) Phát hành số và hành trình mới của báo in - VnEconomy Emagazine
Phát hành số và hành trình mới của báo in - Ảnh 1
Phát hành số và hành trình mới của báo in - Ảnh 2

Công ty Phát hành báo chí Trung ương đã và đang có nhiều chương trình hợp tác để số hóa các sản phẩm báo chí, qua đó phát hành báo chí trên nền tảng số. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các dự án này?

Thời gian qua, chúng tôi đã phát triển nền tảng PostEnp (postenp.vn) chuyên phát hành các xuất bản phẩm điện tử trên internet, trong đó có các ấn phẩm báo chí. PostEnp là nơi các cơ quan báo chí có thể xuất bản đa dạng, đa ngôn ngữ các tác phẩm, ấn phẩm báo chí dưới hình thức: PDF, html, Infographic, ảnh, video, voice...  PostEnp có thể hiểu từng độc giả của mình hơn thông qua AI, để tiến hành chăm sóc, đáp ứng một cách chủ động và ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của từng độc giả theo mô hình (subcription) thu phí, bao gồm cả nhu cầu về tin tức và nhu cầu về thương mại điện tử hàng hóa, dịch vụ “phi tin tức”.

Về phía độc giả, ngoài việc được đọc tin tức trên máy tính, điện thoại 24/7 và thoả mãn nhu cầu về thương mại điện tử hàng hóa, dịch vụ, PostEnp còn cho phép độc giả lưu trữ có hệ thống các sản phẩm báo chí mà mình đã đọc, phục vụ cho mục đích tham khảo lâu dài.  Đồng thời, hệ thống của chúng tôi cũng giúp độc giả (khách hàng) thanh toán qua chuyển khoản, thẻ ngân hàng, e banking, ví điện tử một cách dễ dàng.

Đặc biệt, với các tổ chức, doanh nghiệp, PostEnp còn cho phép quản lý và phân quyền cập nhật kiến thức, tin tức báo chí chất lượng tới từng cán bộ, nhân viên, từng bộ phận, phòng, ban theo nhu cầu công việc. Ngoài ra, độc giả cũng có thể đọc và mua sách một cách thuận tiện, dễ dàng qua sàn thương mại điện tử khổng lồ về sách của PosEnp, cũng như tham khảo nhiều thông tin hữu ích khác…

Cho đến nay, nhìn lại quá trình hình thành, phát triển PostEnp, có thể nói, nền tảng Postenp đã và đang tiếp tục từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng và tiện ích nhằm đáp ứng được phần nào nhu cầu của độc giả và mong muốn được tiếp cận các sản phẩm báo chí giấy trên môi trường internet. Tạp chí Kinh tế Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong, đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong những ngày đầu hình thành nền tảng PostEnp.

Phát hành số và hành trình mới của báo in - Ảnh 3

Khi triển khai các dự án phát hành báo chí dưới dạng số hóa, đâu là những thuận lợi, khó khăn, thưa ông?

Khi phát triển nền tảng xuất bản điện tử PostEnp, chúng tôi nhận thức được phía trước còn rất nhiều khó khăn khi nhu cầu thị trường đọc báo thu phí tại Việt Nam chưa cao và thông dụng. Các toà soạn còn rất nhiều sự băn khoăn, trăn trở trong tìm hướng đi, lựa chọn hình thức chuyển mình qua các mô hình báo giấy, báo điện tử không thu phí, tới báo điện tử có thu phí.

Việc phát triển, hợp tác với các tòa soạn cũng không thể theo một công thức có sẵn, phải tính toán để phù hợp với nguồn lực hiện tại của mỗi cơ quan báo chí. Nguồn lực về tài chính, nhân sự cho chuyển đổi số báo chí và chuyển đổi số trong công tác phát hành báo chí còn rất nhiều khó khăn, hạn chế ban đầu, không thể ngày một, ngày hai giải quyết được.

Ngoài ra, công nghệ thông tin nói chung, AI trong việc ứng dụng vào lĩnh vực báo chí nói riêng, còn có những giới hạn nhất định. Vì thế ở giai đoạn đầu, nền tảng xuất bản điện tử cũng chưa thể thỏa mãn ngay sự kỳ vọng về trải nghiệm của người dùng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những thuận lợi nhất định. Đó là sự định hướng, động viên, ủng hộ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Sự ủng hộ đặc biệt của các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng…

Chúng tôi cũng không ngừng nỗ lực để học hỏi từ các mô hình thành công của thế giới trong chuyển đổi số và phát hành báo chí. Quan trọng nhất là sự đoàn kết trong tập thể Công ty Phát hành báo chí Trung ương trong việc tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ phát triển PostEnp. Yếu tố này, giúp chúng tôi vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức để hình thành PostEnp như các bạn đã thấy hiện nay, tại địa chỉ postenp.vn.

Phát hành số và hành trình mới của báo in - Ảnh 4

Trước những khó khăn khách quan đó, Công ty Phát hành báo chí Trung ương có kiến nghị, đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện như thế nào từ phía các cơ quan quản lý, Chính phủ?

Với tư cách là đơn vị phát hành báo chí chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, gánh vác sứ mệnh tiên phong trong chuyển đổi số báo chí ở góc độ phát hành, chúng tôi cho rằng thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác này, các cơ quan quản lý cần có sự quan tâm đến ba vấn đề lớn mà chúng tôi đã và đang rất muốn được hỗ trợ, giải quyết:

Thứ nhất, so với nguồn lực hiện tại của Công ty Phát hành báo chí Trung ương, cũng như các cơ quan báo chí, việc xây dựng, duy trì và phát triển những nền tảng công nghệ thông tin, trong đó có PostEnp, luôn là một thách thức.

Do đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý các cấp, cần xem xét, có chính sách hợp lý, hỗ trợ các cơ quan báo chí và Công ty Phát hành báo chí Trung ương về kinh phí, để duy trì hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp, xây dựng mới các nền tảng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, việc tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân sự, phục vụ công tác chuyển đối số trong lĩnh vực báo chí nói chung, công tác phát hành số nói riêng, cũng là một hoạt động vô cùng cần thiết. Qua đó, giúp các cơ quan báo chí và Công ty Phát hành báo chí Trung ương từng bước chuyển đổi số và chuyển đổi số thành công, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi.

Thứ hai, những bài học thành công của thế giới về chuyển đổi số báo chí và chuyển đổi số trong công tác phát hành, cần được tiếp tục cập nhật, đánh giá để từ đó có góc nhìn, có sự lựa chọn hướng đi đúng đắn, rút ngắn quãng đường, tiến tới thành công đối với cơ quan báo chí và Công ty Phát hành báo chí Trung ương.

Chúng tôi mong muốn có nhiều các hội thảo có tính quốc tế, các chương trình tham quan, học hỏi mô hình chuyển đổi số báo chí tại các thị trường báo chí lớn, tiên tiến trên thế giới, rất cần được sự quan tâm của phía các cơ quan quản lý nhà nước, để có thể triển khai được rộng, nhanh và có hiệu quả.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bản quyền báo chí cũng cần được quan tâm triển khai thực chất hơn nữa. Đặc biệt là vấn đề bản quyền khi độc giả tiếp cận thông tin báo chí qua những nền tảng khổng lồ trong tìm kiếm thông tin (ví dụ như Google) và mạng xã hội (ví dụ như Facebook), vốn là những môi trường tiếp xúc hàng ngày của đông đảo độc giả.

Chúng tôi cho rằng mối quan hệ cộng sinh giữa sản phẩm báo chí với các nền tảng công nghệ cung cấp thông tin khổng lồ, không chỉ là mối quan hệ có tính kinh doanh - thương mại, trực tiếp giữa các tòa soạn với các nền tảng, hơn thế, còn cần có chiến lược mang tầm quốc gia về thông tin, trong đó có thông tin và bản quyền báo chí, giữa Việt Nam với các nền tảng, thông qua các khung chính sách, pháp luật phù hợp trong ngắn, trung và dài hạn.

Có được sự đồng bộ này, công cuộc chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí, trong đó có công tác phát hành, sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều.

Phát hành số và hành trình mới của báo in - Ảnh 5

VnEconomy 19/06/2024 18:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phát hành số và hành trình mới của báo in - Ảnh 6