo chí cần tập trung đẩy mạnh truyền thông chính sách. Chỉ thị số 7/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách có nhiều điểm mới đột phá, trong đó khẳng định truyền thông chính sách là nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và báo chí là cơ quan phối hợp. Theo đó, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, chủ động lên kế hoạch, có nhân lực và dành kinh phí cho truyền thông chính sách.
Để truyền thông chính sách, đòi hỏi các cơ quan báo chí cần thông tin khách quan hơn, tạo sự tin cậy của các đơn vị cung cấp thông tin. Trong truyền thông chính sách, việc định hướng công chúng không đơn giản. Trong bối cảnh công chúng có nhiều nguồn tin thì thông tin truyền thông chính sách phải đủ sức hấp dẫn, tin cậy, kịp thời để thu hút công chúng theo cách mà họ mong muốn.
Để phát triển kinh tế báo chí có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng trước hết phải bám sát công chúng. Muốn vậy, báo chí phải đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu thói quen, nhu cầu, hành vi của công chúng, quan tâm đến công chúng. Điều này không chỉ giúp tạo thêm nguồn thu cho báo chí, mà còn mang lại hiệu quả cao trong truyền thông chính sách. Kinh nghiệm của Đài Truyền hình Vĩnh Long là một ví dụ điển hình.
Các cơ quan nhà nước khi quyết định đặt hàng báo chí truyền thông chính sách cũng nên tìm hiểu, nghiên cứu công chúng hoặc thuê các cơ quan có nguồn lực nghiên cứu công chúng độc lập, khách quan. Điều này sẽ khiến các cơ quan báo chí có độc lực đổi mới, thay đổi, có phương thức truyền tải thông tin phù hợp nhất đến công chúng.
Ông nhận xét gì về cách làm của các cơ quan báo chí trong việc tạo hướng đi để có thêm nguồn thu mới. Cơ hội có mở ra với tất cả các cơ quan báo chí hay chỉ những đơn vị lớn, có nhiềm tiềm lực, thưa ông?
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí truyền thống đã có sự chuyển động mạnh mẽ, đổi mới nội dung và hình thức để có cách tiếp cận công chúng tốt hơn. Trong bối cảnh yêu cầu mới, các cơ quan báo chí phải thay đổi, biến quá khứ vẻ vang tự hào thành hành trang, động lực đổi mới để theo kịp xu thế, xứng đáng với thành quả cũ, tạo dựng niềm tin yêu với công chúng.
Theo tôi, những con tàu lớn có nhiều ưu thế vượt sóng ra khơi nhưng có thể bị ràng buộc bởi nhiều thứ nên không dễ dàng chuyển đổi.
Với những cơ quan báo chí nhỏ gọn, cơ cấu tổ chức có sự linh hoạt hơn nên sẽ thuận lợi trong chuyển dịch. Điều quan trọng nhất vẫn là do người đứng đầu, có sự ủng hộ của cơ quan chủ quản và xác định rõ phân khúc công chúng của mình.
Các cơ quan báo chí không nên chuyển đổi theo kiểu “tham bát bỏ mâm”. Người lãnh đạo giỏi sẽ lựa chọn làm những việc chưa ai làm và đúng là việc của mình. Tôi cho rằng, đây là thời điểm sàng lọc các cơ quan báo chí.
Nguồn thu báo chí đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay. Nếu chỉ phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng có hiệu quả khác. Không những thế, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến miếng bánh kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi. Vậy theo ông, tương lai, nguồn thu chính và bền vững của báo chí sẽ nằm ở đâu?
Với đặc thù nền kinh tế và công chúng Việt Nam đang có sự chuyển dịch, việc đưa ra dự báo là rất khó. Tuy nhiên, theo tôi, trước khi nói tới nguồn thu chính của báo chí nằm ở đâu cần phải xác định rõ công chúng đang tìm kiếm thông tin ở đâu và đọc cái gì nhiều hơn, cái gì cần cho họ hơn, cũng như sức cạnh tranh thông tin của các cơ quan báo chí.
Nếu trả lời được câu hỏi này, sẽ giải được bài toán nguồn thu đổ về đâu. Tôi cho rằng, nguồn thu quảng cáo đổ về đâu sẽ nằm ở sức cạnh tranh của các cơ quan báo chí, ở khả năng đáp ứng thông tin của công chúng. Tiếp đó mới đến vấn đề nguồn thu từ truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước. Tất nhiên, chỉ khi truyền thông chính sách có hiệu quả thì nguồn tài chính này mới dư dả và ngược lại.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng tương lai và cơ hội của báo chí dữ liệu cũng như đóng góp của nó cho phát triển kinh tế báo chí?
Báo chí dữ liệu là một xu thế phù hợp với báo chí hiện đại và hoàn toàn nằm trong khả năng của báo chí. Khi có nguồn dữ liệu thông tin, từ những tác phẩm báo chí xuất bản hàng ngày đáp ứng nhu cầu của công chúng, báo chí có thể tập hợp thành dữ liệu để phục vụ nghiên cứu thị trường, khai thác lâu dài, bán thông tin…
Để làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ, có chiến lược cụ thể và phải có tư duy thị trường sắc bén. Mỗi cơ quan báo chí cần xác định thế mạnh, mức độ chuyên sâu thông tin của mình để có chiến lược tập hợp, lưu trữ, khai thác. Nếu thông tin tản mát, không chuyên sâu sẽ khó tạo ra giá trị lớn. Do đó, các dữ liệu cần phải rất chuyên sâu, rất chính xác để mỗi khi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần phục vụ mục đích nghiên cứu, kinh doanh sẽ phải tìm đến báo chí để mua.
Ví dụ, khi tổ chức, doanh nghiệp muốn tìm kiếm thông tin dữ liệu kinh tế sẽ phải tìm đến “gõ cửa” Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng, việc triển khai mô hình dữ liệu kinh tế như Tạp chí Kinh tế Việt Nam là một xu hướng tốt và cần tiếp tục phát huy. Xu thế phát triển dữ liệu sẽ phục vụ đa mục tiêu, đa lợi ích và lâu dài chứ không chỉ dừng ở mục đích kinh doanh, bán thông tin.
VnEconomy 20/06/2024 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam