Thưa Bộ trưởng, thị trường lao động Việt Nam trong những năm gần đây được đánh giá phát triển tốt, ngày càng hoàn thiện… Nhưng thực tế gần đây, thị trường lao động cũng đang chịu sự tác động của nhiều vấn đề sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Ông lý giải sự tác động này như thế nào?
Thị trường lao động Việt Nam được chính thức hình thành và phát triển từ năm 1986 đến nay, trong những năm gần đây có sự phát triển khá đều trên các phương diện: Một, hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện tạo ra hành lang pháp lý để phát triển thị trường lao động. Hai, quy mô và chất lượng cung - cầu lao động được gia tăng; chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện. Ba, chúng ta đã từng bước chính thức hóa một phần khu vực lao động phi chính thức; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương, tăng tỷ lệ việc làm được bảo vệ. Bốn, tiền lương của người lao động được cải thiện rõ rệt, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, gần đây thị trường lao động Việt Nam cũng chịu tác động cộng hưởng của ba vấn đề: đại dịch Covid-19, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và chuyển đổi số. Điều đáng mừng, sau những tác động của đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021, năm 2022 thị trường lao động - việc làm đã phục hồi và ổn định khá nhanh so với dự báo trước đó. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt trên 51 triệu người, thu nhập bình quân của người lao động cũng được cải thiện, đạt trên 7 triệu đồng, đó là nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động sau dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tác động của CMCN 4.0 đang đặt ra những vấn đề mới, đó là: nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, đồng thời xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại. So với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn khiêm tốn (26,2%), là một thách thức không nhỏ trong nâng cao năng suất lao động. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, thị trường chấp nhận sự di chuyển lao động giữa các nước, lao động Việt Nam muốn đến các nước khác phải tuân thủ các “luật chơi” chung.
Trong những năm qua, Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trực tiếp cho 4,6 triệu người, chiếm hơn 7% tổng số lao động của Việt Nam và hàng triệu lao động gián tiếp khác. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng suất lao động, nếu thiếu đi nguồn lực này, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.
Như vậy, với những tác động mang tính cộng hưởng của cả ba vấn đề trên mà nhất là từ đại dịch Covid-19, thị trường lao động Việt Nam đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém gì, thưa ông?
Đại dịch Covid-19 là chưa có tiền lệ, cộng với ảnh hưởng tất yếu của CMCN 4.0 và chuyển đổi số đã làm lộ rõ sớm hơn một số hạn chế của thị trường lao động Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, cả cung và cầu lao động đều chưa đáp ứng thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao vẫn rất ít, chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động, điều này thể hiện qua tỷ trọng lao động cao ở khu vực nông, lâm nghiệp,… thấp ở khu vực công nghiệp.
Hiện nay, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là trên 51 triệu người, trong đó: 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,8 triệu người, chiếm 33,24%; khu vực dịch vụ 19,8 triệu người, chiếm 39,18%. Lao động dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp, đa số chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp, làm các công việc giản đơn, giá trị gia tăng thấp hay các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng thấp.
Thứ hai, nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại, thị trường lao động Việt Nam vẫn dư thừa lao động và có sự phát triển không đồng đều; vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, do hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ...
Thứ ba, quản trị thị trường lao động còn nhiều hạn chế cả về phương thức lẫn cán bộ quản trị, dẫn đến việc dự báo, phân tích xu thế và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động thiếu hiệu quả.
Thứ tư, hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa thực sự bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.
Thưa Bộ trưởng, bức tranh của thị trường lao động Việt Nam đã được nhận diện. Vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có những giải pháp gì để giải bài toán này trong năm 2023 và những năm tiếp theo?
Mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là phải đầu tư cho con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, trong đó có bài toán cân đối cung - cầu lao động sao cho hiệu quả. Trước mắt, năm 2023 chúng ta tiếp tục thực hiện những giải pháp nhằm đảm bảo khả năng cung ứng nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp và của thị trường,…
Đặc biệt, cần đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.
Để phát triển thị trường lao động với tám chữ “linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập”, cần tiếp tục triển khai những nhóm giải pháp có tính căn cơ, lâu dài.
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các FTA thế hệ mới Việt Nam đã cam kết và phê chuẩn; nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động; tập trung phát triển thị trường lao động và đào tạo các kỹ năng mới, gắn kết cung - cầu, hướng tới việc làm xanh và bền vững…
Hai là, đảm bảo quyền của người lao động tại nơi làm việc, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao, đảm bảo an ninh con người, cơ hội bình đẳng và công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đầu tư công tác dự báo cung - cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.
Ba là, hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động; hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động có trình độ cao.
VnEconomy 24/01/2023 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam