) Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - VnEconomy Emagazine
Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - Ảnh 1
Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - Ảnh 2

Thưa bà, bà nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm 2023. Đâu là những điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng GDP 9 tháng?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2023 của nước ta duy trì đà tăng trưởng tích cực (quý 1 tăng 3,28%; quý 2 tăng 4,05%; quý 3 tăng 5,33%), bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%. Khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,58%, trong đó tăng trưởng của một số ngành dịch vụ thị trường đạt mức khá như bán buôn, bán lẻ tăng 8,04%; vận tải kho bãi tăng 8,66%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,91%.

Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - Ảnh 3

Một số điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quý 3 và 9 tháng năm 2023 như sau:

Thứ nhất, sản xuất lúa vụ đông xuân, sản lượng một số cây ăn quả đạt khá so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan nhờ tập trung nuôi thâm canh, siêu thâm canh và ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: chỉ số sản xuất của ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 30,2%; dệt tăng 18,5%; sản xuất trang phục và sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất cùng tăng 13,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13%; sản xuất kim loại và sản xuất chế biến thực phẩm cùng tăng 12,5%; sản xuất thuốc lá tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 10,2%.

Thứ ba, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9/2023 sôi động và duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách tăng 13,1% và luân chuyển tăng 27,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,6% và luân chuyển tăng 12,5%.

Thứ tư, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch đã phát huy hiệu quả, góp phần hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế năm 2023 của nước ta. Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 8,9 triệu lượt khách, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022.

Thứ năm, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội có xu hướng tăng cao, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2023 tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Thứ sáu, tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD), trong đó xuất siêu của một số mặt hàng: điện thoại các loại và linh kiện 33,07 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 8,02 tỷ USD; thủy sản 4,68 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 3,08 tỷ USD; rau quả 2,72 tỷ USD; dây điện và cáp điện 585 triệu USD.

Thứ bảy, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023.

Thứ tám, lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính lao động có việc làm quý 3/2023  là 51,3 triệu người, tăng 87,4 nghìn người so với quý trước và tăng 523,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng năm 2023 ước đạt 51,2 triệu người, tăng 776 nghìn người.

Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - Ảnh 4

Sau những tháng giảm sút liên tục, sản xuất công nghiệp quý 3 đã tăng trưởng trở lại. Bà nhận định thế nào về triển vọng của khu vực này trong những tháng cuối năm?

Nhìn lại sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm nay có thể thấy xu hướng rõ nét, đặc biệt từ tháng 5/2023 đến nay, sản xuất công nghiệp hàng tháng liên tục tăng so với cùng kỳ với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Theo đó, sản xuất công nghiệp quý 1 và quý 2 đều giảm nhưng quý 3 đã có sự khởi sắc hơn, trong đó, ngành chế biến, chế tạo có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng khá so với cùng kỳ.

Từ tình hình sản xuất công  nghiệp các tháng gần đây và theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dự báo quý 4/2023 khả quan hơn quý 3/2023 cả về tình hình sản xuất kinh doanh, khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng, đơn đặt hàng xuất khẩu. Dẫu vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp các tháng còn lại của năm 2023 chưa thể trở lại đà tăng trưởng cao nhưng vẫn tiếp tục khởi sắc hơn so với 9 tháng đầu năm.

Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - Ảnh 5

Sau nhiều tháng giảm liên tục, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9 đã có tín hiệu khả quan khi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương. Bà có thể phân tích rõ hơn tình hình?

Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng ước đạt 259,7 tỷ USD, tuy vẫn giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 9 đã có tăng  trưởng dương với mức 4,6%, và đây là xu hướng tích cực trong 3 tháng giảm sâu gần đây (tháng 6 giảm 13,8%; tháng 7 giảm 3,4%; tháng 8 giảm 7,6%). Trong đó, khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đều đạt tăng trưởng dương, tương ứng là 17,9%; và 0,5% (kể cả dầu thô).

Điểm tích cực thể hiện qua 2 điểm của tháng 9 như sau:

Thứ nhất, xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá: (1) rau quả: 9 tháng ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% (riêng tháng 9 tăng 160%); (2) hạt điều: 9 tháng ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 14,3% (tháng 9 tăng 39,6%); (3) gạo: 9 tháng ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 40,4% (tháng 9 tăng 80,4%).

Thứ hai, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực cũng tăng trưởng dương trong tháng 9 như: (1) điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,1% (giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 41,2 tỷ USD); (2) điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,0% (9 tháng đạt 39 tỷ USD). Riêng 2 mặt hàng chủ lực này đã chiếm tới 31% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Về nhập khẩu, tín hiệu tích cực cũng đến từ nhập khẩu hàng hóa khi tốc độ tăng trưởng của tháng 9 đã đạt dương với mức 2,6% sau nhiều tháng giảm sâu (tháng 6 giảm 14,5%; tháng 7 giảm 9,9%; tháng 8 giảm 8,3%). Trong đó khu vực kinh tế trong nước đã tăng 7,0% (tháng 6 giảm 17,8%; tháng 7 tăng 0,4%; tháng 8 giảm 1,7%); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,3% (tháng 6 giảm 12,5%; tháng 7 giảm 15,4%; tháng 8 giảm 11,6%).

Ngoài ra, nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện trong tháng 9 cũng tăng 31,1% so với cùng kỳ (9 tháng ước đạt 63 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 2% (9 tháng ước đạt 30,5 tỷ USD), riêng 2 mặt hàng này chiếm đến 39,3% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Xét theo quý cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng của cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có xu hướng phục hồi. Trong đó, xuất khẩu quý 2 tăng 8,1% so với quý 1, quý 3 tăng 10,3% so với quý 2; nhập khẩu quý 2 tăng 4,0% so với quý 1, quý 3 tăng 11,0% so với quý 2.

Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.

Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - Ảnh 6

Với diễn biến kinh tế 9 tháng qua, áp lực tăng trưởng quý 4 là rất lớn. Bà dự báo như thế nào về kết quả tăng trưởng cả năm?

Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.

Do vậy, cần tiếp tục ổn định tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư; phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như giãn, hoãn, giảm thuế…); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn.

Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần giảm các loại phí và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới; tận dụng tốt các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất – kinh doanh

Đặc biệt, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - Ảnh 7

VnEconomy 04/10/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2023 phát hành ngày 02-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kinh tế vẫn khó khăn, tăng trưởng khó cao như kỳ vọng - Ảnh 8