) Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - VnEconomy Emagazine
Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 1
Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 2

Xin ông cho biết tình hình sản xuất và tiêu thụ phân bón ở nước ta hiện nay như thế nào?

Hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước khoảng hơn 11 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng phân bón công nghiệp sản xuất trong nước đạt khoảng gần 8 triệu tấn/năm. Sản xuất và tiêu dùng phân bón đang mất cân đối, trong khi các sản phẩm urê và phân lân dư thừa, thì nhiều sản phẩm phân bón khác như kali, các loại phân bón vi lượng, phân bón hữu cơ vẫn thiếu hụt, dẫn đến Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 40% lượng phân DAP và toàn bộ lượng phân kali để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nhu cầu về urê cho sản xuất nông nghiệp trong nước chỉ khoảng 1,6 đến 1,8 triệu tấn/năm. Thế nhưng năng lực sản xuất ure của 4 nhà máy trong nước gồm Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ (thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam); Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc (thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam) đã đạt khoảng 3 triệu tấn. Vì vậy, đến thời điểm này, nguồn cung phân urê trong nước đã vượt xa nhu cầu.

Tình trạng này cũng tương tự đối với phân lân, thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, nhu cầu phân supe lân sử dụng trực tiếp ở mức 500.000 tấn/năm, lượng supe lân nguyên liệu cho sản xuất phân bón tổng hợp NPK khoảng 600.000 tấn/năm. Thế nhưng hiện tổng công suất sản xuất phân bón supe lân của Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần phân bón miền Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang (thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam); Supe lân Apromaco Lào Cai thuộc Công ty Vật tư nông sản đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn/năm. Thêm vào đó, sản lượng phân lân nung chảy của ba nhà máy phân lân (Văn Điển, Ninh Bình, Lào Cai) khoảng hơn 600.000 tấn/năm. Tính ra, năng lực sản xuất phân bón supe lân đang dư thừa khoảng 1 - 1,1 triệu tấn/năm.

Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 3

Phân urê và phân lân dư thừa lớn như vậy, xuất khẩu có phải là lối thoát, thưa ông?

Các doanh nghiệp sản xuất phân urê và phân lân đang triển khai nhiều giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng tiêu thụ, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, nhập khẩu phân bón của cả nước đạt gần 4,12 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỷ USD. Trong năm 2023 cả nước xuất khẩu gần 1,55 triệu tấn phân bón, kim ngạch 648,9 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu phân bón đạt 335,3 nghìn tấn, tăng 35% về sản lượng và 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 38% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước năm 2023. Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc, chiếm 5,8% trong tổng khối lượng và chiếm 5,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón. Thị trường Malaysia chiếm 6,3% trong tổng khối lượng và chiếm 5,2% trong tổng kim ngạch.

Trong bối cảnh hiện nay, rất cần những chính sách phù hợp hỗ trợ để thúc đẩy xuất khẩu phân bón để các doanh nghiệp sản xuất phân urê cũng như phân lân hoạt động hiệu quả, tránh việc phải thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn bị áp thuế xuất khẩu 5% khiến phân bón Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài. Thực tế cũng cho thấy việc xuất khẩu urê của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn urê từ một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Brunei,... nơi các nhà sản xuất không phải chịu thuế xuất khẩu 5%.

Cuối năm 2023, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính về góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có kiến nghị áp thuế suất thuế xuất khẩu một số loại phân bón như urê, supe lân, SOP về 0%, thay vì mức 5% như hiện hành. Chúng tôi rất mong Nhà nước xem xét lại chính sách thuế để khuyến khích xuất khẩu urê và tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu.

Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 4

Ngoài áp lực xuất khẩu, ngành phân bón còn chịu những áp lực nào khác, thưa ông?

Áp lực lớn nhất đối với ngành phân bón là chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Nông nghiệp là ngành phát sinh các khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai (sau ngành năng lượng), tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trồng lúa, chăn nuôi, quản lý đất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Các loại khí nhà kính phát thải chính trong nông nghiệp, gồm: N2O, CH4 và CO2, đóng góp khoảng 13,5% tổng lượng phát thải. Trong đó, phát thải N2O chiếm 32% lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, chủ yếu do sử dụng phân đạm urê dư thừa… Do vậy, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 5

Xin ông cho biết những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón?

Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón phải bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón.

Trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng phân bón, áp dụng nông nghiệp hữu cơ là một trong những giải pháp lựa chọn phù hợp để giảm phát thải, vì sử dụng nguyên liệu đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) ít phát thải ô nhiễm, sử dụng các chất hữu cơ để đảm bảo độ phì nhiêu cho đất, giúp nâng cao khả năng chống chịu của cây trồng với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, nông nghiệp chính xác cung cấp một loạt các công nghệ giám sát giúp nông dân sử dụng chính xác chủng loại và lượng phân bón.

Đối với lĩnh vực sản xuất phân bón, nhiều doanh nghiệp đã tích cực chuyển đổi sản xuất, có các biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Amoniac là hóa chất phổ biến sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón chứa nito. Amoniac được tạo ra ở áp suất cao dưới nhiệt độ cao, có nghĩa là cần rất nhiều năng lượng đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí mê-tan, thải ra carbon dioxide. Một số công ty phân bón đã bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu khác tập trung vào việc tìm kiếm các phương pháp tổng hợp amoniac thay thế.

Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 6

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ta (điển hình như Nhà máy đạm Cà Mau) đã phát triển rộng rãi của các dạng phân bón đặc biệt như phân bón phân giải/tan chậm, kiểm soát phân giải sẽ giúp đạt được mục đích cuối cùng của bón phân đúng là để tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón đã và đang chuyển đổi theo hướng nghiên cứu sản xuất đa dạng sản phẩm, bổ sung vào phân bón nhiều chất đa, vi lượng hữu ích giúp nâng cao hiệu quả của phân bón. Điển hình như các sản phẩm phân bón chứa amoni sulphat, amoni nitrat, KNO3, K2SO4... thay thế phân urê dùng bón cho đất bị nhiễm mặn.

Các sản phẩm phân bón lá chứa K, Ca, Mg, Si giúp cây tăng khả năng chịu hạn, làm cứng cây, không bị đỗ ngã. Một số sản phẩm phân bón bổ sung các acid amin, vitamin để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn; bổ sung Calcium (Ca), silic làm vững chắc vách tế bào, giúp cây cứng cáp, khử mặn, ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất.

Hiện, sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô công nghiệp của cả nước mới chỉ đạt khoảng 3 triệu tấn năm. Mục tiêu của ngành phân bón đề ra phấn đấu đến năm 2030, nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón; nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ công nghiệp lên 5 triệu tấn/năm.

Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 7

VnEconomy 01/05/2024 06:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2024 phát hành ngày 29/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành phân bón trước áp lực xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 8