) Phát triển thị trường bán lẻ bền vững - VnEconomy Emagazine
Phát triển thị trường bán lẻ bền vững  - Ảnh 1
Phát triển thị trường bán lẻ bền vững  - Ảnh 2

Bà đánh giá như thế nào về bức tranh ngành bán lẻ Việt Nam năm 2024 và đâu là điểm sáng?

Năm 2024, ngành bán lẻ Việt Nam đã đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tỷ trọng bán lẻ chiếm cao, luôn duy trì từ 60 - 70%. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, doanh thu thương mại điện tử tăng cao, chiếm trung bình khoảng 20% trong tổng mức bán lẻ. 

Nhiều doanh nghiệp lọt top 10 công ty bán lẻ uy tín trong nhóm ngành siêu thị tổng hợp được Việt Nam Report công bố, như: Central, Winmart, Winmart+, Mm Megamrket, Aeon, Lotemart, Satra, Sasco, Taseco, Brg Mart; top 10 ngành điện máy, điện lạnh, thiết bị số: Công ty CP Thế giới di động, FPT, Viettel, Công ty CP Thế giới số, Công ty TNHH Cao Phong, Media Mart, Hoàng Hà, VHC, Công ty CP Thương nghiệp Cà Mau, PICO. Tỷ lệ doanh nghiệp bán lẻ có doanh thu tương đương hoặc cao hơn đạt 74,6%, trong khi có 66,3% số doanh nghiệp có duy trì cải thiện thuận lợi so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2024, dù đối diện với không ít thách thức, sự cạnh tranh gay gắt, các rủi ro trong chuỗi cung ứng, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ đã nỗ lực không ngừng triển khai các chương trình đảm bảo nguồn hàng hóa, bình ổn giá, góp phần kiềm chế lạm phát; đồng thời, hướng tới tiêu dùng xanh và bền vững.

Mặt khác, các doanh nghiệp bán lẻ đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triển khai “Chương trình khuyến mại tập trung”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, “Sinh kế cộng đồng” hỗ trợ người nông dân thoát nghèo, phát triển bền vững.

Điểm sáng của ngành bán lẻ năm 2024 là các doanh nghiệp đã đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động. Theo khảo sát của Việt Nam Report, có 79,2% số doanh nghiệp chọn bán hàng đa kênh. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chất lượng đầu vào (tăng 22,6% so với kết quả khảo sát năm 2023). Các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics, hướng tới sự bền vững và ổn định. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại được quan tâm, nhất là phân khúc thị trường nông thôn, giúp người dân mua sắm thuận tiện, văn minh thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Nhà nước đã quan tâm ban hành các quy định pháp luật và chính sách kích cầu bán tiêu dùng, du lịch (giảm thuế VAT, tăng lương cơ bản, mở rộng miễn thị thực cho khách du lịch...). Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng thị trường tiêu dùng Việt Nam, qua đó tác động trực tiếp đến thị trường bán lẻ.

Phát triển thị trường bán lẻ bền vững  - Ảnh 3

Nhiều nhận định cho rằng ngành bán lẻ có tiềm năng bứt phá trong những năm tới, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Xin bà cho biết cụ thể hơn?

Thời gian tới, cùng với cơ hội đang đến là những thách lớn của ngành bán lẻ. Biến đổi khí hậu buộc ngành bán lẻ phát triển các mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại, xanh hóa chuỗi cung ứng và đẩy mạnh phân phối, tiêu dùng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, giảm rác thải trong các hoạt động bán lẻ...

Hơn nữa, các loại hình dịch vụ bán lẻ đang phát triển mạnh mẽ trong quá trình hồi phục sau đại dịch, nhưng do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ thuật nên sự tăng trưởng không đồng đều. Nhu cầu về đào tạo chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp cho lao động trong ngành bán lẻ đang là khó khăn mà các doanh nghiệp bán lẻ thường xuyên phải đối mặt. Ngoài ra, áp lực chuỗi cung ứng; logistics có chất lượng; đáp ứng số lượng và thời gian sản phẩm ra thị trường cũng đang là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp bán lẻ.

Đặc biệt, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên ngày càng cạnh tranh với sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài và các thương hiệu lớn. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước, buộc họ phải liên tục cải tiến, điều chỉnh giá cả và tìm kiếm các chiến lược mới để duy trì thị phần.

Vì vậy, với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không chỉ cạnh tranh về giá bán mà còn cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng tiện ích, giá trị, cảm xúc và trải nghiệm mua sắm… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Phát triển thị trường bán lẻ bền vững  - Ảnh 4

Mô hình bán hàng đa kênh đang được phần lớn doanh nghiệp bán lẻ lựa chọn. Để giữ chân người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo bà, doanh nghiệp cần phải có những giải pháp gì?

Mô hình bán hàng đa kênh đang được 79,2% số doanh nghiệp lựa chọn. Mua sắm đa kênh sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp, vì người tiêu dùng thường chi tiêu nhiều hơn so với những người chỉ mua sắm trên một kênh duy nhất. Họ biết họ muốn gì, khi nào cần sử dụng kênh nào cho các mục đích khác nhau và họ rất ưu tiên cho những nhà bán lẻ nào có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm thuận tiện và liền mạch trên các kênh.

Vì vậy, muốn giữ chân người mua, các nhà bán lẻ đa kênh, các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn để cải tiến công nghệ của các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp nhằm đảm bảo hành trình tìm kiếm và mua hàng của khách hàng sẽ suôn sẻ, dễ dàng, nhanh chóng.

Các doanh nghiệp cần phải vượt qua thách thức từ việc tích hợp dữ liệu bất đồng bộ, quản lý tồn kho và trải nghiệm của khách hàng không nhất quán. Doanh nghiệp cần áp dụng hệ thống quản lý dữ liệu tích hợp, để trải nghiệm mua sắm liền mạch, cần thiết lập chính sách khuyến mại nhất quán trên các kênh, xây dựng quy trình đơn giản cho việc trả hàng, đổi hàng và hỗ trợ khách hàng đa kênh. 

Phát triển thị trường bán lẻ bền vững  - Ảnh 5

Năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn mang tính bước ngoặt cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Tiêu dùng xanh và bền vững tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Theo bà, các doanh nghiệp bán lẻ cần làm gì để nắm bắt được xu hướng này?

Năm 2025, các xu hướng mới từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử, đến sự phân hóa hành vi tiêu dùng không chỉ hình thành lại thị trường, mà còn tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh, nắm chắc sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng của người dân để đáp ứng cho phù hợp. Phối hợp trực tiếp với các nhà sản xuất để lựa chọn sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh trên thị trường lành mạnh. Có các giải pháp để đối phó với các sản phẩm ngoại nhập giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường.

Đồng thời, phối hợp với các sở đào tạo để tuyển dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong xu hướng hội nhập. Cần có giải pháp để nắm bắt đầy đủ cơ hội, thách thức khi mở cửa thị trường bán lẻ. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trong kinh doanh, nhất là kinh doanh trên môi trường mạng…

Theo tôi, các doanh nghiệp bán lẻ muốn nắm bắt và thành công trong xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững nên lưu ý đến 4 điểm sau.

Thứ nhất, về xây dựng hạ tầng, các địa điểm bán lẻ phải đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, các giải pháp trong thiết kế kiến trúc và sử dụng vật liệu, thiết bị theo hướng tận dụng tối đa ánh sáng, gió tự nhiên, tiết kiệm điện thông qua sử dụng năng lượng mặt trời…

Thứ hai, tuyên truyền cho người tiêu dùng mua sắm, sử dụng các sản phẩm xanh, sản phẩm tốt cho sức khỏe, không sử dụng túi nilon, các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường cũng như gây tác hại trực tiếp đến môi trường.

Thứ ba, các nhà bán lẻ chỉ liên kết, hợp tác, thu mua và bày bán sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, ít tiêu hao năng lượng, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.

Thứ tư, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải… Nâng cao tính cạnh tranh, nhất là cạnh tranh về giá thành giữa sản phẩm xanh và sản phẩm không đáp ứng về tiêu chuẩn xanh hóa.

Phát triển thị trường bán lẻ bền vững  - Ảnh 6

VnEconomy 25/12/2024 19:40

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52-2024 phát hành ngày 23/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phát triển thị trường bán lẻ bền vững  - Ảnh 7