“Năm 2024, các yếu tố bên ngoài có cải thiện nhưng chưa bền vững và còn nhiều rủi ro. Tăng trưởng các nền kinh tế là những đối tác chính của Việt Nam có thể thấp hơn năm 2023, nhất là kinh tế Trung Quốc, được dự báo giảm từ mức tăng 5,5% xuống còn 4,4%. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục tái cấu trúc theo hướng chuyển hoạt động sản xuất sang các nước thân thiện, hay về gần thị trường tiêu dùng, sân nhà để quản lý rủi ro và giảm chi phí vận hành. Hội nhập kinh tế quốc tế đang có biểu hiện phân mảnh, chậm lại và tập trung nhiều vào nội khối. Đáng chú ý, nhiều yếu tố bất ổn xuất phát từ cạnh tranh quyết liệt giữa các siêu cường nhằm định hình trật tự thế giới, sự phân mảnh địa chính trị, chiến tranh Nga – Ukraine và bầu cử ở Hoa Kỳ…
Ở trong nước, nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2024. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định về cơ bản, tạo điều kiện cho chính sách ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, song không thể quá thiên lệch mà xem nhẹ ổn định kinh tế vĩ mô. Quan hệ đầu tư, thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc… được kỳ vọng tăng mạnh nhờ nâng cấp quan hệ ngoại giao và loạt văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại cần sớm được nhận diện và có giải pháp khắc phục. Sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn không thay đổi đáng kể trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh lãi suất giảm thấp, tín dụng đảo nợ có thể tăng, làm gia tăng nợ xấu tiềm ẩn. Các hỗ trợ trực tiếp đối với doanh nghiệp như giảm, miễn tiền thuê đất… không còn.
Đầu tư xã hội vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư công và đầu tư từ khu vực nước ngoài, đầu tư tư nhân trong nước vẫn yếu, chưa phục hồi trước những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và môi trường kinh doanh trong nước chưa thuận lợi. Các loại thị trường tài sản có cải thiện nhưng chưa thực sự khác biệt so với năm 2023. Hệ quả là giá tài sản không tăng, thanh khoản không cao và nhu cầu mua sắm tài sản lớn như ô tô, nhà… chưa thể tăng. Đặc biệt, tình trạng trì trệ, không dám làm, không dám quyết, đùn đẩy với cách làm tìm kiếm an toàn hơn là tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của một bộ phận công chức nhà nước vẫn chưa được khắc phục.
Theo đó, tôi cho rằng năm 2024, nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Điều này đòi hỏi điều hành chính sách năm nay phải vừa cẩn trọng, vừa linh hoạt để thích ứng với bối cảnh một cách phù hợp và hiệu quả”.
“Trong ba động lực tăng trưởng của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 thì động lực xuất khẩu hàng hóa là kém nhất. Tuy nhiên, các tín hiệu của xuất khẩu những tháng cuối năm đã cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ.
Cụ thể, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD; khu vực vốn FDI đạt 259,95 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước.
Mặc dù vẫn giảm so với năm trước song hoạt động xuất khẩu hàng hóa năm 2023 có nhiều điểm sáng.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa liên tục dương và đạt cao trong ba tháng cuối năm, cụ thể: xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; tháng 11 tăng 6,9% và tháng 12 tăng 13,1%. Đặc biệt là khu vực kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn: tháng 10 tăng 17,9%; tháng 11 tăng 15,4% và tháng 12 tăng 18,5%.
Thứ hai, xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá như: rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 65,9% so với năm 2022; hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 17,6%; gạo đạt 4,8 tỷ USD, tăng 39,4%...
Thứ ba, trong tháng 12, trị giá xuất khẩu một số mặt hàng có tỷ trọng lớn, đóng vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng cao như điện tử, máy tính và linh kiện tăng 19,2%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 78,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 51,5%...Các mặt hàng chủ lực này chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 327,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước.
Một số điểm tích cực trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa là tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa trong ba tháng của quý 4 liên tục đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước ở cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau ba quý liên tiếp giảm sâu.
Một số nhóm nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng có tín hiệu tăng trưởng khá tốt trong tháng 12 như: sợi dệt tăng 24%; vải tăng 16,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 33,6%. Đặc biệt là nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,4 tỷ USD và tăng tới 45,6% so với tháng 12 năm 2022…
Số liệu trên cho thấy nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn. Những tín hiệu trên kỳ vọng sẽ tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm 2024”.
“Năm 2024, đà tăng trưởng kinh tế thế giới được tạo ra trong năm 2023 sẽ giảm tốc khi các lực đẩy bắt đầu giảm sức mạnh. Tại Mỹ, dự kiến sự cạn kiệt của các khoản tiết kiệm dư thừa sẽ dẫn đến sự suy giảm đầu tư vào các hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế đang ngày một trầm trọng, kèm theo những thách thức của lạm phát. Tại châu Á, Trung Quốc cũng đang đối mặt với khủng hoảng bất động sản kéo dài và đang rất khó khăn trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi điều kiện tài chính trở nên khó khăn, ảnh hưởng tới tăng trưởng và lợi nhuận của doanh nghiệp. Các chính phủ có thể chuyển hướng sang chính sách hỗ trợ tài chính và tập trung vào việc giảm nợ. Một điều đáng lo ngại, đó là khả năng khôi phục kinh tế sẽ diễn ra chậm hơn kỳ vọng của thị trường.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cần lưu ý đến sự phức tạp và thách thức ngày càng tăng trong lĩnh vực địa chính trị, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường trong năm 2024.
Đối với Việt Nam, trong năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% thông qua các gói kích thích từ chính sách tiền tệ đến chính sách tài khóa. Tuy nhiên, có thể xuất hiện những thách thức lớn nếu Hoa Kỳ và EU tiếp tục suy thoái hoặc tăng trưởng chậm. Ngoài ra, lo ngại từ nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tác động tới khả năng chi tiêu cho du lịch tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh không chắc chắn này, có những yếu tố mạnh mẽ đang thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, bao gồm sản xuất, xuất khẩu, bất động sản và đầu tư tư nhân. Ngoài ra, các chính sách tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng và đầu tư công sẽ là một trong những động cơ chính giúp tăng trưởng trong năm 2024.
Dự kiến, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng giữa 7,5% và 8,0% trong năm 2024, là tín hiệu tích cực cho sự hồi phục sản xuất và xuất khẩu. Sự tăng trưởng trong sản xuất dự kiến sẽ kích thích nhu cầu về vật liệu nhập khẩu, máy móc và thiết bị.
Hơn nữa, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam có tín hiệu gia tăng trong nửa cuối năm nay sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi vào năm 2024.
Đối với đầu tư tài chính trong năm 2024, thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn do lãi suất ngân hàng vẫn đang liên tục giảm. Việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam (KRX) là yếu tố thúc đẩy thị trường.
Ngoài ra, dự kiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi và bước vào một giai đoạn phát triển mới trong năm 2024, trong đó nhà đầu tư và người phát hành sẽ tập trung hơn vào chất lượng hơn là số lượng. Các chính sách và quy định mới sẽ cải thiện tính minh bạch và sự tin tưởng cho thị trường trái phiếu”.
VnEconomy 10/02/2024 04:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam