) Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người Khmer - VnEconomy Emagazine
Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 1
Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 2

Lý do nào thúc đẩy Chal Thi và anh Ngãi quyết định “rời phố về quê” để phục hồi kỹ thuật thủ công thất truyền của người Khmer Trà Vinh?

Founder Thạch Thị Chal Thi: Ngay từ khi còn học đại học, Chal Thi và anh Ngãi đều có cùng một suy nghĩ là sau này mình sẽ quay trở lại quê hương để làm một điều gì đó cùng với bà con Khmer. Cái duyên đó tới sớm khi vào năm 2018 – 2019, Trà Vinh, Bến Tre gặp hạn mặn rất nặng. Lúc đó, trái dừa ở Trà Vinh bị bỏ hoang, mọc mầm rất nhiều, thương lái không thu mua. Thấy tình hình kinh tế ở nơi mình sinh ra như vậy, tôi suy nghĩ nên làm gì để tăng giá trị kinh tế cho cây dừa, trong khi mình lại được học về ngành công nghệ thực phẩm.

CEO Phạm Đình Ngãi: Thời điểm đó, qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện trên thế giới có “coconut sugar” - một sản phẩm làm từ mật hoa dừa. Chúng tôi nhận thấy đây là sản phẩm rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng của tương lai,  lại thích ứng với biến đổi khí hậu;  đồng thời có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là cơ hội giúp cho người nông dân quê mình không còn bị phụ thuộc vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá - được giá mất mùa”. Họ sẽ có thu nhập ổn định hàng tháng để lo cho gia đình.

Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 3

Trong thời gian đầu khởi nghiệp, công ty gặp khó khăn nhiều hơn ở khâu chế biến hay khâu bán hàng?

CEO Phạm Đình Ngãi: Tôi nghĩ, khó khăn là một loại “gia vị”  của khởi nghiệp. Mỗi lần vượt qua khó khăn sẽ giúp bản thân tôi cũng như những người khởi nghiệp khác trở nên vững vàng hơn, hiểu rõ được con đường mình đang đi. Sau khi đã làm chủ được kỹ thuật massage để thu mật hoa dừa, một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm quá mới, khách hàng chưa biết đến mật hoa dừa là gì. Chúng tôi đã bắt đầu từ những ấn phẩm truyền thông nhỏ nhất để giới thiệu về công dụng của sản phẩm.

Sau đó, hầu như chỗ nào có hội chợ,  có sự kiện, hội thảo, kết nối cung cầu, chúng tôi đều có mặt để tìm cơ hội, để quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, bán hàng bây giờ không chỉ đơn thuần là bán sản phẩm, mà là bán câu chuyện đằng sau, người đứng đằng sau sản phẩm,… dù vậy, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất của hành trình khởi nghiệp về thực phẩm  là chất lượng của sản phẩm. Dù mình làm truyền thông có tốt đến mấy mà sản phẩm không đạt chất lượng thì khách hàng cũng không quay lại và tin dùng.

Anh chị có thể nói thêm một chút về kỹ thuật massage hoa dừa thu mật như thế nào?

Founder Thạch Thị Chal Thi: Thu mật hoa dừa là ngành nghề truyền thống của người Khmer thời xưa, nhưng do sản phẩm không được thương mại hóa nên nghề đã bị mai một cách đây khoảng 100 năm. Sáu tháng đầu tiên, do không biết massage hoa dừa thu mật nên chúng tôi không thu được giọt mật nào. Chúng tôi cũng chọn sai thời điểm cắt hoa dừa, thực hiện không đúng cách chăm sóc cây và phương pháp thu mật…

CEO Phạm Đình Ngãi: Hai vợ chồng vừa tìm tòi, nghiên cứu vừa thử nghiệm thực tế và đã tìm ra phương pháp tối ưu nhất để thu nước mật từ hoa dừa. Đó là, đều đặn hàng ngày, người công nhân lấy mật hoa phải leo lên cây dừa hai lần. Trước khi thu mật, họ phải dùng tay xoa lên hoa dừa, sau đó dùng chày gỗ gõ một lực vừa đủ để làm thông tuyến mật bên trong hoa dừa. Việc lấy mật từ hoa dừa phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng massage của người thợ thu mật, nên những người thợ này được chúng tôi ví như những chú ong thợ vậy…

Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 4

Xét về giá trị kinh tế, việc khai thác mật hoa dừa cho thu nhập ra sao so với bán trái dừa? Cuộc sống của các nông hộ hàng xóm anh chị đã thay đổi ra sao?

