Từ năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ, chỉ có 152,2 km2 (nội thành là 12,2 km2, ngoại thành là 140 km2), gồm 36 phố nội thành và 4 quận ngoại thành; dân số là 436.624 người. Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính, GDP bình quân đầu người lúc đó của Hà Nội cũng rất thấp so với các quốc gia xung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, việc đầu tiên mà Hà Nội làm được là xóa được nạn mù chữ vào năm 1957, từ đó tạo ra được bước chuyển lớn trong lực lượng lao động cũng như nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.
Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, trở thành hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ cứu nước, đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp cả nước. Đến năm 1982, Hà Nội về cơ bản đã hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và có những bước tiến tốt hơn. Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học và công nghệ, đã thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế giúp Thủ đô vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước. Đến năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình và đến năm 2000 được vinh danh là Thủ đô anh hùng.
Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn. Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) TS. Lê Quốc Phương chia sẻ, trong 70 năm qua, Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn, đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính. Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn, cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi đúng đắn của Thủ đô.
Trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 6,67%/năm. Chỉ tính riêng quý 3/ 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn của Hà Nội ước tính tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, GRDP tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,2%. Khách du lịch đến Thủ đô gần 4,6 triệu lượt người, tăng 31,3%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm.
Có thể khẳng định, những thành tựu mà Thủ đô đạt được trong 70 năm sau ngày giải phóng là vô cùng to lớn, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển chung của cả nước. Nhìn lại quá trình phát triển của Hà Nội trong 70 năm qua, các chuyên gia khẳng định, TP. Hà Nội đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Những mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang dần hình thành và phát triển, đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng song hành với sự chuyển mình trong thời đại, Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định Hà Nội nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế của miền Bắc. Chính phủ giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho Hà Nội và đặt trụ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại đây. Ngoài ra, một số tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài cũng thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội. “Tôi nghĩ đây là những tiềm năng rất lớn của Hà Nội. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu như phát huy được tiềm năng”, ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.
Về quy hoạch Thủ đô đến 2045, tầm nhìn 2065, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết đến khi đó Hà Nội sẽ được trải rộng, phát triển đều và lan tỏa ra các khu vực xung quanh, phát huy lợi thế Vùng Thủ đô, tam giác tăng trưởng. Sắp tới sẽ có kết nối tương đối cứng vì chúng ta đã tính các tuyến đường sắt nâng tầm quốc tế từ Hà Nội đi Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái,... Ông Toàn hy vọng chính quyền TP.Hà Nội có thể xây dựng hệ sinh thái mới cho các doanh nghiệp phát triển. Hệ sinh thái đó gồm những vấn đề thuộc về Nhà nước, những vấn đề gì thuộc về doanh nghiệp, những vấn đề gì thuộc về cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội hiện nay, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp - thương mại, Bộ Công Thương, đánh giá thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hà Nội tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn nhiều địa phương trong cả nước. Lãnh đạo thành phố cũng chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Để thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới, Hà Nội không nên tập trung theo hướng ưu đãi về thuế, phí; cần tập trung vào việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo ra các khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, tiện ích. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo đáp ứng theo tiêu chuẩn mà nhà đầu tư cần.
Hà Nội đang song hành điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực để diện mạo Thủ đô có bước đột phá. Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại - bền vững” sẽ từng bước trở thành hiện thực, đáp ứng mong muốn của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
VnEconomy 07/10/2024 11:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam