) Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - VnEconomy Emagazine
Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 1
Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 2

Sau cuộc hành trình dài hơn 2 ngày 1 đêm di chuyển bằng ôtô trên những con đường nhỏ, quanh co ôm quanh dãy núi Karakoram tưởng như dài vô tận và phải dừng nhiều lần vì đang  thi công đập thủy điện, khách sạn Hard Rock trên đỉnh đồi Duiker (thuộc Gilgit-Baltistan, cực Bắc Pakistan) hiện ra trước mắt giữa bóng tối bao trùm lúc 22h đêm. Khung cảnh thung lũng Hunza cuối xuân nhìn từ đồi Duiker thỉnh thoảng chớp sáng dưới ánh đèn xe, chỉ thấy thấp thoáng những gốc anh đào cổ thụ khắp làng. Ấn tượng đầu tiên với thung lũng Hunza chỉ thoáng qua như thế bởi ai cũng thấm mệt sau chặng đường dài. 

Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 3

Thế nhưng, khi mặt trời ló rạng, sau lớp rèm nhìn từ khách sạn cheo leo trên đỉnh đồi 2.600m, cả đoàn thực sự ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp trong sương sớm của thung lũng Hunza, được mệnh danh là “thiên đường trên Trái đất”. Những dãy tuyết sơn hùng vĩ trùng điệp phủ trắng quanh năm, những rặng cây bạch dương úa màu sừng sững vươn thẳng lên bầu trời, những ngôi làng truyền thống với rừng hoa mơ, hoa anh đào nở bung cuối vụ, cùng không khí lạnh – 8 độ nhưng khoan khoái lạ thường.

Pakistan là một quốc gia Hồi giáo ở khu vực Nam Á, phía Nam giáp vịnh Oman và biển Ả Rập với chiều dài bờ biển khoảng 1.046km, phía Tây giáp Afghanistan và Iran, phía Đông giáp Ấn Độ, một phần cực Bắc giáp Trung Quốc. Đất nước Nam Á này luôn được nhắc đến với những bất ổn chính trị, quân sự và bạo loạn khủng bố. Nhiều thành phố tại Pakistan từng là nơi ẩn náu của trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden trong suốt 9 năm trước khi bị tiêu diệt năm 2011. Thế nhưng, trái với quá khứ, hiện nay Pakistan an toàn và bình yên hơn bởi chỉ còn vài vùng biên giới giáp với Afghanistan, khu vực Kashmir ở Ấn Độ vẫn còn tranh chấp.

Về địa hình, Pakistan có những vùng đồi núi cao nhất nhì thế giới, với trên 100 đỉnh núi trên 7.000 mét, trong đó, 5/10 đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở quốc gia này. Đây cũng là quốc gia đa dạng địa hình, có đồng bằng, cao nguyên, sa mạc và cả biển đảo. Tuy nhiên, phía Bắc Pakistan nơi đoàn ghé đến có tới 80% diện tích là đồi núi. Ở đó, có những ngọn núi cao ngất, khiến du khách choáng ngợp như: Rakaposhi mang nghĩa “núi tuyết trắng” (theo tiếng Pakistan) cao 7.788 mét, dãy Passu Cones với nhiều đỉnh núi cao trên 6.000 mét san sát nhau, sông băng Passu. Du khách còn có thể đến điểm va chạm của lục địa Á-Âu và Ấn Độ khoảng 55 triệu năm trước. Thử thách lòng can đảm nhất là khi qua cầu treo Hussaini, một trong những cây cầu nguy hiểm nhất thế giới bắc qua dòng sông chảy xiết…

Một ấn tượng đặc biệt là dọc tuyến Karakoram dài 1.290 km, nhiều vùng núi sỏi đá khô cằn đến mức loài cỏ dại cũng không sống sót nổi. Sau chặng đường dài hơn 900 km, thung lũng Hunza hiện ra với thiên nhiên trù phú, cỏ cây tốt tươi đến lạ thường.

Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 4

Đâu chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên kỳ vỹ, Hunza còn xốn xao lòng du khách bởi nụ cười hồn hậu, vẻ đẹp an nhiên, nhất là sự sẵn lòng giúp đỡ du khách phương xa. Không chỉ ở Hunza mà ở quốc gia Nam Á này, hình như bất cứ ai cũng sẵn lòng đưa một người lạ đi siêu thị chọn đồ đến khuya để mua đồ lưu niệm về làm quà. Có những người sẵn lòng đưa bạn đi khắp ngõ hẻm để giới thiệu về đất nước và sản vật nơi đây. Nơi đó có những gia đình địa phương, những ngôi nhà nép sau hàng rào đá sẵn sàng rộng cửa đón khách phương xa  thưởng thức trà sữa, ăn bánh truyền thống.

Có dịp trở lại Pakistan sau 5 năm, travel blogger Ngô Trần Hải An có một ngày tách đoàn để tìm đến làng Ghulkin trong thung lũng Hunza. Ở nơi đây, có những gốc đào cổ thụ to xù xì cổ kính, phủ  hàng triệu cánh hoa sắc hồng thuần khiết, phải hai người ôm mới xuể. Thực sự đẹp đến nao lòng. Người dân Ghulkin vốn rất thân thiện, hữu duyên gặp gỡ mà nồng nhiệt chào đón  khách như bằng hữu lâu ngày gặp lại. Loanh quanh mãi đến khi mặt trời khuất sau núi tuyết, chàng trai mới miễn cưỡng ra về  lòng bao vấn vương.

Hunza nói riêng và Pakistan nói chung còn cuốn hút du khách bởi nét văn hóa rất đặc trưng của người Hồi giáo thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc khi đãi khách đồ ăn Halal và thực hành tháng Ramadan. Cuộc sống an nhiên cùng vẻ đẹp vùng thung lũng Hunza và có thể là sức hút “trái dấu” từ nền văn hoá khác biệt đã khiến cô gái Việt, Tạ Hạnh Liên sau chuyến đi 20 ngày đã phải lòng chàng trai nhiệt thành Karim Ahmed Tajik, Giám đốc điều hành Hunza Explorers, một công ty du lịch lớn phía Bắc Pakistan. Năm năm trước, chị đã quyết định làm dâu nơi cách xa Việt Nam hàng ngàn cây số.

Đặc biệt ở Hunza, du khách sẽ không thấy bất cứ người phụ nữ nào đi chợ hay làm việc bên ngoài mà toàn bộ đều do đàn ông đảm trách. Vì vậy, làm dâu nơi này, chị Liên hoàn toàn khác biệt so với phụ nữ trong vùng, chị quán xuyến nhiều việc trong gia đình và vận hành công việc kinh doanh riêng.

Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 5

Sở dĩ vùng đất Hunza trù phú hơn nhiều vùng đất khác quanh dãy Karakoram, theo chia sẻ của anh Karim Ahmed Tajik, nơi đây có những con kênh dẫn nước để tưới mát cho cây cối, ngọn cỏ,  đất đai màu mỡ để những cây đại cổ thụ như: mơ, óc chó, anh đào… nở rợp góc trời làm nức lòng du khách. Đặc biệt, theo anh Karim, tại vùng đất này đang triển khai nhiều dự án mới về hệ thống bơm nước năng lượng mặt trời để đưa nước lên đỉnh núi và tưới tiêu cho vườn cây ăn trái. “Chẳng bao lâu nữa, khắp mọi nơi trong ngôi làng, vùng núi này sẽ xanh hơn và nâng cao sinh kế người dân địa phương”, anh Karim hồ hởi chia sẻ.

Hunza cũng được biết đến là nơi mà người dân có tuổi thọ cao nhất thế giới. Trong một thời gian dài, tuổi thọ trung bình của người Hunza là 120 tuổi và nhiều người sống đến 140 tuổi. Đây cũng được cho là nơi có nhiều phụ nữ xinh đẹp hơn so với những vùng khác của đất nước Hồi giáo này. Bí kíp trường thọ và xinh đẹp của người Hunza có lẽ nhờ nguồn nước tinh khiết, thực phẩm tự trồng, không khí trong lành và lối sống lành mạnh. Quả mơ là thực phẩm chính của người Hunza chứa nhiều chất chống ung thư, rất có lợi cho sức khoẻ; đặc biệt là tinh chất trong hạt mơ được cho là bí kíp khiến người Hunza sống thọ.

Anh Karim cho biết, trước năm 1974, Hunza là vùng tự trị và chưa có hệ thống đường sá, kết nối giao thông liền mạch, người dân hoàn toàn sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, sau này, Hunza theo chế độ cộng hòa và khi hệ thống giao thông phát triển hơn, nơi đây tập trung phát triển kinh tế, trong đó có du lịch. Đặc biệt, với cung đường đèo trên cao Karakoram bám theo con đường tơ lụa huyền thoại, chạy dài từ khu đô thị Abbottabad (Pakistan) tới vùng Kashgar (Trung Quốc), dù khá hiểm trở nhưng mở ra những cơ hội mới và đưa hành trình đến “Thiên đường trên Trái đất” dễ dàng hơn. Đến nay, du lịch dần trở thành một phần quan trọng trong thu nhập của người dân Hunza. Vài năm trở lại đây, Hunza cũng xây dựng nhiều khách sạn và sắp chạm ngưỡng con số 1.000.

Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 6

Dù được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ nhưng nhiều khó khăn cản lối khiến du lịch và kinh tế thung lũng Hunza chậm phát triển. Theo chia sẻ của hướng dẫn viên người Việt Tống Thế Anh, những định kiến về bất ổn, an ninh là yếu tố đầu tiên ngăn cản du khách đến với Pakistan. Nhớ lại một lần dẫn tour đến Pakistan năm 2018, hướng dẫn viên này cho hay khi thông báo với bạn bè và người thân sắp đi Pakistan thì bị trêu đùa rằng sang để nhặt vỏ đạn hay đánh thuê. Riêng bố mẹ anh thì ra sức ngăn cản ý định điên rồ này. Trấn an gia đình, chàng trai trẻ khẳng định: “Đúng là Pakistan còn những vùng đất không an toàn nhưng đó là vùng  biên giới giữa Pakistan-Afghanistan, còn vùng núi con đi vô cùng an toàn”.

Tuy nhiên, thời gian sau, những tấm ảnh núi tuyết, thung lũng kỳ vĩ vào mùa xuân với hoa anh đào nở rộ mọi cung đường, nhiều loại cây đơm hoa kết trái, những hồ nước xanh ngát, hay cảnh sắc lãng mạn chớm thu nhuộm vàng óng ánh từ lá bạch dương đã kích thích lòng ham mê khám phá của những du khách. Khi đó, nhiều người biết đến Pakistan và các công ty lữ hành Việt bắt đầu tổ chức nhiều tour hơn. Sự bứt phá của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 cũng đem đến những cơ hội mới cho du lịch Pakistan nói chung và thung lũng Hunza nói riêng.

Dù vậy, theo Giám đốc điều hành Hunza Explorers, Chính phủ Pakistan chưa đưa ra đường lối chính sách cụ thể để phát triển du lịch mà mọi nỗ lực đều đến từ những công ty du lịch, lữ hành. Do đó, anh Karim và nhiều doanh nghiệp khác đều mong mỏi Chính phủ quảng bá hơn cho du lịch, cho vẻ đẹp của Pakistan để hút nhiều du khách hơn. Tình trạng tham nhũng ở Pakistan còn phổ biến và lan rộng cũng khiến doanh nghiệp rất khó phát triển. Lạm phát leo thang, sức mua của đồng Rupee giảm cũng khiến du lịch nội địa bị cản lối.

Điều đáng nói, những cung đường núi trắc trở kéo dài vô tận, hay việc Việt Nam-Pakistan vẫn chưa có đường bay thẳng khiến du khách chần chừ đến nơi đây. Hiện tại, các du khách lựa chọn đường bay từ Hà Nội - thủ đô New Delhi (Ấn Độ), sau đó nối chuyến đến Amritsar phía Tây Bắc Ấn Độ, cách biên giới Pakistan 28km và trải qua vô vàn thủ tục xuất cảnh ở cửa khẩu Wagah. Sau khi nhập cảnh Pakistan, đoàn về Lahore gần biên giới Ấn Độ, rồi đi xe về thủ đô Islamabad để đón chuyến bay đi Gilgit. Thế nhưng, các sân bay nội địa ở vùng miền núi như Gilgit thường bị hoãn do thời tiết xấu. Vì vậy, cả đoàn phải chuyển sang phương án dự phòng là di chuyển bằng đường bộ tới thung lũng Hunza trong suốt hai ngày dài đằng đẵng với tổng quãng đường hơn 900km.

Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 7

Gặp một đoàn du khách từ TP.HCM đi tour tự túc ghép nhóm, họ chia sẻ một cách khác đến Pakistan thông qua đường bay đến Bangkok (Thái Lan) để đến thủ đô Islamabad (Pakistan), sau đó bay lên Gilgit. Tuy nhiên, lịch trình này cũng tương đối phức tạp, mệt mỏi vì phải bay nối chuyến và chờ đợi ở sân bay cả ngày trời cũng như rủi ro huỷ chuyến vẫn thường trực. Dù vậy, sức hút kỳ lạ từ Hunza khiến nhóm bạn trẻ vẫn lựa chọn dừng chân nơi đây thay vì đến các thành phố xa hoa, hiện đại như Thụy Sỹ, Roma, Hàn Quốc…

Ghi nhận đề xuất này, đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, từ ngày 20/5 tới đây, hãng sẽ khai thác đường bay mới giữa Hà Nội, TP.HCM và Mumbai (Ấn Độ), với giá vé ưu đãi. Đường bay mới tới Mumbai sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thương, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam, quốc gia Nam Á này và những quốc gia lân cận. Theo đó, lịch bay Hà Nội - Dehi 4  chuyến/tuần; TP.HCM - Dehi 3 chuyến/tuần; Hà Nội-Mumbai 4 chuyến/tuần; TP.HCM - Mumbai 3 chuyến/tuần. Kế hoạch mở đường bay mới đến Pakistan sẽ được hãng hàng không này nghiên cứu, chắp cánh cho du lịch nơi đây, còn trước mắt du khách có thể đến Pakistan qua đường bay kết nối giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Chuyến đi đã kết thúc nhiều ngày. Những dấu ấn từ hành trình ghé thăm thung lũng Hunza khiến người lữ hành yêu thêm những vùng đất mới, được thấm mát tâm hồn từ sự dịu dàng của con người nơi đây và trân quý hơn cuộc sống hiện tại bởi đâu đó vẫn còn những nơi còn khó khăn gấp bội. Rời khỏi Hunza, đoàn công tác không khỏi khắc khoải về những điều sẽ làm nản lòng du khách nếu không có chính sách hỗ trợ và việc kết nối giao thông thuận lợi hơn để đến với vùng đất xa xôi và tuyệt vời này.

Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 8

VnEconomy 18/04/2023 14:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Say mê khám phá Pakistan: Thiên đường hạ giới - Ảnh 9