"Năm 2022, Bắc Ninh có tốc độ tăng trưởng khoảng 7,39%, đây là con số tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2018 – 2022. Trong sự tăng trưởng này, công nghiệp chiếm khoảng 6,93%. Về vốn FDI, Bắc Ninh cùng với 3 địa phương khác là Hải Phòng, Hà Nội đang trở thành động lực tăng trưởng cho cả vùng kinh tế Bắc Bộ về thu hút đầu tư nước ngoài.
Tới thời điểm này, Bắc Ninh thu hút được lũy kế khoảng 24 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp Hàn Quốc đang đứng đầu về cả quy mô, số lượng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 của Bắc Ninh tăng trưởng khoảng 9,5%, cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2022, Bắc Ninh đứng thứ 7 cả nước, trong các chỉ số thành phần như chi phí thời gian, đào tạo lao động, gia nhập thị trường, tiếp nhận đất đai và thiết chế pháp lý.
Bắc Ninh có hệ thống điện rất tốt, có thể cung cấp ổn định cho các khu công nghiệp. Hiện chúng tôi đang kêu gọi dự án sản xuất pin nano với hình thức đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài. Vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD. Diện tích sử dụng đất vào khoảng 20 hecta tại khu công nghiệp Yên Phong 2B, nhu cầu lao động cho dự án này khoảng 5.000 người.
Thị trường của pin nano có tiềm năng rất lớn, nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại pin thông thường, loại pin này dùng cho thiết bị di động, thiết bị y tế, xe ô tô, năng lượng tái tạo và kinh tế - xã hội.
Doanh nghiệp Hàn Quốc có những thế mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nên Bắc Ninh hy vọng sẽ sớm tìm, thu hút được nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất".
“Phú Thọ có mối quan hệ rất tốt với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngay từ những năm 1990, Phú Thọ đã có dự án đầu tư đến từ Hàn Quốc, đó là dự án nhà máy dệt của Công ty Pangrim Neotex. Đây có thể coi là dự án hợp tác đầu tiên giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Hiện doanh Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về số dự án đầu tư tại Phú Thọ, chiếm 88% số doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 530 triệu USD. Vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc đang tăng nhanh vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như gia công, xuất khẩu hàng may mặc, sản xuất, lắp ráp…
Chúng tôi đang chuẩn bị rất tốt những điều kiện để có thể hợp tác sâu rộng, chặt chẽ hơn với các đối tác Hàn Quốc nói riêng cũng như các doanh nghiệp nước ngoài nói chung. Phú Thọ nằm trên trục hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Chỉ mất khoảng 45 phút để di chuyển từ Việt Trì đến sân bay Nội Bài, mất khoảng 2 đến 3 tiếng để tới cửa khẩu Lào Cai hoặc thời gian ngắn hơn để tới Hải Phòng, Quảng Ninh…
Phú Thọ có lợi thế lớn của vùng trung du: diện tích đất lớn, mặt bằng sạch để xây dựng khu công nghiệp để chờ đón các nhà đầu tư kể cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ hoặc các dự án ở các lĩnh vực khác.
Nguồn nhân lực của Phú Thọ cũng là lợi thế vì chúng tôi có dân số đông, khoảng 1,7 triệu người, trong đó lực lượng đang độ tuổi lao động rất đông đảo. Những yếu tố này giúp chúng tôi tự tin để có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc cũng như các nước khác ngày càng tốt hơn”.
“Bắc Ninh đã trở thành quê hương của điện thoại thông minh của cả thế giới bởi không chỉ có Samsung mà còn nhiều “đại gia” lớn khác trên thế giới đã tập trung tại đây. Ngoài điện thoại thông minh, còn nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện máy tính, công nghệ cao đang muốn vào địa phương này đầu tư, nhưng số lao động tại Bắc Ninh cũng có hạn, vì vậy Bắc Ninh cần chú ý cung cấp nguồn lao động chất lượng cao và phù hợp với những công việc mới mà Bắc Ninh có thể thu hút được.
Theo tôi, việc đào tạo nguồn nhân lực phải đi cùng với những chính sách của Nhà nước. Nếu Bắc Ninh hoặc các tỉnh nào khác muốn thu hút lĩnh vực gì, thì phải chuẩn bị trước và làm việc với doanh nghiệp. Ngày xưa, Samsung mới bắt đầu làm về lĩnh vực điện tử, chính quyền địa phương đã yêu cầu hợp tác với các trường đại học để đào tạo khóa học về điện tử, hoặc các chuyên ngành liên quan. Đó là bước chuẩn bị cơ bản và rất sớm.
Ở Việt Nam tôi thấy có một vấn đề về nguồn nhân lực, đó là có quá nhiều trường cùng đào tạo về một chuyên ngành, trường nào cũng có khoa kế toán, thành ra thừa và lãng phí thời gian. Nguồn nhân lực ở Việt Nam tương đối dồi dào, khéo léo. Nhưng vấn đề rất đau đầu với doanh nghiệp là tại các thành phố lớn, nhân viên người Việt thường xuyên thay đổi công việc – “nhảy việc” rất nhiều.
Tất nhiên không ai bắt buộc người đó phải làm việc cả đời tại một công ty, nhưng trong một hồ sơ xin việc ghi tới
3-4 lần chuyển việc trong một năm, điều này rất không tốt.
Thêm một vấn đề khác chúng tôi rất lo ngại đó là vấn đề đảm bảo nguồn điện cho doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định. Nếu muốn thu hút được nhà đầu tư lớn, công nghệ cao thì vấn đề điện phải được đặt nên hàng đầu, phải đảm bảo tốt sản lượng điện, chất lượng điện, qua đó giúp nhà đầu tư yên tâm, vận hành sản xuất ổn định”.
“Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng. Giờ đây, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang nghiêm túc dõi theo Việt Nam - một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động, để tìm hiểu những biến đổi chính sách công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang đe dọa sự tiếp nối của câu chuyện thành công này.
Để tăng cường năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư cũng như thực hiện cam kết, xây dựng lòng tin giữa Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp. Sự thành công của Samsung trong thời gian qua chính là kết quả của những cam kết mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trong việc cung cấp một môi trường kinh doanh tuyệt vời.
Về phía Samsung, sau khi đầu tư tại Việt Nam, Samsung cũng đã thực hiện đầy đủ những cam kết như tạo công ăn việc làm ổn định, phát triển đồng thịnh vượng cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, Samsung cũng đã hiện thực hóa cam kết xây dựng trung tâm R&D, không chỉ sản xuất mà còn triển khai các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin công nghệ cao”.
“Hải Dương có vị trí rất đặc biệt trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có đầu mối giao lưu thương mại, trung chuyển hàng hóa rất tốt với Thủ đô Hà Nội cũng như hành lang kinh tế ven biển Hạ Long, Hải Phòng, Quảng Ninh; rất gần hai sân bay là Nội Bài và Cát Bi, đây là vị trí chiến lược rất thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Dân số của Hải Dương hiện có hơn 2 triệu người, trong đó những người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Hải Dương có 3 trường đại học lớn cùng rất nhiều trung tâm để đào tạo lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn, đòi hỏi trình độ nhân lực ở mức cao, trong đó có nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Đến nay có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Hải Dương để đầu tư, hiện có khoảng 500 dự án đã vào Hải Dương, tổng mức đầu tư khoảng hơn 10 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ nhất về số lượng dự án, đứng thứ 3 về vốn đầu tư, chiếm khoảng 30% vốn FDI tại địa phương.
Hải Dương đánh giá rất cao các dự án của Hàn Quốc trong lĩnh vực điện, điện tử, linh kiện, ô tô… Chúng tôi thực sự rất cám ơn các doanh nghiệp Hàn Quốc vì dự án của họ đã thu hút trên 60.000 lao động.
Hiện chúng tôi có rất nhiều dự án về hạ tầng sẵn sàng thu hút dòng vốn FDI. Hải Dương đang quy hoạch và triển khai 21 khu công nghiệp, diện tích quy hoạch khoảng 4.000 hecta...
Trong giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh cũng đã quy hoạch vùng công nghiệp động lực kết nối thuận lợi Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh với diện tích khoảng 10.000 hecta. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư FDI.
Hải Dương có 6 khu công nghiệp với diện tích khoảng 1.200 hecta. Hiện các khu này đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để đón các nhà đầu tư đó là khu công nghiệp An Phát, Đại An, Phúc Điền, Gia Lộc, Kim Thành…
Hải Dương tập trung vào kêu gọi các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, năng lượng sinh học, vật liệu mới, nano, điện tử, chế biến chế tạo, số hóa… Ngoài ra tỉnh mong muốn các nhà đầu tư FDI phối hợp với các doanh nghiệp trong tỉnh để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp.
Một trong những dự án chúng tôi đặc biệt quan tâm đó là dự án sản xuất linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử thông minh, phụ tùng phụ trợ cho xe ô tô và các loại động cơ khác. Trên địa bàn Hải Dương đang có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Ford, đây là doanh nghiệp nổi tiếng và rất cần sự hợp tác của nhà đầu tư Hàn Quốc để sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp này.
Chúng tôi muốn mời gọi doanh nghiệp Hàn Quốc vào khu công nghiệp An Phát, có mặt bằng sạch với tổng diện tích 180 hecta. Đặc biệt chi phí thuê mặt bằng tại đây sẽ rất thấp. Ngoài ra khu công nghiệp Gia Lộc tới quý 4 năm nay sẽ có thể đón tiếp các doanh nghiệp đầu tư.
Hải Dương đã thành lập ban chỉ đạo xúc tiến đầu tư để triển khai tất cả các thủ tục hành chính làm sao rút gọn nhất”.
“Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đứng thứ nhất về vốn đầu tư tại Vĩnh Phúc. Đóng góp của các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc không chỉ là số lượng dự án, số vốn mà còn tạo được lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp.
Hiện Vĩnh Phúc muốn giới thiệu dự án trọng điểm, kêu gọi các nhà đầu tư, như: (1) khu công nghiệp Nam Bình Xuyên với diện tích 290 hecta.
Khu công nghiệp này có vị trí cạnh sân bay Nội Bài, gần quốc lộ, gần cảng cạn ICD Vĩnh Phúc, gần một số sân golf. Hàng năm có khoảng 3.000 khách Hàn Quốc tới chơi golf tại đây.
(2) Khu công nghiệp tại huyện Lập Thạch với diện tích 283 hecta, dự kiến vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, thuận lợi về giao thông, cách nút giao IC4 Nội Bài – Lào Cai khoảng 15km, nằm gần quốc lộ 2C. Khu công nghiệp này có địa chất ổn định, nền đất tốt, khi đầu tư vào đây sẽ không mất quá nhiều vật liệu san lấp.
Chúng tôi mong muốn thu hút được các dự án làm công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ cao… Vĩnh Phúc luôn cam kết giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi và đúng hạn.
Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục lựa chọn Vĩnh Phúc bởi thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đến từ quốc gia này đã thành công tại địa phương của chúng tôi”.
VnEconomy 24/05/2023 13:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2023 phát hành ngày 22-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam