Theo ông, đâu là những lợi thế của Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững và xu hướng chuyển dịch dòng vốn xanh?
Việt Nam có vị trí thuận lợi để dẫn đầu sự chuyển đổi kinh tế xanh ở Đông Nam Á. Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp của UOB năm 2024 cho thấy hơn 45% doanh nghiệp đã và đang áp dụng các biện pháp bền vững để thu hút nhà đầu tư.
Là thị trường đang tăng trưởng nhanh, cộng với sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc đạt Net Zero vào năm 2050 được thể hiện qua các chiến lược phát triển xanh quốc gia cũng đã tạo ra môi trường ổn định cho các khoản đầu tư xanh.
Về nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo như ánh sáng mặt trời, gió và thủy điện, giúp Việt Nam có lợi thế để dẫn đầu trong sản xuất năng lượng sạch, thu hút đáng kể dòng vốn xanh.
Thêm vào đó, với lực lượng lao động kỹ thuật số trẻ, Việt Nam đã nắm giữ những yếu tố then chốt để thành công trong chuyển đổi xanh.
Vậy những thách thức của Việt Nam là gì, thưa ông?
Là một ngân hàng khu vực hàng đầu tại Việt Nam, UOB quan sát chặt chẽ quá trình chuyển đổi xanh của đất nước này. Vị trí của Việt Nam trong ASEAN làm cho sự bền vững trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức tồn tại như: Chi phí cao, cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo chưa phát triển đầy đủ, hạn chế tiếp cận với các giải pháp tài chính xanh.
Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp của UOB năm 2024 chỉ ra rằng 34% các nhà sản xuất và kỹ sư Việt Nam phải đối mặt với vấn đề về lợi nhuận trong các sáng kiến xanh. Điều này có thể dẫn đến giá cả hàng hóa cao hơn, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra 38% các doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo chưa phát triển đầy đủ. Mặt khác, sự thiếu hụt các giải pháp tài chính xanh như một rào cản đáng kể (theo phản hồi của 50% các doanh nghiệp tham gia khảo sát). Các khoản vay truyền thống có thể không phù hợp cho các dự án xanh dài hạn với thời gian trả nợ kéo dài.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng tìm kiếm những ưu đãi về thuế và tiếp cận dễ dàng hơn với các giải pháp tài chính xanh, phù hợp với các nỗ lực bền vững đang diễn ra trên toàn cầu. Bên cạnh kết quả tài chính, các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến các doanh nghiệp mang lại tác động tích cực đến môi trường. Chính phủ Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Giảm thuế, đơn giản hóa quy định và đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo có thể tạo ra một môi trường hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp xanh.
Theo ông, hành động nào của Chính phủ Việt Nam để lại ấn tượng cho các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có UOB, trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26?
Là một quốc gia rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, Việt Nam đã thực hiện nhiều cam kết quan trọng đối với phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh như: Cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050; Không xây dựng thêm nhà máy điện than sau năm 2030 và sẽ loại bỏ các nhà máy điện than hiện có trước năm 2040 để hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí; 100% sử dụng xe buýt và taxi xanh đến năm 2030, giúp giảm ô nhiễm không khí và nâng cao sức khỏe cộng đồng; Thử nghiệm giao dịch carbon đến năm 2025, giúp định giá cho carbon và khuyến khích doanh nghiệp giảm lượng phát thải của mình.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và năng động, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh và môi trường chính trị ổn định, là những điều kiện thuận lợi cho đầu tư xanh.
Với sự quyết tâm và của Chính phủ, cùng với những lợi thế mà Việt Nam đang có, tôi rất kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết.
Những hỗ trợ gần đây của UOB nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững và xu hướng dịch chuyển dòng vốn xanh tại Việt Nam ra sao?
UOB là ngân hàng tiên phong xây dựng tương lai bền vững cho khu vực Đông Nam Á. Đó là cam kết của chúng tôi trong việc xây dựng một ASEAN bền vững.
Chúng tôi nhận ra tiềm năng to lớn của khu vực này, với dân số gần 700 triệu người và tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, tiến trình này đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, với mực nước biển dâng cao, các sự kiện thời tiết cực đoan và thâm hụt GDP dự kiến vượt mức 35% vào năm 2050.
UOB cam kết thực hiện chuyển đổi "công bằng và trật tự" tại khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, dừng sử dụng nhiệt điện than vào năm 2040 và ngừng tài trợ cho các dự án dầu khí và khí đốt mới từ năm 2022 trở đi. Những mục tiêu này được củng cố qua lộ trình giảm thiểu carbon trong khu vực.
Ngoài ra, UOB còn tích cực hợp tác với khách hàng, cung cấp những công cụ và nguồn lực cần thiết để họ áp dụng mô hình kinh doanh ít phát thải carbon hơn. Sự hỗ trợ tài chính bền vững và toàn diện của chúng tôi - bao gồm các công trình xanh, thành phố thông minh, kinh tế tuần hoàn, tài trợ thương mại xanh và tài chính chuyển đổi - sẽ giúp các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực chuyển mình hướng đến tương lai xanh.
Ông có thể tiết lộ nguồn tín dụng mà UOB dành cho khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là bao nhiêu?
Tính đến cuối năm 2023, danh mục tài chính xanh của UOB đạt quy mô 450 tỷ đô la Singapore (350 tỷ USD). Con số này chưa đáng kể so với các ngân hàng lớn trên toàn cầu, nhưng lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến cuối năm 2023, chúng tôi đã khử carbon gần 10% danh mục cho vay, và cường độ phát thải của chúng tôi đang thấp hơn 7-14% so tham chiếu ở 6 lĩnh vực trọng điểm cho vay nói trên.
Việc cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, loại bỏ than nhiệt vào năm 2040, và tập trung tài trợ vốn cho 6 lĩnh vực ưu tiên là minh chứng của UOB trong việc hỗ trợ Việt Nam trên hành trình chuyển đổi xanh.
VnEconomy 19/04/2024 06:00