) Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - VnEconomy Emagazine
Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 1
Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 2

Thưa ông, năm 2023 được xem là năm có nhiều bước tiến trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Ông nghĩ sao về điều này?

Theo tôi, kết quả đổi mới sáng tạo của Việt Nam được thể hiện rõ nhất qua nhiều chỉ số. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII 2023); trong đó, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Báo cáo GII 2023 cho thấy Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột gồm: thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: sản phẩm tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo).

Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 36) và Thái Lan (hạng 43).

Theo WIPO, Việt Nam là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp, gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam.

Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình. Những sáng kiến, tốc độ vượt bậc này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rất rõ tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 vừa qua diễn ra tại NIC Hòa Lạc. Tại đó, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều công nghệ mới, những ý tưởng đột phá “Made in Vietnam”, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và mở ra những triển vọng hợp tác mới. Thành tích về đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất đáng tự hào, cao hơn so với mức độ tăng trưởng GDP và Việt Nam cũng đã tạo ra nhiều kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo so với mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo.

Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 3

Một trong những dấu ấn của đổi mới sáng tạo trong năm 2023 là khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Hoà Lạc. Cùng với cơ sở tại Hòa Lạc, thời gian qua NIC đã có những hoạt động gì để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thưa ông?

NIC đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. Với tám lĩnh vực trọng tâm là: nhà máy thông minh; thành phố thông minh; nội dung số; an ninh mạng; công nghiệp bán dẫn; công nghệ hydrogen; công nghệ môi trường; công nghệ y tế, NIC hợp tác với các đối tác uy tín trên thế giới cung cấp các chương trình đào tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chuyên sâu, đưa ra các gói hỗ trợ ưu đãi và kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong mỗi doanh nghiệp cũng như thu hút nguồn lực cho Trung tâm trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức, NIC đã thực hiện các đề án, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như chủ trì nghiên cứu, rà soát đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP; triển khai xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng, đàm phán với phía Hoa Kỳ để thống nhất các nội dung thuộc Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ và Biên bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn giữa hai Chính phủ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các mục tiêu đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doành nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 4

Đổi mới sáng tạo được coi là một trong những động lực tăng trưởng mới của Việt Nam. Tuy nhiên, có vẻ những lĩnh vực này chưa thực sự phát huy tác dụng. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Theo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ được đặt ra. Tuy nhiên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Theo tôi có một số lý do sau:

Thứ nhất, các chỉ số xếp hạng khoa học của Việt Nam thấp, phản ánh chất lượng đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa cao. Để đánh giá một quốc gia có chất lượng đổi mới tốt nhất, có ba chỉ số được nêu ra: (1) Chỉ số xếp hạng các trường đại học trong nước so với quốc tế; (2) Chỉ số bằng sáng chế nộp tại các cơ quan chuyên môn;  (3) Số lượng trích dẫn của các công trình nghiên cứu quốc tế.

Tuy nhiên, ở các chỉ số về số lượng trích dẫn của các công trình được công bố quốc tế, Việt Nam lại chưa có tên trong danh sách các nhóm dẫn đầu. Theo GII 2023, chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước một phần vì đầu tư cho R&D rất tốn kém, nhiều đơn vị tổ chức bị hạn chế về nguồn lực tài chính. Việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam phụ thuộc vào một số nhà máy của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, như Samsung (Hàn Quốc), cốt lõi công nghệ không phải do Việt Nam sáng tạo, vì thế tính gốc của đổi mới sáng tạo chưa chủ động, chưa bảo đảm tính lâu dài.

Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 5

Thứ hai, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chưa thực sự bền vững. Các chỉ số trình độ phát triển của thị trường (giảm từ 43 xuống 49) và sản phẩm sáng tạo (giảm từ 35 xuống 36). Đây là những chỉ số định hướng và quyết định hiệu quả của đổi mới sáng tạo. Ngay cả ở phía các doanh nghiệp, mức độ đổi mới sáng tạo cũng tương đối yếu do số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn là 97% (15), vốn ít, nhân lực không đủ, ngành, nghề quy mô nhỏ, không có tiềm lực để đổi mới công nghệ.

Thứ ba, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thay đổi không ngừng, liên tục có các sản phẩm mới, hướng đi mới, bên cạnh đó tính cạnh tranh của thị trường ngày càng cao. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang thiếu một cơ chế chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững, còn nhiều quy định phức tạp. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và bổ sung các chính sách hỗ trợ để hệ sinh thái phát huy hết tiềm năng.

Đồng thời, tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Đây là một trong những đột phá được nhắc tới trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030.

Từ xưa đã có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Ngoài các yếu tố như thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính thì yếu tố con người vô cùng quan trọng vì chính con người sẽ làm chủ công nghệ. Nguồn nhân lực chất lượng cao mang lại năng lực và kiến thức chuyên môn cần thiết để tiến hành nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm mới.

Hơn nữa, sự đổi mới sáng tạo đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt, nhạy bén. Nhân lực chất lượng cao sẽ dễ dàng đáp ứng được những vấn đề này và đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích một môi trường làm việc đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần nỗ lực, sáng tạo không ngừng.

Thứ tư, trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và cạnh tranh, đổi mới sáng tạo là một yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nếu chúng ta muốn đạt được sự tiến bộ và đáp ứng các thách thức mới, chúng ta cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác tiềm năng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 6

Vậy theo ông, đâu là những giải pháp cần được tập trung triển khai trong năm 2024?

Trong năm 2024, để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển, Việt Nam cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Về hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, bao gồm sự kết hợp giữa doanh nghiệp; trường đại học, tổ chức nghiên cứu; chính phủ; chuyên gia đổi mới sáng tạo; các tổ chức hỗ trợ, ươm tạo và cộng đồng. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức, tài nguyên và kỹ thuật tiên tiến.

Về hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, cần tạo ra môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn cho các startup và doanh nghiệp công nghệ mới, thành lập quỹ đổi mới sáng tạo. Cần tạo ra các chính sách khuyến khích và giảm rào cản để khởi nghiệp và phát triển công nghệ.

Về nâng cao năng lực R&D, cần tăng cường đầu tư vào R&D, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để hợp tác và thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ.

Về tận dụng công nghệ số và AI, cần tận dụng tiềm năng của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất. Cần tạo ra chính sách và môi trường thuận lợi để khuyến khích sử dụng và phát triển các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, máy học, blockchain và Internet of Things (IoT).

Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 7

Với những diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới cùng nội tại của nền kinh tế Việt Nam, theo ông, những khó khăn và thuận lợi của đổi mới sáng tạo trong năm 2024 là gì?

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Trong đó, một số thuận lợi có thể kể đến như cơ sở hạ tầng số của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến của Việt Nam ngày một hoàn thiện và đang mở rộng nhanh chóng, mang lại nhiều lựa chọn thanh toán không tiền mặt dành cho người tiêu dùng, bao gồm thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử.

Việt Nam có dân số trẻ với tỷ lệ người dùng am hiểu công nghệ cao, sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm công nghệ mới.

Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự nổi lên của các công ty lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử và fintech. Nền kinh tế số Việt Nam dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 31% trong giai đoạn 2022-2025.

Tuy vậy, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn. Việt Nam hiện đang thiếu một cơ chế chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài.

Chúng ta cũng thiếu các thương vụ thoái vốn lớn. Do vậy, cần có thêm những câu chuyện thành công về thoái vốn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các công ty Việt Nam.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn kinh tế lớn còn hạn chế, trong khi các tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 8

VnEconomy 31/01/2024 11:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 05-2024 phát hành ngày 29-01-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tạo “chất xúc tác” cho đổi mới sáng tạo - Ảnh 9