) Thị trường tiền số bật tăng - VnEconomy Emagazine
Thị trường tiền số bật tăng  - Ảnh 1

Vụt trở thành hiện tượng toàn cầu cách đây không lâu, Axie Infity - một tựa game blockchain sản xuất bởi người Việt và đồng tiền mã hóa AXS gắn liền với game này vẫn tiếp tục phát triển bùng nổ theo cấp số nhân. Theo số liệu của Coinmarketcap cuối tháng 8, mỗi đồng AXS hiện có giá cao nhất đạt 74,68 USD. Với 60,9 triệu AXS đang được lưu hành, mức vốn hóa của đồng tiền này có lúc đạt mức 4,54 tỷ USD. 

AXS bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 7. Từ mốc 5,2 USD mỗi đồng hôm 1/7, đồng tiền số do đội ngũ người Việt đứng sau đã tăng giá khoảng 15 lần. Axie Infinity hiện gây ấn tượng mạnh trên thị trường nhờ tính năng cho phép người dùng có thể "chơi để kiếm tiền". 

Thị trường tiền số bật tăng  - Ảnh 2

VIỆT NAM LỌT THỊ TRƯỜNG TOP ĐẦU

Sau Axie Infinity, giới blockchain Việt cũng vừa đón nhận một tin tích cực khi tổng giá trị vốn hóa của hệ sinh thái Coin98 cũng vừa cán mốc 1 tỷ USD. Theo đó, C98 (token tiện ích của Coin98) đã thiết lập đỉnh giá mới ở mức 5,68 USD giúp tổng giá trị vốn hóa của hệ sinh thái Coin98 vượt 1 tỷ USD và lọt top 200 các dự án tiền mã hóa có tổng giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. 

Những chỉ số ấn tượng này phần nào phản ánh sự bật tăng đáng kinh ngạc trở lại của thị trường tiền số Việt sau một thời gian dài bị bủa vây bởi hàng loạt các tin tức tiêu cực về các sàn giao dịch lừa đảo bị sập. Trên thực tế, trong các khảo sát mới đây của các nhà quan sát, Việt Nam đều xếp thứ hạng khá cao trên thị trường tiền số xét về tỷ lệ người mua hay sở hữu.

Thị trường tiền số bật tăng  - Ảnh 3

Theo dữ liệu về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) do Chainalysis - một nền tảng blockchain tại Mỹ thống kê từ 154 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng đầu với điểm tuyệt đối là 1, trong khi vị trí thứ hai và thứ ba là Ấn Độ và Pakistan lần lượt đạt 0,37 điểm và 0,36 điểm. Số liệu được Chainalysis phân tích dựa trên khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P) trên các sàn tiền số, thay vì tổng khối lượng giao dịch tiền số, giúp thống kê chính xác hơn về số người tham gia. 

Việt Nam cũng dẫn đầu danh sách các quốc gia có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử nhiều nhất thế giới, theo khảo sát mới đây từ Finder - trang web so sánh các sản phẩm tài chính... Cụ thể, có tới 40% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ sở hữu hoặc đã mua tiền điện tử. Xếp sau Việt Nam lần lượt là các quốc gia Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Philippines.  

Thị trường tiền số bật tăng  - Ảnh 4

Lý giải về sự trỗi dậy trở lại của thị trường và người chơi trong lĩnh vực này, ông Sơn Hồ - Giám đốc Marketing VCC Exchange - sàn giao dịch tiền mã hóa có trụ sở tại Singapore và Việt Nam, để thị trường bật tăng trở lại thì yếu tố quan trọng nhất có lẽ là lòng tin, và lòng tin này phụ thuộc vào hai điều kiện: giá cả và tin tức. Theo đó, khi con người nhìn thấy giá trị một tài sản tăng, đi kèm với những tin tức tốt được đưa ra, họ sẽ có xu hướng đặt niềm tin vào đó và đầu tư sinh lời. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM lại chỉ ra hai nguyên nhân chính khiến thị trường tiền số bật tăng. Nguyên nhân thứ nhất là sự hồi phục của thị trường tiền số trong thời gian gần đây như là một kênh đầu tư kiếm lời trong ngắn hạn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chật vật đối phó với đại dịch Covid. Ví dụ như giá Bitcoin đã tăng hơn 50% từ đáy 30.000 USD lên 50.000 USD trong thời gian qua và làm cho kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn trở lại so với các kênh khác như thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân thứ hai chính là sự trỗi dậy của các ứng dụng blockchain của Việt Nam, mà điển hình là game Axie đang làm mưa làm gió thị trường blockchain trong thời gian qua. “Đây là những nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư Việt Nam bắt đầu quan tâm lại đến tiền số và các ứng dụng xoay quanh của nó chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư kiếm lời nhờ chênh lệch giá”, ông Huân nói.

Trên thế giới số lượng quốc gia có quy định cụ thể về tiền số còn rất ít. Vì vậy, tiền số được biết đến thông qua sự lan truyền trên các mạng xã hội nhiều hơn là trên các phương tiện truyền thông chính thống. Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. “Theo tổ chức nghiên cứu Statista, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia đứng đầu về sự phổ biến của các trang mạng xã hội, điều này có vẻ khá hợp lý khi so sánh tương đồng với mức độ phủ của tiền số”, ông Sơn nói thêm. 

Việc Việt Nam có lượng người tham gia vào các hình thức này khá cao so với thế giới thông qua các kênh không chính thức, theo TS. Huân, lý do là do Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao so với bình quân của thế giới và khả năng tiếp cận với những công nghệ mới dễ dàng. Đồng thời, tâm lý của đại đa số người dân cũng rất thích phiêu lưu ở các kênh đầu tư có rủi ro cao nhằm mang lại lợi nhuận cao cho mình. “Và các kênh này thỏa các điều kiện trên”, TS. Huân phân tích.

Thị trường tiền số bật tăng  - Ảnh 5

Tuy vậy, chính tâm lý phiêu lưu và thích đầu tư ở các kênh mang lại lợi nhuận cao và sự phấn khích của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tiền số tạo ra các rủi ro dính phải các dự án lừa đảo, biến tướng. TS.Huân chỉ ra rằng hiện nay vẫn còn tồn tại một số coin rác (đồng tiền số đơn giản mang tính đầu cơ chứ không có một ứng dụng thực tiễn hữu ích nào cho xã hội), nên người dân và các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi đầu tư vào đây. “Cũng như sự biến tướng của các đồng tiền số đa cấp, lừa đảo trong thời gian vừa qua khi hứa hẹn trả lãi cao đến hàng trăm phần trăm một tháng, và sau đó chủ của các sàn tiền số đa cấp này ôm tiền bỏ trốn không để lại dấu vết và gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư”, ông Huân nói.

Có cùng quan điểm, ông Sơn cho rằng việc phát triển tiền số ở Việt Nam có thể gây ra một số hệ quả xấu như việc bùng nổ các dự án lừa đảo, đa cấp. “Tôi nghĩ việc sớm có đào tạo chuyên sâu và khung pháp lý cho ngành này là cần thiết”, ông Sơn nói. 

Về quỹ đầu tư, Việt Nam cũng đã có một số quỹ đầu tư mang tầm quốc tế. “Tuy nhiên cần làm rõ các quy định về mảng này sớm, giúp thuận lợi hóa những hoạt động phát triển và đầu tư của quỹ”, ông Sơn cho biết thêm. Với các nhà đầu tư cá nhân, việc họ cần được phổ cập kiến thức là cần thiết, để tránh việc trở thành nạn nhân của các dự án hoặc hành vi đa cấp, lừa đảo.

Tuy nhiên, xu hướng của thị trường tiền số nói chung trong tương lai được các nhà đầu tư đánh giá là khá khả quan. Ông Sơn tin rằng trong thị trường này sẽ bùng nổ bởi tiền số và blockchain là tương lai và cũng là cơ hội để Việt Nam vươn tầm cạnh tranh với thế giới. Tiền số là một mảng khá mới mẻ, được xếp vào lĩnh vực tài chính công nghệ (Fintech) và trong sân chơi này Việt Nam có đủ khả năng phát triển và cạnh tranh với những cường quốc khác. Điều này có thể kể đến những nhân tố tiên phong như Tomochain, Kyber Network kể từ chu kì 2017 - 2018, và mới đây nhất là Axie Infinity và Coin98.

Theo TS. Huân, sự đa dạng về các ứng dụng blockchain đằng sau các đồng tiền số được tin rằng sẽ mở lối cho một nền kinh tế mới - nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ blockchain trong tương lai ở trên thế giới và Việt Nam. 

Một khi các quy định về quản lý, khung pháp lý tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Nhà nước được ban hành thì cũng sẽ là một cơ hội để thị trường tiền kỹ thuật số chính thức được thừa nhận và phát triển ở Việt Nam. Theo TS. Huân, hiện chưa rõ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có dự định phát hành tiền kỹ thuật số của quốc gia hay không và sẽ phát hành đồng tiền kỹ thuật số theo cơ chế nào?

“Nếu như tôi đoán không lầm thì nếu có sẽ vẫn theo cơ chế tập trung như đồng tiền số của Trung Quốc và các quốc gia khác. Tức Ngân hàng Nhà nước vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc phát hành tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ”, TS. Huân chia sẻ.

Thị trường tiền số bật tăng  - Ảnh 6