Chúng tôi đến xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, vào những ngày cuối năm 2023. Sự thay đổi của bản làng nơi đây khiến nhiều du khách khi trở lại không khỏi ngỡ ngàng. Lần đầu chúng tôi đến đây vào năm 2016, ở trung tâm xã chỉ có vài ngôi nhà. Vậy mà lần này trở lại, nhà sàn san sát, quán ăn, quán cà phê, homestay… mọc lên như “nấm sau mưa”.
Nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La, địa hình Tà Xùa trùng trùng núi cao kề bên những vực sâu hun hút. Đỉnh cao nhất lên tới 2.865m, xếp thứ 10 trong số những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Người dân Bắc Yên gọi Tà Xùa là cổng trời, nơi trời đất giao hòa, quanh năm mây trắng bao phủ.
Cách đây 10 năm, người dưới xuôi hầu như không ai biết đến thiên đường mây Tà Xùa. “Bất cứ địa điểm nào ở Tà Xùa cũng thường xuyên nhìn thấy biển mây bồng bềnh dưới chân. Nhưng cảnh này với người H’mông ở Bắc Yên nói chung, người dân Tà Xùa nói riêng không phải xa lạ. Vì thế không ai nghĩ biển mây là cảnh đẹp lạ thường thu hút người dưới xuôi đến thế. Thậm chí với người dân nơi đây, núi cao nên đi lại rất khó khăn, họ chỉ thấy gian nan và mù mịt”, ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, chỉ tay về phía biển mây, chia sẻ. Vào năm 2012, một nhóm người từ Hà Nội lên Tà Xùa làm từ thiện giúp đỡ những cháu bé học sinh hoàn cảnh khó khăn. Họ khen cảnh nơi này đẹp như “tiên giới”, rồi chụp ảnh, viết bài đăng báo, gọi Tà Xùa là “Thiên đường mây”. Từ đó, du khách mới bắt đầu biết đến Tà Xùa. Khách du lịch đến Tà Xùa năm sau luôn đông hơn năm trước. Đặc biệt từ năm 2022 trở lại đây, quanh năm ngày nào cũng đông khách du lịch, có những ngày nườm nượp hàng nghìn khách đến vãn cảnh, “checkin” ở Tà Xùa.
Theo ông Mùa A Sang, trong 5 năm trở lại đây, phong trào “bỏ phố lên rừng làm homestay”, rất nhiều người từ Hà Nội và TP Sơn La tìm lên Tà Xùa mua đất để làm nhà nghỉ, mở quán ăn, quán cà phê, khiến cho giá đất ở Tà Xùa tăng chóng mặt. Từ mức khoảng 100-500 nghìn đồng/m2 thời điểm năm 2017, giá đất ở Tà Xùa đã tăng lên gấp hàng chục lần vào giai đoạn 2020-2022. Có lô đất mặt đường tại khu trung tâm xã, gần sân mây, có chiều ngang khoảng 10m, sâu khoảng 50m được chuyển nhượng với giá khoảng hơn 10 tỷ đồng. Diện tích tự nhiên của xã rất rộng, lên tới 44,97 km2, dân số trước năm 2015 chưa đến 2.500 người.
“Tuy nhiên, hầu hết diện tích của xã Tà Xùa là núi dốc không thể làm nhà ở hay canh tác nông nghiệp được. Những địa điểm bằng phẳng có thể làm nhà hay dựng hàng quán rất hiếm, đó là lý do khiến giá đất tăng vọt”, ông A Sang giải thích.
Theo lãnh đạo xã Tà Xùa, những năm qua trên địa bàn xã nảy sinh tình trạng người dân lén lút đào núi, san lấp trái phép để lấy mặt bằng rồi bán lại cho người nơi khác. Nhiều nhà đầu tư mua đất rừng phòng hộ để xây homestay. Trước tình trạng này, từ giữa năm 2022 trở lại đây, UBND huyện Bắc Yên đã chỉ đạo UBND xã Tà Xùa phối hợp với Hạt Kiểm lâm tiến hành kiểm tra, xác minh đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Rất nhiều công trình nhà cửa vi phạm, đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, buộc phải tháo dỡ. Nhờ vậy, tình trạng mua bán trái phép đất rừng mới hạ nhiệt, hiện giá đất ở Tà Xùa đã giảm so với năm 2022.
Đến Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc tọa lạc tại Bản Bẹ xã Tà Xùa, tôi gặp Mùa A Vừ – chàng trai người Mông sinh năm 1988 tại Bản Bẹ. Dẫn tôi đi thăm cánh rừng chè Shan Tuyết cổ thụ ở Bản Bẹ , anh kể cho tôi nghe về cuộc sống, về Tết của người Mông nơi đây.
Mùa A Vừ cho biết, tháng Chạp âm lịch hàng năm là khoảng thời gian người H’mông xã Tà Xùa đón Tết truyền thống của dân tộc mình. Đây cũng là thời điểm những cánh đào đầu tiên trên vùng rẻo cao Tây Bắc bắt đầu bung nở. Từ đầu tháng Chạp, người H’mông đã nghỉ làm nương rẫy để dọn dẹp, trang trí nhà cửa và sắm sửa quần áo mới. Tết của người H’mông cũng là dịp mọi người diện quần áo mới, xúng xính trong những trang phục thổ cẩm truyền thống được làm chủ yếu bằng vải tự dệt và thêu hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Phong tục Tết của người H’mông bao gồm rất nhiều các hoạt động, trong đó có lễ cúng ông bà, tổ tiên, gia đình quây quần bên nhau uống rượu ngô, ăn cơm Tết, chúc Tết nhau, vui chơi các trò chơi truyền thống như ném pao, đánh cù, đánh quay… Ngày Tết của người H’mông ở Tà Xùa độc đáo với món thắng cố thơm ngon, mèn mén ăn thay cơm, bánh dày dẻo mềm.
Mỗi dịp Tết đến, khắp bản trên làng dưới đều nô nức tiếng chày giã gạo làm bánh dày. Đây là thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết, vì theo quan niệm của người H’mông, bánh dày là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng là nguồn gốc sinh ra loài người.
Mỗi nhà thường làm từ 50 đến 100 chiếc bánh dày cúng Tết. Mùa A Vừ cho hay, người Mông ở Tà Xùa vốn nhiều trà nhưng lại không thường hay uống như người Kinh, người Thái. Nhưng có một điều là trong đồ cúng trên bàn thờ ngày Tết lại không thể thiếu trà. Cúng “con ma nhà”, phải cúng bằng ba chén trà chứ không cúng rượu. Khi được hỏi vì sao lại cúng trà, trong khi người dưới xuôi thường cúng rượu, Vừ trả lời: “Con ma nhà không lấy rượu đâu, chỉ ưa trà thôi!”.
Mùa A Vừ dẫn tôi vào trong rừng chè Shan Tuyết cổ thụ. Tà Xùa có 8 bản, nhưng chỉ có hai bản có rừng chè Shan Tuyết cổ thụ hoang dã. Bản Bẹ cách trung tâm xã Tà Xùa tới 7 km, có thể nói là nơi xa xôi nhất nên không có nhiều du khách đến tham quan check in biển mây như các bản khác ở Tà Xùa, nhưng bù lại nơi đây tập trung cây chè Shan Tuyết cổ thụ nhiều nhất xã. Với hơn 500 cây chè cổ thụ tuổi 300-500 năm, trong đó nhiều cây đã được công nhận là cây di sản, gốc to cỡ phải 2-3 người ôm không xuể.
Chỉ tay vào rừng chè cổ thụ, Mùa A Vừ nói: “Từ lúc mình sinh ra đã thấy những rừng chè cổ thụ này rồi. Đời ông, đời cụ cũng nói sinh ra đã có rồi. Khi xưa, cây chè mọc thành rừng, chúng cứ mọc tự nhiên giữa mây trời và trở thành những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên những ngọn núi cao”.
Loài cây này gọi là chè Shan Tuyết vì trên búp có lớp lông tơ màu trắng như phủ tuyết. Cây chè sống trên đỉnh núi cao, quanh năm mây mù bao phủ, nên tinh túy từ mây trời thấm vào trong từng búp trà làm nên hương vị đặc biệt. Theo A Vừ, mỗi năm cây chè cổ thụ ra 4 đợt búp. Nhưng búp trà loại thượng hảo hạng nhất phải thu hái vào mùa xuân, cữ tháng 2 và 3 dương lịch.
“Mình đã đến những nơi trồng chè nổi tiếng như Thái Nguyên, Yên Bái, Mộc Châu… thấy người ta hay nói về các loại trà “một tôm”, “một tôm một lá”, “một tôm hai lá”, thậm chí là chè bồm (chỉ làm từ lá chè). Nhưng ở đây, loại bạch trà chỉ được hái chè một tôm, tức là khi búp chè còn nguyên, chưa mở ra chiếc lá nào”, Mùa A Vừ nói.
Búp chè nguyên sơ thấm đậm nắng mưa sương gió đất trời, toàn bộ lớp lông tơ mượt trắng như tuyết bao lấy búp chè, vị đặc biệt của trà nằm ở đó. Thời gian thu hái thường vào sáng sớm những ngày trời mát và nếu có sương mù thì càng tốt, vì đó là khoảng thời gian búp chè đang ngậm sương và sẽ cho nguyên liệu ngon nhất để sản xuất trà.
Mùa A Vừ khoe, dường như ở nước ta, chỉ người dân Tà Xùa mới có cách chế biến trà độc đáo. Đó là để trà tự lên men, làm mất dần vị chát, chuyển sang vị ngọt nhẹ. Trà lên men càng để lâu càng ngon, càng để lâu càng quý, đặc biệt trà để 100 năm là vô giá. Bởi vậy, trong khi các loại trà khác có hạn sử dụng, thì riêng Bạch Trà mây Tà Xùa không ghi hạn sử dụng. Trà thông thường có nhiều chất tannin nên uống dễ mất ngủ. Điều khác biệt của trà lên men là đã chuyển hóa được các chất tanin thành chất khác, nên uống không có vị chát và không gây mất ngủ. Theo nhiều khách thưởng trà, trà Tà Xùa có mùi thơm rất lạ, dùng qua 7, 8 lượt nước sôi mà chẳng nhạt đi, cứ sóng sánh, vàng ươm như mật ong. Cánh trà Tà Xùa không bện chặt như những loại trà khác, từng búp tách rời nhau, hương vị có mùi ngai ngái của khói bếp, khi pha với nước sôi, mang vị đậm đà thảo mai như cây cỏ. Mới đầu có vị chát dịu nhưng ngay sau đó sẽ là vị ngọt thơm, khiến không ai có thể quên được.
Mùa A Vừ chia sẻ, trong 5 năm trở lại đây, đời sống của dân Bản Bẹ có nhiều đổi thay. Trước kia, người dân bán được rất ít chè, do đường đi xa xôi trắc trở, riêng đoạn đường từ trung tâm xã đến bản dài tới 5 km. Trước đây vốn là đường đất, chỉ có thể đi bộ, nên thương lái không muốn lên bản để thu mua chè.
Từ khi có Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc (Shanam) đầu tư xây xưởng chế biến chè ngay tại bản, Công ty thành lập hợp tác xã, thu mua chè của bà con người H’mông ở Bản Bẹ, thì đời sống của người dân nơi đây mới khấm khá dần lên. Mùa A Vừ cùng với khoảng hơn 10 người dân trong bản được nhận vào làm tại xưởng chế biến chè của Công ty.
“Gần 5 năm trước đây Bản Bẹ không có điện. Từ khi Shanam về đây, họ kéo đường dây điện từ trung tâm xã về tận bản. Bây giờ ánh sáng điện đã về với hầu hết các nhà trong bản, không còn tối tăm nữa. Đường bê tông cũng đã được mở đến bản, nên người dân đã sắm xe máy để đi ra trung tâm xã, xuống tận huyện, ra cả thành phố Sơn La”, Mùa A Vừ phấn khởi nói. Còn một niềm vui khác, đó là thư viện cộng đồng được khánh thành ngày 13/10/2023 tại trường Tiểu học và THCS Tà Xùa. Bàn ghế, ti vi, tủ kệ và hơn 1.000 cuốn sách các thể loại đã được trao tặng cho Tà Xùa tại 2 khu vực trường Tiểu học và trường THCS. Quỹ Chắp cánh CC Foundation, Seabank và Shanam là những đơn vị đồng tài trợ xây dựng Thư viện cộng đồng này.
VnEconomy 07/02/2024 07:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam