) Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu “khủng” - VnEconomy Emagazine
Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu “khủng” - Ảnh 1
Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu “khủng” - Ảnh 2

Xin ông khái quát đôi nét về phát triển ngành chăn nuôi của nước ta hiện nay?

Tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam hàng năm đạt khoảng 545-550 nghìn tỷ đồng, tương đương 22 tỷ USD/năm. Hàng năm, ngành chăn nuôi đạt tổng sản lượng thịt hơn 7 triệu tấn (trong đó, thịt lợn hơi 4,5 triệu tấn; thịt gia cầm 2,3 triệu tấn); 19,2 tỷ quả trứng gia cầm, sản lượng sữa tươi 1,2 triệu tấn…

Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu. Năm 2023, xuất khẩu đạt 515 triệu USD và trong 8 tháng năm 2024 đạt 324 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, sự phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tình trạng kháng kháng sinh… Đặc biệt vấn đề quản lý môi trường đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành cần phải giải quyết.

Trong nửa đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành 5 Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi. Trong tháng 8/2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với đó, nguồn tư liệu bổ sung rất lớn cho sản xuất chăn nuôi là 9 nội dung về đất dành cho chăn nuôi đã được đưa vào Luật Đất đai 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024). Như vậy, đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, có chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng để ngành phát triển bền vững trong tương lai.

Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu “khủng” - Ảnh 3

Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu rất lớn, ông phân tích rõ hơn về thực trạng này?

Theo số liệu thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515 triệu USD. Như vậy, ngành chăn nuôi nhập siêu mỗi năm khoảng trên 3 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2024, giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đã lên tới 2,09 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, thịt gia cầm nhập khẩu 195.000 tấn, tăng 30%. Ngoài nhập khẩu chính ngạch, còn lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập lậu. Theo phản ánh của báo chí và các cơ quan chức năng, trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000 - 8.000 con lợn thịt (khối lượng 100 - 120 kg/con) được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà giống…

So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Cục Thú y đang sửa đổi Thông tư 25/2016, rà soát lại và bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, kỳ vọng sẽ kiềm chế được phần nào vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu “khủng” - Ảnh 4

Tình trạng nhập siêu cho thấy năng lực cạnh tranh yếu của chăn nuôi trong nước. Phải chăng, ngành chăn nuôi nước ta lạc hậu so với thế giới, thưa ông?

Tôi khẳng định, công nghệ chăn nuôi ở Việt Nam thuộc hàng đầu thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp lớn như CP, De Heus, Dabaco, Hòa Phát, BAF, Mavin… đầu tư hệ thống trang trại hiện đại, tiên tiến vào bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu thực phẩm của nước ta rất lớn, bởi Việt Nam có 100 triệu dân, đứng thứ 13 thế giới. Có những sản phẩm Việt Nam lợi thế xuất khẩu thì ta bán ra thế giới, nhưng cũng có những sản phẩm ta chấp nhận chỉ đủ ăn  như ngành hàng thịt.

Sở dĩ giá thành chăn nuôi ở Việt Nam cao là do 85% khối lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 6,8 tỷ USD. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng của năm 2024, Việt Nam chi 2,91 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm cho 100 triệu dân đã là nỗ lực rất lớn.

Mỗi năm cả nước sản xuất 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nên nhu cầu nguyên liệu rất lớn. Trong chiến lược chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045, để giải quyết vấn đề nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp như chuyển đổi đất trồng cây khác sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi; thúc đẩy sản xuất các nguyên liệu thức ăn bổ sung.

Từ cách đây hơn 10 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn đã có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhưng rốt cuộc không thành công. Bởi trồng lúa gạo xuất khẩu cho lợi nhuận cao hơn trồng ngô, trong khi đất trồng lúa là ruộng nước, trồng ngô cần đất khô. Những năm gần đây ở Sơn La, nhiều diện tích trồng ngô đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực tế cho thấy, chúng ta chỉ có thể hướng đến giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, chứ không thể giải được bài toán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Một hướng đi khả dĩ hơn là sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, rất nhiều phụ phẩm từ các ngành trồng trọt, lâm nghiệp, chế biến thủy sản đều có tiềm năng lớn sử dụng làm đầu vào cho thức ăn chăn nuôi, đây cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu “khủng” - Ảnh 5

Để giải quyết những hạn chế của ngành chăn nuôi hiện nay, xin ông cho biết phương hướng phát triển của ngành trong quý cuối năm 2024 và những năm tới?

Dù còn nhiều thách thức, nhưng những tháng cuối năm 2024, chăn nuôi Việt Nam được dự báo sẽ thuận lợi hơn so với các năm trước. Hiện nay, giá các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt giá thịt lợn tăng, đảm bảo giúp chăn nuôi có lãi. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước tăng trưởng ở mức tăng 5,5%/năm, đầu ra cho chăn nuôi rộng mở hơn. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã giảm 2-3 đợt. Doanh nghiệp và nông dân kỳ vọng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì xu hướng giảm trong các tháng cuối của năm 2024, do giá nguyên liệu nhập khẩu đã giảm rất mạnh.

Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy chăn nuôi. Chúng tôi đã có những dự báo, tham mưu cho Chính phủ về nhu cầu thực phẩm sẽ tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán. Do đó, phải đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đảm bảo dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Về dài hạn, ngành chăn nuôi đang thúc đẩy chăn nuôi xanh, chăn nuôi tuần hoàn, giảm phát thải, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Chăn nuôi tại Việt Nam khác với ở các quốc gia khác, đó là chúng ta phải duy trì sinh kế cho nông dân, duy trì chăn nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo an sinh xã hội. Nếu chỉ phát triển công nghiệp hóa chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại sẽ dễ hơn rất nhiều, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ có cái khó là phải đảm bảo an toàn sinh học.

Do đó, sẽ thúc đẩy những mô hình liên kết sản xuất nông hộ nhỏ, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp tổng hợp và hài hòa các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, tiết kiệm đầu vào nâng cao chất lượng đầu ra. Cùng với đó, thúc đẩy sử dụng phế phụ phẩm của các ngành trồng trọt, lâm nghiệp, chế biến thủy sản để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, đồng thời sử dụng chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón cho cây trồng, để tạo nên tuần hoàn của ngành chăn nuôi theo tiêu chí bền vững, an toàn thân thiện với môi trường.

Hiện nay, cùng với phát triển chăn nuôi VietGAP, Cục Chăn nuôi đang xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển chăn nuôi hữu cơ, đồng thời xây dựng văn bản hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính, hướng dẫn thương mại tín chỉ carbon trong ngành chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu “khủng” - Ảnh 6

VnEconomy 09/09/2024 11:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2024 phát hành ngày 09/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành chăn nuôi vẫn nhập siêu “khủng” - Ảnh 7