Năm 2021 là năm thứ 3 thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo đó, xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên trong CPTPP (như Canada, Mexico…) đều tăng trưởng từ 25 - 30%/năm, nhỏ như Pêru tăng trưởng bất ngờ có năm đến 300%. Có lẽ do vậy, một số nền kinh tế lớn khác đã “khẩn trương” nộp đơn tham gia Hiệp định này.
Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tuy là năm đầu tiên nhưng Việt Nam đã tận dụng được nhiều thuận lợi. Việt Nam không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu vào các bạn hàng cũ tại Tây Âu (như: Đức, Hà Lan, Pháp, Ý, Đan Mạch…), mà nay đã mở sang các nước Bắc Âu, Nam Âu - những thị trường mới nhiều hứa hẹn. 11 tháng năm 2021, xuất khẩu sang EU tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu 20,6 tỷ USD. Tới tháng 5/2021, Hiệp định FTA với Anh mới có hiệu lực, song xuất khẩu sang Anh cũng tăng 2 con số.
Trước khi có EVFTA, EU đã dành cho Việt Nam chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng vì GSP là cơ chế mang tính đơn phương, khi kinh tế của ta phát triển sẽ bị rút lại. Còn EVFTA là cam kết song phương và những ưu đãi có giá trị lâu dài, cả hai bên cùng thực hiện. EVFTA đã mở rộng những cơ chế ưu đãi mang tính chất bền vững, giá trị lớn.
Hiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên xấp xỉ 20%. Phần còn lại do đang được hưởng GSP nên thuế suất cũng thấp. Bên cạnh đó, các lô hàng xuất khẩu sang EU trị giá dưới 6.000 EUR thì doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ, nên mặc nhiên được ưu đãi. Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong Đông Nam Á và trong top 10 nước cung ứng hàng hóa hàng đầu vào EU. EU là thị trường lớn thứ 3 của nông sản Việt Nam.
Năm 2021 vừa tròn 25 năm Việt Nam – Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, thương mại hai chiều từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD vào năm 2020, gấp 200 lần và năm 2021 cán mốc 100 tỷ USD. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngược lại, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của thị trường khổng lồ này.
Kết quả trên đã minh chứng rằng, cùng với việc mở rộng quan hệ với hầu khắp các nền kinh tế các châu lục, việc đẩy mạnh thực hiện và thực hiện có chọn lọc các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, là đúng đắn, kịp thời, thể hiện tinh thần độc lập, chủ động trong quá trình hội nhập, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực về hợp tác kinh tế đa phương.
Khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chứng tỏ vị thế, với kim ngạch (có cả dầu thô) là 246,7 tỷ USD, đóng góp 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 20,7% - cao hơn mức tăng chung.
Điều này tỷ lệ thuận với việc thu hút FDI năm 2021 khả quan, bao gồm đầu tư mới, tăng vốn điều lệ và dịch chuyển dịch từ các nước lân cận, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước hàng đầu thu hút FDI, khẳng định tính đúng đắn từ chủ trương đến sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.
Các mặt hàng xuất khẩu trụ cột tiếp tục sáng giá. Đến năm 2020, nhóm mặt hàng có kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên có 6 thành viên: (1) điện thoại, (2) máy vi tính, sản phẩm điện tử, (3) máy móc thiết bị, (4) dệt may, (5) da giày và (6) là gỗ. Năm 2021 dệt may, da giày đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến. Gỗ vượt năm 2020, vượt mục tiêu năm 2021 (14,5 tỷ USD) đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020, do một trong những yếu tố là xuất khẩu sang Mỹ 10 tháng 2021 đã đạt 7,204 tỷ USD, trong khi cả năm 2020 vào thị trường này chỉ có 7,166 tỷ USD. Năm 2021, mặt hàng thép do tăng trưởng đột biến đã thành hội viên mới của nhóm này, 11 tháng đã đạt 10,8 tỷ USD, tăng 130,5 % so với 11 tháng 2020.
Do dịch bệnh, xúc tiến thương mại không thể tiến hành bằng các phương thức truyền thống đã kịp thay bằng các phương pháp thích hợp nhờ áp dụng phương tiện điện tử. Trong đó có Hội nghị trực tuyến do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) “làm mối” giữa một bên là hai tỉnh Bình Thuận và Long An (hai trọng điểm về thanh long), với một bên là các Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài.
Chọn thanh long là đối tác vì trái cây này – đứng đầu trong làng trái cây - xuất khẩu 1 tỷ USD/năm, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng phải cạnh tranh với thanh long của Trung Quốc và cả thanh long đến từ Thái Lan và Campuchia. Kết quả bước đầu là thanh long của Bình Thuận được cấp “giấy thông hành” vào Nhật Bản. Chỉ dẫn địa lý cho đặc sản này là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản. Vào được thị trường Nhật sẽ mở ra cơ hội vào thương trường thế giới.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục thành công. Trong các cuộc bang giao cấp cao của nước ta với các nước lớn là các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, hai bên đã thỏa thuận tăng cường giao thương, thúc đẩy thực hiện các FTA, rỡ bỏ rào cản và gia cố quan hệ trong một số lĩnh vực kinh tế - thương mại trọng điểm của Việt Nam.
Vào những ngày áp chót năm lại nhức nhối chuyện lại ùn tắc xe chở trái cây tại các cửa khẩu sang Trung Quốc, nhất là tại Lạng Sơn. Tính đến ngày 16/12/2021, có hơn 4,5 nghìn xe bị ùn tắc, tại cửa khẩu Hữu Nghị: 1.263 xe; Chi Ma: 678 xe; Tân Thanh: 2601 xe, đều thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đó những xe chở là dưa hấu từ Quảng Ngãi; thanh Long từ Bình Thuận; chuối xanh của Tiền Giang; mít của Đắk Lắc; xoài của Bình Định...
Chuyện đến hẹn lại tắc là không mới, nguyên do lại càng cũ, bởi chủ yếu xuất khẩu hàng tươi sống sang thị trường Hoa lục, nếu khác chỉ là đợt này sẽ lập ba kỷ lục là: số xe bị ùn tắc, số ngày trực chờ và giá trị thiệt hại. Nhưng đó chỉ là một trong sâu chuỗi mù mờ của nền nông nghiệp. Đó là, nông dân mù mờ về nhu cầu thị trường, tiêu thụ, sản lượng, quy chuẩn chất lượng, dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền miệng. Nhà kinh doanh mù mờ về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh nghiệp tiêu thụ mù mờ về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp mù mờ về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Cơ hội bị phung phí. Việc 30.000 tấn gạo thơm của Việt Nam (gồm 9 giống lúa thơm: Jasmine 85, ST20, ST5, Nàng Hoa 9, VD20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào) được hưởng thuế 0% theo cam kết của Hiệp định EVFTA là cơ hội để tăng xuất khẩu, nhưng lớn hơn là khẳng định thương hiệu Gạo Việt trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, do vướng cấp giấy chứng nhận đảm bảo đúng giống gạo thơm nên không ít doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội này.
EU còn cảnh báo đối với đùi ếch đông lạnh do chứa chất cấm nitrofurans (furazolidone) mức dư lượng 17 µg/kg-ppb, khiến Pháp phải thu hồi sản phẩm đã đưa ra thị trường, còn Thụy Sỹ thì tiêu hủy. Cùng thời gian này, EU tiếp tục cảnh báo bưởi do chứa chất cấm propargite 0,23 ppm và fenobucarb 0,032 ppm vượt ngưỡng cho phép, nên đã bị Na Uy thu hồi. Đầu tháng 10/2021, lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ phát hiện có dư lượng tricyclazole vượt định mức. Doanh nghiệp của ta đã chủ động thu hồi. Cũng trong tháng 10, chôm chôm, mộc nhĩ khô, hạt tiêu đen, bột quế và một vài loại thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng bị cảnh báo dư lượng các chất có hại.
Sau khi cảnh báo liên tục về an toàn thực phẩm đối với nhiều lô hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam, ngày 3/11/2021, Ủy ban châu Âu đã thông báo sửa đổi Quy định (EU) về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Định kỳ 6 tháng một lần, Ủy ban sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng việc trên chẳng những chỉ báo hại cho chính doanh nghiệp đó mà đồng nghiệp sẽ bị vạ lây.
Dù đã ráo riết trên ngư trường, kiên quyết trong chỉ đạo, khôn khéo khi thương thuyết, song chưa biết đầu năm 2022 thẻ vàng về đánh bắt thủy sản có được gỡ bỏ?
Hào hứng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp Việt luôn ám ảnh bởi các vụ kiện, do các nước có xu hướng tăng cường bảo hộ hàng hóa và chuỗi cung ứng của họ thông qua các quy định, tiêu chuẩn mới cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm. Ngoài những mặt hàng lớn, hợp đồng to, những mặt hàng nhỏ cũng không ngoại lệ. Mật ong Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá 412,49%. Mức thuế này cao hơn gấp đôi so với mức thuế mà Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ đề xuất ban đầu là 207%. Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina cũng nằm trong danh sách các nước bị áp thuế xuất khẩu mật ong lần này, nhưng mật ong Việt Nam bị áp thuế cao nhất. Tuy đây mới là phán quyết sơ bộ, nhưng quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong cũng như nghề nuôi ong lấy mật của Việt Nam.
Nhóm hàng chế biến, chế tạo đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế nói chung, xuất khẩu nói riêng. Năm 2021, nhóm hàng này chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Song, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm…
Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp. Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên, vật liệu, các sản phẩm trung gian… Hơn 90% nguyên liệu cho dệt may, da giày phải nhập khẩu. Trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, hầu như Việt Nam mới tham gia vào phân khúc sản phẩm cuối cùng, giá trị gia tăng thấp nhất, tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%. Hiện nay, dệt may có 60% theo phương thức CMT (gia công), 35% theo phương thức FOB (đơn hàng đặt), 5% là ODM (tự thiết kế, sản xuất). Ngành điện tử chủ yếu là lắp ráp, gia công, hiệu quả cũng thấp.
Những tồn tại trên, có điểm mới, có mặt từng đeo đẳng, lợi dụng khi bệnh nền trong “cơ thể” kinh tế của ta dở chứng là nó bùng phát. Việc yếu kém về logistics khiến xuất khẩu và nhập khẩu đều vất vả, kém hiệu quả, nên khi kênh đào Suez ách tắc, thiếu contenneur rỗng… lập tức doanh nghiệp liểng xiểng.
Những hạn chế trên đã nhắc nhở rằng, có được những ưu đãi từ các FTA không có nghĩa mặc nhiên hàng Việt có vị thế cạnh tranh mới, băng qua mọi rào cản. Đó là chưa kể các nước còn nâng “mức sà” bảo hộ bằng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm, môi trường… ngày càng khắt khe, hoặc thời gian từ khi thông báo đến lúc có hiệu lực gấp gáp, không kịp trở tay.
Việc khắc phục tồn tại vừa phải mang tính chiến lược, đồng bộ, vừa linh hoạt, bài bản trong thực hiện; tháo gỡ nút thắt tức thời và lường trước những khó khăn đang mai phục; sáng tạo để cơ hội sinh ra cơ hội, ngăn chặn mầm mống đẻ ra hiểm họa. Mỗi doanh nghiệp phải thay đổi tư duy từ thụ động sang chủ động, từ chỗ chỉ biết mình, ăn xổi, nên chuyển sang liên kết cộng đồng, lợi ích chung, bền vững.
VnEconomy 04/02/2022 07:00