CEO Phạm Đình Ngãi: Chúng ta thử hình dung: một chùm hoa dừa đạt năng suất thường đậu khoảng một chục trái dừa, giá bán hiện tại khoảng 50.000 đồng. Nếu khai thác mật, thì mỗi chùm hoa dừa sẽ cho khoảng 25 lít, tương đương 250.000 đồng. Như vậy, chỉ cần có 20 gốc dừa, một hộ nông dân có thể thu được 6 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Sokfarm đã có gần 50 hộ liên kết, hầu hết cán bộ, nhân viên công ty đều là người Khmer.

Founder Thạch Thị Chal Thi: Giá trị của doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh cũng đã được chúng tôi đưa vào tên của thương hiệu: Sok trong tiếng Khmer là “hạnh phúc”. Tại Sokfarm, chúng tôi muốn tạo ra một chuỗi giá trị “nông nghiệp hạnh phúc”. Do đó, từ ngày đầu, chúng tôi đã chọn làm theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để không gây ảnh hưởng đến môi trường. Vùng nguyên liệu cũng sẽ được phát triển bảo tồn,  sức khỏe của người nông dân cũng được cải thiện. Người tiêu dùng cũng từ đó mà được sử dụng những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe...

Đến nay, tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chính ngạch của Sokfarm ra sao?

CEO Phạm Đình Ngãi: Hiện tại, sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa Sokfarm có 90% sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường trong nước, 10% còn lại được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ... Cơ hội của sản phẩm trong tương lai, tôi nghĩ là rất lớn. Việt Nam là đất nước có diện tích dừa lớn thứ năm trên thế giới. Xu thế hiện nay người tiêu dùng lại đang chuyển sang ưu tiên dùng các sản phẩm hữu cơ, tìm kiếm chất tạo ngọt mới có lợi cho sức khỏe. Với tiềm năng trên, thời gian tới, Sokfarm hướng tới tỷ trọng cung cấp tiêu thụ trong nước là 50 - 60%, và 30 - 40% sẽ dành cho thị trường xuất khẩu, dần dần nâng tỷ trọng, hướng tới thị trường châu Âu và Mỹ.

Founder Thạch Thị Chal Thi: Sokfarm hiện tại đã có nhiều sản phẩm từ mật hoa dừa như: nước tương mật hoa dừa, dấm mật hoa dừa, đường mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, hạt ca cao và mật hoa dừa. Trong đó có sản phẩm chính là nước uống mật hoa dừa và mật hoa dừa cô đặc. Chúng tôi cũng đang cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy lớn để thay thế đường tinh luyện trong sản xuất các sản phẩm như snack dừa, thanh năng lượng granola, bánh trung thu…

Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 5

Trong bối cảnh ngập mặn tại địa phương, anh chị nhận thấy tư duy của người nông dân thay đổi ra sao về sinh kế bền vững?

CEO Phạm Đình Ngãi: Thành thật mà nói, hiện tại chúng ta mới dừng ở mức độ Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề về xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Người nông dân vẫn còn bị hạn chế về thông tin, dẫn đến những quyết định đầu tư, canh tác không chắc chắn lắm, nhiều trường hợp trồng rồi chặt, chặt rồi trồng... Tuy nhiên, điều đáng mừng là tư duy của người làm nông bây giờ đã khá hơn so với thời ông cha đi trước. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi, những người trẻ trở về khởi nghiệp cống hiến cho quê hương, nâng cao giá trị nông sản nội địa.

Founder Thạch Thị Chal Thi: Với đồng bằng sông Cửu Long, theo dự báo của các nhà khoa học, trong vòng 30 - 50 năm nữa đâu đó sẽ có những nơi bị ngập 30% hoặc bị mặn xâm lấn. Khi mặn vào thì cơ cấu cây trồng bị thay đổi, lúa cũng không phù hợp với độ mặn 2 phần ngàn. Cây ăn trái như: mít, sầu riêng, ổi, ca cao,… khi bị ngập mặn cũng không thể  trồng được. Chỉ duy nhất có cây dừa là sống được, chỉ cần dừa ra hoa là thu được mật hoa dừa, người dân vẫn có được sinh kế. Đó là động lực để chúng tôi luôn hướng tới việc phải làm cho thật tốt, để xây được nhiều nhà xưởng lớn hơn, liên kết với nhiều hộ nông dân hơn.

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã nghĩ tới việc đầu tư, trồng cây theo những tiêu chuẩn hữu cơ, để sau này có thể tham gia được thị trường mua bán tín chỉ carbon…

CEO Phạm Đình Ngãi: Đúng vậy, bên cạnh giá trị kinh tế trực tiếp, cây dừa còn đóng góp lớn vào việc chống biến đổi khí hậu.Chúng tôi hiện cũng đang tìm hiểu và thực hiện các quy trình để bán tín chỉ carbon thông qua mỗi cây dừa. Theo nghiên cứu, với mỗi cây dừa trồng hơn 10 năm, số tín chỉ carbon có thể tính như giá trồng cây rừng là khoảng 1 USD/cây. Hiện nông trại của chúng tôi có 25.000 cây dừa đã trên 10 năm, số tiền thu về ít nhất là 25.000 USD cho người nông dân, chưa kể mỗi năm lại trồng thêm dừa. Đây là một khoản ngân sách mà những người nông dân chưa bao giờ nghĩ mình có thể thu được từ việc trồng cây bình thường. Hy vọng trong thời gian tới sẽ tạo ra được nguồn thu nhập thêm cho bà con.

Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 6

Năm 2021, Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards, hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp Phát triển bao trùm). Đó có phải là phần thưởng lớn nhất cho quá trình khởi nghiệp của Chal Thi và Ngãi ?

Founder Thạch Thị Chal Thi: Nhận được giải thưởng, Sokfarm rất hạnh phúc và tự hào. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, thành công lớn nhất mà chúng tôi đạt được là cái tên “Sokfarm - nông trại hạnh phúc” đã trở thành hiện thực. Mọi thành viên của công ty đều rất yêu công việc, yêu mảnh đất này. Tôi mừng vì ngày càng nhiều người dân quê hương mình không phải bỏ quê tha phương cầu thực. Cái tên mật dừa Sokfarm Trà Vinh được nhiều người biết đến.

Sokfarm cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ liên kết được với 500 nông hộ,  đến năm 2035 liên kết được với 1.000 nông hộ. Thật ra một nông hộ là hai vợ chồng cùng làm, những đôi khi cũng có những nông hộ một người làm gánh cho 4 - 6 người, nuôi cả gia đình. Vì thế đến năm 2030 tôi hy vọng công ty sẽ đạt được mục tiêu đã đưa ra, để tạo được giá trị cho cộng đồng nhiều hơn và bền vững hơn.

Trong cuộc sống thường ngày và bữa ăn gia đình của anh chị, mật hoa dừa có “góp mặt” trong những món ăn, thức uống nào?

Founder Thạch Thị Chal Thi: Hầu như món ăn thức uống nào mật hoa dừa đều có thể dùng thay thế cho đường tinh luyện. Mật hoa dừa là sản phẩm giàu khoáng chất, thuần tự nhiên và có chỉ số đường huyết thấp, nên phù hợp cho người ăn kiêng, người tiểu đường và rất tốt cho trẻ nhỏ. Mật hoa dừa cũng giúp tạo mùi thơm cho món ăn, tạo màu đẹp. Ví dụ như món kho, món xào hay là món nướng dùng mật hoa dừa hay nước tương mật hoa dừa khi nấu thì vừa ngon, vừa nhanh. Mùa hè nóng bức, cơ thể rất dễ bị mất điện giải, hoặc là say nắng, khi uống mật hoa dừa tươi sẽ giải khát rất tốt.

Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 7

Mục tiêu tiếp theo của Sokfarm nói chung và vợ chồng Chal Thi trên hành trình hạnh phúc này là gì? 

CEO Phạm Đình Ngãi: Hiện tại chúng  tôi vẫn đang trên hành trình mở rộng doanh nghiệp, để tăng cơ hội đầu tư ngược lại cho quê hương. Để có thể xây thêm nhà máy để tạo thêm việc làm cho dân làng, rồi liên kết với nhiều nông hộ hơn để họ thoát nghèo bền vững, thậm chí chúng tôi còn mơ ước xây được một ngôi trường mang tên Sokschool - trường học hạnh phúc. Bởi vì trong tương lai, khi mực nước biển thay đổi thì cơ cấu cây trồng thay đổi, sinh kế của người dân cũng thay đổi. Chỉ có giáo dục mới giúp cho trẻ nhỏ tiếp thu kiến thức của thế giới, rồi đem kiến thức đó quay lại giúp quê hương.

Founder Thạch Thị Chal Thi: Với tôi, ngoài chuyên môn ra, yếu tố con người là quan trọng nhất với bất kỳ doanh nghiệp nào. Tại Sokfarm, chúng tôi chú trọng đào tạo nhân sự và tạo ra một văn hóa doanh nghiệp hạnh phúc giống như mô hình nông nghiệp hạnh phúc mà chúng tôi đang theo đuổi. Chính văn hóa đó giúp cho những con người Sokfarm luôn luôn có tinh thần cầu tiến, làm sao để có thể tốt hơn mỗi ngày. Đây vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh của chúng tôi. Như chú Srây, một công nhân cao tuổi của Sokfarm đã nói: “Hạnh phúc đơn giản là mỗi ngày được trèo cây dừa…”.

Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 8

VnEconomy 12/04/2024 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2024 phát hành ngày 08/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Mật hoa dừa: Sinh kế bền vững cho người  Khmer - Ảnh 9