Xin ông cho biết đâu là những thách thức ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt trong năm 2024?
Năm 2024, có rất nhiều thách thức, rào cản đan xen. Trước hết, quan hệ chính trị giữa các nước lớn đang tiếp tục bất ổn và có những vấn đề không lường trước được. Tiếp theo là tiêu chuẩn hóa của các nước nhập khẩu đặt ra đối với nền công nghiệp dệt may như tạo ra những dòng sản phẩm thời trang bền vững, sản phẩm có thể tái chế, tuần hoàn...
Cùng với đó là vấn đề cạnh tranh thị trường thương mại toàn cầu của một số nền công nghiệp dệt may. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tính hội nhập sâu rộng toàn diện của các hiệp định thương mại. Thách thức này không dừng lại cho một ngành mà ở tất cả các ngành công nghiệp.
Điều đáng nói, thách thức đến từ bản thân nội tại doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may hiện đang thiếu ba nguồn lực: nguồn lực về công nghệ quản trị; nguồn lực công nghiệp thời trang phát triển mẫu để chủ động; nguồn lực đội ngũ làm thị trường, những người tìm kiếm nguồn hàng và lựa chọn nhà cung cấp phù hợp để đi đến thỏa thuận, ký kết hợp đồng mua hàng cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu.
Tiếp đến là thách thức về liên kết chuỗi, phát triển cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Chúng ta không thể đứng ở “sân chơi” mà ở đó chỉ có một vài doanh nghiệp mạnh, mà cần có một tập thể dệt may mạnh, cộng đồng dệt may mạnh nhằm thúc đẩy khả năng phát triển đội ngũ các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của ngành công nghiệp kéo sợi, dệt nhuộm và may.
Ngoài ra, công nghiệp thời trang Việt Nam hiện đang thiếu nguyên phụ liệu lớn từ trong nước. Đây là vấn đề của ngành dệt may kéo dài nhiều năm nay. Dù Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, tuy nhiên do nhận thức chưa đúng, nhiều địa phương đã đưa ra những rào cản trong kêu gọi đầu tư vào ngành dệt, nhuộm. Đây là một thách thức cực kỳ lớn, bởi nếu ngành dệt may không có nguyên liệu trong nước, không chủ động nguồn nguyên liệu mà phụ thuộc vào nhập khẩu, thì sẽ bỏ phí cơ hội vô cùng lớn từ các hiệp định thương mại với thuế suất bằng 0 do không có vải xuất xứ từ Việt Nam.
Các giải pháp quản lý môi trường, phòng cháy chữa cháy, tiêu chuẩn đo lường… cũng là những thách thức không nhỏ. Chúng ta đã tham gia "sân chơi" toàn cầu, các quy định phải tương thích với tiêu chuẩn toàn cầu, không gây áp lực quá lớn cho doanh nghiệp.
Để tháo gỡ được các điểm nghẽn này, ngành dệt may cần có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Muốn tháo gỡ được các điểm nghẽn, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như EPR trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu (CBAM).
Đồng thời, cần có chiến lược trong thu hút đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt theo chiến lược dệt may Chính phủ đã thông qua. Để làm được điều này, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, đầu tư các cụm, khu công nghiệp sợi, dệt, nhuộm tập trung,... tạo điều kiện để ngành phát triển.
Bộ Công Thương cần sớm làm việc với các địa phương nhằm hoạch định quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tuân thủ các quy định về môi trường, kêu gọi các dự án công nghiệp dệt nhuộm nhất là dệt nhuộm vải cao cấp và dệt thoi, dệt kim vào đầu tư.
Đồng thời cần có cơ chế về thuế với công nghiệp dệt may như xuất khẩu tại chỗ, thuế giá trị gia tăng đầu vào, vì doanh nghiệp hiện chịu áp lực lớn về chi phí lãi vay ngân hàng, lương cho lao động, chấp nhận thanh toán sau…
Cần có giải pháp phát triển môi trường. Môi trường xanh không chỉ là cây xanh mà đòi hỏi đầu tư vào các giải pháp về công nghệ, trang thiết bị, nguồn lực, con người… Không đốt nồi hơi bằng dầu và than mà chuyển sang đốt nồi hơi điện. Như vậy chi phí sẽ tăng lên, lúc này cơ chế tài chính tạo ra cần giúp doanh nghiệp thích ứng cũng như thu được nguồn lợi nhất định.
Đẩy mạnh phát triển thương hiệu dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới cũng là giải pháp quan trọng. Theo đó, cần có trung tâm phát triển ngành công nghiệp thời trang tại Hà Nội và TP.HCM, đây chính là sân chơi, sàn diễn cho các nhà thiết kế. Chúng ta cần đặt vấn đề: chọn ra thương hiệu của doanh nghiệp nào để tập trung xây dựng và đưa thương hiệu đó ra thị trường thế giới qua các kênh phân phối nào? Điều này cần sự hoạch định mang tầm chiến lược quốc gia, từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để đăng ký thương hiệu độc quyền trên thị trường thế giới. Đây là nhiệm vụ cấp bách không thể chậm trễ.
Ông có nhấn mạnh tới vấn đề chuyển đổi “xanh hóa” của dệt may để đáp ứng các yêu cầu của các nhãn hàng, xin ông chia sẻ rõ hơn?
Xanh hóa là xu hướng bắt buộc, là con đường phải đi đối với các ngành sản xuất trong đó có dệt may. Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR và CBAM cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Đặc biệt vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng. Đơn cử, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Tức là các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng.
Vì vậy, để phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Giải pháp chính của ngành dệt may sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Trong đó, thu hút các dự án dệt, nhuộm hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; chuyển đổi số, đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may...
Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa: xanh hóa là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Cần tích ứng sản phẩm tuần hoàn vào sản phẩm dệt may, đây là điều bắt buộc chứ không còn chỉ nằm trên giấy. Vì thế, Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng “chiến lược xanh hóa”, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái.
Đặc biệt, cần có Quỹ tài nguyên môi trường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, vay lãi suất chỉ bằng 0-2%/năm nhằm khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ theo cam kết COP 26. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có dòng tiền cho chiến lược này.
VnEconomy 07/03/2024 14:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 10-2024 phát hành ngày 04-03-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam